TS. Nguyễn Lân Cường: Không tin kho xương đã 2.100 tuổi

Phạm Ngọc Dương

clip_image001

 

TS Nguyễn Lân Cường không tin hài cốt trong lòng núi Sài Sơn là của nghĩa quân Lữ Gia.

 

(VTC News) - Hiện Thần Quang Động vẫn chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, chưa được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu. Người dân cả nước vẫn mong chờ những lời giải đáp rõ ràng về hàng ngàn bộ xương của những người chết thảm trong lòng núi.

Nhà khoa học duy nhất để tâm đến những bộ xương trong lòng núi Sài Sơn là PGS TS Nguyễn Lân Cường. Ông Cường bảo rằng, ông đã từng có thời gian tìm hiểu về bể xương trong hang Cắc Cớ cách nay chừng 20 năm và ông thu được 2 luồng ý kiến của người dân quanh vùng. Phần lớn ý kiến cho rằng, xương cốt của nghĩa quân Lữ Gia, song cũng có một số ý kiến cho rằng đó là xương của quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc.

Thời kỳ đó, TS Nguyễn Lân Cường cũng có ý nguyện muốn khai quật, nghiên cứu những bộ xương này, song nhà chùa không ủng hộ, nên ông không tiếp tục tìm hiểu.

Người dân kể với ông Cường rằng, xưa kia, quân Lưu Vĩnh Phúc trốn vào hang cố thủ, đã bị người Pháp hun khói đến chết. Giả thuyết người chết vì bị hun khói cũng hợp lý, vì trong quá trình thám hiểm hang động, chúng tôi thấy nhiều khu vực ám muội than đen sì. Sau một ngày chui hang, hai lỗ mũi tôi như hai ống khói, chả khác nào xuống hầm than ở Quảng Ninh.

Qua hai thông tin do người dân cung cấp, nếu chỉ có hai giả thuyết này, ông Cường nghiêng về giả thuyết những bộ hài cốt trong hang là của quân Lưu Vĩnh Phúc, chứ không thể là của quân Lữ Gia, vì trải qua hơn 2.000 năm, xương cốt đã tan thành đất từ lâu rồi. Tất cả những ngôi mộ thời Hán ở nước ta mà ông Cường khai quật, đều không còn xương cốt, vì đã bị tiêu cả, thì không có lý do gì mà hàng ngàn bộ hài cốt ở khắp các ngóc ngách ẩm thấp trong hang núi Sài Sơn vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

clip_image002

Tìm xương trong ngách hang.

Ngoài ra, theo ông Cường, từ hàng ngàn năm nay, có thể không ít người dân quanh vùng, khách tham quan, cũng bị lạc và chết dưới hang động này.

Tôi thắc mắc rằng, nếu là quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc (cuối thế kỷ XIX), chết trong hang, thì nhà chùa phải nắm rõ chứ? PGS Nguyễn Lân Cường cho rằng, sở dĩ nhà chùa nắm không vững lịch sử, là vì từ hơn 100 năm nay, nhà chùa đã thay không biết bao nhiêu trụ trì, nên chuyện không còn nắm rõ thông tin cũng là bình thường.

Sở dĩ ông Cường không tiếp tục nghiên cứu những bộ xương trong động là vì không có dự án của Nhà nước, không có tài trợ để ông nghiên cứu. Việc xác định những bộ xương cốt trong động thuộc thời kỳ nào là quá dễ dàng với phương tiện khoa học kỹ thuật trong nước, chỉ cần dùng phương pháp phóng xạ C14 là xác định được ngay.

clip_image003clip_image004

Chỉ cần dùng phương pháp C14 là biết rõ xương cốt bao nhiêu tuổi.  Ảnh: Đặng Bá Hiệp.

Ông Cường cũng tuyên bố rằng, dù ông rất bận, song nếu cơ quan, tổ chức hoặc mạnh thường quân nào tài trợ, ông sẵn sàng vào hang nghiên cứu và làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến những bộ xương trong lòng núi Sài Sơn.

Trong quá trình thám hiểm xương cốt dưới động, nhóm thám hiểm chúng tôi đã chú ý rất kỹ, song không tìm được dấu vết của vũ khí, dù đã han gỉ. Với hàng ngàn quân trong lòng núi, việc mang theo nhiều vũ khí là điều rõ ràng. Nhưng việc không tìm ra dấu vết vũ khí, khiến chúng tôi không khỏi nghi ngờ đây không phải là quân Lưu Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, nếu là quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, mới bị hun chết trong động hơn 100 năm nay, thì người dân, đặc biệt là các cụ già quanh vùng phải nắm rõ chứ. Nhưng có một thực tế, người dân quanh vùng nhất nhất khẳng định xương cốt trong hang là của nghĩa quân Lữ Gia, mặc dù họ chả biết ông Lữ Gia là ông nào, làm quan triều nào. Có lẽ, cả nhà chùa, người dân tin xương cốt trong động là của nghĩa quân Lữ Gia vì đôi câu thơ khắc trên bia đá lập cách nay hơn 70 năm: “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/ Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.

clip_image005

Vì những dòng chữ trên bia đá này khẳng định xương cốt trong núi của nghĩa quân Lữ Gia, nên người dân Sài Sơn và nhà chùa tin rằng, xương cốt trong động đã 2.100 năm tuổi.

Quá trình tìm kiếm xương cốt trong động, nhóm thám hiểm chúng tôi thu thập được một số đồ vật gồm tiền cổ, mảnh gốm tráng men xanh và men đỏ rất đẹp (mục đích là nhờ các nhà khoa học nghiên cứu, chứ không phải đem về sở hữu). Hiện, những mảnh gốm chưa xác định được niên đại, song PGS TS Nguyễn Lân Cường đã đọc được thông tin trên một số đồng tiền do chúng tôi chuyển cho ông.

Những đồng tiền có nhiều niên đại khác nhau, gồm: Tiền Minh Mạng thông bảo, niên đại 1820-1840, triều vua Nguyễn Phúc Đảm, niên hiệu Minh Mạng; Tiền Đại Quan thông bảo, niên đại 1100-1125, triều vua Bắc Tống Huy Tông (Triệu Cát), niên hiệu Tuyên Hòa (1107 - 1110); Tiền Nguyên Hựu thông bảo, Niên đại 1058 – 1100, Triều vua Bắc Tống Triết Tông (Triệu Húc), Niên hiệu: Nguyên Hựu (1068-1094).

clip_image006

Những đồng tiền đoàn thám hiểm "mượn tạm" trong động để các nhà khoa học nghiên cứu.

Ông Cường mới đọc được 3 đồng trong số những đồng tiền tôi gửi cho. Những đồng còn lại đã han gỉ, quá mờ, không rõ chữ, nên chưa đọc được.

Qua những đồng tiền chúng tôi tìm được dưới hang, có thể đặt ra giả thiết rằng, từ cách đây gần 1.000 năm, đã có người tìm xuống hang Cắc Cớ này và có thể bỏ xác tại đây!

Khu vực mà đoàn thám hiểm chúng tôi gặp xương cốt có rất nhiều ngóc ngách. Tuy nhiên, suốt mấy giờ đồng hồ lần tìm, các ngóc ngách đều thông nhau như ma trận, hoặc là đường cụt, nên không tìm được đường đi tiếp.

clip_image009clip_image008clip_image007

Một số mảnh gốm có màu men rất đẹp.

Theo một số người từng săn cổ vật trong hang, thì tại khu vực Thung Lũng Tình Yêu, có một hố nhỏ sâu hoắm. Khi thả hòn đá xuống hố, một lát sau mới nghe thấy tiếng đá rơi dội lên. Thả thang dây rất dài xuống hố nhỏ này, sẽ tới một vòm hang cực rộng, là “tầng địa ngục” tiếp theo. Cứ thế, khi tìm được đường đến “tầng địa ngục” thứ 9, thì sẽ đến được “suối xương”. “Suối xương” là một địa danh vô cùng ly kỳ, hấp dẫn, mà bất kỳ người dân nào ở Sài Sơn cũng kể, song chưa có ai xuống đến đó.

Những người xuống được “suối xương” đều đã chết cả rồi. Người xuống “suối xương” nhiều nhất là ông Thứ và ông Như, là hai bố con. Hai bố con ông Thứ được dân Sài Sơn mệnh danh là sâu hang, vì rất giỏi đi hang động. Cụ Thứ đã từng đi suốt một tuần mới hết được ngóc ngách hang động trong núi Sài Sơn và đã đến được “suối xương”, mang về cho người dân Sài Sơn vô số câu chuyện rùng rợn. Dưới con suối trong lòng núi đó, có vô số xương cốt và những loài cá kỳ dị, giống cá trê, nhưng đầu to bằng nắm tay, mà thân chỉ bằng ngón chân cái.

clip_image010

Cuộc tìm kiếm đường xuống "suối xương" đã diễn ra nhiều lần, song chưa thành công.

Người cuối cùng ở Sài Sơn đến được “suối xương” là ông Thịnh, nhà ở xóm Chợ. Theo người dân, ông Thịnh đã xuống được “suối xương” nhờ sự chỉ đường của cụ Thứ. Ông Thịnh mang lên từ “suối xương” vô số đồ cổ. Tuy nhiên, sau lần xuống “suối xương”, ông không đi lại nữa. Sau này ông mắc trọng bệnh, rồi mất cách đây mấy năm khi mới ngoài 50 tuổi.

Việc rất nhiều người từng xuống hang sâu, đặc biệt là “suối xương” huyền thoại, sau đó mắc bệnh rồi chết, cứ lưu truyền trong những câu chuyện truyền miệng, khiến “suối xương” càng trở nên bí ẩn và không ai dám tìm xuống nữa. Đó cũng là lý do đoàn thám hiểm chúng tôi đã qua lại chùa Thầy nhiều lần, song không thuê được người dẫn đường. Có lẽ, “suối xương” sẽ mãi mãi chìm vào bí ẩn, sẽ lạc vào huyền thoại, nếu không được khám phá.

Đoàn thám hiểm chúng tôi đã tìm kiếm rất lâu ở khu vực Thung Lũng Tình Yêu, thậm chí trèo lên cả nóc động để tìm ngóc ngách, song không thể tìm thấy cái lỗ dốc đứng này. Nếu tìm được, chúng tôi sẵn sàng dòng dây để leo xuống.

Theo lời Hiệp, nhóm của cậu cũng đã bỏ nhiều công sức, song cái ngách nhỏ xíu dẫn đến những bí ẩn to lớn hơn nữa của Thần Quang Động vẫn chưa lộ diện. Phải chăng, vì nó quá nguy hiểm, nên ai đó đã lấp miệng hang? Trong quá trình thám hiểm, chúng tôi cũng từng gặp một miệng hang bị lấp lại bởi những hòn đá lớn. Tuy nhiên, khi vần những tảng đá này ra, chui xuống một đoạn, mới phát hiện đó là hang cụt.

Đoàn thám hiểm chúng tôi rời Thần Quang Động khi bóng chiều đã nhập nhoạng, bỏ lại những bộ xương với những truyền thuyết bao phủ. Còn vô vàn câu hỏi chưa có lời giải đáp liên quan đến hang động bí ẩn chứa đầy xương cốt này. Hiện Thần Quang Động vẫn chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, chưa được các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu. Người dân cả nước vẫn mong chờ những lời giải đáp rõ ràng về hàng ngàn bộ xương của những người chết thảm trong lòng núi.

P.N.D.

Nguồn: baomoi.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn