Radar trên đảo Tri Tôn: Trung Quốc có thể do thám miền Trung Việt Nam và xa hơn?

BBC

Việc Trung Quốc thiết lập hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ có tác động như thế nào đến Việt Nam?

Chụp lại hình ảnh: Hệ thống radar chống tàng hình trên đảo Tri Tôn có cấu trúc hình bát giác, giống hệ thống SIAR cũng do Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa vào năm 2017, theo Chatham House. Ảnh chụp đảo Tri Tôn từ vệ tinh vào tháng 9/2024. Nguồn hình ảnh: Planetlabs

Theo viện nghiên cứu Chatham House (Anh) vào ngày 17/10, hệ thống radar trên đảo Tri Tôn sẽ giúp lấp đầy khoảng trống do thám không phận bên giữa đá Xu Bi và đảo Hải Nam.

Đảo Hải Nam cách đá Xu Bi khoảng gần 1.000 km, còn đảo Tri Tôn nằm ở giữa, cách đảo Hải Nam chừng hơn 300 km và cách đá Xu Bi chừng hơn 600 km.

Một khi được hoàn thành, hệ thống radar khẩu độ xung lực tổng hợp (SIAR) trên đảo Tri Tôn sẽ góp mặt để hình thành một mạng lưới gồm ít nhất ba hệ thống radar chống tàng hình trên Biển Đông mà Trung Quốc đã thiết lập trong thập kỷ qua.

Nhà nghiên cứu Gregory B Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Hoa Kỳ, nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 26/10:

"Hạ tầng do thám trên đảo Tri Tôn cũng giống như những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông và cho thấy họ đang ngày càng áp đảo về năng lực radar trên tuyến hàng hải này. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể giám sát hầu hết những chuyển động trên biển hoặc trên không ở Biển Đông và có thể đáp trả theo cách mà mình muốn".

Uy lực của hệ thống radar SIAR

Tiến sĩ Benjamin J. Sacks, nhà nghiên cứu từ Rand Corporation, ngày thứ Bảy 26/10 bình luận với BBC News Tiếng Việt về khả năng SIAR có thể phát hiện được máy bay và các thiết bị tàng hình.

"Hệ thống radar SIAR hoạt động trong dải vô tuyến tần số rất cao (VHF)".

“Khả năng phát hiện của radar VHF bị hạn chế bởi ‘bước sóng dài’ của nó cũng như các tín hiệu cạnh tranh, các sự can thiệp điện từ và tầng điện ly rời rạc”.

"Tuy nhiên, từ những năm 1990, các chuyên gia Trung Quốc đã tinh chỉnh SIAR thành một thiết bị dò VHF chính xác, một nền tảng thu thập thông tin tình báo và hệ thống dẫn đường tên lửa".

"Nếu đúng như vậy thì, về mặt lý thuyết, SIAR có thể vượt qua khả năng chống 'radar băng tần UHF, L và S' của các chiến đấu cơ tàng hình. Các kỹ sư phương Tây đã tập trung vào việc phát triển các hệ thống chống radar cho các băng tần vi sóng này do những hạn chế từ trước đến nay của VHF".

Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cho rằng SIAR có thể có sức mạnh "răn đe đáng kể":

"Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản, tất cả đều vận hành máy bay tàng hình F-35 (và Mỹ còn có F-22). Những loại máy bay này có thể tiếp cận Biển Đông thông qua hệ thống định vị tiền phương trên bộ và trên biển (chẳng hạn tàu sân bay, lãnh thổ các nước đồng minh và đối tác). Do đó, chỉ cần sự hiện diện của SIAR thôi thì cũng đã có thể đóng vai trò răn đe đáng kể rồi".

"Hệ thống SIAR có khả năng tích hợp với các hệ thống điện từ khác để tạo ra một mạng lưới răn đe đa miền linh hoạt. Hệ thống này có thể cho phép Trung Quốc tạo một hàng rào bao bọc ranh giới yêu sách đường 10 đoạn trên Biển Đông, một yêu sách rộng lớn điên rồ và thiếu căn cứ, xâm phạm UNCLOS và các luật quốc tế liên quan".

Hồi tháng 8/2023, bản đồ 2023 của Trung Quốc đã được chính thức công bố trên trang web của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, trong đó có đường chữ U gồm 10 đoạn trên Biển Đông, "dựa trên cách vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới", Hoàn cầu Thời báo viết trên mạng xã hội X.

Theo Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Đại học Johns Hopkins (Mỹ) năm 2020, SIAR phát ra "một lượng năng lượng tương đối lớn". 

Một số nghiên cứu đã xác định radar là nguồn chính của các trường bức xạ cường độ cao có thể gây nhiễu cho hệ thống điện tử hàng không, dẫn đường và thông tin liên lạc của máy bay. 

Tiến sĩ Benjamin J. Sack cho biết SIAR có thể tạo nguy cơ đáng kể cho máy bay dân dụng. 

"Mạng lưới SIAR đang ngày càng được tăng cường của Trung Quốc có thể tạo thêm một rào cản nữa cho máy bay dân dụng nào muốn đi vào vùng trời đông đúc trên Biển Đông, nơi ngày càng nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc", ông nói thêm.

Chụp lại hình ảnh: Hệ thống radar có khả năng phát hiện các phương tiện tàng hình trên Biển Đông

·       Tướng Trung Quốc thăm Việt Nam, ký kết gì với tướng Phan Văn Giang?  25 tháng 10 năm 2024

·       Trung Quốc xây hệ thống radar trên đảo Tri Tôn: Việt Nam đối mặt nguy cơ nào? 19 tháng 10 năm 2024

·       Tàu Trung Quốc đã tấn công, đánh đập ngư dân Quảng Ngãi như thế nào?  2 tháng 10 năm 2024

Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), nhận định với BBC News Tiếng Việt vào ngày thứ Sáu 25/10 rằng hệ thống SIAR được thiết kế để chống lại các phương tiện tàng hình của Mỹ như máy bay ném bom Northrop B-2 Spirit.

Ông cũng nói rằng với năng lực công nghệ của hệ thống này, vốn được thiết kế để phát hiện và theo dõi các vật thể khó bị phát hiện, thì các mục tiêu khác – chẳng hạn các phương tiện của Việt Nam – cũng nằm trong vùng phủ sóng.

"Mạng lưới radar này cho thấy chênh lệch sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc so với các đối thủ trên Biển Đông, chẳng hạn Việt Nam. Giờ đây vấn đề không chỉ là việc Quân đội Trung Quốc tăng cường trang thiết bị quân sự, mà còn là khả năng C4ISR [hệ thống tự động hóa chỉ huy], đóng vai trò tối quan trọng khi xảy ra xung đột, đặc biệt là về mặt phát hiện, theo dõi và định vị mục tiêu cho khả năng tấn công tầm xa của mình".

"Cần nhắc lại rằng khi cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022, trên hành trình từ điểm dừng chân trước đó ở Đông Nam Á [Malaysia], máy bay của bà đã cố tình đi theo một hành trình vòng vèo tránh xa Biển Đông".

"Điều này cho thấy mối quan ngại của Washington lúc bấy giờ về khả năng giám sát và theo dõi của Trung Quốc trong khu vực, bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn về một cuộc chạm trán trên không có thể bất ngờ xảy ra", Tiến sĩ Collin Koh nói thêm.

Lợi thế do thám dịch chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc

Chụp lại hình ảnh: Bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng được xem là khu vực phòng thủ trọng điểm của Việt NamNguồn hình ảnh: Google Earth

Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá với BBC News Tiếng Việt vào ngày thứ Sáu 26/10:

"Tác động lớn nhất sẽ là việc Trung Quốc có khả năng phát hiện các động thái của Việt Nam trong một phạm vi rộng lớn hơn, bao trùm toàn bộ miền Trung của Việt Nam. Trước đây, trạm radar của Việt Nam ở bán đảo Sơn Trà cho Việt Nam một lợi thế về thông tin và quan sát tại khu vực giữa Biển Đông. Nay với trạm radar của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn, lợi thế đó đã chuyển sang Trung Quốc".

Bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng được xem là khu vực phòng thủ trọng điểm của Việt Nam, nơi có trạm radar được gọi là "mắt thần Đông Dương".

"Trạm Rađa 29, thuộc Trung đoàn 290 - Sư đoàn Phòng không 375 là trạm tiền tiêu có vị trí trọng yếu, đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, được mệnh danh là 'Mắt thần Đông Dương' có nhiệm vụ cảnh giới và theo dõi không lưu của toàn bộ vùng nước Biển Đông và bầu trời Việt Nam", theo cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng vào ngày 18/3/2024.

Tiến sĩ Benjamin J. Sacks cũng nhắc đến việc hệ thống SIAR sẽ tạo một "chướng ngại đa miền" đáng kể giữa Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa.

"Trung Quốc sẽ gia tăng khả năng giám sát đối với tất cả các tàu bè ra vào hoặc hiện diện tại Cảng Đà Nẵng, một cảng nước sâu chiến lược của Việt Nam và các tàu thuyền Việt Nam di chuyển giữa thành phố Hải Phòng ở miền Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam".

"Vấn đề này quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế của Việt Nam. Đà Nẵng là một nút thắt quan trọng trong Hành lang kinh tế Đông-Tây của Đông Nam Á và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hàng hải của Việt Nam".

Ông đánh giá hệ thống SIAR trên đảo Tri Tôn có thể được dùng để can thiệp hoặc gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc quân sự và dân sự của Việt Nam và thu thập thông tin tình báo, gây cản trở quá trình quá cảnh an toàn của các quốc gia khác giữa Việt Nam và Quần đảo Hoàng Sa.

Ông đánh giá hệ thống SIAR trên đảo Tri Tôn có thể được dùng để can thiệp hoặc gây nhiễu hệ thống thông tin liên lạc quân sự và dân sự, hệ thống điều khiển hàng hải dân sự và quân sự của Việt Nam, cũng như có thể thu thập thông tin tình báo.

Sự xâm lấn rộng hơn của Trung Quốc có thể khiến phương tiện của các quốc gia khác đối mặt với nhiều rủi ro khi đi qua vùng biển giữa Việt Nam và Hoàng Sa.

Chiến thuật mới sau vụ giàn khoan Hải Dương 981

Chụp lại hình ảnh: Đảo Tri Tôn là một thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và nằm gần Việt Nam nhất. Ảnh chụp đảo Tri Tôn từ vệ tinh vào tháng 11/2023. Nguồn hình ảnh: Planetlabs

Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá Trung Quốc có thể sẽ thử nghiệm chiến thuật mới trên Biển Đông.

"Theo tôi, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động thăm dò dầu khí và sẽ dùng các hoạt động này để khẳng định chủ quyền theo 'đường lưỡi bò' của họ ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ sử dụng các chiến thuật đã thành công trong quá khứ hoặc thử nghiệm những chiến thuật mới. Trung Quốc sẽ không lặp lại những gì họ đã làm trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014".

Lần đầu tiên Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển mà Việt Nam tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình là vào ngày 1/5/2014, đặt tại địa điểm chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý. 

Sự kiện này đã dẫn tới đối đầu trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bước đi của Trung Quốc cũng đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.

·       Phóng thử tên lửa liên lục địa: Trung Quốc muốn gì?  10 tháng 10 năm 2024

·       Nhận diện công ty Trung Quốc non trẻ mà Việt Nam muốn trao hợp đồng lắp cáp biển  8 tháng 10 năm 2024

·       Bài toán cáp biển Việt Nam: Lệ thuộc Mỹ hay Trung Quốc đều gặp trái đắng   17 tháng 10 năm 2024

Tiến sĩ Collin Koh đánh giá sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 cho thấy Hà Nội đã không nhượng bộ trước sự cưỡng bức của Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Xét sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc so với Việt Nam hiện nay, ông cho rằng hệ thống radar SIAR trên đảo Tri Tôn cũng có điểm yếu, đó là dễ lộ sơ hở và dễ bị tấn công và hoàn toàn nằm trong phạm vi tấn công tầm xa của Hà Nội.

"Xét về góc độ địa lý, hệ thống do thám trên đảo Tri Tôn nằm ở những khu vực không có chiều sâu chiến lược về phòng thủ. Nói cách khác, chúng dễ bị phát hiện và dễ bị đối thủ tấn công".

"Khác với các hệ thống ở xa hơn, chẳng hạn xung quanh các khu vực ven biển ở đất liền như thành phố Trạm Giang (tỉnh Quảng Đông) hoặc thậm chí là đảo Hải Nam, các cơ sở quân sự trên quần đảo Hoàng Sa không được xem là an toàn trước đối thủ trong thời chiến".

"Chúng nằm gần các vị trí quân sự của Việt Nam và nằm trong phạm vi của một số hệ thống tấn công tầm xa quan trọng của Việt Nam  đặc biệt là tàu ngầm Kilo của Việt Nam được trang bị tên lửa hành trình đối đất Klub-S, đóng vai trò quan trọng trong cách tiếp cận A2/AD [năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập]".

Nguồn: BBC Tiếng Việt

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn