Mạn đàm về dạy thêm học thêm

Nguyễn Cảnh Thụy

Luật Giáo dục, các văn bản dưới luật nhằm kiến tạo một nền giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, phong phú cho mọi người. Mạng xã hội đang sôi động về chuyện dạy thêm học thêm xung quanh cái Thông tư dự thảo của Bộ GDĐT, với những ý kiến trái chiều, nhưng dường như không mấy ai quan tâm đến hệ thống văn bản pháp quy- cơ sở pháp lý để bàn.

1. Mạng lưới đào tạo chính quy bao gồm trường công lập và tư thục. Điểm khác giữa công lập và tư thục là, một đằng được ngân sách đầu tư (công lập) nhưng phải tuân theo quy định chặt chẽ về thời lượng dạy học và mức thu học phí; một đằng tuy không được ngân sách đầu tư (tư thục), nhưng không bị trói buộc quá chặt vào thời lượng học (nên học sinh có cơ hội học thêm, học nâng cao) và mức thu không cố định (mà theo biên độ rộng). Hai loại hình trường (công lập, tư thục) vừa hỗ trợ nhau tạo cơ hội cho học sinh được học tùy chọn theo khả năng và điều kiện vừa cạnh tranh lẫn nhau, tạo động lực cho giáo dục chính quy phát triển.

2. Mạng lưới giáo dục phi chính quy là các trung tâm giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập. Các trung tâm này vận hành theo cơ chế tự chủ tài chính, theo quy luật cung- cầu về dịch vụ giáo dục trong nền kinh tế thị trường, với phương châm đáp ứng nhu cầu “CẦN GÌ HỌC NẤY” của mọi người (trong đó có cả việc bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém). Các trung tâm này tuy không có đội ngũ giáo viên cố định, nhưng lại có thế mạnh là có cơ chế để thu hút giáo viên giỏi ở các nơi đến và học sinh được học thầy giỏi theo đúng nguyện vọng, trong đó có học thêm.

3. Học thêm là nguyện vọng chính đáng của học sinh, không có gì sai và về mặt nào đó có thể còn khuyến khích (nhất là với hs có năng khiếu hoặc lực học còn yếu), nên không thể cấm. Nhưng vấn đề cần nói ở đây là tính hợp pháp, hợp lý của việc đáp ứng nhu cầu học thêm của các cơ sở giáo dục. Nếu cần một cơ sở giáo dục nào đó đáp ứng nhu cầu học thêm của học sinh thì trước hết, việc đó không thuộc về trường phổ thông công lập. Tư duy theo Luật Giáo dục (và các văn bản dưới luật), thì chỉ các trường tư thục và các trung tâm đào tạo phi chính quy mới thỏa mãn các điều kiện: vừa học theo nhu cầu tự chọn, vừa đóng góp theo sự tự nguyện thoả thuận của người học với cơ sở làm dịch vụ giáo dục. (Trường phổ thông công lập không có chức năng ấy, nếu có bồi dưỡng học sinh giỏi hay phụ đạo học sinh kém thì phải xác định đó là trách nhiệm chứ học sinh không phải đóng tiền). Giáo dục trong một nền kinh tế thị trường đã hoàn thiện mà trường công lại vừa muốn hưởng ngân sách vừa muốn "dạy thêm", kiểu bắt cá hai tay, thì cơ chế này có khác gì gần 40 năm trước, doanh nghiệp nhà nước vừa sản xuất theo kế hoạch giao, vừa làm "kế hoạch ba không"?

4. Việc Bộ GDĐT giao cho Vụ Trung học soạn thảo Thông tư hướng dẫn dạy thêm học thêm là mặc định việc dạy thêm học thêm thuộc về trường phổ thông. Việc làm này dẫn đến rất nhiều hệ lụy về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp (xin không bàn ở đây) thì ai cũng rõ. Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là, nó vừa thiếu căn cứ pháp lý; vừa lấn sân và tạo rào cản cho sự phát triển của trường tư thục và các trung tâm giáo dục thuộc mạng lưới đào tạo phi chính quy. Nó làm cho chủ trương lớn là "đa dạng hóa loại hình" trường và "xã hội hóa giáo dục" của đảng và nhà nước bị phá sản. Đồng thời, kéo tư duy quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm của Bộ trưởng xuống ngang tầm cấp vụ- tức là không thấy được tính hệ thống của một nền giáo dục đang chủ trương kiến tạo. Nó cũng khiến người ta không thể không đặt câu hỏi: liệu trong vấn đề này, có lợi ích nhóm chi phối?

N.C.T.

Nguồn: FB Nguyễn Cảnh Thụy

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn