Một hội thảo về Biển Đông gạt tên nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Mới đây nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đã bị gạt tên ông ra khỏi cuộc hội thảo về Biển Đông có tên “Hợp tác Biển Đông: Lịch sử và triển vọng”.

clip_image001

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc tại hội thảo biển và hải đảo Việt Nam năm 2009. RFA files

Bất ngờ

Ông Đinh Kim Phúc đã gửi thư phản đối đến ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào Tạo Phạm Vũ Luận, PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học quốc gia TP HCM, Ông PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP HCM để phản đối việc này. Trước tiên ông cho biết:

Vấn đề này không phải mới đây, mà hồi đầu năm 2012 tôi đã nhận được thư mời của PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, mời tham dự hội thảo “Hợp tác Biển Đông: Lịch sử và triển vọng” do 4 đơn vị tổ chức là  Trường Đại học KHXH&NV Đại Học Quốc Gia Hà Nội, rồi Học Viện Chính Trị Hành Chính Quốc Gia Khu Vực III, rồi Trường Đại học KHXH&NV – Đại Học Quốc Gia TP.HCM, và Trường Đại Học Paris II ở Pháp, nhưng sau khi tôi gửi tham luận đàng hoàng thì lại có công văn tạm hoãn cuộc hội thảo này.

Cho đến đầu tháng 10 vừa qua tôi nhận được thư mời lần thứ hai để tiếp tục tham gia hội thảo nảy với chủ đề trên mà chỉ có 3 trường  thôi, tức là Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, rồi Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Khu vực III, và Trường Đại học KHXH&NV TP HCM. Sau khi nhận được thư mời tôi đã gửi một tham luận với chủ đề “Phản biện quan điểm của một số học giả Trung Quốc về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam”.

Khi tôi gửi tham luận đến cho Ban Tổ Chức thì ông Trưởng Phòng Quản lý Khoa học của Trường Đại học KHXH&NV TP HCM, và ông Trưởng Khoa Lịch sử cũng của trường này rất khen bài tham luận của tôi, và còn gọi điện thoại trao đổi khích lệ và động viên tôi tiếp tục trong vấn đề nghiên cứu Biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Mặc Lâm : Và xin ông cho biết những gì xảy ra sau đó?

Ông Đinh Kim Phúc : Ngày 12 tháng 12 là khai mạc hội thảo, những trước đó 3 ngày tôi không hề nhận được thư mời, không hề nhận được kế hoạch đi đứng như thế nào, tôi liền “e-mail” cho Ban Tổ chức thì cũng không được trả lời. Tôi gọi điện thoại thì họ lại “ấm ớ hội tề”. Đến sáng Thứ Hai 10 tây, tôi đến Phòng Hợp tác Khoa học của Trường Đại học KHXH&NV TP HCM thì được biết rằng bài tham luận của tôi đã bị loại ra khỏi hội thảo vì “không phù hợp với mục tiêu của hội thảo”, mà trong giấy mời đã ghi rất rõ là có 4 nội dung và bài tham luận của tôi là phù hợp với nội dung của hội thảo.

Tôi liền gặp ông Hà Minh Hồng, PGS-TS Trưởng Khoa Lịch sử của Trường Đại học KHXH&NV TP HCM, thì ông Hồng cho tôi biết một trong những lý do khiến tham luận của tôi bị loại ra là “Ban Tổ chức không chủ trương phản biện các quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông”.

Thử hỏi rằng tổ chức một hội thảo về Biển Đông để bảo vệ chủ quyền đất nước, hay là hội thảo để tập hợp nội bộ lại với nhau để tiêu tiền của nhà nước? Vấn đề này tôi rất là bức xúc, do đó tôi mới làm một thư ngỏ gửi đến tất cả các đơn vị phối hợp tổ chức và gửi cho tất cả các quan chức kể cả Bộ trưởng của Bộ GD&ĐT, để trình bày rõ quan  điểm của tôi. Và tôi yêu cầu Ban Tổ chức phải trả lời tôi 3 câu hỏi như sau :

1 - Tham luận và sự có mặt của tôi tại Hội thảo có làm mất lòng ai không?

2 – Đã hội thảo về Biển Đông mà tại sao không phản biện các quan điểm sai trái của các học giả và nhà nước Trung Quốc  thì hội thảo lập ra đề làm gì?

3 – Và câu thứ 3: Ban tổ chức Hội thảo nhận bao nhiêu tiền của nhà nước Trung Quốc để loại tôi ra khỏi hội thảo này?

Ai cũng biết rằng tôi không phải là chuyên gia hàng đầu, tôi cũng không phải là giáo sư - tiến sĩ, nhưng những bài nghiên cứu của tôi về Biển Đông, về Hoàng Sa – Trường Sa đã được dư luận đánh giá rất cao, có những thành công nhất định trong việc đóng góp bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên Ban Tổ chức toàn là những trường đại học hàng đầu của đất nước như vậy nhưng làm ăn rất cẩu thả, phi chính trị, hay nói cách khác là phản khoa học và phản dân tộc.

Vì sao?

Mặc Lâm : Chúng tôi nhận thấy trong bài tham luận của ông có một điểm đặc biệt là ông đã chứng minh “Công hàm của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng” không có giá trị trên cương vị pháp lý. Đây có thể là một điều khiến cho những người tổ chức hội thảo cảm thấy lo ngại khi đưa vấn đề ra trước công luận hay không, thưa ông?

Ông Đinh Kim Phúc : Vấn đề “Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” vào năm 1958 không phải lần đầu tiên tôi đặt vấn đề. Các quan chức Việt Nam trước đây đã từng đặt vấn đề, ví dụ như ông Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, rồi ông Nguyễn Mạnh Cầm, vân vân, là những quan chức của Bộ Ngoại giao đã từng tuyên bố công khai.

Vừa qua Luật Biển của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua thì ngay Điều 1 đã khẳng định “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”, điều đó đã phủ nhận  “Công hàm Phạm Văn Đồng”. Theo quan điểm của Trung Quốc thì rõ ràng là tôi làm rõ thêm là “Công hàm Phạm Văn Đồng” đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử nhứt định trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, trong thời kỳ cuộc chiến tranh ý thức hệ trên toàn thế giới, mà Việt Nam và Trung Quốc đều là hai nước xã hội chủ nghĩa, hai nước đều có kẻ thù chung, do đó đây là một công hàm hữu nghị nhằm thể hiện cái tình đồng chí anh em của những nước xã hội chủ nghĩa, chứ không phải là “công hàm bán nước”.

Vấn đề này tôi đã liệt kê quan điểm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước để làm sáng tỏ hơn cái kết luận của tôi, chứ không hề có một điều gì đi ngược lại quan điểm của nhà nước, quan điểm của Đảng CSVN trong vấn đề “Công hàm Phạm Văn Đồng” năm 1958. Sách vở, báo chí cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này, chứ tôi không phải là người châm ngòi hay là người đầu tiên nêu vấn đề này ra mà Ban Tổ chức lại lấy đó là một lý cớ để loại tôi ra khỏi cuộc hội thảo.

Mặc Lâm : Vâng. Thưa ông, chắc ông cũng biết là hôm Chủ nhật vừa rồi hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã xảy ra ở hai thành phố, ông có nghĩ rằng những cuộc biểu tình mà ông có được sự chú ý của bên an ninh nên đã làm cho những người tổ chức hội thảo lo ngại hay không?

Ông Đinh Kim Phúc : À, tôi nghĩ rằng biểu tình chống bành trướng Trung Quốc trên Biển Đông cũng như các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua với lại một hội thảo khoa học thì không có một dính dáng gì với nhau.

Ai phạm pháp, ai vi phạm pháp luật Việt Nam thì cứ xử theo sự phạm pháp, còn hội thảo khoa học là phải làm sáng tỏ những vấn đề khoa học và lịch sử đã đặt ra. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau, đừng vì nói tôi thường xuyên đi tham gia biểu tình chống bành trướng, chống hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông mà loại tôi ra khỏi hội thảo thì như thế cuộc hội thảo không phải là đặt trên tinh thần học thuật của giới đại học. Chẳng lẽ tất cả hội thảo là phải cùng chính kiến với nhau, hay là cũng quan điểm với nhau hay sao?

Hội thảo khoa học là phải đi tìm những cái mới, những cái gì mà khoa học chưa giải quyết được, những cái gì mà lịch sử đang đòi ra, những cái gì mà đất nước đang đòi ra, để mổ xẻ, để tìm những phương pháp, những biện pháp mới và tốt nhứt để bảo vệ tổ quốc, đó mới là những hội thảo về Biển Đông. Cái đó nó ủng hộ nhà nước, để phục vụ nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, không để một tấc đất lọt về tay Phương Bắc, như là lãnh đạo nhà nước đã từng phát biểu.

Mặc Lâm : Vâng. Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về thời gian ông đã dành cho chúng tôi ngày hôm nay.

M.L. – Đ.K.P.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn