Sông Mekong: ‘1/5 số loài cá có nguy cơ tuyệt chủng’

BBC

4 tháng 3 2024

Phát triển không bền vững đe dọa sức sống của sông Mekong và sự đa dạng của quần thể cá nơi đây. Một phần năm số loài cá sinh sống ở dòng sông được coi là huyết mạch của Đông Nam Á phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, theo một báo cáo do các nhóm bảo tồn công bố hôm 4/3, Reuters đưa tin.

Chụp lại hình ảnhMột con cá tra dầu Mekong (Pangasianodon gigas) khổng lồ được nhìn thấy trên một chiếc thuyền trên sông Tonle Sap, Campuchia, ngày 21/10/2002. Nguồn hình ảnh: REUTERS

Sông Mekong, trải dài gần 5.000 km từ cao nguyên Tây Tạng đến Biển Đông, là mạch nguồn canh tác và đánh bắt thủy sản của hàng chục triệu người dân ở Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Báo cáo mang tên “The Mekong's Forgotten Fishes“ (“Những loài cá bị lãng quên trên dòng Mekong”) và được tổng hợp bởi World Wildlife Fund cùng 25 nhóm bảo tồn biển và động vật hoang dã trên toàn cầu.

Theo đó, các mối đe dọa chủ yếu đối với quần thể cá sông Mekong bao gồm mất môi trường sống, sự chuyển đổi đất ngập nước sang đất nông nghiệp và ngư nghiệp, khai thác cát quá mức, du nhập các loài xâm lấn, biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng và việc xây dựng các đập thủy điện làm chia cắt dòng chảy của sông và các phụ lưu.

“Mối đe dọa lớn nhất hiện nay và cũng là mối đe dọa đang có xu hướng gia tăng là phát triển thủy điện”, Zeb Hogan, nhà sinh vật học nghiên cứu về cá, trưởng dự án Wonders of the Mekong  một trong những nhóm đứng sau báo cáo, cho biết. 

Chụp lại hình ảnhTheo ước tính, khoảng 19% trong số ít nhất 1.148 loài cá sinh sống ở sông Mekong có nguy cơ tuyệt chủngNguồn hình ảnh: Sirachai Arunrugstichai/Getty Images

Ông giải thích rằng đập thủy điện làm thay đổi dòng chảy của Mekong, vốn là con sông có độ đa dạng sinh học cao thứ ba thế giới, đồng thời làm biến đổi chất lượng nước và ngăn sự di cư của các quần thể cá.

Năm 2022, Reuters từng đưa tin về việc các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn đã chặn lại phần lớn lượng trầm tích cung cấp nguồn dưỡng chất thiết yếu cho hoạt động nông - ngư nghiệp ở đồng bằng sông Mekong.

Chụp lại hình ảnhDòng Mekong là nhà của một số loài cá nước ngọt lớn và hiếm gặp nhất trên trái đấtNguồn hình ảnh: Robert Nickelsberg/Getty Images

Báo cáo hôm thứ Hai ước tính khoảng 19% trong số ít nhất 1.148 loài cá sinh sống ở sông Mekong có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời cho biết thêm rằng con số này có thể cao hơn, vì còn đến 38% số loài sinh sống ở dòng sông vẫn chưa có thông tin đầy đủ để đánh giá tình trạng bảo tồn.

Trong số những loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, có 18 loài được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt vào danh sách "cực kỳ nguy cấp", bao gồm loài cá chép lớn nhất thế giới, cá đuối nước ngọt khổng lồ và hai loài cá da trơn lớn nhất thế giới.

“Một số loài cá lớn nhất và hiếm gặp nhất… ở bất cứ đâu trên trái đất đều xuất hiện trên sông Mekong”, ông Hogan nói.

Báo cáo cũng chỉ ra sự suy giảm số lượng quần thể cá ở sông Mê Kông  vốn chiếm hơn 15% sản lượng đánh bắt thủy sản nội địa của thế giới và tạo ra hơn 11 tỷ USD hàng năm có thể gây nguy hại đến an ninh lương thực cho ít nhất 40 triệu người có sinh kế phụ thuộc vào dòng sông ở khu vực hạ du Mekong.

Ông Hogan cho biết vẫn “chưa quá muộn” để các quốc gia ở vùng đồng bằng Mekong chung tay phối hợp nhằm đảo ngược những tác động bất lợi đối với quần thể cá.

“Nếu chúng ta hành động, và hành động cùng nhau, để khai thác dòng sông một cách bền vững, thì hy vọng vẫn còn”, ông nói.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn