Bàn về chỉ tiêu

Nguyễn Đình Cống

Đại hội ĐCS VN12 thông qua các chỉ tiêu để thực hiện trong 5 năm tới. Có các chỉ tiêu định tính như xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng, mở rộng dân chủ, v.v. Có rất nhiều chỉ tiêu định lượng như tốc độ phát triển kinh tế 6,5 đến 7% mỗi năm, GDP năm 2000 là 3200 đến 3500 USD, bội chi ngân sách dưới 4%, giàm nghèo từ 1 đến 1,5% /năm, v.v…

Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem chính phủ và đảng cầm quyền các nước thuộc nhóm G7 và nhiều nước dân chủ khác, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới có lập các chỉ tiêu định lượng không, nếu lập thì lập như thế nào, đại hội các đảng cầm quyền có thông qua hay không. Tôi biết được việc lập các chỉ tiêu định lượng cho mỗi kế hoạch 5 năm là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa từ thời Liên Xô. Không biết nước Nga bây giờ có tiếp tục hay không. Tôi biết việc lập và thông qua các chỉ tiêu định lượng cho mỗi kế hoạch 5 năm của Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, một việc làm mang lại lợi ít hại nhiều. Trước đây vài chục năm, khi theo dõi việc lập và thực hiện các kế hoạch kinh tế tôi đã từng nhận xét “Thà làm không có kế hoạch dài hạn, chỉ theo yêu cầu trước mắt, còn hơn là theo kế hoạch dài hạn sai lầm do những người duy ý chí vạch ra, do những người thiếu trách nhiệm thông qua, do người kém hiểu biết quyết định”.

Tôi cứ suy nghĩ, những chỉ tiêu định lượng nhất thiết phải gắn với nền kinh tế kế hoạch hóa còn với nền kinh tế thị trường thì có cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể nữa hay không. Hay là việc phải đặt chỉ tiêu là do cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bắt buộc phải thế.

Nói rằng phải đặt chỉ tiêu để có phương hướng phấn đấu, đó là mặt tích cực, nhưng muốn như vậy thì cái con số đưa ra phải là kết quả của những phép tính dựa vào toán tập hợp mờ chứ không phải những con số áng chừng theo ý chí. Không rõ những người đưa ra các chỉ tiêu như vậy, ngoài các con số thống kê với độ tin cậy thấp có còn dựa vào kết quả nghiên cứu nào khác hay không, chứ hơn 1.500 người đã biểu quyết thông qua thì chắc là mù tịt. Tôi dám cam đoan là nhiều người (kể cả tôi) không biết con số 38% đô thị hóa, 4% thất nghiệp, 90 và 95% dân được dùng nước sạch và nhiều con số khác đã được tính toán hay áng chừng như thế nào, mức độ chính xác, đáng tin cậy được bao nhiêu. Tôi nghĩ các đại biểu “quá dũng cảm” khi biểu quyết thông qua những chỉ tiêu mà mình không biết đầu cua tai nheo ở đâu cả.

Tôi thấy mặt trái, bất lợi của chỉ tiêu định lượng như sau:

1- Trong nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần thì Đảng đặt chỉ tiêu cho ai, phân bổ như thế nào, trong lúc đầu tư và phát triển đến đâu là quyền tự quyết của mỗi công ty.

2- Khi gặp khó khăn, chỉ tiêu có thể gây tâm lý lo lắng, tiêu cực, tạo ra việc làm dối, làm ẩu, thành tich dỏm, thống kê và báo cáo sai sự thật.

3- Khi gặp thuận lợi, chỉ tiêu có thể gây tâm lý thỏa mãn, hạn chế tích cực và sáng tạo vì đã đạt và vượt chỉ tiêu.

Trong các nước, các tập đoàn, các công ty, khi không lập chỉ tiêu thì họ làm việc như thế nào. Đơn giản là mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày… họ đều cố gắng làm việc và suy nghĩ để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất có thể đạt đến. Thế rồi sau mỗi thời gian, làm thống kê một cách trung thực sẽ biết là tăng hay giảm bao nhiêu. Họ có so sánh nhưng là so sánh với cùng thời gian khác chứ không thấy so sánh với chỉ tiêu đề ra.

Mấy điều suy nghĩ, chắc chưa tránh khỏi sự nông cạn, nêu ra để bàn luận. Nếu các vị cao minh thấy chỗ nào nhầm lẫn xin được chỉ giáo.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn