Bi, hài chuyện văn chương

Tạ Duy Anh 

Hoàng Cát viết Cây táo ông Lành hiền lành như một chuyện cổ tích. Thế mà 50 năm trước ông gặp "họa văn chương" đến mức có thể vẫn ôm hận cả khi xuống mồ.

Nó là hậu quả của thứ phê bình suy diễn, trong khi những người có quyền cấm đoán tác phẩm thì hoặc quan liêu, hoặc không hiểu gì về nghệ thuật.

Tình trạng này kéo dài đến ngày nay.

Xin ông Sương Nguyệt Minh bức ảnh Hoàng Cát rất đẹp này.

Năm 2002 tôi đăng truyện ngắn "Người khác", lấy bản thân mình làm mẫu cho nhân vật chính. Những việc làm, sự kiện, sự cố cho đến cả tiểu sử gắn với nhân vật, đều được lấy ra từ chính tôi. Tôi chủ động tự giễu mình, một thứ khoái cảm cá nhân và tôi vẫn thường lặp lại trong vài sáng tác sau này. Vậy mà lập tức nó bị suy diễn là tôi bôi xấu ông NĐM và đã có những đề nghị phải xử lý hình sự! May nhờ sự tỉnh táo, sáng suốt của ông NKĐ, sự việc mới dừng lại.

Là người có nhiều tác phẩm bị cấm, dần dà tôi cũng tìm hiểu để biết những ai to mồm và quyền lực nhất trong việc "ra quyết định" cấm đoán đó. Tôi không muốn nêu tên họ ra đây, nhưng biết rõ họ đến mức nói luôn rằng: đó là những ông, bà có hàm giáo sư, có bằng tiến sỹ văn học hoặc lý luận chính trị; có chân trong các loại hội đồng. Đặc điểm chung của họ là bất tài, dối trá, đố k, thích thể hiện quyền lực, thích làm hại người được công chúng quan tâm, thích tâng công với cấp trên đồng thời quan trọng hóa vai trò của bản thân...

Không thể kể hết tên tác giả và tác phẩm văn chương bị ruồng bỏ, chỉ vì tệ nạn suy diễn thô thiển.

Cũng chính cái đám ấy đã khiến những bài hát bất hủ như Lên ngàn, Tình ca của Hoàng Việt; Làng tôi, Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao... bị cấm hát những khoảng thời gian khác nhau.

Suốt thời gian dài, một ông tên là Lành có vẻ là người phải chịu trách nhiệm chính của những vụ án văn chương oan khuất, trong đó có số phận long đong của chính ông cháu gọi ông bằng cậu, trường hợp bi hài mà tôi sắp nói tới.

Bi hài bởi căn cứ vào phần lớn tác phẩm của Phùng Quán, thì ông là nhà tuyên truyền nhiệt thành cho chế độ. Ông dính án Nhân Văn cũng đầy chất nghệ sỹ, chả có chính kiến gì rõ ràng, ít ra so với Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm...

Xin hãy đọc bảng thống kê tác phẩm (và các giải thưởng đi kèm) dưới đây của Phùng Quán. 

- "Vượt Côn Đảo", Tiểu thuyết, 1955, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007;

- "Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi". Thơ, 1955. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1955; Báo Phụ nữ Liên Xô dịch và in, 1957;

- "Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo", Thơ, 1955. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007;

- "Như con cò vàng trong cổ tích" - Tập truyện thiếu nhi, Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin, do hãng Thông tấn Nôvôxti (Liên Xô) tổ chức năm 1970; Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1987;

- "Vĩnh Linh, lịch sử văn hóa". Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1982;

- "Dũng sĩ chép còm". Truyện thiếu nhi; Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, in với bút danh Trần Vỹ Dạ (do nhà thơ Thanh Tịnh chuyển). Khi Phùng Quán được phục hồi hội tịch mới đổi lại tên Phùng Quán, tái bản tại Nhà xuất bản Kim Đồng;

- "Tuổi thơ dữ dội", Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1987 – Giải A văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, 1988. Năm 1990 được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dựng thành phim, Giải thưởng Bộ Quốc phòng 2000, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007;

- "Thơ Phùng Quán", Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995;

"Trăng hoàng cung", Tiểu thuyết thơ, Nhà xuất bản Thanh Văn, USA 1993. Năm 2007, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh tái bản;

- "Ba phút sự thật", Ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tái bản bổ sung 2009;

- "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?", Hồi ký, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007;

- "Phùng Quán còn đây", Di cảo của Phùng Quán và Hồi ức của bạn bè, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007.

Xin nói ngay, phần lớn trong số đó đỏ roẹt về tư tưởng và giờ đây không ai muốn đọc vì tính tuyên truyền lộ liễu và vì sự giản đơn của nó. Cuốn "Ba phút của sự thật" cũng thuộc dạng sơ sài so với chính đời ông. Nó khác hẳn với những công trình to lớn, k vĩ, lầm lì như đá tảng của Trần Dần. Có lẽ cả phần đời sau này Phùng Quán đói ăn và đói men, vì thế ông không có tâm trí để thiết kế cho mình những dự án lập ngôn lớn. Cũng có thể nguyên nhân là tính ông bộc trực, dễ nổi nóng (thứ đáng giá nhất khiến hậu thế cứ phải nhớ ông).

Văn chương vốn đã quá nghiệt ngã: đãi được vàng chỉ một tí, trong khi rác thải tuôn ra chất thành núi, lại còn bị cái đám hội đồng hồng vệ binh săn đuổi, bức hại, khiến nó thành thứ nghề nguy hiểm và nhiều khi vô dụng. Bởi đa số các ngòi bút, vì sợ, vì vụ lợi, vì danh hão, vì không cưỡng nổi miếng bả giải thưởng cám dỗ..., cuối cùng đành uốn cong theo ý muốn của họ.

Vì phải chăm sóc người thân phẫu thuật, tôi đành chia buồn muộn và từ xa với gia quyến nhà thơ Hoàng Cát. Ông từng ôm đến ba tập bản thảo dày cộp, dúi vào tay tôi: Nhất định em phải đứng tên biên tập cho anh những quyển sách này. Tôi đã trân trọng xếp ở vị trí ưu tiên đọc trước trong tủ bản thảo.

Nhưng tận cho đến khi tôi về hưu vẫn không thấy ông quay lại.

T.D.A. 

Nguồn: FB Lao Ta

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn