Một quốc gia không thể phát triển trên sự sợ hãi

Huy Đức

“Xem phim chưởng, thì một đôi đũa, một lá bài, trong tay cao thủ cũng có thể trở thành vũ khí. Nếu tư duy “quy đồng” [mọi người là tội phạm] thì có lẽ, có ngày chúng ta phải ăn bốc, vì đũa là vũ khí nguy hiểm [nhân một vụ thảm án nào đó, có kẻ tấn công bằng đũa]” - Một giáo sư luật nói khi theo dõi những sửa đổi trong “Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.

Theo giáo sư: Cách quản lý hiệu quả và văn minh là quản lý hành vi sử dụng, gắn liền bối cảnh không gian, ví dụ như [mang những công cụ ấy đến] bến xe, ga tàu; chứ bà bán phở, anh tỉ lô phải đeo cái giấy phép lủng lẳng ở cổ khi mưu sinh thì thật là nực cười; quản lý từ sản xuất thì sẽ đẩy chi phí kinh doanh lên, mà chả có tác dụng gì khi làm bếp người ta choảng nhau. 

Rất đồng tình với giáo sư, nhưng tôi không chỉ tiếp cận ở góc độ pháp lý, tôi suy nghĩ rất nhiều ở góc độ an ninh của người dân. Nếu định nghĩa như dự thảo thì gia đình nào của Việt Nam, đặc biệt là nông dân, mà không có ít nhất một công cụ “thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định” [Xem dưới chân bài, phần PS]. 

Vài tuần trước, một vị lãnh đạo lão thành của ngành công an cũng đã rất ngạc nhiên khi thấy báo đài đưa tin “Thanh tra Bộ Công an thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước”. Và ông được một vị tướng về hưu giải thích, đây là “thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và an ninh mạng”. 

Khi Luật An ninh Mạng đang được thảo luận, một số đại biểu và chuyên gia pháp lý đã nhìn thấy tình huống này [công an có thể “vào” trong nhiều ngành]; dù, bằng tư duy quản trị quốc gia thông thường, và hiểu biết của một người từng lãnh đạo ngành, không ai hình dung, công an có thêm chức năng ấy. 

Chúng tôi hiểu những khó khăn của các đại biểu Quốc hội khi phản biện những chính sách, những luật do Bộ Công an trình. Ngay cả chúng tôi, khi lên tiếng góp ý cho những chính sách của ngành công an, cũng thường nhận được khá nhiều khuyến cáo. Nhưng, “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”.

Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an. 

Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát. 

Cảnh sát nên có cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương. Cảnh sát quốc gia, chủ yếu là lực lượng cảnh sát cơ động [chống bạo động và duy trì tính thống nhất]. Còn, đã là cảnh sát địa phương thì phải do chính quyền địa phương có quyền tuyển chọn, bổ nhiệm và điều động, phù hợp với ngân sách và đặc thù địa phương. Những địa phương an ninh tốt [do kinh tế phát triển, dân tin tưởng chính quyền] có thể biên chế một lực lược cảnh sát cực kỳ tinh gọn. 

Ngược lại, cơ quan điều tra thì không bố trí theo cấp hành chính mà có thể phân vùng, địa hạt. Cơ quan điều tra quốc gia chủ yếu điều tra tội phạm tham nhũng, tội phạm về chức vụ và tội phạm có tổ chức [cảnh sát địa phương có thể điều tra hình sự thường như trộm cắp, cố ý gây thương tích…]. 

Quốc hội nên giám sát, đánh giá chủ trương đưa công an chính quy về xã. Nhiều lãnh đạo cơ sở hiện nay đang nuối tiếc cái thời những công an viên của xã dù không ăn lương chính quy, hễ nghe ở đâu có việc [trộm cắp, gây rối…] là “vừa mặc áo vừa chạy tới”; họ là những công an viên gần dân, nắm chắc địa bàn và luôn sát cánh cùng chính quyền xã. 

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn. Chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua và nếu như lừa đảo trên mạng có yếu tố (mặt trái) của thời đại công nghệ thì “cướp ngân hàng” là hiện tượng mà trước đây rất hiếm (ví như: bà Trương Mỹ Lan chuyển hàng nghìn tỷ tiền mặt ra khỏi ngân hàng không bị phát hiện); hay như một vụ nổi loạn có hàng trăm người tham gia không biết từ khi âm mưu.

Tôi tin, nếu cắt giảm 2/3 và tăng lương lên gấp 3, không những an ninh sẽ được cải thiện mà hình ảnh người công an trong mắt người dân cũng sẽ đẹp hơn.

Cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý đất đai, dự án của ta hiện nay rất khó làm đúng. Rất ít ai ở trong hệ thống này đã từng ký tá mà dám tin rằng mình chưa làm gì sai. Hiện thực ấy, đã khiến cho rất ít người đang vận hành hệ thống này không phải sống trong sợ hãi. Không chỉ quan chức. Nên tránh những điều luật khiến cho gần như mọi gia đình và phần lớn người dân đều có thể vi phạm. Đừng để thường dân cũng phải luôn nơm nớp, bất an.

Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. 

Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc bộ công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành. 

Sau những năm tháng ngao ngán chứng kiến quan tham “ăn không từ một cái gì”, háo hức chờ những vụ bắt bớ; giờ đây, cái đất nước cần là một giai đoạn thật sự thái bình. Cần những sửa đổi về thể chế để sao cho quan có thể tử tế khi còn tại chức, dân có thể ngủ ngon khi nói và làm những điều ngay thẳng. 

*

PS: Theo dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Dự thảo luật này cũng yêu cầu “khai báo vũ khí thô sơ và dao có tính sát thương cao trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu”.

H.Đ.

Nguồn: FB Trương Huy San

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn