Chuyện di sản dưới Cột cờ Hà Nội hơn 200 tuổi

Hoàng Tấn - Nguyễn Hữu 

Xem bài này để thấy một “Tư lệnh ngành” xử lý vấn đề như gà mắc tóc và chỉ biết đánh võ mồm, kêu khó. Vậy thì dân cần ông để làm gì không biết?!

Bauxite Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết phát triển du lịch một cách ồ ạt trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Tại một số di sản tiêu biểu như: Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long, núi Bà Đen, núi Sam… có tình trạng tự ý xây dựng các công trình dịch vụ/du lịch khi chưa được cấp phép. 

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21.8, đại biểu Dương Văn Phước (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Nam) cho biết tại kỳ họp thứ 3 và phiên chất vấn thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông đã có chất vấn trách nhiệm quản lý Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Cột cờ Hà Nội khi để hàng quán lấn chiếm không gian, làm mất mỹ quan và sự tôn nghiêm của di tích.

“Bộ trưởng đã trả lời bằng văn bản và hứa chỉ đạo các cơ quan liên quan tôn tạo, chỉnh trang nhưng sau hai năm chưa được giải quyết. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm về thực hiện lời hứa và bao giờ thực hiện được lời hứa trước cử tri và nhân dân cả nước?”, ông Phước nói. 

Cột cờ Hà Nội được khởi dựng cùng với xây thành Hà Nội vào đầu thời Nguyễn (1805 - 1812). Ảnh: Tuấn Mark

Trả lại không gian thông thoáng cho Kỳ đài

Phản hồi đại biểu Dương Văn Phước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Cột cờ Hà Nội là một trong các hạng mục nằm trong khuôn viên được xác định là Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và UNESCO đã xếp hạng, vinh danh. 

Theo Luật Di sản văn hóa, các di tích, di sản sau khi được vinh danh thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cụ thể là chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ di tích, di sản... Do đó thẩm quyền chính thuộc UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vì Cột cờ Hà Nội có yếu tố lịch sử và dù theo quản lý nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội nhưng có giao thoa: Bộ Quốc phòng đang quản lý do nằm ngay tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Hiện Hà Nội đang có phương án tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tôn tạo Cột cờ Hà Nội. Bộ cũng đã có công văn trả lời ý kiến thẩm định, đề nghị Hà Nội sớm tổ chức giải tỏa vườn cây, các lều quán, làm cho mặt bằng thông thoáng.

“Hy vọng với nguồn lực Hà Nội được đầu tư, với cách làm đúng đắn thì Hà Nội và Bộ Quốc phòng sẽ thống nhất sớm. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc và đề nghị thành phố Hà Nội, các đơn vị có liên quan để phát huy được giá trị di tích như đại biểu quan tâm”, Bộ trưởng Hùng nói.

Cột cờ Hà Nội xưa. Ảnh tư liệu

Trước đó, tại văn bản trả lời chất vấn gửi đại biểu Phước, Bộ trưởng Hùng thông tin, UBND thành phố Hà Nội đang triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được Bộ thẩm định. Theo đó Kỳ đài (di tích Cột cờ Hà Nội) được đề xuất bảo quản, tu bổ và tôn tạo với nội dung: “Không gian xung quanh Kỳ đài sẽ được xử lý giải tỏa các nhà dân, vườn cây, trả lại khoảng không thông thoáng, mở rộng tầm nhìn từ các hướng đến công trình”. Trong quá trình triển khai tiếp theo, Bộ sẽ hướng dẫn, có ý kiến đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý tôn tạo, chỉnh trang khu vực đảm bảo tôn nghiêm, trang trọng và mỹ quan.

Theo tư liệu Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Kỳ đài được khởi dựng cùng với việc xây thành Hà Nội vào đầu thời Nguyễn (1805 - 1812). Vị trí này vốn là nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê. Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây theo đường “ngự đạo”, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là điện Kính Thiên. Kỳ đài là một trong những công trình kiến trúc quý báu còn lại thuộc khu vực Thành cổ Hà Nội may mắn thoát khỏi sự phá hủy của thực dân Pháp trong những năm 1894 - 1897.

Nguy cơ di sản bị ô nhiễm

Liên quan đến những vướng mắc, trở ngại trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay nói chung và di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội nói riêng, Bộ trưởng Hùng cho biết nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và giá trị di sản văn hóa còn chưa đầy đủ và tương xứng với vai trò và vị trí của di sản trong đời sống xã hội, chưa coi bảo tồn di sản văn hóa là mục tiêu và động lực phát triển bền vững kinh tế xã hội, chưa chú trọng ưu tiên cho việc bảo tồn, giữ gìn di sản. 

Việc phát triển du lịch một cách ồ ạt trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Tại một số di sản tiêu biểu như: Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long, núi Bà Đen, núi Sam… cho thấy những tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch… để đón khách khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Đơn cử một số vụ việc: xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình; xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam ở An Giang…

“Trên thực tế hiện nay vẫn còn di tích bị tu bổ sai quy cách, nhất là các di tích được tu bổ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do buông lỏng quản lý, do sự thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân ở các địa phương, của những người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công, muốn thay mới toàn bộ các cấu kiện kiến trúc cho bền chắc nên phản đối việc áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp... theo nguyên tắc của tu bổ di tích, muốn di tích được xứng tầm, hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến làm mới di tích...”, Bộ trưởng Hùng cho biết.

Nguồn lực bảo tồn di sản chưa tương xứng

Theo Bộ trưởng Hùng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp, nhất là di sản văn hóa phi vật thể. Những năm qua, ngân sách Nhà nước đều hỗ trợ cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích nhưng so với nhu cầu vốn vẫn ở mức thấp, nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí tu bổ. Đối với những di tích đã được hỗ trợ từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (nay là Chương trình phát triển văn hóa), nguồn kinh phí đầu tư đối ứng của địa phương rất thấp.

Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Thiếu chính sách để huy động các nguồn lực tham gia vào đầu tư tu bổ di tích. Việc tái đầu tư nguồn thu trở lại cho hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản chưa được thực hiện đầy đủ. 

Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn. Còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích; về vật liệu, hóa bảo quản; về khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật; các kiến trúc sư - lực lượng chủ chốt thực hiện tu bổ di tích chưa được tham gia sâu các khóa đào tạo chuyên môn hóa; công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu ở một số trường đại học.

“Tại các di tích, bên cạnh chấp hành tốt quy định pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa, tình trạng ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản mà ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Nhiều nơi còn lúng túng trong xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững...”, Bộ trưởng Hùng cho biết.

H. T. – N. H.

Nguồn: Nguoidothi.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn