EVN vẫn độc quyền: sao có thể thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh?

RFA

2024.04.17

Tại Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/4/2024, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến, thông qua Dự án Luật Điện lực sửa đổi, để gấp rút sửa Luật này nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.

Công nhân điện làm việc trên lưới điện tại Hà Nội hôm 14/12/2023 (minh họa)AFP

Liệu nếu chỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN0 độc quyền mua bán điện thì có thể có thị trường điện cạnh tranh? Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 17/4/2024, cho rằng đây là một bài toán khó

“Muốn có thị trường điện cạnh tranh là một bài toán lâu dài. Rõ ràng rất nhiều lĩnh vực cho dù tự do cũng chưa chắc tốt bằng độc quyền. Vì thế cho nên trong quá trình Việt Nam đang phát triển đã xem những phân khúc nào cần có cạnh tranh và có thể cạnh tranh thì thực hiện. Còn phân khúc nào không nên cạnh tranh thì Nhà nước có cơ hội đầu tư một cách toàn diện.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, trong quá trình thay đổi vẫn còn có sự so sánh, xem xét… Ông Thịnh nêu ví dụ:

“Ví dụ như thị trường phát điện thì các nhà máy điện có thể áp dụng và có thể cạnh tranh nhau để đáp ứng nhu cầu và có điều kiện để từ đó bán điện cho nên kinh tế. Nhưng cũng có những bộ phận người ta nghĩ là chưa nên cho cạnh tranh. Ví dụ như trong hệ thống truyền tải điện chẳng hạn, đây là một vấn đề khó, đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả lại tương đối khó khăn trong thu hồi vốn, nên chẳng có ai muốn đầu tư truyền tải điện. Vì vậy Nhà nước đang phân vân thực hiện quá trình thị trường hóa, làm sao để dễ dàng và hợp lý hiện là vấn đề khó đối với Việt Nam”.

Trong Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngoài khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng, Bộ Chính trị nêu rõ cần loại bỏ bao cấp, độc quyền, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng mà cụ thể là ngành điện.

Luật Điện lực sửa đổi từ năm 2013 đã quy định, điện lực cùa Việt Nam sẽ chuyển sang ba giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả giai đoạn chuyển đổi đầu tiên cũng bị cho là chưa hoàn toàn được thực hiện.

Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này nhận định:

“Luật Điện lực mới sửa đổi đã quy định điện lực của Việt Nam sẽ chuyển sang ba giai đoạn: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện và bán lẻ điện theo thị trường cạnh tranh hoàn hảo từ năm 2022 trở đi. Tuy nhiên tiến độ đó cho đến hiện nay là chậm, nên trung ương muốn tiến độ nhanh lên, để người dân mua muốn mua điện ở đâu cũng được, mua theo giá cạnh tranh… Nhưng bây giờ thì chỉ gọi là phát điện cạnh tranh, và cũng chưa hoàn hảo vì chưa phải các loại đem vào cạnh tranh. Ví dụ điện BOT vẫn nằm ngoài khu vực cạnh tranh”.

Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, khi việc bán buôn điện nếu thật sự cạnh tranh, thì sẽ có nhiều người tham gia mua đi bán lại điện. Nhưng hiện nay, theo ông, chỉ có một mình EVN làm chuyện đó, không có công ty tư nhân đi buôn điện bán lại, mà chỉ là những công ty con của EVN buôn điện từ Tổng công ty để bán lại với giá cao hơn.

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện. AFP

Một người dân ở Sài Gòn không nêu tên vì lý do an toàn, hôm 17/4/2024 cho RFA biết ý kiến:

“Thứ nhất Việt Nam hiện nay vẫn đang đề nghị Hoa Kỳ công nhận có nền kinh tế thị trường. Như vậy trước hết cần phải thay đổi kinh tế thị trường định hướng XHCN trở thành kinh tế thị trường. Thứ hai, chính việc phải thay đổi này phù hợp với mong muốn của chính quyền Việt Nam và nó cũng là nhu cầu có thật tại Việt Nam. Từ căn cứ quan trọng này mới có căn cứ để thay đổi mô hình quản trị năng lượng, cũng như quản trị điện năng nói riêng. Từ đó mới có căn cứ bỏ cơ chế độc quyền hàng chục năm qua”.

Nếu sửa đổi riêng với Luật Điện lực, mà vẫn giữ kinh tế thị trường định hướng XHCN và vẫn giữ độc quyền kinh doanh điện năng thì sửa luật không thay đổi được gì.

Người dân Sài Gòn

Theo vị này, bây giờ nếu sửa đổi riêng với Luật Điện lực, mà vẫn giữ kinh tế thị trường định hướng XHCN và vẫn giữ độc quyền kinh doanh điện năng thì sửa luật không thay đổi được gì. Ông nói tiếp:

“Ý kiến thứ ba của tôi là dĩ nhiên điện là mặt hàng tối quan trọng của bất cứ quốc gia nào. Mặt hàng điện vừa đảm bảo sản xuất tiêu dùng, mà nó vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia. Muốn hòa hợp hai cơ chế này, tôi nghĩ phải phá bỏ cơ chế độc quyền, các công ty tư nhân có quyền đầu tư sản xuất và mua bán điện, chính cơ sở này sẽ cho người dân chúng tôi sự lựa chọn có quyền ký hợp đồng với công ty tư nhân hay công ty nhà nước để mua điện”.

Trong khi đó để đảm bảo an ninh quốc gia thì theo ông này, tất cả cơ quan công quyền của nhà nước buộc phải mua điện của công ty nhà nước mà thôi. Người này cho biết thêm:

“Trong trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia, thì các công ty tư nhân mua bán điện vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật về an ninh quốc gia. Như vậy vừa phá bỏ được cơ chế độc quyền, lại vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa bảo đảm cho người dân có được tự do mua điện của bất cứ công ty nào thấy phù hợp bản thân hộ gia đình, cũng như các hãng xưởng, công ty kinh doanh…”.

Liệu với tỷ lệ tư nhân đầu tư buôn bán sản xuất điện quá thấp như hiện nay, thì khi hoàn tất quy hoạch ngành điện theo Luật Điện lực, có thể loại bỏ bao cấp, độc quyền?

Nguồn: RFA Tiếng Việt

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn