Cảng Liên hợp Mũi Điện - Khe Gà hay gạch nối đất liền với “đường lưỡi bò” trên Biển Đông?

Đoàn Nam Sinh

Mũi Điện - Khe Gà là tên gọi từ khi có ngọn hải đăng trên đảo Gà (Kê dữ, theo Đại Nam thực lục). Giữa đào Gà với đất liển là một khe sâu chừng vài sãi, rộng khi nước lên chỉ ngoài ba trăm sải nên được gọi là Khê Gà, người Pháp phiên âm và ghi thành Kéga.

clip_image002

Khe Gà nhìn từ ngoài biển.

Từ đỉnh ngọn đèn biển ở tầm 65 mét, lúc nước kiệt nhìn về phía đông thấy có nét chiếc đầu gà gồ lên sau sống cổ sạn đá và sải cánh.

clip_image004

Mũi đảo Gà nhìn từ đỉnh tháp đèn.

Cũng nhìn về hướng cặp ven bờ, phía xa là các resort với bãi cát vàng, nước trong xanh và biển sâu hơn mười bảy sải.

clip_image006

Cảng Liên hợp tương lai nhìn từ đỉnh tháp đèn biển.

Thử nhìn lại vị trí này trên không ảnh 1, ai cũng thấy vùng này vực sâu đáng để xây dựng cảng với lượng bốc dỡ 3,5 triệu tấn bô-xít trong giai đoạn 1 và 35 triệu tấn năm 2020, cuối giai đoạn 2. So sánh với “đường lưỡi bò” do phía Trung Quốc vô cớ đòi hỏi, trên đoạn đầu lưỡi, đường tham bá chín khúc phủ trùm lên vùng biển sâu phía Đông nước ta.

clip_image008

 clip_image010

1. Vị trí mũi Điện Khe Gà trên đất liền. 2. “Lưỡi bò tham vọng” trên Biển Đông Việt Nam.

Kế hoạch xây dựng cảng lẽ ra đã khởi công từ năm trước, nay đã trễ thêm một năm nữa là ba. Số tiền dự định xây dựng lên đến cả tỉ đô-la Mỹ, bước đầu do TKV chi ra thuê Tây Ban Nha quy hoạch, thiết kế gồm 3 đê chắn sóng, cầu cảng và 3 bến cảng…

Có 12 dự án xây dựng resort đã phải đình chỉ, tính từ resort Đá Đỏ đến Khe Gà, khoảng 2km mặt đường, tương đương với phần bờ biển, khoảng 400 tỉ tiền đền bù.

Việc xây dựng cảng bôxít với năng lực bốc dỡ như trên sẽ được thực hiện cũng bằng tiền của Trung Quốc, để bán alumina cho Trung Quốc mà TKV là nơi tiêu những đồng tiền do chính phủ trót vay mượn, nhằm khai thác tài nguyên bán rẻ chỉ nhằm tăng GDP hào nhoáng.

Nhân lực thi công theo cách này chắc chắn là người Trung Quốc, với cả chục năm xây dựng ắt sẽ thành làng thành xã với vợ bản xứ và con lai Tàu.

Con đường lớn dự kiến sẽ từ đây kéo lên đường 23 sau núi Tà Cú, cắt ngang quốc lộ I A về hướng Tánh Linh và băng sang Lâm Đồng nối với lộ lớn Đạ Huoai – Bù Đăng, Đăk Nông để chở nguồn alumina Nhân Cơ và từ Campuchia sau này. Đường này còn gồm một nhánh rẽ từ Đạ Tẻh lên Lộc Bắc lấy nguồn alumina Tân Rai. Không biết bao nhiêu rừng và đất rừng của cả Vườn quốc gia sẽ bị tàn phá.

Thử nhìn lại các cảng than vùng Đông Bắc, ở đâu không khí và nước cũng đen thui lui, ta có thể hình dung chỉ sau khi đưa cảng vào sử dụng thì toàn bộ vịnh Phan Thiết sẽ chết vì ô nhiễm bùn bụi, chất kiềm dư của alumina,… Hàng chục ngàn ngư dân và nghề làm nước mắm nổi tiếng biết sẽ về đâu?

Ai cũng biết hải đăng Kê Gà nổi tiếng là một nơi danh thắng, một công trình kiến trúc đá tuyệt vời, lâu đời nhất trong những hải đăng nước ta, xây dựng từ 1899 và là hải đăng lớn thứ nhì, cao 35 mét, đèn rọi ở độ cao 65 mét. Đây cũng là cao độ lý tưởng để khai thác điện gió đang được triển khai ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận.

Đoạn vịnh biển như hai cánh ôm mũi đảo Gà này là đoạn sạch sẽ nhất, hoang sơ nhất còn sót lại trong vịnh Phan Thiết tính từ thị xã La Gi, lại gần thành phố Hồ Chí Minh hơn Mũi Né và gần sát núi Tà Cú, một danh thắng khác của nước ta.

Bụi đỏ sẽ tiêu diệt dần khu hệ thực vật đặc hữu còn sót lại ở Tà Cú và vùng lân cận, bùn đỏ sẽ dần dần biến vùng vịnh này thành vịnh đỏ, không phải thủy triều đỏ do hồng tảo hay cát đỏ như Ghềnh Son, mà là alumina-bôxit.

Hiển nhiên là tàu trọng tải lớn của Trung Quốc sẽ vào đây ăn hàng. Sẽ có những ụ tàu để chăm sóc, sửa chữa tàu. Sẽ phải có những kho lẫm lớn đủ dự trữ khi chờ tàu. Sẽ có dinh cơ quản lý, bảo vệ, cảng vụ,… Đương nhiên, chúng ta phải nghĩ đến “đường lưỡi bò” sẽ được “thực tế” công nhận.

Vì bất cứ lý do gì như dựng chuyện hải tặc, thì hải giám, hải tuần và cả ba thứ hải khác nữa đều có cớ để cập bờ bảo vệ quyền lợi của chúng, và có thể vì lý do nhân đạo vào núp gió bão chẳng hạn, thì cảng Mũi Điện Khe Gà này còn đáng giá hơn cái dàn khoan sâu ngót tỉ đô-la sắp hạ neo.

Một cảng ít chịu bão nhất của miền Trung này sẽ còn thuận tiện bằng mấy lần chiếc Thi Lang khi “đường lưỡi bò” tham lam và nham hiểm kia đã có lối nối bờ. Hơn nữa, chính nó là cảng và là đường chiến lược ra Biển Đông Việt Nam cho Campuchia nếu liên minh quân sự và kinh tế Trung Quốc - Campuchia hình thành. Đây chính là đường thòng lọng thắt chúng ta lại ở vĩ tuyến 13 như đã có lần Mao và Chu mơ ước giữa thế kỷ trước.

Những con đường lớn, hiện đại mà Trung Quốc đã đầu tư cho Campuchia từ Nam Lào xuống tận Kratchea, Snoul,… rẽ nhánh qua Mondulkiri, Ratanakiri,… ngoài mục tiêu khai thác tài nguyên bôxit, vônphram,…của Campuchia cũng còn kèm theo nhiều hậu ý, ai cũng cần phải tỉnh táo.

Sài Gòn, ngày 26/06/’11.

Đ. N. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn