30 năm Chernobyl, 5 năm Fukushima, và rồi ở đâu?

Dương Thạch (Save Vietnam's Nature)

Năm 2016 đánh dấu hai kỷ niệm buồn thảm của thế giới. 30 năm trước, vào ngày 26 tháng 4 năm 1986, huyền thoại "điện hạt nhân an toàn" kết thúc đột ngột với tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, hàng triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phóng xạ, nhiều người chết và còn nhiều người hơn nữa vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nhiễm xạ. 5 năm trước đây, ngày 11 tháng 3 năm 2011 đã chỉ ra rằng nhân loại không học được bài học của Chernobyl, và vì thế đưa đến thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Một lần nữa hàng triệu người lại phải gánh chịu hậu quả của giới cầm quyền bắt tay với tài phiệt kiên quyết dùng nhà máy điện hạt nhân bất chấp mọi thiệt hại mà người dân phải chịu.

"Điện hạt nhân an toàn" chỉ là một tuyên truyền xảo trá: dù công nghệ có cao đi nữa, có hai điều không thể loại bỏ: đó là thiên tai và lỗi do con người gây ra. Ai có thể bảo đảm động đất hay sóng thần không thể xẩy ra khiến một nhà máy điện hạt nhân bị phá huỷ, các chất phóng xạ phát ra nhiễm vào môi trường sinh thái, gây hậu qủa trầm trọng cho người dân như ở Fukushima? Ai có thể bảo đảm sẽ không có một nhân viên nào ở nhà máy điện hạt nhân phạm lỗi lầm gây thảm họa như ở Chernobyl?

Hai thảm họa hạt nhân Chernobyl và Fukushima là nguyên nhân của sự đau khổ rất lớn của con người, hậu quả về sức khỏe kéo dài qua các thế hệ và sự hủy diệt môi trường sinh thái gây ra trong 70 năm qua bởi hàng chuỗi các dây chuyền về khai thác hạt nhân. Bắt đầu từ việc khai thác mỏ uranium (1) qua đến việc sử dụng dân sự và quân sự của phản ứng phân hạch hạt nhân cho đến hạt nhân, bụi phóng xạ và chất thải phóng xạ, ngành công nghiệp hạt nhân gây thiệt hại cho con người và môi trường.

Chernobyl không có kết thúc

Hậu quả phóng xạ của Chernobyl đã khiến nhiều người bị bệnh và thiệt mạng. Ung thư tuyến giáp trạng và bệnh hoại huyết vẫn đang gây khổ đau cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Hàng trăm ngàn người bị bệnh nặng. Số tử vong ở trẻ sơ sinh gia tăng. Trong số dân cư tại Chernobyl và các vùng chung quanh, dị tật bẩm sinh cũng gia tăng qua các thế hệ sau vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân.

Các uớc tính độc lập cho rằng trong lực lượng 800.000 người, mệnh danh là “Liquidator" [2] được đưa đến Chernobyl để "dọn dẹp", đã có hơn 125.000 tử vong, con số chính xác bị chính quyền Liên bang Xô Viết dấu nhẹm.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau khi nổ 1986 (ảnh: EBRD)

Chernobyl 1986: tường bê tông bao bọc sau tai nạn bắt đầu nạn rứt,

(ảnh: Sabine Falkenberg / Greenpeace)

Một vòm mái kiên cố với 20.000 tấn thép và bê tông đang được xây dựng do tài trợ của quốc tế, sau khi xây xong sẽ được đẩy đến để đậy kín lên trên lò số 4 Chernobyl. Đây là một công trình di động lớn và nặng chưa từng có, dài 150 thước, cao 108 thước, có thể che kín tượng Nữ thần Tự Do ở New York. (ảnh: Ngân hàng Âu châu tái thiết và phát triển EBRD)

Fukushima vẫn tiếp tục tác hại

Sau tai nạn Fukushima, có 15.894 người tử vong, 2561 mất tích, 174.000 người phải di tản đi nơi khác, trong số này còn trên 57.000 người vẫn còn sống trong các khu nhà tạm bợ. Hiện nay mỗi ngày khoảng 300 tấn nước nhiễm phóng xạ tiếp tục chảy ra Thái Bình Dương. Các thanh nhiên liệu chưa thể tháo gỡ cững như phản ứng chảy hạt nhân bên trong vẫn là mối đe dọa to lớn. Các cố gắng khử xạ không mạng lại kết quả khả quan. Số lượng các trường hợp ung thư tuyến giáp trạng đã được chẩn đoán gây nhiều lo ngại cho giới y tế.

Tại Fukushima, hàng trăm ngàn túi đựng đất bị nhiễm phóng xạ vẫn để đó, không biết đưa đi đâu và xử lý thế nào (ảnh ARD)

Cần nói thêm ung thư tuyến giáp trạng chỉ là một phần nhỏ trong những hậu quả về sức khỏe do ô nhiễm phóng xạ gây ra cho dân chúng: bệnh hoại huyết tăng, chứng sưng hạch bạch huyết, khối u rắn, bệnh tim mạch, rối loạn kích thích tố, rối loạn thần kinh và tâm lý.

5 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima, truyền thông đại chúng tại Nhật Bản bị các tập đoàn điện hạt nhân lèo lái một cách khéo léo tinh vi để người ta không nghĩ đến Fukushima, những nhà máy điện hạt nhân đang trở lại trên lưới điện và chính phủ Nhật còn cố gắng xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân của Nhật trong khi các nạn nhân của thảm họa này đang bị lãng quên. Dù thế vẫn có những người dân ở Nhật cũng như trên thế giới không hề quên thảm họa hạt nhân Fukushima và Chernobyl. 5 năm sau Fukushima, tổ chức y sĩ quốc tế IPPNW một lần nữa lên tiếng đòi hỏi từ bỏ ngay lập tức năng lượng hạt nhân.

Điện hạt nhân: những thông tin mù mờ và bị che giấu

Tại hội thảo về nguy cơ động đất tại Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày (12-13/3), nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã bày tỏ mối lo ngại về hiểm họa động đất và sóng thần ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê, từ Bắc chí Nam Việt Nam có tất cả 30 khu vực có thể phát sinh động đất. Mức chấn động nằm trong khoảng 5,5 - 6,8 độ Richter (đủ để nhà cửa bị hư hại cho tới phá hủy). Trong khi các nghiên cứu khoa học Việt Nam khẳng định động đất mạnh nhất tại VN chỉ có thể đạt mức 7,5 độ Richter thì mới đây sau những nghiên cứu mới nhất và sau một số trận động đất mạnh hơn dự báo xảy ra trên thế giới, PGS.TS Cao Đình Triều - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Địa vật lý VN - đã đưa ra cảnh báo cần xem lại mức động đất cực đại tại VN. Trận động đất ở Nhật Bản hôm 11/3 (Fukushima) cũng vượt qua dự báo, gây ra sóng thần cao đến 11,5 m.

Điều đáng nêu ra là tin tức ở Việt Nam nói nhiều đến động đất và sóng thần ở Nhật (Fukushima) nhưng lại rất ít về tai nạn xẩy ra do nhà máy điện hạt nhân Daiichi (Fukushima I) bị sóng thần làm hư hại đưa đến toàn khu bị nhiễm phóng xạ nặng.

Tại Việt Nam, chương trình nhà máy điện hạt nhân chịu chi phối rất nhiều của tập đoàn Rosatom qua tuyên truyền cũng như của các quan chức trách nhiệm về vấn đề này. Trong khi Rosatom và giới cầm quyền Hà Nội nỗ lực ca ngợi "điện hạt nhân an toàn" thì ngay đại biểu Quốc hội cũng chỉ được thông tin mù mờ. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, từng làm việc trong Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 11, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên – Nhi đồng của Quốc hội khóa 12 đã phải nói với ký giả Nhật trong một đoạn phim phỏng vấn năm 2013: "các công ty hạt nhân ở nước ngoài cũng như các nhân vật chính giới nước ngoài cũng đã có giới thiệu về điện hạt nhân tới những người có chức năng, các đơn vị sẽ có chức năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Đồng thời, chính phủ cũng đã giới thiệu chương trình phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam tới công chúng qua báo chí, triển lãm. Việc các công ty điện hạt nhân ở nước ngoài họ giới thiệu về điện hạt nhân với Việt Nam đúng sự thật đến đâu và đầy đủ thông tin đến đâu thì khó có thể nói chắc được vì khó có thể kiểm chứng được. Những thông tin mà Chính phủ giới thiệu tới dân chúng chỉ là những thông tin rất vắn tắt. Trên báo chí người ta cũng chỉ biết ‘sẽ xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Ninh Thuận, công suất mỗi lò 1000 kW/h … vì Việt Nam thiếu điện… và an toàn tuyệt đối …’ nên dân chúng cũng chỉ biết thế thôi. Thậm chí đến Quốc hội khi mà nghiên cứu để biểu quyết dự án điện hạt nhân này cũng không có đầy đủ thông tin và chúng tôi cũng phải đòi hỏi chính phủ cung cấp thông tin rất nhiều lần. Nhưng kết quả khi Quốc hội bỏ phiếu cũng không dựa trên thông tin đầy đủ. Ví dụ, giá điện hạt nhân lúc đó tính để xây 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuật với 8 lò phản ứng có giá 11 tỷ USD nhưng trên thực chất sau đó đi đàm phán với Nga, họ đòi giá cao hơn giá làm 2 nhà máy điện hạt nhân rồi. Hiện nay người ta dự tính 2 nhà máy điện này cần 24 tỷ USD, ngay cả Quốc hội cũng không được cung cấp thông tin đầy đủ, quyết định dựa trên những thông tin không đầy đủ đó rất là khó chính xác”.

Việt Nam cần bỏ ngay năng lượng hạt nhân, đẩy mạnh năng lượng tái tạo

Mới đây, các nhà khoa học tại Zürich (Thụy Sĩ) cũng như Aarhus (Hoà Lan) đã nghiên cứu rất kỹ tất cả những sự cố xảy ra tại những nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, phân tích của các nhà khoa học này đi đến kết luận là một đại họa hạt nhân như Chernobyl hoặc trầm trọng hơn có thể xẩy ra trong vòng 27 năm tới với độ xác suất là 50%.

Việt Nam và các nước đang phát triển có một ưu thế là đi sau những nước đã phát triển, có thể học hỏi được nhiều điều bất lợi mà các nước tiên tiến đã gặp phải và đang phải thay đổi đường lối: như nước Đức đã quyết định từ bỏ điện hạt nhân và đặt trong tâm vào năng lượng tái tạo [3].

Việt Nam có núi, biển và nắng gió, có đầy đủ điều kiện thiên nhiên để thu hoạch năng lượng từ gió, ánh sáng mặt trời hay thuỷ triều, như vậy thật không có lý do gì để đi theo con đường điện hạt nhân.

Dù không phải là chuyên gia về điện hạt nhân nhưng mỗi người Việt Nam, nhất là giới trí thức, thanh niên, sinh viên... đều có thể tự tìm hiểu về hậu quả của điện hạt nhân để có thể lên tiếng về một vấn đề hết sức quan trọng [4, 5] cho sự an toàn xã hội mà Ninh Thuận I, Ninh Thuận II v.v. có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của dân chúng.

Tại sao đành lòng nhắm mắt im miệng trước những đe dọa có thể xẩy ra cho hàng trăm ngàn cho đến hàng triệu người dân ở tỉnh Ninh Thuận và những tỉnh chung quanh?

26/04/2016

D.T

Tài liệu tham khảo:

(1) Hãy để uranium nằm yên trong lòng đất!

(2) Chernobyl liquidators

(3) Điện hạt nhân, phải cân nhắc kỹ

(4) Điện hạt nhân Ninh Thuận, một giải pháp khôn ngoan cho dự án (Bài 1)

(5) Điện hạt nhân Ninh Thuận, một dự án bất khả thi (Bài 2)

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn