Thương lượng sự Thay đổi Cơ bản: Hiểu và Mở rộng các Bài học của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn Ba Lan (Kỳ 15)

(Negotiating Radical Change: Understanding and Extending the Lessons of the Polish Round Table Talks)

Dịch giả: Nguyễn Quang A

Bàn Tròn Ba Lan năm 1989:

Chiều Văn hóa của sự Thay đổi Chế độ được Dàn xếp

Jan Kubik

1. Dẫn nhập. Mô hình hóa quá trình Bàn Tròn (BT) như hiện tượng văn hóa-chính trị.

Trong tiểu luận này, tôi sẽ ngó tới Bàn Tròn Ba Lan (BT) từ một viễn cảnh “văn hóa chính trị.” Không có chỗ ở đây để trình bày một bức tranh đầy đủ và toàn diện về viễn cảnh này và vị trí của nó trong sự lý thuyết hóa gần đây nhất về văn hóa. Tôi tóm tắt các giả thiết chính của cách tiếp cận của tôi trong Phụ lục 1; nó bị ảnh hưởng mạnh bởi bài báo tổng hợp mới đây của Sewell.[1] Về phần văn hóa chính trị, tôi chấp nhận và sử dụng định nghĩa của Gamson: “Một khái niệm không dư thừa về văn hóa chính trị nói đến các hệ thống ý nghĩa mà sẵn có về mặt văn hóa cho việc nói, viết, và suy nghĩ về các đối tượng chính trị: các huyền thoại và ẩn dụ, ngôn ngữ và các yếu tố ý tưởng, các cấu trúc, các hệ tư tưởng, các giá trị, và các biểu tượng cô đọng.”[2] Tôi chú tâm, vì thế, vào “các hệ thống ý nghĩa” (hay ‘các mạng ý nghĩa”) mà đã được phát triển và sử dụng bởi những người tham gia khác nhau của các cuộc Đàm phán Bàn Tròn để hình dung, khái niệm hóa, phân tích, phê phán, đánh giá và truyền bá các chiến lược của hoạt động (chính trị) họ và các đối thủ của họ đã áp dụng.

Một cách cụ thể, cấu trúc lý thuyết của tiểu luận này dựa trên:

1. Một cách tiếp cận đến nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, được thông báo bởi (a) định nghĩa Geertzian về văn hóa như một “mạng ý nghĩa- web of significance” và (b) ý tưởng của Swidler để giải thích “ý nghĩa nhân quả của văn hóa không trong việc vạch rõ các mục đích của hành động, mà trong việc cung cấp các thành phần văn hóa mà được dùng để xây dựng các chiến lược của hành động.”[3]

2. Những sự khái niệm hóa của các quá trình xã hội mà đặt vấn đề một cách rõ ràng phép biện chứng giữa hoạt động xã hội và sự văn bản hóa của thực tế xã hội (tường thuật hóa, dựng cốt truyện). Ở đây tôi vay mượn nhiều từ nhân loại học văn hóa (đặc biệt Geertz và Victor Turner) và xã hội học về văn hóa.[4]

3. Những nghiên cứu so sánh giữa các nền văn hóa về giải quyết xung đột.[5]

Khái niệm của Victor Turner về vở kịch xã hội sẽ phục vụ như công cụ tổ chức chính cho bài báo này:

Đơn giản nhất, vở kịch gồm một mô hình có bốn giai đoạn, xuất phát từ mối bất hòa của quan hệ nào đó được coi là có tính quyết định trong nhóm xã hội thích hợp, mà cung cấp không chỉ khung cảnh của nó mà cả nhiều mục tiêu của nó, qua một pha của khủng hoảng tăng lên nhanh chóng theo hướng của sự chia tách phân đôi chủ yếu của nhóm, đến việc áp dụng các công cụ pháp lý hay lễ nghi về sự đền bù hay hòa giải giữa các bên xung đột mà soạn ra cảnh hành động. Giai đoạn cuối cùng hoặc là sự bày tỏ công khai và hình tượng về sự hòa giải hoặc khác đi về sự phân ly không thể sửa chữa được.[6]

Đối với chuỗi bốn pha này, Bất hòa, Khủng hoảng, Đền bù, Hòa giải/Phân ly, tôi sẽ cho thêm một pha: Trước-đền bù. Đây là một thời kỳ trong diễn tiến của vở kịch xã hội khi những sự thay đổi sớm nhất trong các sơ đồ văn hóa của các diễn viên xảy ra và khi các mối tiếp xúc sơ bộ giữa các đối thủ được xác lập. Nhưng, toàn bộ quá trình tại thời điểm này dễ có thể bị đảo ngược, không có cam kết chắc chắn nào đối với hành động đền bù, và một cơ cấu định chế cho sự đền bù vẫn chưa được tạo ra. Vì mục đích đơn giản hóa, tôi gộp hai pha Bất hòa và Khủng hoảng lại với nhau, và như thế cô lập trong quá trình BT, được khái niệm hóa như một vở kịch xã hội, bốn pha:

(1) Thời kỳ trước-BT (1980-1986). Nó bắt đầu với sự Bất hòa trong hiện trạng xã hội chủ nghĩa, tức là sự tạo ra Đoàn kết trong năm 1980. Tiếp theo, một pha dài của Khủng hoảng đi theo sau (với thời kỳ Quân luật là một phần cốt yếu của nó).

(2) Ân xá ngày 11 tháng Chín năm 1986 (tất cả các nhà hoạt động Đoàn kết được thả khỏi nhà tù) mở đầu pha Trước-Đền bù. Trong tiết đoạn này tôi nhấn mạnh nét đặc trưng của sự kháng cự Ba Lan đói với chế độ cộng sản.

(3) Quá trình BT tự nó (6 tháng Hai năm 1989 – 24 tháng Tám năm 1989 [hình thành nội các Mazowiecki]), tạo thành pha Đền bù. Ở đây tôi tập trung vào hai cặp mâu thuẫn/căng thẳng: đối đầu versus (vs-đối lại) thỏa hiệp và loại trừ versus bao gồm.

(4) Thời kỳ hậu-BT: Phân ly hay Hòa giải? Sự nhấn mạnh giải tích được đặt lên xung đột giữa những diễn giải khác nhau về BT và sự xác đáng chính trị của chúng.

Cơ sở kinh nghiệm của dự án bao gồm:

1. Tài liệu được tạo ra bên trong dự án Michigan, gồm: (a) bản ghi gỡ băng của hội thảo và (b) các bản ghi gỡ băng các cuộc phỏng vấn với nhiều người tham gia chủ chốt của các cuộc đàm phán BT[7];

2. Ký ức và các ghi chú riêng của tôi về các cuộc trò chuyện và các cuộc tranh luận không chính thức mà tôi đã có với nhiều người tham gia ở Ann Arbor (tháng Tư 1999) và nơi khác;

3. Nhiều tường thuật và phân tích lịch sử và xã hội học hiện có về Bàn Tròn (BT);[8]

4. Tài liệu do những người tham gia Ba Lan tạo ra.[9]

Nhằm để lần dấu vết động học của quá trình BT, đối với mỗi pha tôi sẽ thử xác định tập hợp các đặc tính sau đây:

1. (Các) tầm nhìn tượng trưng chi phối của chính thể

2. Mối quan hệ chi phối giữa elite và những người đi theo trong Đoàn kết

3. Mối quan hệ chi phối giữa elite và những người đi theo trong nhà nước-đảng

4. Phương thức tương tác chi phối giữa các đối thủ chính.

Ngoài ra, nhằm để gợi ý những khái quát hóa khả dĩ và các bài học để học từ kinh nghiệm Ba Lan, tôi cũng sẽ:

5. Nhận diện đặc tính chủ yếu của mỗi pha

6. Đưa ra vài điểm lý thuyết đơn giản học được từ hoặc xác đáng cho mỗi pha

2. Thời kỳ trước-BT: Bất hòa và Khủng hoảng

Khi những người cộng sản Ba Lan đã thừa nhận đầy đủ sự công nhận hợp pháp cho Đoàn kết trong mùa thu năm 1980, họ đã đình chỉ các quy tắc của trò chơi chính trị mà những người Soviet đã áp đặt lên Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới II. Một tổ chức khổng lồ, hoàn toàn tự trị và thoát được sự kiểm soát của họ, đã được thành lập. Nhưng, lúc đó, sự bất hòa đã tỏ ra là quá cấp tiến, và với sự áp đặt Quân Luật và rút lại tính hợp pháp của Đoàn kết vào ngày 31 tháng Mười Hai, 1981, nhà nước xã hội chủ nghĩa đã cố gắng tái khẳng định mình. Quá trình, được biết đến như “bình thường hóa,” tuy vậy, đã không có kết quả. Phong trào Đoàn kết đã quá to lớn và đã ăn quá sâu vào xã hội để bị đập tan. Đất nước đã bước vào thời kỳ 5 năm khủng hoảng sắp sôi. Trong thời gian khủng hoảng này một sự phân cực văn hóa-chính trị của chính thể đã được tăng cường.

2.1. Tầm nhìn Chi phối của Chính thể: Sự Chia tách Hai Cực: Đoàn kết Vs Những người Cộng sản.

Như tôi đã giải thích ở nơi khác,[10] “cuộc cách mạng” chống cộng Ba Lan đã là một hiện tượng văn hóa-chính trị có tầm vóc to lớn, khi so sánh với các nước Đông Âu khác. Trong các năm 1970 và đầu các năm 1980, một số lớn những người đã tham gia vào việc trình bày một cách có hệ thống, phát triển và bảo vệ một tầm nhìn chống-bá quyền, mà đã được dùng để phi pháp hóa hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa và, đồng thời, đã cho phép những người này để tự tạo thành như một giai cấp văn hóa “đối lập” của Đoàn kết. Diễn đạt theo cách khác, Đoàn kết đã chưa bao giờ đơn giản là một nghiệp đoàn hay một phong trào, mà là một giai cấp văn hóa in statu nascendi (trong trạng thái sơ sinh), đã chưa bao giờ “được củng cố” đầy đủ, đã phải chịu những căng thẳng ly tâm nội tại to lớn mà đã hoạt động cùng các lực hướng tâm của sự thống nhất tượng trưng. Vào năm 1991, những căng thẳng chính trị ly tâm (cả về mặt cương lĩnh lẫn cá nhân) đã tàn phá Đoàn kết (với tư cách một giai cấp “văn hóa” đặc thù), nhưng suốt các năm 1980 một phần đáng kể của dân chúng Ba Lan “đã thuộc về” nó, hoặc một cách tích cực, bằng cách tham gia vào các hoạt động bí mật khác nhau; hay một cách thụ động, bằng cách cho nó “sự ủng hộ đạo đức” của họ. Cấu trúc văn hóa mà đã giữ giai cấp này lại với nhau đã được xây dựng như một tầm nhìn phân cực về “chúng tôi/nhân dân/Đoàn kết” đối lại (vs.) “họ/chính quyền/những người cộng sản.”

Nhiều nhà nghiên cứu về thời kỳ 1981-1989 ở Ba Lan đã kết luận rằng sức sống văn hóa và ý nghĩa chính trị của cấu trúc phân cực này trong các năm này không chỉ đã không giảm, mà dường như đã tăng. Anna Uhlig, tác giả của một nghiên cứu xuất sắc về chủ nghĩa biểu tượng chính trị trong các năm 1980, đã viết: “sau ngày 13 tháng mười Hai, 1981 sự nỗ lực của phe đối lập để phân biệt giữa ‘Ba Lan của chúng tôi’ (Cộng hòa Đoàn kết) khỏi ‘Ba Lan của họ’ (Cộng hòa Nhân dân Ba Lan) tăng lên.”[11] Các sự kiện mà đã giúp “phe đối lập” để dựng lên sự chia tách phân cực quyền lãnh đạo này đã bao gồm hai cuộc viếng thăm của Giáo hoàng, việc sát hại Cha Jerzy Popiełuszko và sự nổi lên ngay tức khắc của sự sùng bái ông, và vô số các cuộc biểu tình trên đường phố và những đụng độ với cảnh sát cũng như các cuộc đình công công nghiệp lớn trong năm 1988. Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đã tham gia vào sự đối đầu chính trị và biểu tượng đang tiếp diễn này với chế độ, và không phải tất cả mọi người đã chấp nhận tầm nhìn phân cực này về xung đột. Thực ra, con số thực của những người ủng hộ Đoàn kết đã tiếp tục giảm suốt các năm 1980 và đã tăng lại chỉ sau chiến thắng bầu cử ngoạn mục của Đoàn kết trong năm 1989.[12] Thế nhưng cảm nhận về xung đột quyền lãnh đạo giữa “chúng tôi” và “họ” đã tiếp tục là đặc tính đặc trưng nhất của văn hóa chính trị bình dân Ba Lan. Jasiewicz và Adamski đã tóm tắt một nghiên cứu theo chiều dọc về thái độ Ba Lan theo cách sau đây: “Những câu trả lời tự phát cho thấy rằng trong năm 1988 hơi ít người trả lời hơn năm 1984 một chút cảm nhận sự hiện diện của xung đột trong xã hội Ba Lan, mà, tuy vậy, đã được cảm nhận bởi gần một nửa những người trả lời. Tuyệt đại đa số những người mà cảm thấy xung đột, đã xác định nó như giữa chính quyền và xã hội.”[13]

Vì thế là rõ rằng trong các năm tàn tạ của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan (1976-1989), một sự khái niệm hóa cực đoan, hai cực của không gian công (“chúng tôi” vs. “họ”) đã hình thành và trở thành một vũ khí chủ yếu trong cuộc đấu tranh của “xã hội” chống lại chế độ không ai mong muốn. Sự khái niệm hóa hai cực này ((di)vision – (sự chia rẽ) tầm nhìn) này đã không được chia sẻ bởi tất cả mọi người, thế nhưng nó đã phục vụ như cơ cấu huy động cho các cá nhân và các nhóm tích cực nhất.

2.2. Đoàn kết: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.

Trong pha đó, Đoàn kết đã thống nhất cao độ và hầu hết những người đi theo đã cảm thấy rằng họ đã “được đại diện tốt” bởi các cấu trúc ngầm; một ý thức về sự bao hàm rõ ràng đã chi phối trong phong trào. Quan trọng để nhớ, tuy vậy, rằng số những người đi theo đã teo lại và các nhà hoạt động Đoàn kết đã phải dùng đến các chiến lược tượng trưng khác nhau phóng đại sức mạnh thực và mức độ thống nhất của phong trào.[14]

2.3. Đảng-Nhà nước: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.

Trong pha này, đảng-nhà nước có vẻ đã thống nhất mạnh mẽ đằng sau nhà lãnh đạo của mình, Tướng Wojciech Jaruzelski. Ý thức bao hồm giữa bộ máy đảng (nomenklatura) tại các mức khác nhau hẳn đã phải cao.[15]

2.4. Phương thức Tương tác Chi phối Giữa các Đối thủ.

Đảng-nhà nước và Đoàn kết đã tiến hành một sự đối đầu dữ dội, nhiều mức. Vì Đoàn kết đã phát triển các cấu trúc ngầm rộng lớn và đôi khi đã giao chiến với các lực lượng an ninh trong các cuộc đối đầu bạo lực thường xuyên, nhà nước đã dựa vào những kỹ thuật đàn áp. Vì cấu trúc chính trị độc đoán và sự thiếu tiếp xúc giữa cả hai bên, sở trường của sự tranh cãi chính trị đã bị giới hạn ở các cuộc biểu tình đường phố và các cuộc đình công thưa thớt.

2.5. Đặc điểm Chi phối của Pha này đã là sự Phân hai Cực Tượng trưng của Chính thể và Xã hội.

2.6. Các điểm Lý thuyết.

A. Dưới những điều kiện của sự phân cực tượng trưng mạnh và một bối cảnh chính trị bên ngoài ổn định và “thù địch”, xung đột trở nên khó trị. Thế nhưng:

B. Các nhà nghiên cứu phải chú tâm vào cách chính trị biểu tượng được chơi (cuộc tranh cãi về bá quyền văn hóa đối lại phản-bá quyền) và thử nhận diện những sự mở cửa khả dĩ cho một sự đối thoại. Trong trường hợp này, “sự vét kiệt” khả năng của hệ thống hiện tồn cho tăng trưởng kinh tế đã trở nên ngày càng rõ đối với “các nhà cải cách” nào đó ở bên trong elite cầm quyền.[16] Đồng thời, một số nhà hoạt động Đoàn kết đã đang nhận ra rằng sự đối thoại và thỏa hiệp cuối cùng đã là không thể tránh khỏi; các chiến lược khác (như đối đầu bạo lực và lật đổ) đã ngày càng không thể biện hộ được.[17]

C. Bài báo ngắn của Kriesberg về chuyển tiếp từ các xung đột khó trị sang dễ trị là rất hữu ích. Mô tả của ông về xung đột dễ trị hợp hoàn hảo với các pha trước-Đền bù và Đền bù của xung đột Ba Lan: “Các chuẩn đối sánh tối thiểu của các xung đột dễ trị bao gồm ba đặc tính sau đây. Thứ nhất, các bên thù địch nhận ra các lợi ích chung đáng kể và bản sắc chung, và không chỉ các lợi ích không tương thích của các bản sắc riêng biệt, loại trừ nhau. Thứ hai, số thành viên đáng kể của mỗi bên thù địch thừa nhận các quyền tối thiểu của bên kia và sự thích đáng của các yêu sách của bên kia. Thứ ba, các địch thủ đồng ý để dựa vào các phương tiện bất bạo động của việc theo đuổi xung đột của họ và các thủ tục để giải quyết các vấn đề cụ thể trong sự tranh chấp giữa họ.”[18]

3. Pha Trước-Đền bù (11 tháng Chín, 1986 – 6 tháng Hai, 1989).

Pha này bắt dầu với lệnh ân xá đầy đủ vào ngày 11 tháng Chín, 1986. Theo nhiều người được phỏng vấn, đây đã là điểm đột phá thực sự quan trọng. Nó đã báo hiệu sự sẵn sàng của chế độ để chuyển từ đối đầu sang đối thoại với phe đối lập.[19] Các nhân tố nào đã gây ra sự thay đổi này? Một danh sách tối thiểu phải bao gồm những thứ sau đây:

1. Các nhân tố chính trị bên ngoài: Một sự thay đổi cấu trúc cơ hội chính trị (political opportunity structure - POS) và sự định khung của nó, gây ra bởi những cải cách của Gorbachev ở Liên Xô.[20]

2. Các nhân tố chính trị và kinh tế nội địa: một sự bế tắc chính trị ngày càng sâu sắc giữa Đoàn kết và đảng-nhà nước. Các cuộc đình công tháng Năm và tháng Tám 1988 đã chứng tỏ sức dẻo dai của Đoàn kết (dù có bị yếu đến đâu). Cũng quan trọng ngang thế là, trong nửa sau của thập kỷ một số thành viên chủ chốt của elite cầm quyền đã đi đến kết luận rằng nhà nước xã hội chủ nghĩa đã đạt một trạng thái “kiệt quệ” mang tính hệ thống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.[21]

3.1. (Các) Tầm nhìn tượng trưng chi phối của chính thể.

Trong pha này những thủ đoạn văn hóa/biểu tượng là đặc biệt quan trọng, vì nhiều người bắt đầu xem xét lại các bản sắc riêng của mình và của các kẻ thù của họ. Một quá trình từ từ để dỡ bỏ các định kiến trước bắt đầu. Tại Ba Lan, pha này đã vẫn bị chi phối bởi sự phân hai cực tượng trưng (Đoàn kết versus những người cộng sản), và sự thống nhất tượng trưng của Đoàn kết đã được các nhà hoạt động chủ chốt nhận thức như một điều kiện tiên quyết cần thiết của thành công cuối cùng. Michnik đã lưu ý: “Tôi đã nghĩ rằng phương pháp duy nhất để dỡ bỏ chế độ cộng sản là một bản sắc xã hội mạnh, và bản sắc này được cung cấp bởi Đoàn kết và Wałęsa.”[22] Thế nhưng, một sự tái khái niệm hóa chậm chạp về bản đồ xã hội-chính trị đã bắt đầu. Trong quá trình đó một số “kẻ thù” được định nghĩa lại như “các đối thủ mà người ta có thể nói với” và một sự tìm kiếm một cương lĩnh chính trị chung đã được khởi xướng. Kaczyński đã lưu ý bản chất nghịch lý của pha này: “đã có sự mập mờ nào đó giữa việc coi những người cộng sản như các kẻ thù và sự cần thiết của các cuộc đàm phán cuối cùng với họ.”[23] Geremek đã tóm tắt một cách cô đọng toàn bộ vấn đề như một sự khó khăn để chuyển từ “một giá trị tinh thần của chiến đấu và thù ngịch sang một giá trị tinh thần của trò chơi chính trị văn minh.”[24]

Không nghi ngờ gì, việc từ từ nối lại mối quan hệ hữu hảo này đã được khởi động bởi những thay đổi thực tế và được cảm nhận trong cấu trúc cơ hội chính trị, được nhắc tới ở trên. Nhưng, trong khi một số thành viên của cả hai giới tinh hoa đã bắt đầu chuyển hướng đến một sự đối thoại, thì những người khác đã nuôi dưỡng sự thù địch không nao núng của họ đối với phía bên kia. Các nhân tố nào giúp giải thích sự phân kỳ gia tăng này trong ứng xử chính trị, có vẻ, đã xác nhận một khả năng để học các kịch bản văn hóa mới?

Khả năng của người dân để tiến hành “việc học mang tính chiến lược” như vậy đã thay đổi.[25] Hầu hết, nếu không phải tất cả, những người tham gia quá trình BT đã chứng tỏ tính linh hoạt và sự sẵn sàng nào đó cho việc học như vậy. Một động cơ thúc đẩy tối thiểu để bước vào các cuộc đàm phán đến từ một sự tin chắc rằng đã không có thay thế khả dĩ có thể tồn tại nào khác.[26] Nhưng cũng đã có các cơ chế khác nữa. Trong khi đọc kỹ các bản ghi phỏng vấn và các tuyên bố khác nhau, tôi đã nhận diện ra ba cơ chế như vậy:

A. Các nhân vật “đối thoại” có tiếng. Michnik đã mô tả chi tiết bối cảnh xuất thân riêng của ông (“một gia đình cộng sản”) đã dẫn ông thế nào để nhìn trong những người cộng sản thấy những con người. Ngoài ra, ông đã có khả năng nhìn thấy một sự khác biệt giữa giáo lý cộng sản (mà ông luôn luôn sẵn sàng chiến đấu với) và các viên chức cộng sản, các đồng bào có khả năng sai lầm và thay đổi, và các đối tác tiềm năng cho một sự đối thoại.

B. Những đồng cảm triết lý. Một số người tham gia BT đã nhấn mạnh sự đồng cảm triết lý với một số thành viên của “bên kia.” Sự đồng cảm này đã dựa trên sự tán thành các giáo lý được hiểu một cách lỏng lẻo của chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism) thiên tả.[27] Những người ủng hộ tín điều triết học này đã có thể thấy giữa các thành viên trẻ hơn của “phe cộng sản.”[28] Quan sát này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thay đổi thế hệ.

C. Các đặc tính chung về Văn hóa. Tôi đã có thể phát hiện ra ba đặc tính chung:

- “Tính Ba Lan” (Rakowski, Reykowski). Theo Reykowski, trong một trong những tranh luận chính trị có tính quyết định ai đó đã nhận xét: “Có gì không tốt với việc Đoàn kết tiếp quản quyền lực? Họ cũng là những người Ba Lan.”[29] Gebert viết: “…Ở Ba Lan (ngược với Nam Tư - JK) chúng tôi đã có thể quăng sang bên cộng sản ý tưởng rằng tất cả chúng ta đều là những người Ba Lan với nhau. Bất luận những khác biệt chính trị, chúng ta đều là những người Ba Lan vui vẻ, những người yêu nước tử tế, chúng ta đều yêu đất nước chúng ta.”;[30]

- Các nhà hoạt động của cả hai bên đôi khi đã nhấn mạnh “lương tri” và “chủ nghĩa thực dụng” của những người đối thoại của họ (thí dụ, Reykowski về Michnik, Staniszewska về Kwaśniewski);[31]

- Một thiên hướng quyết định đối với các kịch bản văn hóa “không đổ máu,” được chia sẻ bởi cả hai bên. Thiên hướng này đến từ một sự diễn giải cụ thể về lịch sử Ba Lan (chung), mà gợi ý một bài học quan trọng đặc biệt: không đổ máu nữa.[32]

3.2. Đoàn kết: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.

Một sự dịch chuyển dần dần từ đối đầu sang đối thoại đã gây ra một quá trình phân cực (hay đa dạng hóa) bên trong giới tinh hoa (elite) Đoàn kết.[33] Một nhóm các nhà hoạt động có ảnh hưởng đã nổi lên, những người đã diễn giải sự nối lại quan hệ hữu hảo với những người cộng sản như “sự phản bội.” Theo họ, những người cộng sản đã đang chuẩn bị “một trò bịp bợm khác.”[34] Tuy nhiên, Wałęsa và các cố vấn thân cận nhất của ông lúc đó đã ngày càng tin rằng chỉ có một con đường ra duy nhất khỏi cuộc khủng hoảng đang lún sâu: các cuộc đàm phán.[35]

3.3. Đảng-nhà nước: Mối quan hệ Chi phối Giữa Elite và Những người đi theo.

Một quá trình song song về phân hóa (hay phân cực) đã bắt đầu giữa elite cầm quyền.[36] Một thăm dò dư luận bí mật được tiến hành trong tháng Mười Một năm 1988, giữa hơn một trăm bí thư đảng khu vực đã tiết lộ rằng tám mươi lăm phần trăm số họ đã chống lại sự “vượt quá các đặc tính căn bản của hệ thống.”[37] Điều đó đã có nghĩa là một sự bác bỏ dứt khoát bất kỳ sự nối lại quan hệ hữu hảo nào với Đoàn kết. Stelmachowski báo cáo rằng sau tuyên bố về cuộc gặp Wałęsa - Kiszczak ngày 31 tháng Tám, 1988, ba mươi hai bí thư đảng khu vực (województwo) đã gửi cho Ban chấp hành Trung ương các bức thư báo bày tỏ sự phản đối của họ chống lại một cuộc gặp như vậy. Theo Stelmachowski, một trong số họ đã tranh luận: “Trong nhiều năm chính phủ đã cho rằng Wałęsa là ngu đần, và bây giờ nó quyết định đàm phán với ông ta. Vì thế câu hỏi của chúng tôi là: ông ta đã trở nên khôn ngoan hơn hay chính phủ đã trở nên ngu đần hơn?”[38] Thành ngữ nổi tiếng nhất, tóm tắt thái độ của nhiều đảng viên đối với cách tiếp cận mới với Đoàn kết, đã được Stanisław Ciosek tạo ra. Khi ông diễn đạt: “Đảng đã hét lên.”

Tóm lại, quyết định để thiết lập các mối tiếp xúc ban đầu với Đoàn kết đã gây ra sự phân cực ngày càng tăng bên trong giới tinh hoa đảng-nhà nước. Bộ phận “ủng hộ-Đoàn kết” của giới elite này đã đang trôi xa khỏi các đảng viên của nomenklatura những người đã cảm thấy bị đe dọa bởi sự nổi lên của khả năng sửa đổi hoặc, thậm chí, thay đổi chế độ.[39] Trong một nỗ lực để làm dịu sự phân cực bắt đầu nảy nở này, “những người cải cách” trong đảng đã phải nghĩ ra một loạt bước tuyên truyền mà tạo ra một chút vững dạ cho các apparatchik (cán bộ) bất bình. Tầm quan trọng chính trị của sự liên lạc giữa elite và “cơ sở” của nó đã tăng đột ngột. Thực ra, cả hai giới elite đã phải chơi một trò chơi truyền thông liên lạc kép. Họ đã phải tương tác với các đối thủ của mình, với elite “bên kia”, theo các quy tắc không rõ ràng của một trò chơi phức tạp của các tín hiệu, các đề nghị và những bước rút lui chiến thuật. Đồng thời họ đã phải nói chuyện với “cơ sở” của chính họ. Các tín hiệu được gửi đi qua các kênh này thường đã phải hoàn toàn khác nhau. Một thí dụ tuyệt vời được cung cấp bởi Dubiński.[40] Ngày 31 tháng Tám, Thông tấn Xã Ba Lan (PAP) đã công bố rằng Tướng Kiszczak đã gặp Lech Wałęsa. Nó đã là một sự kiện vô cùng quan trọng. Sự nhắc chính thức này đến Wałęsa, trước đó được nhắc tới bởi người phát ngôn của chế độ như một cá nhân không có gì quan trọng, đã đại diện cho một sự thể hiện nữa của việc quay lại lĩnh vực công của Đoàn kết. Trong một nỗ lực để làm loãng tầm quan trọng của sự kiện này, trong cùng ngày PAP đã đưa ra hai thông cáo, thông báo cho công chúng về các cuộc gặp gỡ khác của Kiszczak. Tín hiệu cho “cơ sở” đã là rõ: không có chuyện gì lớn với tay Wałęsa này, Kiszczak chỉ vừa gặp rất nhiều người từ các tổ chức khác nhau.

3.4. Phương thức tương tác chi phối giữa các đối thủ chính.

Tinh thần chung của sự tương tác đã bắt đầu thay đổi từ đối đầu sang đối thoại. Sự thay đổi đã xảy ra đồng thời trong nhiều chiều.

Thứ nhất, cả hai bên, nhưng đặc biệt Đoàn kết, đã phải tái lập “chứng thư” của họ: để báo hiệu sự hiện diện của họ như một lực lượng “nghiêm túc” và chứng tỏ sự thống nhất của họ. Trước tháng Giêng 1989, đã không có thăm dò dư luận nào được phép đo lường sự ủng hộ của Đoàn kết, nhưng theo đánh giá của nhiều nhà xã hội học Ba Lan sự ủng hộ này đã teo lại một cách có hệ thống từ 1980.[41] Vì thế, việc tiếp sinh lực lại của địa vị công khai của Đoàn kết đã không phải là vấn đề nhỏ. Một cơ hội để làm vậy đã xuất hiện khi Miodowicz, thủ lĩnh của liên đoàn công đoàn (OPZZ) được chế độ ủng hộ, đã thách thức Wałęsa để tranh luận với ông ta trong “một cuộc đấu tay đôi trên TV.” Bất chấp những sự sợ hãi và e ngại kinh khủng (mà bản thân nó cho thấy một sự hiểu sắc bén về khía cạnh “quan hệ công chúng” của cuộc đấu tranh chính trị), Wałęsa, được chuẩn bị bởi Andrzej Wajda và các chuyên gia truyền thông khác, đã chấp nhận thách thức và, rồi sau đó, “đã hớt váng” Miodowicz (như Michnik đã diễn đạt trong một phỏng vấn).[42] Đây đã là một sự đột phá tượng trưng: Wałęsa đã không chỉ chứng minh rằng Đoàn kết đã vẫn còn sống mà ông cũng đã chứng tỏ rằng ông và phong trào đã là một lực lượng nghiêm túc, đáng tin và tương đối hùng mạnh trên sân khấu công cộng. Như Paczkowski thuật lại, sự ủng hộ việc hợp pháp hóa Đoàn kết đã tăng từ bốn mươi hai phần trăm vào tháng Tám 1988 lên sáu mươi hai phần trăm một ngày sau cuộc tranh luận.[43] Nói chung, như nhiều người tham gia đã xác nhận, trò chơi nhận thức lẫn nhau, mà thông qua nó cả hai bên đã cố gắng kiểm tra sự yếu và sức mạnh tương đối của mình, đã rất quan trọng tại giai đoạn này.[44]

Thứ hai, vì cả hai bên đã đang theo dõi một cách tượng trưng vị trí của mình đối với nhau, họ cũng đã phải bắt đầu xây dựng những chiếc cầu liên lạc sơ bộ. Vào giai đoạn này, sự lựa chọn cách diễn đạt thích hợp đã rất quan trọng. Ngôn ngữ và hình tượng văn hóa mà định khung tình thế và bản sắc của cả hai bên đã phải được lựa chọn một cách cẩn thận. Như Stelmachowski đã nhận xét: “Bạn có thể nghĩ đây là việc buồn cười, nhưng tôi đã phải dùng ngôn ngữ của họ, bởi vì khác đi thì chẳng có gì sẽ đã xảy ra liên quan đến các cuộc đàm phán này.”[45]

Thứ ba, nếu sự liên lạc đã không hề xảy ra, thì đã phải thiết lập các chỗ phù hợp cho các mối tiếp xúc sơ bộ. Để mô tả các chỗ đó Kaczyński đã dùng ẩn dụ về “các khóa.” Ban đầu chúng được cung cấp bởi (a) các căn hộ riêng, (b) các địa điểm của Giáo hội và (c) các seminar hay các hội đồng tư vấn do nhà nước bảo trợ. Muộn hơn, villa Magdalenka nổi (khét) tiếng đã trở thành “khóa” chính giữa hai bên.[46]

Thứ tư, quá trình từ lúc bắt đầu đã được tạo thuận lợi bởi sự có mặt liên tục của người trung gian: Giáo hội Công giáo La Mã, lúc đó có quyền uy to lớn và không bị thách thức trong xã hội.

3.5. Các đặc điểm chính của pha này:

1. Sự điều chỉnh lẫn nhau của bản sắc và chiến lược;

2. Chủ nghĩa tiệm tiến (thuyết gia tăng dần): nước đi từ đối đầu sang đối thoại là từ từ và “đối thoại” từ đầu;

3. Phía văn hóa/biểu tượng của quá trình này có ý nghĩa chính. Các biểu tượng, hình ảnh và hình thái tu từ, được dùng đồng thời để (a) tăng cường vị thế tương đối của cả hai đối thủ và (b) để xây dựng những chiếc cầu thảo luận giữa họ.[47]

3.6. Các điểm lý thuyết chính học được từ pha này:

A. Sau một sự thay đổi bên trong bối cảnh “khách quan” mở ra khả năng chuyển xung đột từ pha khó trị sang dễ trị, bản thân các diễn viên phải đưa ra sáng kiến và các bước sơ bộ trên con đường tới thỏa hiệp. Các kịch bản văn hóa/biểu tượng, mà định hình các bản sắc, các chiến lược và sự nhận thức lẫn nhau, là có tầm quan trọng quyết định tại giai đoạn này. Tóm lại, giai đoạn này bị chi phối bởi chính kiến văn hóa.

B. Các dấu hiệu về sự nối lại quan hệ hữu hảo khả dĩ phải đến từ các trung tâm quyền lực (các giới quanh Jaruzelski và Wałęsa) phải là đáng tin.

(Phần này còn tiếp)

Dịch giả Nguyễn Quang A gửi trực tiếp cho BVN

[1] William H. Sewell, Jr., “The Concept(s) of Culture,” in Victoria E. Bonnell and Lynn Hunt, eds., Beyond The Cultural Turn: New Direction in the Study of Society and Culture (Berkeley: University of California Press, 1999).

[2] William A. Gamson, “Political Discourse and Collective Action,” in Bert Klandermans, Hanspeter Kriesi, and Sidney Tarrow, eds., International Social Movement Research, Vol. 1, From Structure to Action: Comparing Social Movement Research Across Cultures (Greenwich, CT: JAI Press, 1988), 220.

[3] Ann Swidler, “Culture in Action: Symbols and Strategies” American Sociological Review 51 (April 1986): 272.

[4] Geoff Eley, and Sherry B. Ortner, eds., Culture/Power/History (Princeton: Princeton University Press, 1994), 3-45; Victoria E. Bonnell and Lynn Hunt, eds., Beyond The Cultural Turn. New Direction in the Study of Society and Culture (Berkeley: University of California Press, 1999); Claudia Strauss and Naomi Quinn, A Cognitive Theory of Cultural Meaning (Cambridge: Cambridge University Press, 1997); Victoria E. Bonnell, Iconography of Power. Soviet Political Posters under Lenin and Stalin (Berkeley: University of California Press, 1997); Michael D. Kennedy, Cultural Formations of Postcommunism: Emancipation, Transition, Nation and War (book manuscript, 1999); Mabel Berezin, Making The Fascist Self. The Văn hóa chính trị of Interwar Italy (Ithaca: Cornell University Press, 1997).

[5] Kevin Avruch, Peter W. Black and Joseph A. Scimecca, eds., Conflict Resolution. Cross-Cultural Perspectives (Westport: Praeger, 1991).

[6] Victor Turner, Dramas, Fields, Metaphors. Symbolic Action in Human Society (Ithaca: Cornell University Press, 1974), 79.

[7] Các cuộc phỏng vấn được tiến hành với nhiều người tham gia trong hội nghị tháng Tư 1999 trong khi họ ở Ann Arbor. Các băng ghi âm phỏng vấn sau đó đã được gỡ băng ghi chép lại dưới sự bảo trợ của một hợp đồng từ the National Council for Eurasian and East European Research (NCEEER-Hội đồng Quốc gia về Nghiên cứu Á Âu và Đông Âu), dưới hiệu lực của một khoản tài trợ theo Title VIII từ Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ, cho dự án, “Thương lượng Cách mạng ở Ba Lan: Sự Hoán chuyển và Cơ hội trong năm 1989.” (Hợp đồng này, được trao cho Michael D. Kennedy và Brian Porter, cũng đã hỗ trợ các cuộc phỏng vấn thêm ở Ba Lan với cả những người tham gia, và những người phản đối, các cuộc đàm phán BT.) Cả NCEEER lẫn Chính phủ Hoa Kỳ đều không phải chịu trách nhiệm vì các ý kiến được phản ánh bên trong văn bản này.

[8] Andrzej Paczkowski, Od sfałszowanego zwycięstwa do prawdziwej klęski (Kraków:Wydawnictwo Literackie, 1999); Marjorie Castle, Changing Arenas, Changing Players: Regime and Opposition in Poland’s Transition from Communist Rule (bản thảo sách, không có ngày tháng); John Elster, ed., The Roundtable Talks and the Breakdown of Communism (Chicago: University of Chicago Press,1996).

[9] Bronisław Geremek (with Jacek Żakowski), Geremek Opowiada, Żakowski Pyta. Rok 1989 (Warsaw: Plejada, 1990); Krzysztof Dubiński, Okrągły Stół (Warsaw: KAP, 1990); Krzysztof Dubiński, Magdalenka: Transakcja Epoki (Warsaw: Sylvia, 1990).

[10] Jan Kubik, The Power of Symbols Against the Symbols of Power. The Rise of Solidarity and the Fall of State Socialism in Poland (University Park: The Pennsylvania State University Press, 1994).

[11] Anna Uhlig, W kręgu symbolu. O polskiej kulturze politycznej lat osiemdziesiątych (Warsaw: Uniwersytet Warszawski, Instytut Nauk Politycznych, 1989), 61.

[12] Krzysztof Jasiewicz, “Polish Politics on the Eve of the 1993 Elections: Towards Fragmentation or Pluralism?” Communist and Postcommunist Studies 26 (4) (1993): 10-12.

[13] Krzysztof Jasiewicz and Władysław Adamski, “Evolution of the oppositional consciousness,” in Władysław W. Adamski, ed., Societal Conflict and Systemic Change. The Case of Ba Lan 1980-1992 (Warsaw: IFiS Publishers, 1993), 55.

[14] Grażyna Staniszewska, các cuộc trò chuyện ở Ann Arbor, tháng Tư 1999 và trong Communism’s Negotiated Collapse: The Polish Round Table, Ten Years Later. A Conference at the University of Michigan. April 7-10, 1999. English Transcript of the Conference Proceedings do Kasia Kietlinska dịch, Donna Parmelee biên tập (Ann Arbor: The University of Michigan Center for Russian and East European Studies, 1999). Các dẫn chiếu đến bản nghi gỡ băng Bàn Tròn tương ứng với phiên bản in gốc của ghi chép. Chúng có thể không tương ứng với các phiên bản hiện có sẵn trên web hay được in sau đó.

[15] Tính do dự của sự đánh giá này được biện minh bởi sự hiếm có của dữ liệu kinh nghiệm.

[16] Rakowski, Interview Transcript; Gdula, Interview Transcript.

[17] Kaczyński, Interview Transcript; Bujak, Communism’s Negotiated Collapse, 37.

[18] Louis Kreisberg, “Intractable Conflicts,” in Weiner, Eugene, ed., The Handbook of Interethnic Coexistence (New York: Continuum, 1998), 337.

[19] Kaczyński, Interview Transcript; Rakowski, Interview Transcript; Michnik, trò chuyện (April 1999).

[20] Paczkowski, 165. Thí dụ, ngày 4-1-1989 Rakowski đã thông báo cho Hội đồng Giám mục: “bây giờ chúng ta hoàn toàn tự do để làm mới lại nhà của chúng ta.”

[21] Paczkowski, 171; Rakowski, Interview Transcript; Reykowski, Interview Transcript.

[22] Interview Transcript.

[23] Kaczyński, Interview Transcript, 5.

[24] Geremek, 146

[25] Trong việc học mang tính chiến lược người dân “xét lại những nhận thức của họ về cái gì là khả thi, có khả năng và quả thực đáng mong muốn theo ánh sáng của sự đánh giá của họ về khả năng riêng của họ để thực hiện các mục tiêu trước của mình (và của những người khác), khi họ hiêu hóa ‘thông tin’ mới” [Colin Hay and Daniel Wincott, “Interrogating Institutionalism, Interrogating Institutions: Beyond ‘Calculus’ and ‘Cultural’ Approaches” (paper downloaded from CLIO, 1999, 12-13)].

[26] Kaczyński, Interview Transcript.

[27] Reykowski, Interview Transcript.

[28] Gdula, Interview Transcript; Rakowski, Interview Transcript.

[29] Reykowski, Interview Transcript, 7.

[30] Konstanty Gebert, “Ten Years After: Reflections on the Round Table,” Bulletin. East and Central Europe Program, The Graduate Faculty, New School University, vol. 9/3 (October 1999): 4.

[31] Xem, thí dụ, Reykowski, Communism’s Negotiated Collapse, 140.

[32] Gebert; cả trao đổi riêng với Gebert. Laura Edles chứng tỏ rằng một thủ đoạn văn hóa tương tự (cần phải có một sự diễn giải đặc thù về lịch sử) đã được thực hiện thành công bởi elite Tây Ban Nha. Xem Laura Edles, Symbol and Ritual in the New Spain. The Transition to Democracy after Franco (Cambridge: Cambridge University Press, 1998).

[33] Chrzanowski, Communism’s Negotiated Collapse; Hall, Communism’s Negotiated Collapse; Michnik, Interview Transcript.

[34] Michnik, Interview Transcript.

[35] Geremek; Kaczyński, Interview Transcript; Lech Kaczyński and Jan Lityński, “Kompromisu blaski i cienie,” Rzeczpospolita, September 11, 1999.

[36] Rakowski Interview Transcript, 9.

[37] Paczkowski, 160-61.

[38] Andrzej Stelmachowski, “Telefon do Sekretarza,” Rzeczpospolita, February 6, 1999.

[39] Orszulik (Communism’s Negotiated Collapse, 58) trong cuộc gặp đầu tiên ở Magdalenka (16 tháng Chín, 1988): “Tôi đã ngồi cạnh hai đảng viên nổi bật như vậy [theo phái cứng rắn - JK] và họ đã nói: ‘Họ muốn cái quái gì? Họ đòi hỏi cái gì? Đây là điều không thể!’”

[40] Dubiński, Okrągły Stół, 52.

[41] Krzysztof Jasiewicz, personal communication; Castle, Chapter 4, 1-3.

[42] Michnik, Interview Transcript; Geremek, 24-28.

[43] Paczkowski, 158.

[44] Xem, đặc biệt, bài trình bày của Jaruzelski cho Ban Bí thư của Ban chấp hành Trung ương từ 5 tháng Mười Hai, 1988 [Stanisław Perzkowski, ed., Ostatni rok władzy 1988-1989. Tajne Dokumenty Biura Politycznego i Sekretariatu KC (London: Aneks, 1994), 196-99]. Xem cả, đóng góp của Staniszewska cho Hội thảo và tranh luận tiếp sau, trong Communism’s Negotiated Collapse, 143-48.

[45] Stelmachowski. Geremek mô tả làm sao ông đã phải chọn một ngôn ngữ chấp nhận được đối với chính quyền trong bài báo có ảnh hưởng của ông từ tháng Giêng 1988, trong đó ông đã kiến nghị lập ra một “hiệp ước chống khủng hoảng”, 9-10.

[46] Geremek, 20.

[47] Một sự xác nhận gây quyến rũ của đề xuất này đến từ bản thân Jaruzelski. Trong bài trình bày của ông cho ban lãnh đạo Đảng người ta thấy đoạn sau đây: “Hòa ước–đấu tranh. Hiển nhiên chúng ta luôn luôn cho rằng hòa ước và đấu tranh là không thể tách rời. Trọng lượng của hai từ này thay đổi, tùy thuộc vào tình hình...” (Ostatni rok władzy, 1999).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn