Đề xuất của TS Trần Công Trục: Từ vụ kiện Trung Quốc của Philippines đến cách ứng xử của Việt Nam

“Cá nhân tôi cũng như không ít học giả, các nhà quan sát thấy rằng, dù chúng ta và các bên liên quan khác (Malaysia, Brunei) có tạm thời không/chưa khởi kiện Trung Quốc vì thiện chí thì họ vẫn không ngừng các thủ đoạn leo thang trên thực địa, gây căng thẳng ở Biển Đông hòng chiếm quyền kiểm soát trên thực tế. Càng để lâu, họ càng có lợi.
Thậm chí dù cuối cùng họ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, thì Trung Quốc lúc đó cũng đã chiếm thế thượng phong khi một thời gian dài họ hoạt động bất hợp pháp trên các vùng biển của chúng ta mà chúng ta không có các biện pháp bác bỏ được quốc tế thừa nhận, đó là khởi kiện.
Vì vậy, không có nghĩa là chúng ta ngồi chờ thì Trung Quốc sẽ thiện chí xuống nước. Ngược lại, nếu kéo dài tình trạng hiện nay sẽ càng có lợi cho Trung Quốc mà bất lợi cho các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, tôi cũng nhiều lần nhấn mạnh, việc các thành viên UNCLOS nhiều lần đàm phán với nhau không xong thì đưa ra cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền hoàn toàn không có gì ảnh hưởng đến  quan hệ chính trị, ngoại giao.
Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là thành viên phê chuẩn UNCLOS, họ phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của UNCLOS mà đầu tiên là áp dụng và giải thích đúng quy định.
Họ làm không đúng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, các bên liên quan đã nhiều lần tổ chức đàm phán giải quyết nhưng không xong thì phải đưa ra cơ quan tài phán. Chỉ có đưa ra trọng tài phân xử chúng ta mới đảm bảo được tính khách quan cũng như giữ được nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế,  đặc biệt là UNCLOS.
Nếu chúng ta cứ ngồi chờ và hy vọng sự thay đổi, nhân nhượng của Trung Quốc thì tôi e sẽ không thể giải quyết được vấn đề vì mục tiêu của họ vẫn không thay đổi. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì các hoạt động ngoại giao, đàm phán sẽ rơi vào bế tắc.
Thậm chí ngay cả COC cũng sẽ không thể đạt được nếu Trung Quốc tiếp tục né tránh, họ không muốn đàm phán mà chỉ tham vấn. Ngày nào Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ yêu sách đường lưỡi bò, chắc chắn sẽ không bao giờ có COC, bởi yêu sách của họ vi phạm nghiêm trọng UNCLOS, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông, thì mọi câu chuyện sẽ đi vào ngõ cụt.
Những lời kêu gọi tham vấn COC hiện nay của Trung Quốc chỉ là thủ đoạn ngoại giao để đánh lạc hướng chú ý của dư luận, câu giờ cho những hoạt động leo thang của Trung Quốc trên thực địa, vấn đề sẽ không thể giải quyết.
Mặt khác, cũng cần phải nói rõ rằng lo ngại Trung Quốc gây chiến tranh hay xung đột quân sự ở Biển Đông rất ít khả năng xảy ra. Nhưng thâm hiểm hơn là việc Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng các thủ đoạn phi quân sự từ kinh tế – chính trị – ngoại giao cho đến pháp lý” – Trần Công Trục.
Ý kiến này của ông Trần Công Trục nghe ra hoàn toàn xác đáng. Nhưng không biết ông có tính tới một điều kiện tối trọng: Đã kiện nhau thì hai bên đều phải có tư thế của người đi kiện, rất tỉnh táo trong suy xét chiến lược chiến thuật của bên nguyên đối với bên bị, đừng chút nào mơ hồ về những cân lạng tình cảm dây mơ rễ má từng nhiều phen điên đảo “gỡ ra rồi lại buộc vào” với nhau, y như hai anh em sinh đôi bị dính phần ruột không thể nào giải phẫu để tách đôi. Đáng buồn là hình như ông Đảng trưởng và các vị trong Ban lãnh đạo Đảng CSVN vẫn chẳng chịu dứt khoát vượt lên mình, thanh toán càng sớm càng hay những loại nhận thức đã trở thành thâm căn cố đế làm nhũn não trạng của quý vị – khiến dân chúng đi từ thờ ơ đến dưới cả mức coi thường – rằng Trung Quốc với chúng ta luôn luôn là “bạn vàng”, là “môi hở răng lạnh”, hơn nữa là người vẫn cầm tay dẫn dắt cho ĐCSVN trong mọi đường đi nước bước để đảng Việt Nam cố giữ lấy chút sinh mạng lụ khụ của mình.
Và còn hơn thế nữa. Muốn kiện Trung Quốc thì đòi hỏi người khởi kiện phải có bản lĩnh đàng hoàng, có uy, của một đối tác/đối thủ bình đẳng ngang hàng trên trường quốc tế. Vậy mà người cầm cân nẩy mực của đất nước cứ vướng mãi vào đủ các loại “dây rợ” nói ở trên thì hỏi còn đâu bản lĩnh uy phong để làm cho cộng đồng nhân loại ghé mắt nhìn vào? Cứ xem cung cách các nhà lãnh đạo Philippines đối thoại trước Tòa án quốc tế mà càng thấy tủi cho dân Việt Nam. Thử nghĩ, một ông láng giềng xấu chơi và nham hiểm lúc nào cũng giở đủ trò ma mãnh quấy phá khiến đất nước ăn không ngon ngủ không yên – từ cướp bóc biển đảo, đánh đập ngư dân, lấn chiếm từng tấc đất biên giới, mua những vùng cấm địa trọng yếu, tìm đủ cách phá hoại nền kinh tế, nhất là nông nghiệp, thả ốc bươu vàng, rùa tai đỏ vào đồng điền, chặt từng cái sừng cái móng trâu bò, cắt hết lá điều lá sắn, cho đến xúi giục các nước láng giềng đâm thọc ngang lưng chúng ta – thì còn gì nữa mà các vị lúc nào cũng phải nhũn như con chi chi trước mọi ngón đòn dọa nạt, hùng hổ hay ve vuốt bề trên của bọn họ đến vậy?
Lại còn cử hết đoàn này đoàn khác sang “ông anh” học tập kinh nghiệm – kinh nghiệm đối phó, đàn áp, bắt bớ người dân và phá hoại các phong trào dân sự – mới là lạ đời. Trong trò chơi cờ bạc, bí quyết để thắng là phải giấu được đối phương không những từng nước một mà quan trọng là giấu “lá bài tẩy” cho đến phút cuối cùng. Còn nhớ trong một kỳ đại hội Hội Nhà văn Việt Nam một lần nào đó, khi các nhà văn nhà thơ Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc… lên sân khấu phát biểu thì tiếng loa tự nhiên tịt ngấm, chỉ còn phát ra tiếng lào xào, trong hội trường không ai nghe gì nữa. Nhiều người bảo nhau: Lại học dược phép thầy Tàu rồi. Sau này, trong một lần họp các Ngoại trưởng ASEAN vào năm 2912 ở Phnompênh dưới quyền điều khiển của Chủ tịch Campuchia, một vài vị Ngoại trưởng có tinh thần tố cáo hành vi lấn cướp biển đảo của Trung Quốc như Philippines khi lên diễn đàn cũng gặp tình trạng micro “đột nhiên tắt tiếng”. Ai cũng biết ngay đó đều là ngón võ sở trường của cùng một “ông thầy”, truyền cho chàng họ Việt cũng như chàng họ Cam. Giờ đây cứ giả thử có chuyện gì đó sinh sự ở biên giới Cam-Việt mà Việt Nam muốn đem Campuchia ra Tòa án quốc tế thì dám chắc chúng ta khó lòng mà thắng kiện họ được, bởi hai bên đều xuất thân từ một “lò võ” mà ra. Đều là môn đệ thì khó gì không biết hết bài tẩy của nhau. Đó chính là điều hết sức khó khăn hẳn TS Trần Công Trục chưa tính tới trong phương án kiện Trung Quốc của nước ta. “Trò” còn chưa chắc đã thắng nhau được thì nói gì đối phó nổi với “thầy” – một loại thầy khét tiếng lưu manh và tàn bạo, vốn là hậu duệ của những kỳ thủ điêu xảo Lã Bất Vi, Quỷ Cốc Tử, Bàng Quyên, Trương Nghi… thời Đông Chu liệt quốc?
Nhưng nói như thế không có nghĩa là nước Việt Nam không nên kiện và không thể thắng kiện bè lũ Tập Cận Bình. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết để kiện nhất thiết cần được tính tới, theo chúng tôi là phải xóa bỏ triệt để chủ nghĩa đảng trị trong sách lược trị nước. Các ngài cứ hô hào chống tham nhũng nghe thật sướng tai nhưng hãy nhìn cụ thể xuống chân mình xem: đặc quyền đặc lợi của mấy trăm ủy viên trung ương ĐCSVN và vô vàn bí thư, thường vụ các cấp, chẳng phải là một thứ tham nhũng quyền hành tập thể lù lù không pháp luật nào sờ gáy được đấy là gì? Chỉ đến khi người cầm quyền biết gạt quyền lợi riêng của đảng xuống dưới quyền lợi dân tộc, hiểu được quyền lợi dân tộc mới là tối thiêng liêng, mọi giá trị khác đều là hữu hạn (và chiếc kim đồng hồ chỉ báo thứ giá trị ảo ấy hiện đang nhích về gần số không, không cách gì cưỡng lại được nữa) – có hiểu một cách thấm thía thực tế đang đuổi sát sau lưng mình đó thì tự khắc việc kiện kẻ thù truyền kiếp của quốc gia xã tắc chúng ta ra Tòa án quốc tế mới trở thành việc cấp bách hàng đầu, được dân chúng ủng hộ, và mưu lược cũng tự nó sẽ nảy sinh, chẳng cần phải tính toán hết năm này sang năm nọ để rồi vẫn nín tiếng chịu nhục như hiện nay, hay là theo cái phép thắng lợi tinh thần kiểu ẢQ là “nhắm mắt chờ sung rụng”.
Bauxite Việt Nam  
Phần I: Tại sao Trung Quốc phải dự phòng thua kiện Philippines?
TS Trần Công Trục
(GDVN) – Lập trường chính thức của Chính phủ Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng, tác động đến phán quyết của Tòa. Trên thực tế vụ kiện này vẫn diễn ra theo đúng trình tự.
LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phân tích của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về vụ việc Philippines khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết này. 
Ngày 14/7 Tiến sĩ Tiết Lực, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế thuộc Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bình luận trên The Diplomat về lập trường, nhìn nhận của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines, kiến nghị một số cách Bắc Kinh đối phó với phán quyết của Tòa trọng tài trong trường hợp có lợi cho Philippines.
Tiến sĩ Tiết Lực.
Tiến sĩ Tiết Lực.
Lập trường của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông được Tiến sĩ Tiết Lực đưa ra mổ xẻ, phân tích được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố chính thức ngày 7/12/2014 với hy vọng nó có thể “ảnh hưởng” đến phán quyết của tòa.
Ông Lực cho rằng “Tài liệu Lập trường của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thẩm quyền trong vụ kiện Biển Đông do Cộng hòa Philippines khởi xướng” mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc được Chính phủ nước này ủy quyền công bố nhằm 2 mục đích: Lập luận rằng tòa không có thẩm quyền với vụ kiện, tiếp tục khẳng định Trung Quốc không tham gia vụ kiện.
Cũng chính Tiến sĩ Tiết Lực thừa nhận “2 điểm yếu” trong lập trường của Trung Quốc về vụ kiện. Thứ nhất, quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề cốt lõi của vụ kiện rằng Philippines kiện về vấn đề “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông là không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và do đó Tòa không có thẩm quyền thụ lý dù sao cũng chỉ là một nhận định chủ quan, do đó hiệu quả về mặt pháp lý khá hạn chế.
Hơn nữa, theo thực tiễn quốc tế quyền quyết định thẩm quyền thuộc về Tòa chứ không thuộc về bất kỳ bên nào trong vụ kiện. Thứ hai, tài liệu lập trường chính thức của Chính phủ Trung Quốc đã không làm rõ được “đường chín đoạn”, vấn đề mấu chốt mà dư luận quan tâm cần một lời giải thích.
Vậy cụ thể Philippines kiện cái gì? Trình tự thủ tục ra sao và có phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế hay không?
Philippines chỉ kiện Trung Quốc vận dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không kiện Trung Quốc về chủ quyền
Là một quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Philippines đã sử dụng các quy định của UNCLOS để khởi động vụ kiện phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các khu vực trên Biển Đông và các vùng biển mà Trung Quốc không có quyền theo UNCLOS, nhưng đó lại được Philippines xem là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo UNCLOS. Cụ thể Philippines đã nộp đơn kiện lên Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS với nội dung sau đây:
Phái đoàn Philippines trong ngày điều trần thứ 2 của Tòa Trọng tài. Ảnh: The Philstar.
Phái đoàn Philippines trong ngày điều trần thứ 2 của Tòa Trọng tài. Ảnh: The Philstar.
– Các quyền của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông phải tuân thủ theo UNCLOS.
– Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô giá trị.
– Các cấu tạo lúc chìm lúc nổi, không nằm trong lãnh hải các quốc gia ven biển, thuộc đáy biển, thì không thể chiếm hữu, ngoại trừ cấu tạo đó nằm trên thềm lục địa của quốc gia theo phần VI của UNCLOS.
– Các bãi Vành Khăn, Kennan, Xu Bi và Gaven là các cấu tạo chìm khi thủy triều lên, không phải là đảo theo qui định của điều 121 UNCLOS, cũng không nằm trên thềm lục địa Trung Quốc, việc Trung Quốc chiếm đóng có trái phép hay không và việc xây dựng trên các bãi cạn này có trái phép hay không?
– Bãi Vành Khăn và Kennan thuộc thềm lục địa của Philippines theo phần VI của UNCLOS.
– Bãi cạn Scarborough và các đá Châu Viên, Gạc Ma, Chữ Thập là các bãi chìm, ngoại trừ vài mỏm đá nhô trên nước khi thủy triều lên. Theo điều 121 khoản 3 của UNCLOS chúng chỉ là “đá” chứ không phải “đảo”, vì thế chỉ có thể có lãnh hải không quá 12 hải lý. Trung Quốc đã đòi hỏi một cách phi lý quyền mở rộng các vùng biển quá 12 hải lý tại các cấu tạo này.
– Trung Quốc đã vi phạm luật pháp khi ngăn cấm các tàu của Philippines khai thác các vùng biển cận Scarborogh và đá Gạc Ma.
– Philippines có quyền về lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế (ZEE) 200 hải lý và thềm lục địa, theo các phần II, V và VI của UNCLOS, tính theo đường cơ sở quần đảo của Philippines.
– Trung Quốc đã yêu sách một cách bất hợp pháp các quyền đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật và đã khai thác phi pháp các tài nguyên này và cũng đã vi phạm pháp luật khi ngăn cản Philippines khai thác các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng EEZ và thềm lục địa của mình.
– Trung Quốc đã can thiệp một cách bất hợp pháp quyền tự do hàng hải của Philippines được xác định theo UNCLOS.
Những nội dung Philippines khởi kiện Trung Quốc nói trên chỉ là cụ thể hóa việc giải thích và áp dụng các quy định của UNCLOS. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS mà theo đó các quốc gia có quyền đơn phương kiện các thành viên khác nếu xét thấy họ đã giải thích và áp dụng sai Công ước này.
Vấn đề thứ hai đặt ra là Philippines có làm đúng thủ tục, trình tự quy định theo UNCLOS hay không?
Phái đoàn Philippines đi dự phiên điều trần của Tòa Trọng tài. Ảnh: Gov.ph.
Phái đoàn Philippines đi dự phiên điều trần của Tòa Trọng tài. Ảnh: Gov.ph.

Thủ tục và trình tự khởi kiện mà Philippines đã thực hiện:
Bước 1, thông báo cho Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), một tổ chức tài phán quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan (được thành lập năm 1899, là cơ quan tài phán quốc tế lâu đời được thành lập để giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình) về ý định của mình với các lập luận dựa theo UNCLOS. Philippines thực hiện việc này đã làm vào ngày 22/1/2013.
Bước 2, Tòa thông báo cho nước bị kiện là Trung Quốc để lấy phản ứng. Bên bị là Trung Quốc đã từ chối tham gia. Tuy nhiên theo điều 9 của Phụ lục VII UNCLOS: “Nếu một bên trong vụ tranh chấp không có mặt tại tòa hoặc không biện hộ, bên kia có thể yêu cầu tòa tiếp tục tiến hành và tuyên. Việc không có mặt hay không biện hộ không thể làm dừng phiên tòa”.
Bước 3, theo UNCLOS, dù nước bị kiện không đồng ý tham gia, Tòa vẫn tiến hành cử ủy viên của Hội đồng xét xử gồm 5 ủy viên.
Bước 4, sau khi Hội đồng xét xử được thành lập, bên kiện được yêu cầu nộp nội dung, bằng chứng cho vụ kiện để tòa xử.
Bước 5, theo điều 11 của Phụ lục VII UNCLOS, tuyên của Tòa là cuối cùng, không được chống án, trừ trường hợp trước khi xử hai bên đồng ý cho phép chống án. Hai bên bắt buộc phải thi hành quyết định của tòa. Hai bên chỉ có quyền yêu cầu giải thích thêm nếu phán quyết của tòa không rõ ràng.
Tất nhiên, hiện nay Liên Hợp Quốc không có cơ chế để thực hiện quyết định của mình và đây là một khó khăn cho giai đoạn thi hành án. Nhưng các bước Philippines thực hiện là hoàn toàn đúng thủ tục pháp lý theo qui chế của Cơ quan tài phán quốc tế này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: BBC.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: BBC.

Khả năng Trung Quốc thua kiện khá cao
Theo trang Nghiên cứu Biển Đông (nghiencuubiendong.vn) dịch lại nội dung bình luận của Tiến sĩ Tiết Lực trên The Diplomat ngày 14/7: “Bằng việc công bố tài liệu lập trường vào tháng 12/2014,Trung Quốc hy vọng có thể đạt được ít nhất hai điều sau: Gây ảnh hưởng đến quyết định của tòa trọng tài về vấn đề thẩm quyền và ảnh hưởng đến các hành động tiếp theo của Philippines.
Quan điểm chính thức của một nước – đặc biệt là nước lớn – chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tòa, dù chỉ về mặt tâm lý. Trên thực tế, phiên tranh tụng nói về vấn đề thẩm quyền diễn ra vào tuần này được tiến hành để đáp lại các lập luận của Trung Quốc trong tài liệu lập trường.
Nhưng các thẩm phán của tòa trọng tài bao gồm những chuyên gia pháp lý hàng đầu của các quốc gia, và họ thường được đánh giá cao bởi sự độc lập trong các phán xét của mình. Do vậy, tài liệu lập trường của Trung Quốc không thể tác động mạnh đến phán quyết của các thẩm phán về vấn đề thẩm quyền cũng như phán quyết đối với chính bản thân vụ kiện.
Chính quyền Trung Quốc nhìn nhận vụ kiện là một phần trong tổng thể quan hệ Trung Quốc – Philippines. Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng: cố gắng giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng việc “quốc tế hóa” hoàn toàn không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp và chỉ gây tác động xấu đến quan hệ song phương.
Vụ kiện sẽ gây hại nhiều hơn lợi cho Philippines. Đối với Trung Quốc, quay trở lại đàm phán hòa bình trong khuôn khổ Trung Quốc – ASEAN là con đường duy nhất để giải quyết tranh chấp theo cách đôi bên cùng thắng. Và giờ, một khi Philipines đã kiện Trung Quốc ra tòa, Philippines cần kết thúc nó.
Nhưng điều này khó có thể xảy ra, ít nhất là trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino kết thúc vào năm 2016. Do đó, nhìn theo góc độ này, tác động của tài liệu lập trường của Trung Quốc là khá hạn chế”.
Cá nhân tôi cho rằng phân tích của ông Tiết Lực khá khách quan khi nhận định, lập trường chính thức của Chính phủ Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng, tác động đến phán quyết của Tòa. Trên thực tế vụ kiện này vẫn diễn ra theo đúng trình tự quy định trong UNCLOS và nhiều khả năng Tòa sẽ ra phán quyết đúng theo tinh thần của UNCLOS.
Mặt khác cá nhân tôi rất tâm đắc với vai trò và kinh nghiệm của Luật sư Paul S. Reichler, người đang giữ vai trò Trưởng nhóm cố vấn pháp lý cho Chính phủ Philippines trong phiên điều trần của Philippines trước tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague để bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Phiên điều trần kéo dài từ ngày 7 đến 13-7, và đặc biệt là ý kiến đầy tự tin của ông khi trả lời báo The Wall Street Journal.
The Wall Street Journal đã hỏi Công ty luật Foley Hoag của ông ở Mỹ có lo lắng trong vụ nước nhỏ Philippines kiện nước lớn Trung Quốc hay không, Luật sư Paul S. Reichler đã kể lại kinh nghiệm về các vụ kiện trước đó và tâm sự: “Các đồng nghiệp của tôi và tôi ở Công ty Foley Hoag đứng trước một chọn lựa: Đấu tranh cho công lý hay thỏa hiệp, không làm mếch lòng nước giàu có, nước mạnh. Chúng tôi là luật sư đấu tranh bảo vệ công lý, chúng tôi không bao giờ do dự trước lựa chọn như thế”.
T.C.T.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ts-Tran-Cong-Truc-Tai-sao-Trung-Quoc-phai-du-phong-thua-kien-Philippines-post160231.gd
***
Phần II: Việt Nam nên ứng xử ra sao với vụ kiện của Philippines?
TS Trần Công Trục
(GDVN) – Cho rằng không kiện Trung Quốc thì họ sẽ xuống nước ở Biển Đông là không có cơ sở thực tế và hết sức nguy hiểm. Kiện trong lúc này là thích hợp, đúng lúc.
LTS: Tiếp theo bài “Ts Trần Công Trục: Tại sao Trung Quốc phải dự phòng thua kiện Philippines?” báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài phân tích thứ hai của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ về thái độ ứng xử của Việt Nam trước vụ kiện đường lưỡi bò. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết này.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Tuấn Nam/GDVN.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Tuấn Nam/GDVN.
Ngày 11/12 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao tại Hà Nội rằng: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài Biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường đứt đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra”.
Cá nhân tôi cho rằng, tuy Việt Nam không tham gia vụ kiện, nhưng việc trình bày quan điểm của mình và đề nghị tòa quan tâm cũng có thể coi như thái độ hậu thuẫn của Việt Nam.
Giáo sư Carlyle Thayer từ Canberra bình luận về việc Việt Nam đã gửi “thông báo quan tâm” (statement of interest) của mình tới Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc rằng: “Với thông báo này, Việt Nam không tham gia vụ kiện của Philippines, nhưng đề nghị của Việt Nam sẽ được tòa ghi nhận và do vậy tầm quan trọng của vụ kiện sẽ được nâng lên”.
Ông Thayer bình luận: “Nói cách khác, tuy vụ kiện vẫn chỉ là giữa hai quốc gia Philippines và Trung Quốc, các trong tài viên sẽ phải tính tới quyền lợi của các bên khác nữa”.
Dù Tòa không mời, Việt Nam cũng cần chủ động xin tham gia quan sát
Ngày 9/7 vừa qua, ông Lê Hải Bình cho biết: “Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã cử đoàn đến dự và theo dõi phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện này với tư cách quan sát viên”.
Tôi cho rằng, đây là một việc làm hoàn toàn cần thiết và chính đáng, đáp ứng tích cực lời mời của Tóa án Trọng tài thường trực. Giả sử Tòa không mời, Việt Nam cũng phải chủ động đề nghị được đến để chứng kiến phiên tòa. Điều này không những thể hiện lập trường, sự quan tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông, mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trước cộng đồng khu vực và quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Vietnam Breaking News
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Vietnam Breaking News
Bằng việc tham gia theo dõi các hoạt động tố tụng của Tòa án Trọng tài thường trực xung quanh vụ kiện này, Việt Nam đang sử dụng một trong các phương tiện giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, vì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển chung trong khu vực cũng như trên thế giới.
Việt Nam đã nhiều lần chính thức tuyên bố sẵn sàng áp dụng mọi phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong Biển Đông. Tuy nhiên, đàm phán với các bên liên quan vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của Việt Nam.
Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc đơn phương hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định:
“Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Song, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế”.
Như vậy, việc sử dụng các Cơ quan tài phán là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về nguyên tắc Việt Nam cũng sẽ vận dụng giải pháp này như đã từng đề cập đên trong các nội dung tuyên bố chính thức của mình.
Tuy nhiên, đúng như một số chuyên gia cho rằng vấn đề không dễ dàng như nhiều người tưởng. Bởi vì không phải bất kỳ vụ việc nào cũng có thể đơn phương đệ đơn kiện và đều thuộc thẩm quyền của các Cơ quan tài phán quốc tế.
Chúng ta  không thể kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp trong việc phân định vùng biển chồng lấn được, vì Tòa này đòi hỏi hai bên phải thỏa thuận cùng đưa vụ việc ra Tòa và cam kết thi hành án thì Tòa mới xét xử. Trung Quốc không bao giờ cam kết như vậy.
Vì thế Philippines phải đưa vụ kiện đường lưỡi bò ra trước Tòa án Trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc về việc Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Như vậy, Tòa Trọng tài thường trực mới có thẩm quyền thụ lý hồ sơ và sẽ tiến hanh xét xử.
Có điều vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn vì Trung Quốc sẽ không chịu thi hành, bên thắng kiện phải nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết.
Điều 39 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã quy định: “Hội đồng Bảo an xác định sự tồn tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Lính Trung Quốc đồn trú bất hợp pháp trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Nhưng điều 27 lại dành quyền phủ quyết cho 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Từ năm 1945, năm thành lập Liên Hợp Quốc cho đến năm 2012 đã có tất cả 269 lần phủ quyết, trong đó Nga 128 lần, Hoa Kỳ 89, Anh 32 lần, Pháp 18 lần và Trung Quốc 9 lần. Đó là một thực tế cần được tính toán kỹ trước khi khởi kiện.
Hiện nay, vụ kiện của Philippines đã đến bước thứ 4. Để khiến Trung Quốc từ bỏ dã tâm mà tuân thủ phán quyết của Tòa không phải là điều dễ. Nhưng, việc khiến Trung Quốc đối mặt với một vụ kiện, hoặc bị phán quyết thua cũng có tác động không nhỏ đến hình ảnh của quốc gia này.
Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc thực chất chỉ là lời nói dối. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, EU…, thì đây sẽ là “đòn đả kích” không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Việt Nam nên làm gì trong tình hình hiện nay?
Trên cơ sở những nhận định nói trên, trong tình  hình hiện nay, nên chăng chúng ta phải tính đến các giải pháp khả dĩ sau đây:
  1. Khuyến khích các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông cần nhận định lại về cách hành xử của Trung Quốc để từ đó có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn, nếu muốn ngăn chặn được “con bạch tuộc” khổng lồ này tiếp tục tiến sâu vào những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông để hút cạn nguồn tài nguyên thiên nhiên; chiếm đoạt, cắt đứt nguồn sống của cả cộng đồng quốc gia, khu vực…
  2. Trung Quốc đang ráo riết đầu tư cải tạo, xây đắp, biến các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành các đảo nhân tạo nhằm vào những mục đích cực kỳ nguy hiểm trong bối cảnh diễn ra những tranh chấp địa chính trị, địa chiến lược khu vực và quốc tế rất phức tạp hiện nay.
Vì vậy, một trong những việc làm quan trọng của chúng ta lúc này là phải để cho dư luận thế giới hiểu rõ rằng các quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông đến đâu và những hành động của Trung Quốc đã bất hợp pháp như thế nào. Công việc tuyên truyền này cần được đẩy mạnh và tiến hành thường xuyên.
  1. Tiếp tục có  những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ, hiệu quả, trên cơ sở đảm bảo thực hiện chính sách ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực và quốc tế.
  2. Có lẽ đã đến lúc Việt Nam nên triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực cụ thể hơn, bằng cách trước hết phải huy động được đội ngũ Luật gia, Luật sư Việt Nam có trình độ, có kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài để cùng  xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung mà UNCLOS đã quy định.
Đây là việc làm cần thiết, thích hợp và là thế mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Để làm được việc này, đội ngũ Luật gia, Luật sư phải là lực lượng nòng cốt, là những chiến sỹ tiên phong trên măt trận pháp lý. Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phát huy vị trí, vai trò của mình với tư cách là những tổ chức xã hội nghề nghiệp để đảm nhiệm trọng trách này trước quốc gia, dân tộc.
Chúng ta không nên chỉ dừng lại ở những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, hình thức chung chung… Nhà nước cần đầu tư và tạo điều kiện cho giới Luật gia và Luật sư Việt Nam tham gia vào mặt trận đấu tranh pháp lý hết sức khó khăn phức tạp này.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông.
Hạm đội Nam Hải, Trung Quốc tập trận đổ bộ trên Biển Đông.

Nhân nhượng không khởi kiện không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dừng lại
Cá nhân tôi cũng như không ít học giả, các nhà quan sát thấy rằng, dù chúng ta và các bên liên quan khác (Malaysia, Brunei) có tạm thời không/chưa khởi kiện Trung Quốc vì thiện chí thì họ vẫn không ngừng các thủ đoạn leo thang trên thực địa, gây căng thẳng ở Biển Đông hòng chiếm quyền kiểm soát trên thực tế. Càng để lâu, họ càng có lợi.
Thậm chí dù cuối cùng họ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, thì Trung Quốc lúc đó cũng đã chiếm thế thượng phong khi một thời gian dài họ hoạt động bất hợp pháp trên các vùng biển của chúng ta mà chúng ta không có các biện pháp bác bỏ được quốc tế thừa nhận, đó là khởi kiện.
Vì vậy, không có nghĩa là chúng ta ngồi chờ thì Trung Quốc sẽ thiện chí xuống nước. Ngược lại, nếu kéo dài tình trạng hiện nay sẽ càng có lợi cho Trung Quốc mà bất lợi cho các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, tôi cũng nhiều lần nhấn mạnh, việc các thành viên UNCLOS nhiều lần đàm phán với nhau không xong thì đưa ra cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền hoàn toàn không có gì ảnh hưởng đến  quan hệ chính trị, ngoại giao.
Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, là thành viên phê chuẩn UNCLOS, họ phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của UNCLOS mà đầu tiên là áp dụng và giải thích đúng quy định.
Họ làm không đúng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, các bên liên quan đã nhiều lần tổ chức đàm phán giải quyết nhưng không xong thì phải đưa ra cơ quan tài phán. Chỉ có đưa ra trọng tài phân xử chúng ta mới đảm bảo được tính khách quan cũng như giữ được nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế,  đặc biệt là UNCLOS.
Nếu chúng ta cứ ngồi chờ và hy vọng sự thay đổi, nhân nhượng của Trung Quốc thì tôi e sẽ không thể giải quyết được vấn đề vì mục tiêu của họ vẫn không thay đổi. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì các hoạt động ngoại giao, đàm phán sẽ rơi vào bế tắc.
Thậm chí ngay cả COC cũng sẽ không thể đạt được nếu Trung Quốc tiếp tục né tránh, họ không muốn đàm phán mà chỉ tham vấn. Ngày nào Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ yêu sách đường lưỡi bò, chắc chắn sẽ không bao giờ có COC, bởi yêu sách của họ vi phạm nghiêm trọng UNCLOS, vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông, thì mọi câu chuyện sẽ đi vào ngõ cụt.
Những lời kêu gọi tham vấn COC hiện nay của Trung Quốc chỉ là thủ đoạn ngoại giao để đánh lạc hướng chú ý của dư luận, câu giờ cho những hoạt động leo thang của Trung Quốc trên thực địa, vấn đề sẽ không thể giải quyết.
Mặt khác, cũng cần phải nói rõ rằng lo ngại Trung Quốc gây chiến tranh hay xung đột quân sự ở Biển Đông rất ít khả năng xảy ra. Nhưng thâm hiểm hơn là việc Trung Quốc sẽ tiếp tục lợi dụng các thủ đoạn phi quân sự từ kinh tế – chính trị – ngoại giao cho đến pháp lý.
Bắc Kinh thường xuyên ra các lệnh cấm đánh bắt cá, ra các quy định, luật lệ áp đặt hoạt động hàng hải – hàng không ở Biển Đông, dùng lực lượng bán quân sự xua đuổi, quấy rối, mời thầu dầu khí, thăm dò khai thác, áp đặt ADIZ, kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam… để khẳng định yêu sách vô lý, phi pháp của họ.
Như vậy, thực tế là lợi ích của các bên đang mất đi, chỉ Trung Quốc được lợi. Bắc Kinh đang tính toán nước đi này. Tôi cho rằng thời gian tới Trung Quốc sẽ còn làm nhiều hoạt động tương tự như vậy nhằm chiếm quyền kiểm soát thực địa, xâm phạm quyền hợp pháp của các quốc gia, cản trở hoạt động thông thương của các nước được tự do đi qua Biển Đông lâu nay.
Rõ ràng chúng ta có đủ hồ sơ và lập luận cần thiết để khởi kiện. Không riêng Việt Nam, còn có cộng đồng quốc tế, khu vực, cơ quan tài phán. Đặc biệt, trong lúc các bên đang khởi động tiến trình pháp lý về vấn đề Biển Đông nếu Trung Quốc có hành động leo thang, có nghĩa là họ bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận quốc tế.
Điều đó sẽ là yếu tố hết sức quan trọng để kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ điều này chỉ có lợi.
Cho rằng không kiện Trung Quốc thì họ sẽ xuống nước ở Biển Đông là không có cơ sở thực tế và hết sức nguy hiểm. Kiện trong lúc này là thích hợp, đúng lúc, cần thiết và có tác dụng mạnh mẽ trong việc ngăn cản các hoạt động leo thang Trung Quốc dự định sẽ làm ở Biển Đông.
Kiện là thái độ hết sức sòng phẳng để dư luận hiểu rõ quan điểm, thái độ của mình, tỏ rõ sự cầu thị, thượng tôn pháp luật và mới tập hợp được sức mạnh và sự ủng hộ trong cũng như ngoài nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Ngược lại, chúng ta càng để lâu sẽ càng bất lợi.
T.C.T.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Ts-Tran-Cong-Truc-Viet-Nam-nen-ung-xu-ra-sao-voi-vu-kien-cua-Philippines-post160263.gd

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn