Văn hóa lâm nguy

Mặc Lâm, Phóng viên RFA

clip_image001  

Cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Photo courtesy of thethaovanhoa.vn

 

Gần đây, Trung Quốc có chiến lược giúp đỡ các nước đang phát triển bằng nhiều cách, như xây dựng các nhà máy, phát triển ngành nông nghiệp hay cho vay ưu đãi... thế giới gọi đó là quyền lực mềm.

Tấn công thầm lặng

Bên cạnh đó Trung quốc cũng không quên tấn công một cách thầm lặng những quốc gia có hàng rào bảo vệ nền văn hóa của mình một cách yếu kém bằng nhiều cách, để dần dần nước bị tấn công không còn giữ được bản sắc văn hóa một cách nguyên vẹn nữa.

Trên trang báo Hoàn Cầu bằng Anh ngữ, Bắc Kinh xác định Việt Nam khi xưa thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc: "Khi xưa tỉnh này là vùng nằm xa trung tâm nền văn minh cổ của Trung Quốc nằm trong Bắc bình nguyên. Quảng Đông khi ấy là nơi tập trung dân Bách Việt, và Bách Việt chính là Đồng Choang, họ hàng với các sắc tộc Choang tại Quảng Tây ngày nay".

Thông tin này lập tức bị các nhà sử học Việt Nam phản bác với các luận cứ hiển nhiên của lịch sử. Sự việc chưa kịp lắng xuống thì vài tháng sau trên trang mạng Internet lại rộ lên hình ảnh của các đoàn dân sắc tộc thiểu số người Việt gốc Choang sang Quảng Tây dự lễ kỷ niệm của Mã Viện. Nhiều hình ảnh tôn sùng viên quan Tàu này khiến người Việt Nam hết sức bất bình. Những người Việt thiểu số này sau đó được biết thuộc sắc tộc Choang có liên hệ mật thiết với tỉnh Quảng Tây.

Hình ảnh Hai Bà Trưng trong những buổi tế lễ này thật đáng xấu hổ. Họ đã xem Hai Bà như những phụ nữ Việt Nam bình thường, và đáng trách hơn cả là những người thiểu số sắc tộc Choang này đặt vị trí Hai Bà xuống dưới Mã Viện, kẻ thù chung của dân tộc.

Kết hợp hai sự kiện này lại với nhau người ta không khó khăn gì để nhận ra rằng có một kế hoạch đã được phác thảo tỉ mỉ nhằm tẩy não dư luận quốc tế về chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đang từng bước chứng minh phần đất Việt Nam từ xa xưa đã thuộc về họ. Mãi cho đến tận thế kỷ 21, vẫn có các con dân thuộc tộc người Choang tuy sinh sống trong phần đất Việt Nam vẫn hàng năm trở về nguồn cội tại Quảng Tây để tế lễ Mã Viện, một kẻ thù của Việt nam nhưng là người hùng của Bắc phương.

Hình ảnh Hai Bà Trưng trong những buổi tế lễ này thật đáng xấu hổ. Họ đã xem Hai Bà như những phụ nữ Việt Nam bình thường, và đáng trách hơn cả là những người thiểu số sắc tộc Choang này đặt vị trí Hai Bà xuống dưới Mã Viện, kẻ thù chung của dân tộc.

Vẫn biết những hình ảnh này không thể ngày một ngày hai làm cho lịch sử thay đổi, thế nhưng dưới âm mưu "mưa dầm thấm đất", Trung Quốc đã kiên trì tạo mọi vết nứt có thể được trong quá trình di dân từ Bắc xuống Nam để tạo những ngã rẽ có thể làm cho dư luận quốc tế lạc đường khi tham khảo tài liệu chứng thực những gì mà Bắc Kinh dựng nên.

Khi nhìn tấm gương Tây Tạng và Tân Cương, người Việt Nam không thể không lo lắng. Hai dân tộc này có tiếng nói, chữ viết, văn hóa và cương vực hoàn toàn khác Trung Hoa thời cổ đại cũng như Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng vì ở sát nách họ mà hai quốc gia này cam chịu mất nước.

Nỗi đau văn hóa

Bên ngoài thì như thế, còn bên trong Việt Nam thì sao? Chính bản thân người Việt và các cơ quan công quyền tự bảo vệ sự Hán hóa như thế nào?

clip_image002

Văn công VN đóng vai Hai Bà Trưng đang ngồi xem biểu diễn lân sư tại buổi Lễ tế Mã Viện tổ chức ở Đông Hưng hôm 21/3/2010. Photo courtesy of nghiathuc.wordpress.com

Trong đời sống hàng ngày của người dân, khi bật bất kỳ một kênh ti-vi nào của Truyền hình Việt Nam lên, cũng thấy là phim Trung Quốc chiếm đại đa số thời lượng phim. Những hình ảnh vua quan Trung hoa mọi thời đại xuất hiện hầu như hàng ngày, ăn sâu vào tiềm thức trẻ con Việt Nam khiến người lớn có cảm tưởng văn hóa hiện nay không còn là văn hóa Việt Nam nữa. Kiến trúc sư Trần Thanh Vân chia sẻ:

"Tôi cho là dứt khoát sẽ rất ảnh hưởng. Ngay trẻ em Việt Nam chúng nó hiểu lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam. Ngồi nói chuyện về Càn Long từng phim một thì chúng thuộc hơn là những phim về Việt Nam cho nên chuyện đó không thể tránh được. Trong khi bản thân cái nền văn hóa như thế, một bài báo của tôi có viết: Bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phụ trách văn hóa chỉ là một cô thanh niên không có nghề nghiệp nhưng hăng hái hoạt động phong trào thanh niên, thế rồi được một vài người ưu ái đưa vào thành Phó Chủ tịch thành phố. Với trình độ như thế lại phụ trách một cái mảng rất quan trọng của thủ đô như thế thì cái việc sai lầm như chúng ta đang thấy là chuyện tất yếu thôi".

Hàng hóa tiêu dùng trong toàn xã hội từ cây đinh cho tới chiếc máy cày đều là sản phẩm Trung Quốc. Nhà nước vô tư treo tranh cổ động cho Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng sử dụng hình ảnh từ quân đội Tàu, tất cả những yếu tố này gộp lại vẽ nên một xã hội Việt Nam hôm nay không còn thuần Việt nữa. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam gọi những hình ảnh này là Nỗi đau văn hóa.

Rồi tiếp đến là việc tổ chức kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long. Tất cả mọi nguồn lực quốc gia từ hai năm nay đã được tập trung vào sự kiện lịch sử này. Không nói đến những tốn kém, bất cập mà báo chí lên tiếng trong thời gian qua, giới trí thức quan tâm nhất về ngày tổ chức lễ, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cho biết trăn trở của bà như sau:

... để vực dậy một nền kinh tế tuy là khó, rất khó đấy nhưng sẽ không sao khó bằng vực dậy một nền văn hóa đang bị phôi pha, đang bị mai một. Vậy thì bây giờ 1000 năm Thăng Long là để làm gì?

GS Tương Lai

"Tôi chỉ thở dài nói rằng với cái ngày kỷ niệm ngàn năm ấy, thật ra thì cụ Lý Công Uẩn cụ ấy về Thăng Long rồi. Theo lịch sử thì như vậy cụ di hành qua Đại La vào mùa xuân năm 1010 và cụ chính thức về vào mùa thu, như vậy lúc này đã Trung thu rồi thì cụ đã về rồi nhưng để sang đến tháng 10, tức là đã đầu đông như vậy thì đã muộn rồi. Cho nên cụ đã về rồi, cụ ở bên cạnh chúng ta và thở dài rồi. Bây giờ làm thế nào để giữ được đất nước này, vớt vát lại từ ngày ấy thì tôi nghĩ rằng là một phấn đấu lớn. Tôi nghĩ rằng cái quan trọng nhất là đất nước này chứ còn những chuyện lặt vặt ấy nó đã thành cái bệnh dịch quá nặng nề tôi không muốn bàn nữa".

Theo chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, thì việc xây cất thành Thăng Long khởi sự vào tháng 7 (âm lịch) đầu thu năm Canh Tuất (1010), tương đương với ngày 10 tháng 8 dương lịch. Như thế Đại lễ kỷ niệm phải được mừng vào mồng 10 tháng 8 năm 2010. Thế nhưng chính phủ đã tự ý chọn thời điểm khai mạc Đại lễ vào ngày 1 tháng 10 là Quốc khánh của Trung Quốc và bế mạc vào ngày 10 tháng 10 cũng là Quốc khánh của Đài Loan.

Liệu việc chọn ngày sai lệch này có nằm trong chính sách 16 chữ vàng hay không thì dư luận không hề được nhà nước thông báo hay ít ra là làm rõ những thắc mắc chính đáng này.

Từ điều được gọi là “Nỗi đau văn hóa”, GS Tương Lai trăn trở về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long như sau:

"Tăng GDP thì rất mừng vì có thực mới vực được đạo, nhưng để vực dậy một nền kinh tế tuy là khó, rất khó đấy nhưng sẽ không sao khó bằng vực dậy một nền văn hóa đang bị phôi pha, đang bị mai một. Vậy thì bây giờ 1000 năm Thăng Long là để làm gì? Là để phục hưng dân tộc, và để phục hồi văn hóa dân tộc. Một dân tộc đã 1000 năm đứng hiên ngang bên bờ Biển Đông vì như tục ngữ có câu có cứng mới đứng đầu gió. Cái dân tộc ấy chưa bao giờ chịu khuất phục".

Trung Quốc hóa?

Có phải Ngàn năm Thăng Long là để phục hưng tinh thần dân tộc như mong ước của GS Tương Lai hay không thì còn chờ câu trả lời của ngày bước vào Đại lễ, thế nhưng hồi gần đây, bộ phim truyền hình nhiều tập: “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vừa tung ra mắt một video clip ngắn vài phút trên mạng đã làm dư luận nổi lên gay gắt chống đối, đến nỗi nhà nước phải hoãn lại chưa cho phép chiếu trên hệ thống truyền hình Việt Nam.

clip_image003

Hai Bà Trưng, bà Lê Chân, Thi Sách đang đọc Văn tế Mã Viện. Photo courtesy of nghiathucwordpress.com

Kịch bản bộ phim này được viết bởi ông Trịnh Văn Sơn, một người chưa từng biết viết kịch bản phim truyện là gì, để rồi sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa - tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng: Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính biên tập lại.

Theo báo chí mô tả thì điều đáng nói ở đây toàn bộ ê kíp làm phim từ lớn tới nhỏ đều là người Trung Quốc. Từ đạo diễn Cận Đức Mậu và đạo diễn Triệu Lôi tới các chuyên gia hóa trang cũng là người Trung Quốc; trường quay Hoành Điếm cũng tại Trung Quốc. Gần 700 bộ trang phục cổ được người Trung Quốc bao thầu; thậm chí diễn viên đóng thế và hàng trăm diễn viên quần chúng cũng đều là người Trung Quốc...

Tất cả đều là Trung Quốc nhưng khán giả là người Việt Nam, xem bộ phim lịch sử Việt Nam thì bộ phim này đúng là “phim lạ”.

GS Tương Lai nhận xét về điều này như sau:

"Nếu như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với biết bao nhiêu tiền của đổ vào đấy mà đưa lên trình chiếu một bộ phim lai căng theo Tàu thì nó còn nghĩa lý gì nữa? Đây là nỗi đau văn hóa và nói cách khác đây là sự xuống cấp của văn hóa. Qua cái sự kiện phim Lý Công Uẩn này cũng như biết bao sự kiện khác thì cái nỗi lo lắng của tôi mà không phải bây giờ ông hỏi tôi mới nói mà tôi đã viết từ rất lâu: Cái nỗi đau văn hóa này mới đáng sợ. Đối với tôi cái khẩu hiệu Tổ quốc lâm nguy cũng không có gì quan trọng hơn như cái khẩu hiệu: “Hỡi công dân, văn hóa đang lâm nguy”.

Không phải ai cũng chống bộ phim này với ý thức tinh thần dân tộc. Theo bản tin VTC ghi nhận thì nhiều diễn viên Việt Nam sau khi hoàn thành xong vai diễn đã trở về nhà với sự trầm trồ, thán phục trước công nghệ làm phim dã sử chuyên nghiệp của nước bạn.

Nếu như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với biết bao nhiêu tiền của đổ vào đấy mà đưa lên trình chiếu một bộ phim lai căng theo Tàu thì nó còn nghĩa lý gì nữa? Đây là nỗi đau văn hóa và nói cách khác đây là sự xuống cấp của văn hóa.

GS Tương Lai

Bản tin cũng ghi nhận ý kiến phản hồi từ sự chống đối của khán giả về bộ phim này từ các diễn viên của bộ phim. Có diễn viên khẳng định rằng “Có thể một bộ phận khán giả Việt Nam không thích phim lịch sử Việt Nam sản xuất tại Trung Quốc, nhưng có một sự thật rõ ràng, cùng một bộ phim lịch sử ấy nếu làm ở Việt Nam chắc chắn sẽ không hoành tráng, không đẹp, không tốt như khi chúng ta thực hiện trong điều kiện ở Trung Quốc”.

Tiếc rằng cái hoành tráng, cái đẹp, cái tốt ấy cũng chỉ là sản phẩm của Trung Quốc chứ nào dính líu gì đến lịch sử Việt Nam? Bỏ ra 10 triệu đô la để mua một bộ phim có vấn đề như vậy thì Nhà nước nên xây một bệnh viện mang tên Đức Thái Tổ. Trong tình cảnh các bệnh viện quá tải, dân khổ sở vì dịch vụ y tế như hiện nay, đây là giải pháp vừa thiết thực vừa ý nghĩa nhất.

Và quan trọng hơn cả, thái độ này sẽ đánh tan mối nghi ngờ rằng nhà nước đang làm ngơ trước sự xâm lăng văn hóa từ phương Bắc.

M. L.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn