Trao cho giáo dục chức năng hàng đầu là truyền tải văn hóa

TS. Trương Văn Minh (Khoa Văn hoá học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM)

Cách chúng ta nhìn nhận giá trị mới và thủ tiêu những yếu tố phi giá trị, đó chính là chấn hưng văn hóa.

Cần xây dựng và lan truyền những giá trị đạo đức của xã hội, luân lý của con người. Ảnh: Đào Vũ Đình Hoàng

Có nhiều ý kiến cho rằng muốn chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ môi trường văn hóa để tạo ra con người văn hóa, và như vậy các cơ sở hạ tầng của các thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa… phải được ưu tiên đầu tư xây dựng.

Đây cũng là điều hợp lý nếu thật sự đó là một nhu cầu tự thân của văn hóa để thực hiện chức năng giáo dục hoặc nguồn lực xã hội đã dư thừa sau khi đáp ứng các tầng nhu cầu cơ bản của con người về mặt sinh học và môi trường sống an toàn. Bằng không, sẽ dễ dẫn đến lãng phí vì không phù hợp nhu cầu của người dân.

Trong thực tế ở các ngành khác, đã từng diễn ra tình trạng “xây cầu để họp chợ, xây chợ để đánh cầu” vì đi ngược lại nhu cầu thực tế của người dân. Ngay trong nội bộ ngành văn hóa, nhiều nhà văn hóa được xây dựng bề thế nhưng các thành phần khác của thiết chế này như đội ngũ vận hành, kinh phí hoạt động… chưa tương xứng dẫn đến tình trạng biến thành “nhà văn khóa” cửa đóng, then cài như một đại biểu Quốc hội từng phát biểu theo kiểu chơi chữ.

Nếu chấn hưng văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục thì nguồn lực cho chấn hưng văn hóa sẽ tập trung cho giáo dục. Đây là cách làm theo tôi mang ý nghĩa nhất cử lưỡng tiện vì văn hóa và giáo dục không thể tách rời nhau. Hơn nữa, có thể tận dụng cơ sở hạ tầng như trường, lớp; các chủ thể người dạy, người học; tài liệu giảng dạy như sách giáo khoa, giáo trình… và các hình thức sinh hoạt ngoại khóa… của hệ thống giáo dục để chuyển tải những nội dung chấn hưng văn hóa. Trong đó, chủ yếu là xây dựng và lan truyền những giá trị đạo đức của xã hội, luân lý của con người.

Tôi tin rằng nếu tập trung chấn hưng văn hóa vào môi trường giáo dục thì cả hai ngành giáo dục và văn hóa đều được hưởng lợi và nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình. Những đứa trẻ học mẫu giáo nếu được học những vấn đề luân lý cơ bản như vứt rác ra đường là một hành vi xấu thì các cháu có thể “cảm hóa” được cha mẹ đã quên hay chưa học được điều này. Tương tự như vậy, các hành vi văn hóa nâng cao được đưa vào các cấp học cao hơn sẽ góp phần tạo ra những hạt nhân có sức ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Ngoài vấn đề giáo dục, thì tính điều chỉnh và răn đe của pháp luật là mặt song song không thể thiếu của chấn hưng văn hóa. Nhiều người cho rằng pháp luật không nên can thiệp vào các vấn đề đạo đức. Thế nhưng, bản thân pháp luật là một bộ phận của văn hóa. Do đó, nếu văn hóa bị biến đổi theo hướng tiêu cực vì sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến dân trí, dân khí và dân sinh thì pháp luật phải điều chỉnh như một thành phần chức năng của hệ thống văn hóa là điều đương nhiên. Những hình phạt cực đoan của chính phủ Singapore dành cho người vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội của quốc gia này từng gây phản ứng mạnh ở các nền văn hóa khác cũng như ngay cả ở những cộng đồng văn hóa nội bộ, nhưng không ai phủ nhận được rằng nhờ đó mà môi trường sinh thái cùng môi trường văn hóa của đảo quốc này đều đáng mong ước cho nhiều quốc gia.

Để nhận diện thực trạng văn hóa đạo đức hiện nay, tôi quan niệm rằng, phải nhìn vào những biểu hiện thay đổi các giá trị tinh thần của văn hóa theo chiều hướng tiêu cực, trong đó được nhắc đến nhiều là các vấn đề đạo đức xã hội; luân lý cá nhân; giáo dục trong nhà trường, gia đình, xã hội; pháp luật chưa nghiêm; ảnh hưởng xấu của truyền thông; giao tiếp mang tính hai mặt trong ứng xử và diễn ngôn; tiếp xúc và tiếp thu không chọn lọc các yếu tố văn hóa ngoại lai… Như vậy, trong sự biến đổi văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống và tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong xã hội nhưng không còn giữ được vị thế cao và bị những biểu hiện “xấu xí” hơn so với quan điểm cố hữu, thường được gọi là vô văn hóa hay phản văn hóa, lấn át.

Điều này vẫn thường xuyên diễn ra trong tiến trình lịch sử của bất cứ một nền văn hóa nào do những yếu tố nội sinh như thay đổi triều đại thống trị, phương thức mưu sinh (du mục sang nông nghiệp, nông nghiệp sang công nghiệp…). Hoặc do các yếu tố ngoại sinh như sự áp đặt bằng sức mạnh kinh tế, quân sự, chính trị, tôn giáo hay ý thức hệ từ các nền văn hóa khác. Rất hiếm có một sự “đứt gãy” – là một thuật ngữ địa chất chỉ sự trượt và tách rời nhau giữa hai khối liên kết – hoàn toàn về mặt văn hóa khi những giá trị truyền thống hay bản địa bị tách rời và không còn mối liên hệ gì với các giá trị mới hay ngoại lai. Nhưng nếu đứt gãy địa chất thường kèm theo sự hình thành khoáng sản thì biến đổi văn hóa cũng có thể vừa sinh ra những biểu hiện phi giá trị, vừa hình thành những giá trị mới. Điều quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận giá trị mới và thủ tiêu những yếu tố phi giá trị. Đó chính là chấn hưng văn hóa.

Trong sự biến đổi văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống và tốt đẹp vẫn còn tồn tại trong xã hội nhưng không còn giữ được vị thế cao và bị những biểu hiện “xấu xí” hơn so với quan điểm cố hữu, thường được gọi là vô văn hóa hay phản văn hóa, lấn át.

Khi những vấn đề về đạo đức, luân lý, giáo dục… nói trên được nhắc đến nhiều tức đã được xem như những nguyên nhân. Sự thay đổi các giá trị văn hóa theo hướng tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là từ giáo dục, bao gồm triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục và hệ thống cấu trúc của nền giáo dục. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu văn hóa trên thế giới và Việt Nam từ trước tới nay đều thống nhất quan điểm cho rằng văn hóa chính là những giá trị phải được các cá nhân trong xã hội “học” để cùng nhau công nhận và thực hành theo. Việc học này được thực hiện từ trong từng gia đình đến các mối quan hệ ngoài xã hội, từ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, và chủ yếu vẫn phải diễn ra trong hệ thống nhà trường. Để rồi những cá nhân từ trường học sẽ là những hạt nhân lan tỏa các giá trị văn hóa ra toàn xã hội, và như vậy giáo dục chính là một chức năng quan trọng của văn hóa để duy trì và phát huy các giá trị theo lịch đại và đồng đại. 

Ngay từ thời cổ đại, mẹ của Mạnh Tử đã ba lần chuyển nhà để con mình tiếp cận với trường học là quan điểm hết sức đúng đắn khi trao cho giáo dục một chức năng quan trọng hàng đầu truyền tải văn hóa.

T.V.M.

Quốc Ngọc - Thạch Thảo thực hiện

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn