Bơm 24 tỷ cứu SCB: để làm gì, có trả cho người mua trái phiếu?

BBC - 19 tháng 4 2024

Câu hỏi được nhiều người đặt ra trong vụ án Vạn Thịnh Phát là tiền của người dân ở SCB sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo lãnh ra sao, sau khi có thông tin 24 tỷ USD đã được chi để cứu ngân hàng này.

Chụp lại hình ảnh: Sau phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, thông tin Chính phủ Việt Nam bơm 24 tỷ USD cứu SCB tiếp tục gây chấn động dư luận.

Tin độc quyền từ Reuters cho biết chính quyền tại Việt Nam đã tiến hành một cuộc giải cứu “chưa từng có” đối với Ngân hàng SCB.

Theo đó, tính đến đầu tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã bơm gần 24 tỷ USD (khoảng 600.000 tỷ đồng) dưới dạng "khoản vay đặc biệt" vào SCB, theo một trong những tài liệu mà Reuters đã xem. 

Theo tài liệu này, việc bơm tiền đã chậm lại một chút nhưng đạt trung bình hơn 900 triệu USD mỗi tháng trong 5 tháng qua.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt, Tiến sĩ Giang Phùng, nhà nghiên cứu và giảng viên tại Trường Kinh doanh ISC Paris (Pháp), nói rằng vì Reuters ghi số liệu mà họ có được là "từ nguồn tin không được tiết lộ công khai do tính nhạy cảm" nên NHNN cũng có thể phủ nhận sự chính xác của con số. 

"Tuy nhiên, theo những con số công khai và cả lời của Viện Kiểm sát trước tòa thì NHNN đang rất chật vật với việc xử lý các nghĩa vụ nợ của SCB. Theo lịch sử gần đây trong xử lý các ngân hàng yếu kém, thì NHNN sẽ không muốn để SCB phá sản hoàn toàn", TS. Giang Phùng đánh giá.

Tháng 10/2022, khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt giữ, NHNN đã đặt Ngân hàng SCB vào diện giám sát và ra thông cáo để ngăn tình trạng người gửi ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng này.

Ngân hàng Nhà nước 'cứu' SCB như thế nào?

Tiến sĩ Giang Phùng nhận định với BBC rằng có thể số tiền mà NHNN cần huy động để xử lý vụ việc sẽ lớn hơn con số cần trả cho người gửi tiền tại SCB.

"Điều này có thể là để giải quyết cho cả người mua trái phiếu, dù chưa có tiền lệ hay quy định nào là mua trái phiếu sẽ được bảo vệ như gửi tiền vào ngân hàng".

Cần lưu ý rằng, đứng trước làn sóng kiện về việc bị lừa mua trái phiếu tại SCB, SCB nói rằng họ chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng cho các công ty chứng khoán, chứ không ký kết hợp đồng hay thỏa thuận nào với các khách hàng liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định với BBC rằng hình như SCB chỉ bảo lãnh phân phối chứ không phải bảo lãnh thanh toán. 

Khi SCB bảo lãnh phân phối thì đối tượng hưởng lợi là Vạn Thịnh Phát và các công ty con trong hệ sinh thái của tập đoàn này chứ không phải trái chủ. 

"Còn bảo lãnh thanh toán là hình thức có lợi cho các nhà đầu tư, nghĩa là trong trường hợp Vạn Thịnh Phát không có khả năng trả nợ thì ngân hàng đứng ra trả nợ thay cho Vạn Thịnh Phát", ông giải thích.

Bà Giang Phùng nhận xét thêm với BBC rằng, NHNN có thể yêu cầu các ngân hàng trong hệ thống chung tay "cứu" SCB để tránh rủi ro cũng như lấy lại niềm tin của người gửi tiền. Một khả năng nữa là các ngân hàng khác có thể phải nhận sáp nhập một phần hoặc toàn bộ ngân hàng yếu kém, như vậy khoản lỗ của SCB sẽ ăn vào lãi của các ngân hàng thực hiện việc sáp nhập. 

Trong quá trình xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát vừa qua, báo chí Việt Nam đã dẫn thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết Ngân hàng Nhà nước đang gồng mình cho SCB vay khoản tiền khổng lồ để chi trả dần, ổn định tình hình tài chính, không biết khi nào thu hồi đủ. 

Số tiền này không được công khai. Tuy nhiên, Reuters cho biết họ tiếp cận được tài liệu cho thấy NHNN đã chi 24 tỷ USD. 

Con số 24 tỷ USD (hơn 600.000 tỷ đồng) chiếm khoảng 3/4 ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước (hơn 800.000 tỷ đồng).

Thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện tổng số tiền mà ngân hàng huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác là 673.586 tỷ đồng gồm:

  • 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng;
  • 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá;
  • 66.030 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước;
  • 12.693 tỷ đồng tiền gửi và 6.756 tỷ đồng vay của các tổ chức tín dụng khác;

Như vậy, phần lớn tiền trong ngân hàng SCB là tiền gửi của khách hàng và một phần tiền từ các giấy tờ có giá (có thể bao gồm trái phiếu) và tiền vay từ NHNN. 

Những diễn biến tại tòa cho thấy SCB huy động tiền từ người dân gửi với lãi suất cao nhất để cho Vạn Thịnh Phát vay. 

Tiến sĩ Giang Phùng cho rằng con số thiệt hại và số tiền phải trả cho các bên liên quan, chủ yếu là người gửi tiền, là rất lớn khi so sánh với những con số như GDP Việt Nam hay ngân quỹ nhà nước, "nhưng chắc chắn không có chuyện NHNN sử dụng tới cạn ngân quỹ để xử lý vụ này". 

Tiền trái phiếu ở SCB có thể đi đâu?

Vào thời gian bà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm bị bắt vào tháng 10/2022, nhóm khách hàng của bà Trương Mỹ Lan ở SCB còn 1.284 khoản vay với tổng dư nợ là 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 nợ gốc và 193.315 nợ lãi). 

Số tiền này được xác định là không thể thu hồi. 

Vì tính chất phức tạp nên vụ án Vạn Thịnh Phát được chia làm hai giai đoạn. 

Ở giai đoạn 1, hôm 11/4, Tòa án Nhân dân TP HCM đã tuyên bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình tổng hợp ba tội danh tham ô tài sản, đưa hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ở giai đoạn 2, cơ quan chức năng sẽ điều tra, truy tố, xét xử các sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Ở vụ này, Bộ Công an đã xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư, thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu. 

Bà Trương Mỹ Lan sẽ phải đối mặt với thêm hai tội danh là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến trái phiếu và "Rửa tiền" xảy ra tại Vạn Thịnh Phát.

Đối với các vấn đề liên quan đến trái phiếu, trong đó có việc các khách hàng của SCB gửi tiền tiết kiệm sau đó bị chuyển đổi thành trái phiếu, báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời đại diện Tòa án Nhân dân TP.HCM nói rằng tất cả sẽ được xem xét trong giai đoạn 2 của vụ án.

"Trong giai đoạn 2 này, các cơ quan tố tụng tập trung điều tra, truy tố và xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Do vậy, quyền lợi của người dân khi mua trái phiếu sẽ được giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án này", báo Pháp luật TP.HCM cho biết.

Chụp lại hình ảnh: Khách hàng đến đòi tiền tại một số chi nhánh Ngân hàng SCB ở khắp cả nước trong thời gian qua

Đáng lưu ý, lượng tiền mặt "khủng" mà bà Lan bị cáo buộc rút khỏi SCB được xác định là có liên quan đến trái phiếu.

Từ tháng 2/2019 đến tháng 9/2022, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chỉ đạo lái xe của mình là Bùi Văn Dũng đến Ngân hàng SCB nhận tiền. 

Bà Thái Thị Thanh Thảo, Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale của Ngân hàng SCB (Chi nhánh Sài Gòn), chỉ đạo cho bà Trần Thị Thúy Ái, Kiểm soát viên ngân quỹ của SCB Chi nhánh Sài Gòn, xuất tiền mặt giao cho ông Dũng.

Sau đó, ông Dũng chở tiền về nhà cho bà Lan và giao cho Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan). 

Theo điều tra, tổng số tiền mặt rút khỏi SCB là hơn 108.000 tỷ đồng và 14 triệu USD.

Số tiền này được xác định là từ khoản vay tín dụng của Ngân hàng SCB và nguồn phát hành trái phiếu. 

Kết luận điều tra của Bộ Công an cũng thông tin rằng những người có liên quan đến quy trình rút tiền mặt theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan gồm Bùi Văn Dũng, Thái Thị Thanh Thảo, Trần Thị Thúy Ái, Trần Thị Hoàng Uyên đều đã bị khởi tố bị can về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Trả lời BBC News Tiếng Việt, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp từ TP.HCM, nhận định rằng do giai đoạn 2 truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên có thể hiểu, số tiền mặt 108.000 tỷ đồng mà bà Lan rút ra là gồm có tiền từ việc phát hành trái phiếu.

"Ta cần phải làm rõ trách nhiệm của SCB: SCB tham gia với tư cách là đơn vị bảo lãnh phát hành hay bảo lãnh thanh toán hay cả hai". 

"Ngay cả khi SCB chỉ là đơn vị bảo lãnh phát hành thì cũng phải làm rõ SCB đã làm đầy đủ trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh phát hành hay không. Nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh phát hành, có những hành vi, tư vấn sai hoặc gây nhầm lẫn cho người gửi tiền thì SCB vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm", ông Sơn nhận định.

Từ việc hàng ngàn bị hại đều có lời khai giống nhau nên ông Sơn cho rằng có thể đó là chủ trương của SCB chứ không phải trường hợp cá biệt. 

Luật sư Phùng Thanh Sơn còn cho biết chính bản thân ông khi giao dịch tại SCB cũng từng được tư vấn mua trái phiếu như những bị hại khác. Tuy nhiên, là một luật sư, ông Sơn hiểu bản chất trái phiếu là gì nên ông không mua trái phiếu theo tư vấn của nhân viên SCB.

Tác động của vụ án Vạn Thịnh Phát

Với phiên xử Vạn Thịnh Phát diễn ra hơn một tháng và kết thúc là bản án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan, vụ án này được coi là "gây chấn động cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam" và là điểm nhấn trong chiến dịch chống tham nhũng, hay còn gọi là "đốt lò", của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng. 

Nhiều nhà quan sát, chuyên gia cho rằng đại án này sẽ phủ bóng lên nền kinh tế Việt Nam, cả lĩnh vực ngân hàng, đầu tư nước ngoài lẫn lẫn trái phiếu. Đặc biệt, vụ bê bối còn gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. 

Nguồn tin mới của Reuters cho biết, thời điểm tháng 12/2023, tổng số tiền gửi ở SCB đã giảm 80%, xuống còn khoảng 6 tỷ USD. 

Hồi tháng 6/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nói rằng vụ việc liên quan đến Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát "tác động đến kinh tế - xã hội thành phố rất lớn và cũng tác động khiến một bộ phận cán bộ e dè, sợ sai không dám làm".

Tiến sĩ Giang Phùng cho rằng dù là vụ án kinh tế lớn nhưng xét đến những phản ứng hiện tại của thị trường, vụ SCB không nhất thiết báo hiệu một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. 

"Nhìn chung, vụ bê bối SCB bộc lộ những điểm yếu trong quản lý ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ và những cải cách tiềm năng mang lại cơ hội củng cố hệ thống". 

"Những tháng và năm tới sẽ rất quan trọng trong việc thể hiện cam kết của chính phủ về củng cố hệ thống ngân hàng và lấy lại niềm tin của công chúng", bà Giang Phùng nói.

Bà cũng nói rằng những vụ bê bối về tham nhũng quy mô lớn, khiến thế giới quan tâm như vụ Vạn Thịnh Phát thường gây ra lo ngại sẽ có tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư, làm giảm đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, theo bà Giang Phùng, thống kê lại cho thấy xu hướng ngược lại.

"Gần đây, CEO Apple đến thăm Việt Nam cũng hứa hẹn khả năng tăng cường đầu tư. Nguyên nhân có thể là việc các nhà đầu tư tìm địa điểm mới ngoài Trung Quốc để tránh ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung (và xu hướng này chắc chắn còn tiếp diễn), giá nhân công Trung Quốc dần tăng cao", bà Giang Phùng đánh giá. 

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng không chắc Việt Nam thu hút được những nguồn FDI này, do các tập đoàn có thể lựa chọn các quốc gia Đông Nam Á khác.

Việc xét xử bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS, cũng được xem là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những ngân hàng thương mại khác và các doanh nhân khác, để họ ngưng những cách kinh doanh phạm pháp của mình.

"Nếu chính phủ có thể dùng vụ án này như một đòn roi để cảnh cáo những người khác, để thay đổi cách làm ăn, để thị trường ngày một minh bạch và rõ ràng hơn thì điều này sẽ tốt cho nền kinh tế hơn.

"Việt Nam muốn đạt được mục tiêu 2045 thành nước phát triển, thu nhập cao. Để làm được, phải chịu nỗi đau ngắn hạn mới có thể trụ được cuộc chơi dài", ông Hiệp phân tích.

Nguồn:  BBC Tiếng Việt

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn