Kênh đào Funan Techo – tình thế tuyệt vọng của nguồn nước Cửu Long

Hoàng Duy Long

Chính phủ Campuchia đánh giá kênh đào Funan Techo sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Campuchia. Trong khi đó, các chuyên gia lo ngại kênh đào Funan Techo sẽ tác động đáng kể đến tài nguyên nước và môi trường sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã nhận xét gì về dự án kênh đào này?

Theo thông tin trên báo Khmer Times (Campuchia), sau hơn hai năm nghiên cứu về kỹ thuật, pháp lý, kinh tế, môi trường và xã hội cũng như tham vấn liên bộ, dự án hệ thống đường thủy và hậu cần sông Bassac đã được nội các Campuchia công bố lần đầu tiên vào tháng 5.2023. Sau đó, kỳ họp Quốc hội Campuchia khóa VI ngày 19.5.2023 đã phê duyệt dự án với tên gọi chính thức là dự án kênh đào Funan Techo.

 Kênh đào Funan Techo lấy nước từ đâu? 

Ngày 7.6.2023, Chính phủ Campuchia quyết định thành lập một ủy ban liên bộ phụ trách nghiên cứu và thực hiện dự án này. Phó Thủ tướng Sun Chanthol - Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia làm chủ tịch ủy ban liên bộ.

Đến ngày 17.10 tại Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Sun Chanthol ký kết với đại diện Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) thỏa thuận cho phép CRBC tiến hành nghiên cứu khả thi về dự án kênh đào Funan Techo. Thủ tướng Hun Manet đã hiện diện chứng kiến lễ ký kết. Dự án được CRBC xây dựng theo hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) với Nhà nước Campuchia. Kinh phí ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Thời gian thi công khoảng bốn năm.

Trung tuần tháng 1.2024, Bộ trưởng Giao thông - Công chánh Peng Ponea cho biết Campuchia dự kiến tổ chức lễ động thổ để khởi công xây dựng kênh đào Funan Techo vào quý 4 năm 2024 mặc dù lúc bấy giờ CBRC vẫn chưa hoàn tất nghiên cứu khả thi như báo Nikkei Asia (Nhật) ghi nhận.

Kênh đào Funan Techo dài 180 km nối liền kênh Takeo (sông Mekong) với kênh Prek Ta Ek (sông Bassac, đoạn qua Việt Nam gọi là sông Hậu), kênh Prek Ta Hing (sông Bassac) ở huyện Koh Thom và đổ ra vịnh Thái Lan ở tỉnh Kep. Như vậy kênh đào sẽ đi qua 4 tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep với 1,6 triệu dân sinh sống dọc bờ kênh.

Theo thiết kế, kênh đào Funan Techo rộng 100m ở thượng lưu và 80m ở hạ lưu, sâu 5,4m (độ sâu thông thuyền 4,7m) đáp ứng giao thông hai chiều và có thể đón tàu có trọng tải lên tới 3.000 DWT. Dự án dự kiến sẽ xây dựng ba cống đập âu thuyền tại ba tỉnh Kandal, Takeo và Kep, 11 cây cầu, hành lang ven sông dài 208 km ở hai bờ và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ giao thông đường thủy.

Funan Techo mang đến lợi ích gì cho Campuchia?

Theo báo chí Campuchia, kênh đào Funan Techo dự kiến sẽ mang lại nhiều lợi ích:

• Chiều dài đoạn đường vận chuyển giảm (không cần đi qua sông Mekong đoạn chảy qua Việt Nam) nên giảm thời gian lưu thông và chi phí vận tải.

• Mở thêm nhiều khu thương mại và trung tâm hậu cần phục vụ tàu thuyền. Phát triển thêm các cảng vệ tinh mới.

• Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và các khu vực chăn nuôi.

• Tạo thêm công ăn việc làm tại cảng tự trị Sihanoukville, cảng tự trị Phnom Penh và các cảng khác.

• Thúc đẩy phát triển đô thị và quá trình đô thị hóa đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bất động sản.

Tiến sĩ Seun Sam tại Học viện Hoàng gia Campuchia nhận xét: Một trong những lợi thế chính của kênh đào Funan Techo là khả năng cải thiện vấn đề quản lý nguồn nước, từ đó cải thiện tình hình an ninh lương thực cho Campuchia. Ông giải thích: “Nhờ vị trí thuận lợi của kênh đào, hệ thống tưới tiêu hiệu quả sẽ được triển khai nhằm bảo đảm cung cấp nước ổn định cho các khu vực nông nghiệp xung quanh… Kênh đào sẽ góp phần kiểm soát mực nước và ngăn chặn lũ lụt ở các thành phố lân cận bằng cách chuyển lượng nước dư thừa từ sông Mekong vào mùa mưa”.

Ai thụ hưởng nguồn thu từ dự án?

Tin sĩ Chheang Vannarith - Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á (tổ chức tư vấn ở Phnom Penh), nhận xét khoản đầu tư 1,7 tỷ USD cho dự án kênh đào Funan Techo sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể vì chi phí vận tải giảm khoảng 16%, tiết kiệm khoảng 170 USD cho mỗi container 20 feet và 223 USD cho container 40 feet.

Theo nghiên cứu của Chính phủ Campuchia, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) được đánh giá từ 20 - 31%, tức dự án có tiềm năng sinh lời và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, kênh đào Funan Techo sẽ thúc đẩy hình thành trung tâm kinh tế lớn thứ tư của Campuchia bên cạnh ba vùng kinh tế trọng điểm hiện hữu gồm Phnom Penh và khu vực lân cận (kinh tế đô thị), Sihanoukville và khu vực lân cận (kinh tế ven biển), Siem Reap và khu vực lân cận (kinh tế văn hóa và du lịch).

Thủ tướng Hun Manet tuyên bố Campuchia sẽ không vay tiền từ Trung Quốc để thực hiện dự án kênh đào Funan Techo. Trả lời phỏng vấn của trang web China-Global South Project (CGSP ở Mỹ), nhà nghiên cứu cấp cao Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững tại Trung tâm Stimson (Mỹ) giải thích có thể nhà thầu Trung Quốc CRBC chấp nhận rủi ro đầu tư cho dự án.

Nguồn thu từ kênh đào (phí BOT hay hình thức thu phí khác) sẽ thuộc về nhà thầu trong thời hạn nêu trong hợp đồng BOT. Khi hợp đồng hết hạn, nguồn thu từ kênh đào mới thuộc về Campuchia. Ngoài ra còn có nguồn thu từ các dịch vụ cần thiết để chuyển hàng hóa từ sà lan sông sang tàu biển tại cảng mới ở tỉnh Kep có thể do các công ty Trung Quốc cung cấp.

Ông Brian Eyler nhận xét: “Như vậy nguồn thu từ các dịch vụ được tạo ra sẽ không thuộc về người Campuchia mà thuộc về các doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này khiến tôi đặt câu hỏi liệu dự án mang lại lợi ích cho Campuchia nhiều hơn hay mang lại lợi ích cho sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và các công ty Trung Quốc nhiều hơn?”.

"Cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài..."

Trên trang Geopolitical Monitor (Canada), nhà nghiên cứu cấp cao James Borton tại Viện Chính sách đối ngoại thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Paul H. Nitze (SAIS) - Đại học Johns Hopkins (Mỹ) giải thích từ lâu nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các đập thủy điện trên thượng nguồn tác động dòng chảy tự nhiên của sông Cửu Long và hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu, do vậy kênh đào Funan Techo có thể gây tổn hại thêm nữa.

Chuyên gia Brian Eyler nhận định khá bi quan: “Dự án kênh đào này có thể là cây đinh cuối cùng đóng vào quan tài (ĐBSCL)”. Kênh đào Funan Techo sẽ cần hơn 80 triệu mét khối nước và điều này sẽ làm cạn kiệt mực nước sông Cửu Long. Ngoài ra, kênh đào có thể gây rối loạn tình trạng ngập lũ tự nhiên, gia tăng độ mặn và thay đổi dòng chảy trong nông nghiệp và kinh tế ở ĐBSCL. Ông bộc bạch: “Tôi lo lắng nhất là kênh đào sẽ ảnh hưởng đến vùng ngập lũ và gây ra nhiều hậu quả khó lường...”.

Ông phân tích theo thiết kế, kênh đào Funan Techo sẽ chia cắt vùng đồng bằng ngập lũ rộng lớn xuyên biên giới giữa hai tỉnh Kandal và Takeo, đồng thời chạy sâu vào ĐBSCL, như vậy sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của vùng ngập lũ vốn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho người dân ở Campuchia và ở Việt Nam. Vùng ngập lũ này kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp trù phú (một số loại gạo ngon nhất của Campuchia được trồng ở đây) và nghề cá, đồng thời tạo môi trường sống cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Khi kênh đào chia cắt vùng ngập lũ, dòng nước chảy về hạ lưu bị ngăn lại sẽ hình thành khu vực khô ráo ở phía Nam bao gồm một phần các tỉnh An Giang và Kiên Giang, tạo ra khu vực ẩm hơn ở phía bắc. Khi nước tràn vào kênh đào trong mùa mưa, lũ lụt ở Takeo và thậm chí ở ngoại ô phía nam Phnom Penh cũng có thể trầm trọng thêm.

MRC tiếp nhận thông tin gì từ Campuchia?

Báo Nikkei Asia ghi nhận hồi tháng 8.2023, Ủy ban sông Mekong quốc gia Campuchia đã gửi bản tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án kênh đào Funan Techo cho Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC)[*]. Tài liệu này khẳng định “sẽ không có tác động đáng kể nào đến dòng chảy hàng ngày và lưu lượng dòng chảy hàng năm của hệ thống sông Mekong” vì ba cống đập âu thuyền bảo đảm xả nước có “kiểm soát hiệu quả”. Tài liệu còn khẳng định chỉ xảy ra tác động tối thiểu đối với môi trường như “bụi trong không khí và tiếng ồn” trong quá trình xây dựng.

Báo Nikkei Asia ghi nhận ngoài tài liệu kể trên, hiện nay có rất ít thông tin công khai về cách thức Campuchia dự kiến giảm thiểu các tác động khác như làm gián đoạn quá trình ngập lũ tự nhiên của ĐBSCL và việc di dời người dân sống dọc tuyến kênh. Ban Thư ký MRC cho biết họ đã “yêu cầu và đang chờ thêm thông tin từ Campuchia”.

Chuyên gia Brian Eyler nhận xét: “Trong tài liệu không có cuộc thảo luận nào về tác động môi trường thực tế đối với sông Mekong và vùng ngập lũ xuyên biên giới. Tài liệu cũng thiếu phân tích chi phí - lợi ích cũng như thảo luận về cách thức lợi ích kinh tế mang đến cho người dân Campuchia như thế nào”.

Tiến sĩ Chheang Vannarith khẳng định khi triển khai dự án, Campuchia đã tuân thủ điều 5 Hiệp định Mekong năm 1995 (Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong). Nguyên văn quy định A điều 5 như sau: “Trên các dòng nhánh của sông Mekong, kể cả Tonlé Sap, sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực cần phải thông báo cho Ủy ban Liên hợp”.

Về vấn đề này, ông Brian Eyler khẳng định dự án kênh đào Funan Techo liên quan đến dòng chính sông Mekong (chứ không phải dòng nhánh) vì tác động đến dòng chính sông Mekong và kênh Bassac. Như vậy kênh đào sẽ tác động lớn hơn nhiều so với những gì Campuchia tuyên bố.

Theo Hiệp định Mekong năm 1995, các dự án ảnh hưởng đến dòng chính sông Mekong phải được MRC đánh giá kỹ thuật và tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên MRC. Do đó ông cho rằng nếu MRC thực hiện tốt công việc của mình thì nên tham gia đánh giá tác động xuyên biên giới của kênh đào, tổ chức các diễn đàn công cộng trong khu vực, thu thập các ý kiến phản hồi, công bố rộng rãi đánh giá tác động môi trường và xã hội của kênh đào đồng thời phải đưa ra hướng dẫn về cách thức giảm thiểu những tác động đó.

Giải pháp nào bảo vệ vùng ngập lũ truyền thống?

Chuyên gia Brian Eyler kết luận: “Theo tôi, kênh đào Funan Techo sẽ có nhiều tác động môi trường xuyên biên giới sâu sắc không chỉ đối với Campuchia mà còn với Việt Nam”. Vậy Chính phủ Campuchia nên làm gì để giảm thiểu những tác động, ông nói: “Tôi nghĩ phương thức hành động tốt nhất là khai thác các phương án thay thế cho dự án kênh đào như đường cao tốc và đường sắt hiện hữu kết nối cảng tự trị Sihanoukville”.

Ông nói thêm: “Nhưng nếu phải xây dựng kênh đào, điều quan trọng nhất là phải giảm thiểu tác động đến quá trình ngập lũ. Một giải pháp khả thi là dịch chuyển kênh đào xa hơn về phía Bắc để kênh không cắt ngang vùng ngập lũ ở các tỉnh Kandal và Takeo, thay vào đó cắt ngang khu vực khô hạn lâu nay. MRC là cơ quan tốt nhất có thể giúp chính phủ Campuchia khai thác các phương án tránh hoặc giảm thiểu những tác động tiêu cực lớn nhất do kênh đào gây ra”.

Nhà nghiên cứu James Borton đề xuất điều đầu tiên là Campuchia và Việt Nam nên thu hút các nhà khoa học và kỹ sư của hai nước cùng nghiên cứu kỹ lưỡng quy hoạch kênh đào Funan Techo. Ngoài ra, hai nước nên áp dụng Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy (Công ước được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 21.5.1997 và có hiệu lực từ 17.8.2014).

H.D.L.

[*] Ngày 23.4, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) đã tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội. Thông tin về Hội nghị này bạn đọc có thể đọc ở đây: Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn