Canh bạc với hàng xóm

Thielke, Thilo
Một đất nước làm sao có thể tồn tại và phát triển bền vững được, khi đầu năm nổ ra “vụ tai tiếng chính trị” chấn động nhân tâm cả nước như vụ để các công ty Trung Quốc đưa người sang khai thác tài nguyên khoáng sản Bô-xít tại Tây Nguyên, một vùng đất chiến lược hàng đầu của Tổ quốc; cuối năm lại nổ thêm vụ cho thuê hàng nửa thế kỷ (thực chất là bán!) gần nửa triệu hecta rừng núi tại biên cương phía Bắc cho ông bạn láng giềng quen thuộc, đang từng ngày càng lộ rõ mưu đồ xâm chiếm đất đai, biển cả của chúng ta!

Đọc tin thị trấn biên giới Bon-then nước Lào rơi vào tay khai thác của những “nhà thầu” TQ đã làm biến dạng về văn hóa dân tộc và môi trường sống ra sao, chúng tôi rụng rời tự hỏi không hiểu bao giờ Đắk-Nông của chúng ta sẽ đưổi kịp… Bon-then bên Lào!

Thế mà thử xem, ất cả các phương tiện truyền thông trong nước thông tin như thế nào về những sự kiện trọng đại liên quan đến vận mạng của đất nước nói ở trên! Thử mở những kênh truyền hình TW hay địa phương hay hàng trăm tờ báo hay tạp chí quốc doanh xem sao?

Người dân VN hình như không được biết một tý gì… ngoài việc suốt ngày xem bóng đá trên sân cỏ khắp thế giới, nghe nhìn những bản nhạc, phim ảnh ướt át hay bạo lực của tứ xứ Tây Tàu. Còn lại là những quảng cáo về nhà cửa do nước ngoài xây, những mác xe ôtô trị giá đến hàng trăm nghìn hàng triệu đô-la, những quần áo và đồ mỹ phẩm đồ tiêu dùng ngoại nhập đắt tiền mà may ra có độ 1% dân số sống tại thành thị có khà năng tài chính để rờ tới!

Người dân lao động nghe nhìn những thông tin như vậy trên các kênh VT1, 2, 3, 4… và địa phương chẳng khác gì những đứa trẻ lang thang ngoài hè phố, đứng trước cửa kính một siêu thị bán hàng ngoại nhập Nhật, Hàn và Tàu…, cứ rỏ giãi chiêm ngưỡng những cái bánh sinh nhật đầy bơ sữa chiếu trên hàng nghìn màn ảnh nhỏ lấp lánh bên trong cửa hàng.

Đến giờ phút này mà còn không lên tiếng hoặc không ủng hộ những người đang cố gắng nói ra sự thật một cách nghiêm túc, mà chỉ ngồi than thở thì chẳng đi đến đâu với những kẻ lì lợm bán đất, bán rừng, bán nhiều thứ khác nữa của tổ tiên cho ngoại nhân, mặc lòng cho bọn “người lạ” tàn phá đất nước từ Nam ra Bắc không thương tiếc!

Những kẻ lì lợm sống trong 85 triệu dân Việt rất ít, chỉ như cỏ dại xen kẽ trong ruộng lúa, nhưng lúa đòng đòng không thể đơm bông kết hạt khi trong ruộng có chen cỏ dại! Trong trường hợp này mưa xuống hay phân bón ải sẽ chỉ nuôi cỏ dại, chẳng còn lại bao nhiêu nuôi lúa đòng đòng!

Tương lai của con cháu chúng ta thử hỏi có tươi sáng hay không?



GS TS Nguyễn Thu






Trung Quốc âm thầm dịch chuyển biên giới của họ xuống phía Nam. Các nhà đầu tư từ quốc gia rộng lớn đông dân này thuê hẳn một thành phố và xua đuổi dân bản xứ.

George Huang đang phởn chí. Khi gã người Trung Quốc này mở cửa sổ văn phòng rộng cỡ cái 2 ga-ra ra, cả một luồng không khí mát rượi ùa vào. Cuốn theo nó là tiếng ồn ào của máy ủi, tiếng đập thình thịch của máy nện và tiếng chói tai nhức óc của máy khoan cắt bê-tông. Du khách phương Tây nếu phải đến đây sẽ không thể chịu được, nhưng đối với Huang thì cái thứ âm thanh hỗn tạp ở thị trấn Bò-thèn khỉ ho cò gáy sát biên giới Lào-Trung này lại là âm nhạc.

Gã doanh nhân đóng trong bộ đồ Tây kẻ sọc nhỏ, áo sơ-mi kẻ đen trắng và cravat xám màu. Từ bàn làm việc gã có thể phóng tầm mắt xa tít tới vùng đất đẹp thơ mộng đang dần biến thành công trường. Gã ta là sếp của cái thị trấn Bắc Lào này, hay đúng hơn là Tổng Giám đốc Công ty Golden Boten City Co. Ltd. Gã thích được gọi là Chủ tịch hơn, còn anh chàng gầy gò luôn kè kè bên cạnh mỗi khi có đám khách ngoại quốc lạc vào đây được Huang gọi là Ngoại trưởng.



Mà mấy khi có khách ngoại quốc. Đơn giản bởi vì cái thị trấn Bò-thèn trên đất Lào này hoàn toàn có thể coi là đất Trung Quốc. Ngôn ngữ chính là tiếng Trung, biển hiệu toàn ký tự chữ Hán, thanh toán bằng Nhân dân tệ, đến cả giờ cũng là giờ Bắc Kinh chứ không phải giờ Vientian. Danh chính ngôn thuận thì đây là đất Lào, nhưng cái “thị trấn vàng” Bò-thèn với 21 cây số vuông đặc quyền kinh tế này nằm chắc trong tay những người Trung Quốc.

Những tay cò mồi của các quốc gia giàu có đang dòm ngó đất đai tại những nước đang phát triển. Dẫn đầu là Trung Quốc, họ đã có được những nông trường rộng lớn ở các nước như Sambia, Uganda hay Congo.

Nhưng đặc biệt ở Đông Nam Á hình thái mới của Chủ nghĩa thực dân này đang hiện diện ngày một rõ nét nhất. Tại chính đây Trung Quốc đang mở rộng bờ cõi bằng cách âm thầm di dời đường biên giới vào sâu trong đất của các quốc gia lân bang có chủ quyền.

Theo đánh giá của tổ chức Hợp tác Kỹ thật Đức GTZ thì riêng tại nước nhiệt đới cộng sản nghèo với vẻn vẹn sáu triệu dân này đã bị Trung Quốc đưa vào dự án khoảng 10 ngàn cây số vuông đất, cỡ 4 % diện tích của cả nước Lào. Khoảng chừng 15 % đất của Lào đã nằm trong tay các công ty nước ngoài, trong đó có cả của Việt Nam và Thái Lan.

Theo bản tin điện tử Asia Time thì: “Trung Quốc đã nắm trong tay phần lớn nền kinh tế Lào. Từ khai mỏ, thủy điện đến cao-su, từ bán lẻ đến dịch vụ khách sạn. Họ kiểm soát hầu hết các mảng trong nền kinh tế”. Ngay từ năm 2007, Trung Quốc đã đầu tư hơn một tỷ dollar, chiếm 40 phần trăm tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào Lào.

Chính quyền tỉnh Vân Nam Trung Quốc tiếp giáp với Lào đã có hẳn một chương trình cho sự nghiệp công nghiệp hóa miền bắc Lào cho tới năm 2020. Chương trình với cái tên “Dự án phương Bắc” đã được đệ trình lên chính phủ Lào và chờ được sự phê chuẩn của đại hội đảng lần thứ 9 Đảng Cộng sản Lào. Dự án chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp then chốt như nông-lâm nghiệp cũng như điện, khai mỏ và du lịch.

Người Trung Quốc đã vào cuộc ngay từ bây giờ. Họ đang cho xây một khách sạn hoành tráng 700 giường Royal Jinlun Hotel, một casino 11 sảnh với một tốc độ chóng mặt.

Đồng thời họ cũng đang hoàn thành một khách sạn 700 giường khác, muộn nhất đầu năm tới phải xong, một sân golf, một đường đua xe, một công viên, một trường đua ngựa và một trường bắn thể thao. Bò-thèn đang phát – Huang khoe khoang; giờ hiện đang có 7.000 người sống ở đây, nhưng không bao lâu nữa sẽ là 6 vạn người. Chúng tôi sẽ có đầy đủ khách sạn với tất cả các hạng giá cả. Ngay giờ chúng tôi đã không có đủ phòng để cho thuê.

Bò-thèn nay trở thành chốn truỵ lạc, người dân Lào không dám bén mảng đến đây nữa. Dân Lào bị cấm chơi cờ bạc và đến động mại dâm. Số ít người Lào còn sót lại nơi đây thì giữ khoảng cách với lũ thống trị mới đến từ phương Bắc. Một chế độ Apartheid đang hiển hiện ở miền Bắc Lào.

Huang thì khẳng định còn ít nhất 20% dân số là người Lào gốc còn sống ở đây. Nhưng họ hầu như không xuất hiện. Những tay công an và những chiếc xe cảnh sát không biển kiểm soát lo giữ an ninh trên đường phố đều đến từ Trung Hoa. Cũng như những đầu bếp chuyên gia chế biến thịt gấu hay những chị lao công, các cô váy ngắn đứng phát tờ rơi trước cửa khách sạn hay những tay hồ lì đóng bộ ngồi trong sòng bài đều đến từ đất nước rộng lớn này.

Đường dây điện thoại và đường điện được kéo đến từ Trung Quốc, ổ cắm điện Trung Quốc, bia Tsingtao và thuốc lá được nhập từ Trung Quốc. Ngay cả hải quan Lào cũng rút hẳn khỏi nơi đây, trạm hải quan không còn nằm tại biên giới Lào – Trung mà nằm phía Nam của Bò-thèn. Dường như thị trấn này không còn thuộc về Lào nữa.

Phần lớn số dân Lào sau khi bị người Hoa chiếm đất phải sống cách đó 20 km trong khu tạm bợ bên lề con đường liên huyện. Ngay sau khi hợp đồng chuyển nhượng nhằm biến khu thị trấn thành ổ sòng bài được ký thì quân đội Lào được điều động đến.

Một cô gái tên Sida kể: “Quân đội chất chúng tôi lên những chiếc xe tải và thả chúng tôi xuống đây. Họ cấm chúng tôi quay trở lại thị trấn”. Cho một khởi đầu mới, mỗi một người dân Bò-thèn được nhận trợ cấp 800 dollar. Nhưng số tiền không giúp họ được bao lâu.

Sida trong chiếc quần jeans lửng và áo T-shirt đỏ này có 3 đứa con phải nuôi. Cô bán Coca-cola, dép tông nhựa và hạt dưa rang. Chồng cô còn có việc làm trong mỏ muối còn sót lại ở Bò-thèn. Chẳng bao lâu nữa cái nghề truyền thống này cũng sẽ bị xóa sổ. Cách duy nhất còn lại để sống là họ phải di xuống phía Nam, nơi đất Lào còn là của người Lào.

Nguồn: anhbasam.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn