Tát nước theo mưa

Nguyễn Đình Cống

Mưa ở đây là “Bản kiến nghị về giáo dục” của 12 nhà khoa học trong nhóm Đối thoại GD VN do GS Ngô Bảo Châu chủ trì. Đã từ lâu tôi cho rằng chủ trương học phí đại học thấp là sai  nhưng chỉ mới vài lần trao đổi hẹp trong nhóm bạn bè mà chưa đưa ra công luận. Nay đọc thấy ý kiến trên trong bản kiến nghị nên  xin “tát nước theo mưa”, trình bày vài quan điểm.
Những người chủ trương học phí đại học thấp là muốn bảo đảm sự công bằng trong giáo dục, để cho con nhà nghèo vẫn học được đại học, như thế là hay, là đúng chứ sai ở chỗ nào.

Trước hết lập luận “học phí thấp để bảo đảm sự công bằng trong giáo dục” là một ngụy biện kiểu đánh tráo khái niệm, một lập luận gian dối. Dựa vào đâu để nói như vậy. Hồ Chủ tịch  dạy: “Làm sao để nhân dân ai cũng có cơm ăn, có áo mặc, ai cũng được học hành”. Nên hiểu thế nào về mệnh đề  “ai cũng được học hành”. Theo tôi là mọi người thoát nạn mù chữ, cao hơn là có trình độ tiểu học chứ không phải có trình độ đại học. Nhóm NC của GS Ngô Bảo Châu còn chứng minh “học phí đại học thấp còn tạo ra bất bình đẳng”.
Ý muốn con nhà nghèo vẫn học được đại học là tốt. Tuy vậy cần nhận rõ là để hưởng quyền lợi học tập để có kiến thức không đơn giản như được ăn, được mặc, mà cần phải có sự nỗ lực rất lớn của bản thân. Đã có nhiều con nhà nghèo nhờ có trí tuệ và nghị lực mà đã  thành đạt lớn. Tuy vậy hiện tại có không ít người chạy theo hư danh bằng cấp, mất tiền, mất thời gian để có được tấm bằng đại học rồi không thể tạo được việc làm theo đúng  cái bằng, lâm vào thế thất nghiệp, “mất cả chì lẫn chài”. Để giúp người có trí tuệ và nghị lực con nhà nghèo học được thì có một số cách hiệu quả hơn là việc quy định học phí thấp, đó là việc xin học bổng, xin trợ cấp, xin miễn giảm học phí,  ký hợp đồng làm việc sau khi tốt nghiệp, vay tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện vừa học vừa làm thêm v.v… Đã là con nhà nghèo mà thiếu trí tuệ và nghị lực thì nên giúp họ cách khác chứ không phải học đại học, (giúp những người đó học đại học thì không khéo “Thương nhau mà lại bằng mười hại nhau- Kiều”).
Quan điểm đòi không tăng học phí còn vi phạm đạo lý. Tạm quy ước rằng học phí được Nhà nước ban hành vào năm  1990 là 100 đơn vị , bằng giá của M cân gạo. So với năm 1990, bây giờ giá mọi thứ đã tăng lên  trên 3 lần, có thứ trên 5 lần. (từ xăng, điện, bát phở đến mớ rau, quả ớt…), học phí 100 đv chỉ còn ngang một phần 3 của M cân gạo mà thôi. Một bà bán rau, một người bơm xe , kể cả một người ve chai hoặc nhặt rác, năm 1990 và bây giờ công việc không khác nhau nhưng tiền thu được năm đó là 1 thì bây giờ là trên 3. Thế thì học phí là cái thứ gì, nó vô giá trị đến mức nào mà vẫn cứ giữ nguyên. Lấy thí dụ một người bơm xe, năm 1990, một tháng kiếm được 1000, đóng học phí 100, tức là 1 phần 10. Bây giờ cũng bơm được từng ấy xe nhưng anh ta thu được trên 3000. Nếu học phí vẫn giữ nguyên 100 thì anh ta chỉ đóng  chưa đến 1 phần 30, như thế là về tương đối học phí đã bị giảm hơn 3 lần chứ có phải giữ nguyên được đâu.
Nhà trường thu học phí để làm gì. Chủ yếu cho 2 việc: trợ cấp thêm ngoài lương cho thầy cô giáo và tăng cường cơ sở vật chất.Tại sao các trường công còn phải thu học phí, vì ngân sách chưa đủ. Thu học phí là nằm trong sách lược xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Học phí thấp dẫn đến đời sống thầy cô giáo khó được nâng cao, cơ sở vật chất nhà trường khó được hoàn thiện. Thế thì dựa vào đâu, lấy gì để nâng cao chất lượng.
Trong toàn bộ sinh viên, số con em nhà thực sự nghèo chỉ  vài ba phần trăm. Trên 95% SV là con em các gia đình không phải nghèo, họ hoàn toàn  không những sẵn sàng  đóng học phí theo mức tăng lên của giá cả ( trước đây đóng 100 thì bây giờ đóng 300 ) mà còn có thể đóng cao hơn. Vậy tại sao lại chỉ vì vài ba phần trăm người nghèo mà để cho trên 95% người bình thường không được làm tròn nghĩa vụ trong sự nghiệp xã hội hóa giáo dục. Để giúp cho vài phần trăm SV nghèo có trí tuệ và nghị lực thì dùng các biện pháp khác như đã nêu trên là hiệu quả hơn.
Thử làm bài tính như sau. Có  4% SV nghèo. Khi giá cả tăng lên 3 lần mà không tăng học phí thì thu được 100 đơn vị. Nếu thu học phí tăng lên 3 lần của 96% SV ( miễn cho 4% SV nghèo ) thì sẽ được 288 đơn vị. Làm như thế nào là có lợi hơn.
Trong thời gian làm chủ nhiệm khoa tại trường Đại học Xây dựng ( 1992-1997 ) tôi đã xây dựng một quĩ học bổng để giúp SV nghèo vượt khó. Đối với toàn trường quĩ đó có thể lấy một phần từ học phí. Nếu học phí quá thấp thì khó  tạo ra quĩ để giúp sv nghèo.
Học phí còn để trợ cấp cho thầy cô giáo. Khi giá cả tăng, thu nhập bằng tiền của mọi người, kể cả người nghèo, đều tăng theo tỷ lệ. Nếu không tăng học phí thì phần trợ cấp vừa kể không thể tăng. Thử hỏi phải chăng thầy cô giáo, lao động của họ không đáng được đối xử như người nghèo. Chỉ để làm vừa lòng vài phần trăm người nghèo một cách hình thức mà đòi không cho tăng học phí, dẫn đến ảnh hưởng xấu cho việc xây dựng cơ sở vật chất và đời sống thầy cô thì có nên làm hay không.
Một số đại biểu quốc hội lớn tiếng đòi không tăng học phí. Theo dõi thái độ và giọng điệu của họ tôi thấy có 2 loại.  Một loại có lòng tốt, thực sự lo lắng cho người nghèo nhưng vì suy nghĩ nông cạn, vướng vào ngụy biện mà không biết. Một loại khác là kẻ cơ hội, mị dân, muốn chứng tỏ ta đây vững vàng lập trường giai cấp vô sản, muốn chứng tỏ ta là đại biểu chân chính của người nghèo, ta có nhiệt tình, có lý luận, loại này thường to mồm. Tôi cũng chưa thấy có ai ở Quốc hội hoặc lãnh đạo Bộ Giáo dục phản bác lại quan điểm không cho tăng học phí.
Nhân chuyện liên quan đến người nghèo. Trước đây có thời chúng ta đã quá tôn trọng người nghèo. Khi khai lý lịch ta tự hào là thành phần công nhân, bần cố nông. Có sự ngấm ngầm đồng nhất sự nghèo đói với đạo đức (vì không bóc lột ). Ngày nay Nhà nước và xã hội đã rất đúng đắn khi quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, Mặt trận Tổ quốc đã  rất nhân đạo khi tổ chức phong trào giúp đỡ người nghèo. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tốt đẹp, sự quan tâm đó, phong trào đó phạm phải một số nhược điểm, nếu khắc phục được sẽ tốt hơn.
Trước đây cho rằng nguyên nhân của nghèo đói là vì: a- không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động. Nhưng rồi còn thấy thêm 2 nguyên nhân khác nữa là: b- sự rủi ro hoặc tai nạn bất ngờ; và c- sự lười biếng, ngu dốt. Chủ trương trợ giúp hộ nghèo có mặt tiêu cực là tạo nên sự ỷ lại của một số kẻ lười nhác. Họ phấn đấu không phải để thoát nghèo mà để giữ được tiêu chuẩn hộ nghèo. Phong trào “Vì người nghèo”, bây giờ đã nghe mãi quen tai rồi, còn thời gian đầu tôi nghe rất khó chịu. Nội dung là giúp đỡ người nghèo thì cứ nói và viết là giúp đỡ người nghèo có hơn không (so với  3 từ vì người nghèo  thì thêm 1 từ thành 4, hoặc muốn ngắn gọn thì chỉ  là “giúp người nghèo”) . Trong tiếng Việt, khái niệm “giúp” hoặc “giúp đỡ”  với khái niệm “vì”  có khác nhau về mức độ ý nghĩa. Chúng ta nói: Vì Tổ quốc, Vì nhân dân, Vì lý tưởng, Vì độc lập tự do, Vì tương lai con em v.v…, nghĩa là vì một cái gì đó cao đẹp, quan trọng. Khi nói vì cái gì là ta phải toàn tâm toàn ý cho cái đó, ít nhất cũng để một số đáng kể tâm trí và sức lực cho nó. Thế thì tại sao lại vì người nghèo. Khi ai hỏi  lao động, sáng tạo vì cái gì, nếu trả lời vì người nghèo thì ra đã đặt người nghèo lên trên nhiều thứ quan trọng, quý giá khác. Khi tôi nói ý này cho một số bạn bè, nhiều người tán đồng nhưng cũng có vài người phê phán tôi là “rách việc, chỉ một từ chứ có gì đâu”.  Vâng, chỉ một từ nhưng nói lên quan điểm, tạo ra nhận thức. Kể ra bây giờ cũng chưa muộn, nếu thay đổi cách giúp hộ nghèo để loại trừ sự ỷ lại, nếu thay tên của phong trào “vì người nghèo”  bằng “giúp người nghèo”  thì hay hơn.
Sau khi đọc bản kiến nghị về giáo dục của nhóm Ngô Bảo Châu, có câu “học phí đại học thấp là một sai lầm”, tôi  viết vài suy nghĩ, mong được trao đổi với những ai có quan tâm.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn