Nghịch lý đằng sau sự phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô?

Phạm Sơn - 14/04/2024

TheLEADER - Doanh nghiệp nội khát vốn, kiệt quệ trong bức tranh kinh tế đang phục hồi, ổn định vĩ mô được đảm bảo đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2024 nền kinh tế dự báo tăng trưởng 5,66%, lạm phát vẫn được duy trì dưới trần, đảm bảo cho sự ổn định vĩ mô, đây là tiền đề cho thấy nền kinh tế đang nối tiếp đà phục hồi từ năm 2023.

Tuy nhiên, dưới con mắt của một nhà kinh tế học, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đang ẩn chứa rất nhiều nghịch lý.

Nghịch lý đầu tiên chính là thành quả đạt được “mục tiêu kép”, vừa tăng trưởng kinh tế nhưng cũng vừa giữ được mức lạm phát thấp dưới trần 4% do Quốc hội đề ra. Trong khi đó, dựa trên lý thuyết kinh tế căn bản, tăng trưởng và mức lạm phát thường có tỷ lệ thuận.

Tiếp đó, dù lạm phát được duy trì thấp nhưng mức trần lãi suất vẫn đang cao, cung tiền dồi dào nhưng dòng tiền lại bị tắc nghẽn, kẹt ở ngân hàng, kho bạc trong khi doanh nghiệp đang thiếu vốn, khát vốn.

Hệ quả, số lượng doanh nghiệp quyết định rời bỏ thị trường ngày càng tăng từ năm 2023 đến nay. 

Quý I/2024, số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động đã vượt qua số lượng thành lập mới và quay trở lại thị trường, cho thấy sự kiệt quệ về nguồn lực đã trở nên rất trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt được kết quả ấn tượng. Hoạt động xuất khẩu được đóng góp hơn 70% bởi lực lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng có dấu hiệu khởi sắc.

Ông Thiên nhận xét, Việt Nam sở hữu một “nền kinh tế nhị nguyên”, với sự đối lập rõ rệt giữa khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa và doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, tăng trưởng đang đến từ nguồn lực ngoại, còn doanh nghiệp nội thì ngày càng khó khăn, lép vế.

Tuy nhiên, ngay cả khu vực FDI cũng tồn tại nghịch lý. PGS.TS Lê Nguyên Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, doanh nghiệp FDI có thành tích cao, xuất khẩu tốt, đầu tư mạnh, đóng góp vào tăng trưởng nhưng nhìn chung có chất lượng không cao, vẫn còn tình trạng vi phạm quy định về lao động, môi trường, ít hoặc không kết nối với doanh nghiệp nội và chuyển giao công nghệ.

Điều này khiến FDI chưa phát huy được vai trò lan tỏa, dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp nội. 

Đó cũng là nguyên nhân khiến bức tranh doanh nghiệp Việt Nam lại “xám xịt” dù nhìn về số liệu thì kinh tế vẫn đang phục hồi và tăng trưởng, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định.

Doanh nghiệp FDI đã mạnh về vốn, công nghệ, kinh nghiệm, lại còn được nhiều chính sách ưu đãi. Nhiều địa phương thực hiện chiến lược “trải thảm đỏ”, ưu đãi hết cỡ theo kiểu “chạy đua xuống đáy” để thu hút đầu tư nhằm đạt thành tích cao.

Ông Bá so sánh, suốt mấy chục năm nay, doanh nghiệp tư nhân nội với doanh nghiệp FDI như cuộc đấu lệch hạng cân giữa hai võ sĩ

Đây không còn là nghịch lý của bức tranh phục hồi kinh tế nữa mà thực sự là nghịch lý lớn của nền kinh tế thị trường, của mô hình tăng trưởng. Bởi lẽ, trong cơ chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân đáng lý ra phải là lực lượng nắm vai trò chủ lực và chủ chốt.

“Mấy chục năm vẫn như vậy, doanh nghiệp nội vẫn lép vế về chính sách”, nguyên Viện trưởng CIEM nói tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định".

Thực tế, không phải đến lúc lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng mạnh, vấn đề sức khỏe của khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa mới được nói đến. 

Ông Thiên nhìn nhận, những năm gần đây, dù số lượng doanh nghiệp liên tục tăng nhưng doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhỏ về quy mô và ngắn về tuổi đời.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 10% vào GDP, trong khi khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đóng góp trên dưới 30%. 

Đây không còn là nghịch lý của bức tranh phục hồi kinh tế nữa mà thực sự là nghịch lý lớn của nền kinh tế thị trường, của mô hình tăng trưởng. Bởi lẽ, trong cơ chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân đáng lý ra phải là lực lượng nắm vai trò chủ lực và chủ chốt.

Đâu là giải pháp?

Trong bối cảnh những yếu tố bất định vẫn còn đe dọa nền kinh tế và thách thức sức chống chịu của doanh nghiệp, ông Thiên đề xuất cần phải xem xét lại mối quan hệ giữa tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Theo ông Thiên, việc đánh đồng lạm phát thấp là ổn định vĩ mô là cách tiếp cận đơn giản hóa quá mức, rất thiên lệch và không đúng thực chất. Vì cách hiểu này, thời gian qua, Việt Nam thận trọng trong việc bơm tiền để tránh lạm phát, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “khô máu”.

Nhà nước có nhiều biện pháp nhằm khai thông các nguồn lực của nền kinh tế, trên ba tuyến là hạ tầng giao thông, các kênh dẫn vốn như đầu tư công, trái phiếu và cuối cùng là giảm bớt thủ tục hành chính. 

Ông Thiên nhìn nhận, cần phải tìm ra cách tiếp cận khác để khai thông những nguồn lực nói trên nhằm đạt được hiệu quả.

Điều đặc biệt quan trọng cả trong giai đoạn này và về dài hạn là phải ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam theo định hướng thị trường.

Trong đó, trước mắt, giảm lãi suất là chuyện sống còn. Tuy nhiên, ông Thiên nhấn mạnh, giảm lãi suất thôi chưa đủ mà phải hạ mặt bằng lãi suất xuống để “doanh nghiệp Việt được vận động trong một thị trường tài chính cạnh tranh được với thế giới”, coi đây là ưu tiên chiến lược.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mới, câu chuyện phát triển bền vững, công nghệ cao đang trở thành luật chơi chung của toàn cầu. 

Vì vậy, cần Nhà nước có những hành động cụ thể nhằm biến phát triển bền vững, công nghệ cao thành cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân nội, tránh để những yếu tố đó làm “sân chơi riêng” của khu vực FDI.

Nói về câu chuyện tương quan giữa FDI và doanh nghiệp nội, ông Thiên nhấn mạnh, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh thu hút FDI nhưng theo hướng có chọn lọc, làm sao để khu vực này đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp nội cùng phát triển.

P.S.

Nguồn: The Leader

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn