Vài ý kiến về bài ‘Lại bàn về quan hệ giữa khoa học và chính trị’

Lê Anh Hùng

Trên BVN ngày 5-11-2012 có đăng bài viết Khoa học và chính trị (http://www.boxitvn.net/bai/42421) của ông Lê Anh Hùng. Sau đó, ông Vũ Cao Đàm gửi đến một bài viết khác nhan đề Lại bàn về quan hệ giữa khoa học và chính trị (http://www.boxitvn.net/bai/42954), không nhằm phản bác bài trên mà muốn bàn sâu thêm về vấn đề mối quan hệ giữa hai bộ môn khoa học này, song cũng không phải ở khía cạnh lý thuyết mà cốt soi nhìn lại thực tiễn – nó là câu chuyện đã tồn đọng trong tâm trí không biết bao nhiêu thế hệ trí thức sống ở các thể chế do đảng cộng sản cầm quyền, kể từ khi Lê Nin giành được chính quyền ở Nga từ năm 1917, lập nên Nhà nước Xô viết, cho đến tận nay.

Gần đây, chúng tôi lại nhận được bài viết mới của ông Lê Anh Hùng đưa ra một số ý kiến phản bác ông Vũ Cao Đàm, nhưng không hẳn trên toàn bộ những trọng tâm mà ông Vũ Cao Đàm đặt ra, mà chỉ nhân ý kiến của ông, đi tới một vài suy luận cụ thể liên quan đến cách đánh giá quan điểm lập trường của những cá nhân cụ thể.

Nhận thấy đây là một ý tưởng tuy không phải không bổ ích, nhưng có thể làm cho vấn đề lệch khỏi trọng tâm mà tác giả Vũ Cao Đàm cũng như diễn đàn BVN vẫn quan tâm, chúng tôi đã gửi bài góp ý của ông Lê Anh Hùng cho ông vũ Cao Đàm xem lại, đồng thời cũng mời thêm một vài nhà khoa học trẻ tham góp ý kiến. Sau khi đọc, hai tác giả Nguyễn Việt Anh và Đỗ Văn Dũng đã nhiệt tình gửi nhận xét tới.

Xin vui lòng đăng lên cùng lúc cả bài góp ý của ông Lê Anh Hùng lẫn bài phản hồi của hai tác giả đã nói, để bạn đọc cùng xem xét cân nhắc, mặt khác, cũng xin khép lại cuộc tranh luận tại đây.

Bauxite Việt Nam

Ngày 6/11/2012, trang Bauxite Việt Nam đăng bài “Khoa học và chính trị” của tôi. Sau đó vài hôm, tôi nhận được thư góp ý của ông Vũ Cao Đàm cho cả tôi và GS Nguyễn Huệ Chi.

Mở đầu bức thư, ông Vũ Cao Đàm viết:

Tôi rất tâm đắc khi đọc bài viết “Khoa học và Chính trị” của ông Lê Anh Hùng trên Bauxite Việt Nam (BVN). Bài viết rất hay và chỉ ra cái chỗ yếu rất đúng trong mối quan hệ giữa khoa học và chính trị.

Tôi cũng có ý định viết một bài hưởng ứng với ông, vì ở Việt Nam hiện nay, quá nhiều người xử lý nhập nhằng mối quan hệ này, trong đó có một số vị trong giới khoa học chạy theo con đường cơ hội chính trị và một số vị trong giới chính trị lại nhân danh khoa học để đánh bóng các quan điểm chính trị một cách vô căn cứ.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt rất hay đó, bài viết của ông vẫn có đôi chỗ mà tôi muốn được tham góp một vài ý kiến, rất mong ông lượng thứ, nếu có điều gì đó làm ông không vui.

Những chỗ mà ông Vũ Cao Đàm muốn góp ý cho bài viết của tôi là (1) thông tin “GS Tạ Quang Bửu là người quyết định việc thi đại học” mà tôi đưa trong bài viết không hoàn toàn đúng, và (2) ông không nhất trí với việc tôi “xếp và tôn vinh” một trong số các nhà khoa học mà tôi nêu tên trong bài viết ngang hàng với những người còn lại. Cuối bức thư, ông nhận xét: “Đất nước này đang khủng hoảng các giá trị và niềm tin. Một tờ báo gọi là của trí thức như BVN, không nên để xen vào những giá trị và niềm tin sai lệch”.

Ban đầu, tôi dự định đăng bức thư phản hồi được viết rất sâu sắc và chân thành của ông Vũ Cao Đàm để độc giả phán xét. Tuy nhiên sau đó, ông Vũ Cao Đàm lại hồi âm rằng đấy là thư riêng, không nên đăng vào thời điểm này, bởi nếu đăng thì mọi chuyện sẽ bị phanh phui ra, không chỉ nhân vật kia mà cả giới trí thức sẽ mang tiếng.

Trong thư trả lời ông Vũ Cao Đàm, tôi đã thừa nhận đây là một sơ sót và là một bài học sâu sắc mà tôi sẽ còn nhớ mãi, mặc dù sơ sót này đáng được “châm chước” vì tôi không nắm được những thông tin về nhân vật kia qua kênh báo chí, cả “lề phải” cũng như “lề trái”.

Ngày 26/11/2012, ông Vũ Cao Đàm đăng bài “Lại bàn về quan hệ giữa khoa học và chính trị” trên trang Bauxite Việt Nam. Đây quả là một bài viết rất công phu, thể hiện tầm trí tuệ vừa sâu vừa rộng của tác giả. Tuy nhiên, đáng tiếc là tác giả lại đưa ra một vài nhận định quá chủ quan, và nó dường như thể hiện một niềm tin sai lệch (điều mà trước đó chính tác giả đã phê phán tôi) về chính trị. Đó chính là 2 đoạn mà ông viết:

Chưa hết, các phe phái chính trị đánh nhau cũng rất thích dùng một số “nhà” khoa học làm cái mà ngôn từ đường phố Hà Nội hiện đại gọi là “chân gỗ”, là thứ chân chắp cho những anh què. Cái loa của các “giáo sư” và “tiến sỹ” này được phát đi rất to, đánh vào cái yếu mà phe kia cần khai thác…, trong khi nói như cụ bà Lê Hiền Đức, là “Mặt ông nào cũng nhọ cả”… Cái ông ăn cơm Tàu thì đánh cái ông ăn cơm Tây hoặc ăn hớt của dân. Ăn cơm Tàu thì dân không thấy được, còn ăn hớt của dân thì dân nào cũng trông thấy… Vì thế bắc loa chửi cái thằng ăn hớt của dân dễ được lòng dân.

…Cụ Tô Hải nói ý là: Cái thằng bị chửi kia (ý nói đồng chí X) chỉ là hạng ăn cắp vặt trong nhà so với cái bọn đang to mồm chửi. Cụ Tô Hải nói rõ thêm: Các vị to mồm chửi kia mới chính là những kẻ đang vác bom đặt trên nóc nhà mình”. Ý của cụ nói về những vị đang ôm bom của các đồng chí 4 tốt và 16 chữ vàng đặt trên nóc căn nhà của Tổ quốc chúng ta.

Rõ ràng, ý tác giả là trên chính trường Việt Nam hiện nay đang có cuộc đấu đá giữa hai phe phái: phe thân phương Tây (phe tham nhũng) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu và phe thân Tàu của TBT Nguyễn Phú Trọng. Đây quả là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Xin dẫn ra đây một số nguồn để cho thấy điều đó:

1) Kể từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là nắm nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam suốt mấy năm qua, lên làm Thủ tướng năm 2006, nền kinh tế Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, thể hiện qua giá trị nhập siêu gia tăng với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây, cũng như việc hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, kéo theo đó là sự hiện diện của hàng chục ngàn “công nhân” Trung Quốc trên khắp Việt Nam cũng như những hiểm hoạ khó lường về an ninh – quốc phòng. Về mặt kinh tế, điều này đã gây ra những thiệt hại không thể đong đếm cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai. Chắc chắn là bất kỳ một vị Thủ tướng “trung lập” nào cũng không thể thản nhiên đứng nhìn thực trạng đáng báo động đó kéo dài hết năm này sang năm khác, chứ đừng nói gì đến chuyện ông ta lại còn “thân phương Tây” hay “chống Tàu” nữa.

2) Ngày 22/11/2012, tướng Đồng Sỹ Nguyên và tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã công bố bức thư chung “Mạo danh là hèn và phạm pháp”, trong đó hai vị tướng đã đưa ra nhận định thẳng thắn: “…chúng tôi còn nghi vấn  cuộc gặp của Thủ tướng với Tập Cận Bình nhân Hội chợ Quảng Tây, mặc cả với nhau những gì?! Sau này chắc sẽ rõ”. Hai nhân vật nổi tiếng này vốn là những quan chức cao cấp của chế độ nên chắc chắn họ hiểu rõ bộ máy lãnh đạo hiện nay hơn những người bên ngoài; và dĩ nhiên, với uy tín của họ, đây không phải là nhận định vu vơ.

3) Ngày 30/11/2012, trang Bauxite Việt Nam đăng bài “Toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn dân. Tại sao Đảng cứ tìm cách ém nhẹm?” trong đó tác giả nêu câu hỏi: “Lời tuyên bố của Chủ tịch nước về ai đó “cõng rắn cắn gà nhà” phải hiểu như thế nào? Là ai? Chắc chắn người đó phải quan trọng, phải ở bên cạnh Chủ tịch nước mới được quan tâm đến. Trong Bộ chính trị? Ai đang lãnh đạo đất nước chung với Trần Ích Tắc? Cùng hội cùng thuyền?” Đương nhiên, trong thời điểm mà ông Chủ tịch nước được cho là đang “liên minh” với ngài Tổng Bí thư để chống lại “phe tham nhũng” thì hẳn mọi người đều hiểu “đối tượng” bị lên án đó là ai rồi.

4) Vụ “hộ chiếu đường lưỡi bò” mới đây lại là một bằng chứng hùng hồn nữa cho thấy Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là “thân phương Tây” hay “theo Tàu”. Mặc dù hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã ra đời từ tháng 5/2012, nhưng mãi đến cuối tháng 11/2012 vụ việc mới được hé lộ. Những gì diễn ra thời gian qua đã cho thấy một Chính phủ hoàn toàn bị động, không có một hành động kiên quyết và bài bản nào để đối phó với sự leo thang trắng trợn và nham hiểm của Trung Quốc, mà như trang Ba Sàm ngày 1/12/2012 nhận xét: Hé lộ của báo An ninh Thủ đô về thực tế hoàn toàn bị động của cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Công an, phải để cho lực lượng Bộ đội Biên phòng ở một hai cửa khẩu thúc vào lưng như lũ lừa mà vẫn như đờ đẫn, đã càng chứng tỏ một chiến lược… ‘quy hàng’”.

5) Khi cần thiết, “phe Nguyễn Tấn Dũng” và “phe Nguyễn Phú Trọng” vẫn sẵn sàng “bắt tay” nhau nếu họ cùng có chung lợi ích, chẳng hạn như thời điểm ngay trước và sau Đại hội XI của Đảng CSVN, khi họ hợp sức với nhau để chống lại phe nào đó muốn giành giật hoặc chiếc ghế Tổng Bí thư hoặc vị trí Thủ tướng. Điều này rất dễ đối với họ, bởi thực chất họ đều chung một lập trường bảo thủ, và chịu sự chi phối của Bắc Kinh.

clip_image001

Sự ngộ nhận của ông Vũ Cao Đàm thể hiện qua bài viết của mình là rất tai hại. Bởi những bài viết của những bậc trí thức khả kính như ông, ở mức độ nào đó, luôn có tác dụng định hướng và dẫn dắt dư luận. Nếu quả thực “phe Nguyễn Tấn Dũng”, người được cho là nhiều quyền lực nhất Việt Nam mấy năm gần đây, là thân phương Tây thì xem ra đất nước này vẫn còn “hồng phúc” lắm!

Sau những gì đã diễn ra thời gian qua, hẳn nhiều người đã nhận ra được một thực tế phũ phàng: chưa bao giờ Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp luôn lăm le “nuốt chửng” đất nước chúng ta, lại có được những lực lượng “nội ứng” hùng hậu và “hiệu quả” như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ nguy cơ về một cuộc “Hán hoá” đối với dân tộc Việt Nam lại hiện lên rõ ràng như hiện nay cả./.

Hà Nội, 12/12/2012

L.A.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

* * *

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI VỀ CÁC BÀI BÁO CỦA ÔNG VŨ CAO ĐÀM VÀ ÔNG LÊ ANH HÙNG

Nguyễn Việt AnhĐỗ Văn Dũng

(Viện Khoa học Xã hội Việt Nam)

Trước hết, chúng tôi xin cảm ơn Ban Biên tập Bauxite Việt Nam đã giao cho chúng tôi nhiệm vụ đọc và bình luận các bài viết của ông Vũ Cao Đàm và ông Lê Anh Hùng.

Bài viết của ông Vũ Cao Đàm có tựa đề “Lại bàn về quan hệ giữa khoa học và chính trị” và bài viết phản biện của ông Lê Anh Hùng có tựa đề “Vài ý kiến về bài viết Lại bàn về quan hệ giữa khoa học và chính trị (của ông Vũ Cao Đàm)”.

Chúng tôi xin bàn về hai bài viết này.

Nội dung cốt lõi của bài viết của ông Lê Anh Hùng nhằm phản bác quan điểm của ông Vũ Cao Đàm được ông Hùng tóm tắt trong đoạn viết như sau: “… trên chính trường Việt Nam hiện nay đang có cuộc đấu đá giữa hai phe phái: phe thân phương Tây (phe tham nhũng) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu và phe thân Tàu của TBT Nguyễn Phú Trọng”.

Toàn bộ bài viết của ông Lê Anh Hùng nhằm nêu luận cứ để phản bác lại quan niệm trên, được ông Hùng nói là của ông Vũ Cao Đàm.

Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để tra đi xét lại từng câu chữ trong bài viết của ông Đàm, nhưng không hề tìm được ông Đàm đã viết đoạn này ở đâu cả, và chúng tôi nghi ngờ là ông Hùng đã tự mình “sáng tác” ra đoạn này.

Đúng như vậy. Chúng tôi xin trích toàn văn đoạn viết của ông Lê Anh Hùng:

“Tuy nhiên, đáng tiếc là tác giả lại đưa ra một vài nhận định quá chủ quan, và nó dường như thể hiện một niềm tin sai lệch (điều mà trước đó chính tác giả đã phê phán tôi) về chính trị. Đó chính là 2 đoạn mà ông viết:

Chưa hết, các phe phái chính trị đánh nhau cũng rất thích dùng một số “nhà” khoa học làm cái mà ngôn từ đường phố Hà Nội hiện đại gọi là “chân gỗ”, là thứ chân chắp cho những anh què. Cái loa của các “giáo sư” và “tiến sỹ” này được phát đi rất to, đánh vào cái yếu mà phe kia cần khai thác…, trong khi nói như cụ bà Lê Hiền Đức, là “Mặt ông nào cũng nhọ cả”… Cái ông ăn cơm Tàu thì đánh cái ông ăn cơm Tây hoặc ăn hớt của dân. Ăn cơm Tàu thì dân không thấy được, còn ăn hớt của dân thì dân nào cũng trông thấy… Vì thế bắc loa chửi cái thằng ăn hớt của dân dễ được lòng dân.

…Cụ Tô Hải nói ý là: Cái thằng bị chửi kia (ý nói đồng chí X) chỉ là hạng ăn cắp vặt trong nhà so với cái bọn đang to mồm chửi. Cụ Tô Hải nói rõ thêm: Các vị to mồm chửi kia mới chính là những kẻ đang vác bom đặt trên nóc nhà mình”. Ý của cụ nói về những vị đang ôm bom của các đồng chí 4 tốt và 16 chữ vàng đặt trên nóc căn nhà của Tổ quốc chúng ta”.

Sau cái đoạn mà ông Lê Anh Hùng trích dẫn từ bài viết của ông Vũ Cao Đàm như trên đây, ông Hùng viết tiếp đoạn sau đây:

Rõ ràng, ý tác giả là trên chính trường Việt Nam hiện nay đang có cuộc đấu đá giữa hai phe phái: phe thân phương Tây (phe tham nhũng) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu và phe thân Tàu của TBT Nguyễn Phú Trọng”.

Như vậy, chúng tôi khẳng định, đoạn này là do chính ông Lê Anh Hùng viết ra. Thật là một sự suy diễn rất nguy hiểm, trong khi ông Đàm không hề nói đến phe nào… và ai lãnh đạo phe nào.

Một nguyên tắc phản biện mà chúng tôi thường dùng trong khoa học, nhất là khoa học xã hội, là phải căn cứ vào sự kiện để mà phản biện, không bao giờ được “sáng tác” bằng cách suy diễn một cách vô căn cứ.

Chúng tôi đọc rất kỹ các đoạn đánh số từ (1) đến (5) của ông Lê Anh Hùng, mà ông giải thích là ông sử dụng để “làm luận cứ” để phản bác ông Vũ Cao Đàm. Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ, đây là những luận cứ để chứng minh cho luận điểm nào? Cuối cùng chúng tôi nhận ra, là ông Hùng muốn chứng minh rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng và Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng là thân Tàu, chứ không thân phương Tây, và ông Lê Anh Hùng viết một đoạn kết luận rất rõ “Nếu quả thực “phe Nguyễn Tấn Dũng”, người được cho là nhiều quyền lực nhất Việt Nam mấy năm gần đây, là thân phương Tây thì xem ra đất nước này vẫn còn “hồng phúc” lắm!”.

Đến đoạn này nữa, chúng tôi lại một lần tra xét lại bài viết của ông Vũ Cao Đàm, thì không thấy ông Đàm nêu quan điểm này ở chỗ nào trong bài viết của ông.

*

Chúng tôi đã liên hệ để gặp ông Vũ Cao Đàm nhằm làm rõ, vì sao ông viết về mối quan hệ giữa khoa học và chính trị, thì được ông Đàm cho biết như sau:

Tôi giảng chuyên đề “Những nghiên cứu xã hội về Khoa học và Công nghệ” (Social Studies of Science and Technology) cho các lớp sau đại học về Chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và ngành Quản lý KH&CN. Chuyên đề này tôi bắt đầu giảng từ năm 1997, trong đó có những nội dung như “Quan hệ giữa khoa học và tôn giáo”, “Quan hệ giữa khoa học và đạo đức”, “Quan hệ giữa khoa học và chính trị”. Nói rồi, ông mở cho chúng tôi xem chuyên đề này trong một chương gọi là “Những vấn đề triết học của khoa học”, được in trong Tập I, Tuyển tập Vũ Cao Đàm xuất bản năm 2008. Tập này có tên là “Lý luận và Phương pháp luận Khoa học”

Cái đoạn mà ông viết “Các phe phái chính trị đánh nhau rất thích lợi dụng khoa học” là một quy luật đã tổng kết trong lĩnh vực gọi là “Xã hội học chính trị về khoa học”. Ông còn giới thiệu cho chúng tôi cuốn sách của Stuart Blum về chủ đề này. Cuốn sách có tên tiếng Anh là “Political Sociology of Science”, và thậm chí ông còn chỉ cho chúng tôi cái đoạn viết đã được tổng kết thành quy luật đó.

Như vậy, nội dung mà ông Lê Anh Hùng bác bỏ trong bài báo của ông “Việt Nam có hai phe đánh nhau, phe thân Tàu do TBT Nguyễn Phú Trọng cầm đầu và phe thân phương Tây do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu” là do ông Hùng tự đặt ra, không có liên quan gì đến bài viết của ông Vũ Cao Đàm cả.

Nhân đây cũng cần nói thêm, chúng tôi thường xuyên đọc các bài viết trên Bauxite Việt Nam, chúng tôi cũng chưa bao giờ đọc được bài vở nào công bố quan điểm của Bauxite Việt Nam về việc ở Việt Nam có hai phe đánh nhau với hai người cầm đầu, như được nêu trong bài báo gọi là “phản bác” của ông Lê Anh Hùng.

N.V.A. - Đ.V.D.

Các tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn