Diễn biến hòa bình và tổn thiệt cho Việt Nam

Đoàn Nam Sinh

Từ sau hội nghị Thành Đô, 3-4/9/1990, tiếng đại bác cầm canh từ bên kia biên giới bắn sang nước ta đã dừng hẳn. Sau hơn 10 năm chiến tranh biên giới với Trung Quốc, các hoạt động quân sự tạm ngưng, nhưng cuộc chiến trên các mặt trận khác tiếp tục diễn ra ngày càng quyết liệt.

Suốt thời gian chiến tranh đó, Việt Nam đang sa lầy trên toàn tuyến Tây Nam, Liên Xô cũng đang sa lầy ở Afghanistan, còn nội bộ Trung Quốc vừa thoát hiểm sau thời kỳ “kiên trì 4 hiện đại hóa” và vừa kết thúc sự vụ Thiên An Môn.

Mục tiêu của Trung Quốc trong hội nghị này là muốn cùng Việt Nam ép Campuchia chấp nhận giải pháp 4 bên 6:2:2:2: trong Hội đồng Dân tộc Tối cao do cựu hoàng Sihanouk làm Chủ tịch. Cuối cùng, Hội đồng này hoạt động rất lủng củng nhưng di họa của giải pháp Đỏ ấy vẫn còn phát tác đến hôm nay.

Nếu trong thời chiến tranh biên giới Tây Nam, Trung Quốc vẫn viện trợ cho lực lượng Fulro quấy phá trên cao nguyên Việt Nam thông qua hành lang của Pol Pot, thì lúc sau này phe phái của Xon Xan rồi các Hoàng thân tiếp tục gây rối Tây Nguyên thông qua các trại tỵ nạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc (khuyến khích các dân tộc thiểu số ở Đông Dương sau Hội nghi Bắc Kinh năm 1971 là thường xuyên đòi tự trị). Các phe phái này tuyên truyền trong dân, kể cả việc trưng bày tại Hoàng cung bản đồ sai sự thật về vương quốc Campuchia rộng lớn mà so với thực trang hiện nay thì Việt Nam là nước xâm chiếm chủ yếu. Mấy năm trước có vụ nhổ cột mốc biên giới của đảng đối lập Sam Rainsy, nay lại xuất hiện yêu cầu Thủ tướng Hun Xen giải trình vấn đề Việt Nam xâm lấn đất đai do cắm mốc biên giới,... Rõ ràng Hội nghị ấy Trung Quốc đã gài bẫy để Việt Nam mắc lỡm, mang tiếng đàm phán “trên lưng” của bạn, đồng thời họ cài cắm được những kẻ mang ơn mới, bảo sao bạn không bị TQ gây khó dễ trong vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN mà Việt Nam là nước chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Đường lối ngoại giao 8 chữ của Trung Cộng lâu nay là: Nam thuận – Bắc cân – Đông hòa – Tây tấn (dù rằng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không một lời hé môi trong phương hướng Đại hội vừa qua) cho thấy để phương Nam quy thuận chỉ có một cách là làm cho Việt Nam ta suy yếu đi, trong đó làm suy kiệt giống nòi là biện pháp lâu bền nhất. Đọc lại lời văn cay đắng tổng kết chiến tranh của Lê Đức Thọ cuối năm 1977: “...Phải qua 30 năm chiến tranh ta mới rút ra được quy luật tồi tệ của nó - chọn những người con ưu tú dũng cảm đưa ra phía trước chiến đấu và hy sinh, để lại hậu phương những người yếu hèn, què quặt, dốt nát...”. Rõ là từ thời Việt Nam đánh Pháp đến nay, nước Trung Quốc cộng sản luôn chủ trương duy trì chiến tranh lâu dài, tạo mâu thuẫn gây nội chiến, gây rối liên tục để Việt Nam suy tàn.

Lịch sử ngàn năm đô hộ liền với ngàn năm tàm thực cho thấy đường lối ngày nay nhất quán với kinh nghiệm lịch sử ấy, nên câu nói “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” có ý nghĩa sâu như thế nào khi họ “giúp” cho Campuchia và Lào. Chỉ có thể bằng con đường “phiên thuộc”, Trung Quốc mới tiến được xuống phương Nam chinh phục toàn bộ Đông Nam Á.

Sau một thời gian chiến tranh với Pháp và Mỹ đã quá dài, Việt Nam chưa kịp hồi phục thì phải chia sức ra gánh hai cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc gây ra cũng như nhiều cuộc nội loạn bên trong suốt 15 năm nữa, kinh tế suy sụp thảm hại, chính là lúc Trung Quốc chìa tay ra tái lập quan hệ bình thường. Lúc này, sự sụp đổ của toàn khối cộng sản Đông Âu đang tràn tới Liên xô (cũ), mà nguyên nhân chủ yếu là sự lãnh đạo độc tài đã thủ tiêu mọi khả năng ứng phó, phát triển mềm dẻo của xã hội và làm xơ cứng các hoạt động kinh tế bình thường vì theo đuổi phương thức kinh tế tập trung chỉ huy, làm theo kế hoạch trong một thời gian quá dài.

Một Bí thư Nguyễn văn Linh đã từng mạnh dạn phá vỡ chủ trương “tem phiếu”, mạnh dạn “bung ra” với nghị quyết 33 của Thành ủy Tp HCM, nhưng khi chấp chính với cương vị TBT ông đã chấp nhận thực tế rằng “Trung Quốc dù có bành trướng cũng là nước XHCN” (?!) – tức là bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc theo cách quy phục nước đàn anh trong phe! Thực chất là hai bên chỉ vì muốn giữ Đảng và cố tin rằng chỉ có đảng cộng sản mới có thể tiếp tục lèo lái con thuyền lịch sử quốc gia. Đó mới chính là lý do hai kẻ thù xích lại để mở đầu thời kỳ Việt Nam bị lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc.

Trong các câu chữ thời bấy giờ rộ lên chuyện “diễn biến hòa bình”. Hai đảng gần như thống nhất với nhau chống lại lực lượng thù địch, cụ thể là Mỹ và các nước phương Tây. Còn Trung Quốc thì theo đuổi mục tiêu nín thở qua sông, gọi là trỗi dậy hòa bình. Oái oăm thay, trong sự trỗi dậy ấy đầy rẫy những diễn biến tác động lên nền kinh tế, nền công nghệ quốc gia của Việt Nam. Việc chống các thế lực phản dân hại nước là cần thiết, nhưng đừng như An Dương Vương đến phút cuối mới hay kẻ thù ở ngay sau lưng mình.

Những hình ảnh Đường Gia Triền sang Hà Nội ký hiệp định biên giới trên bộ, Chủ tịch Giang Trach Dân sang thăm vỗ yên bà con ở Hội An, hay Thủ tướng Chu Dung Cơ bay vào Sài Gòn, cưỡi Phi Yến vòng quanh thăm Chợ Lớn... cho thấy sự ấm lên của quan hệ cấp cao, đồng thời các liệt sĩ thương binh trong thời chống bành trướng phía Bắc hay bỏ mình ngoài biển Trường Sa bị quên lãng nhạt nhòa.

Những sự việc gặm nhấm từ mua râu ngô đến bán giống lúa lai kém phẩm chất đều cho thấy rõ mục tiêu đánh sập nền kinh tế nông nghiệp vốn là căn bản của nước ta, bên canh việc mua bán nông sản phẩm luôn có sự bất bình thường - hàng xuất sang thì lừa lọc, hàng nhập về toàn nhiễm độc từ rau quả sữa bột...

Trên chính phủ vừa cấm xe ba bánh nội địa thì nhập về vô số xe ba bánh Trung Quốc. Cấm xe công nông đầu ngang thì nhập về vô số xe vận tải cỡ nhỏ không phải đăng kiểm. Áp chế bằng thuế khóa và tiêu cực phí đến mức các doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp cho đến công cụ sản xuất chết mòn, thì “bạn” mua sừng bò móng trâu rồi xuất sang đủ thứ máy nông cụ.

Tài nguyên từ than đến titan, volfram... kìn kịn xuất sang biên giới với giá rẻ, nay còn đang tiếp tục xúc tiến dự án bô-xít nhôm và hàng loạt mỏ kim loại của Tây Nguyên cũng như các tỉnh giáp biên, kể cả đất hiếm mà dư luận cho rằng chỉ để trả nợ đã vay.

Vào chợ vùng cận biên toàn hàng Tàu, mà người tiêu dùng xách mé là hàng Hồ cẩm Đào, nào đồ đạc gia dụng bát đĩa soong nồi bếp ga ấm nước đến chăn chiếu mùng mền quần áo và cả đồ chơi trẻ con cũng tràn ngập. Hàng thì giá rẻ, có xài như ai nhưng cũng hay trục trặc và chóng xuống cấp, hư hỏng.

Hàng ngày trên mọi băng tần, mọi kênh truyền hình chiếu khá nhiều phim Trung Quốc, loại phim mà làm gì cũng có sự thể hiện tận cùng những âm mưu thấp hèn, cái ác và phi nhân bản. Sách báo dịch cho đến các “văn hóa liệu” của Tàu không khác gì bên chính quốc, mới thấy “xâm lược mềm” nguy hiểm thế nào. Việc hợp tác nghiên cứu đào tạo với các viện, trường càng cho thấy sự “rộng rãi” đầy âm mưu Hán hóa: vơ vét tàn sát văn hóa Việt Nam và tuyên truyền tiêm nhiễm những “lý luận học thuật” ngang ngược.

Hiển nhiên trong việc viện trợ kiểu ODA thì bên “cho vay” sẽ trúng thầu, nhất là có khoản hoa hồng dày dặn. Mọi công trình trọng điểm, hao tiền tốn của đều có bày tay lông lá của bạn vàng. Liên kết giữa bán công nghệ với bòn rút tài nguyên hay cài đặt cơ hội tương lai thì còn tùy. Có ai nghĩ đến hàng trăm sân gôn là điều kiện tuyệt vời để đổ quân bằng không vận và trực thăng vận khi cần thiết không? Hay những đập lớn đang bán điện giá cao cho EVN sẽ có ngày trở thành lợi khí để uy hiếp chiến tranh không?

Biển Đông đang đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc độc chiếm, ai cũng biết. Nhưng chuyện rừng thượng nguồn và cả thượng nguồn của những con sông đổ nước ra Biển Đông, Trung Quốc cũng mưu mô độc chiếm thì ít người biết. Đó chính là diễn biến hòa bình theo cách trỗi dậy hòa bình.

Viễn cảnh “bất chiến tự nhiên thành” mà cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên tri có thể sắp có chứng nghiệm. Một đất nước có gần vạn giáo sư, phó giáo sư không có lấy vài bằng phát minh. Một nền công nghệ quốc gia không làm nỗi cây kim may áo. Viện, trường mỗi năm xài hàng nghìn tỷ nghiên cứu mà giống lúa lai, bắp lai cứ phải nhập về. Bệnh viện ngày càng ngột ngạt mà dược phẩm cũng như phương cách chẩn đoán điều trị phụ thuôc hoàn toàn, đến thuốc phòng, vắcxin cũng thiếu thốn.

Giáo dục rày đúng mai sai do nền khoa học nhân văn quốc gia là văn - sử - địa - triết -... đều hỗn độn, lẫn lộn, phi hệ thống, hỏi bao giờ mới có “con người toàn diện”? Chỉ sơ bộ lướt qua những mảng mờ của thời cuộc cũng thấy được Trung Quốc thành công như thế nào!

Một cựu chiến binh từ thời tiền khởi nghĩa còn tỏ ra đau đớn rằng, khoảng 200 năm nếu chỉ tính từ khi Quang Trung chiến thắng quân Thanh đến 1990, có bao nhiêu việc Trung Quốc đã có dã tâm quyết thực hiện với nước ta nhưng không được, thì chỉ từ đó đến nay bằng trỗi dậy hòa bình chúng đã đạt được còn nhiều hơn thế.

Mấy tuần qua người dân trong cả nước thắc mắc và chờ đợi. Vì sao không thấy nhà cầm quyền có phản ứng cụ thể nào với giặc mà quay ra trấn áp giới trí thức phản biện yêu nước? Có thể nào Chính phủ sẽ đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa công pháp quốc tế để kêu gọi sự ủng hộ của lương tri loài người với Việt Nam? Nói thẳng ra là nếu Chính phủ có trót vay nợ đến 2/3 GDP với người ta mà phải lệ thuộc, há miệng mắc quai thì cứ thú thật để toàn dân gom góp cũng được ít nhiều mà trả, chứ để núi sông đứng trước nạn can qua tàn nhẫn này thì vong linh liệt tổ liệt tông của cả trăm họ rất đau lòng.

Còn cái người khi anh khi bạn, khi lại tỏ thói côn đồ kia thì thôi, chẳng nên chơi thân, dây làm gì với quỷ. Quay lại với hồn thiêng dân tộc, với trách nhiệm tôn tạo gìn giữ giang san có phải hơn là quy phục ngoại nhân để chẳng còn gì cho đời con cháu nữa không?

Sài Gòn, 6 tháng 8 năm 2012

Đ.N.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn