Bob Kerrey chống lưng cho Obama dỡ cấm vận vũ khí với Việt Nam

Hồng Thủy

Bài ca cái cột điện

Nghe một nhà báo than: "Vụ Bob Kerry có mùi Tàu". Lại đọc thơ bác Đoàn Khắc Xuyên:

"Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bao vây tấn công một kẻ muốn sám hối
Muốn trả nợ bằng cách giúp mình một điều tốt đẹp
Đất nước mình lạ quá phải không anh?"

Tức cảnh làm bài này:

Mày là cái cột điện
Đứng trơ giữa đời ni
Đảo bị cướp không nói gì
Biển bị lấn không nói gì
Rừng bị mất không nói gì
Cá bị chết không nói gì
Bỗng nghe tới Bob Kerry nói liền

Tưởng là ngay thẳng lộ thiên
Ai ngờ...

clip_image001

Nguyễn Quang Lập

Bởi lẽ ở Mỹ vẫn có nhiều người chỉ trích quyết định này của Obama, giống như những tiếng nói ở Việt Nam đang chỉ trích Bob Kerrey.

Trong khi chia sẻ với đài BBC Tiếng Việt hôm 2/6, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế Đại học George Mason, Washington DC cho biết, trước khi Tổng thống Obama sang Việt Nam thì Thượng nghị sĩ John McCain có hoạt động vận động hành lang ở Quốc hội Hoa Kỳ nhưng không thành công. Tuy nhiên sang Việt Nam, ông Obama vẫn tuyên bố bỏ cấm vận hoàn toàn vũ khí sát thương.

Ngày 23/5, ba ông cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam trong chiến tranh gồm John Kerry - Ngoại trưởng, John McCain - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Bob Kerrey - cựu Thượng nghị sĩ cùng viết một bài bình luận trên The New York Times về quan hệ Việt - Mỹ.

Động thái này được xem như 3 ông đang dùng ảnh hưởng của mình ủng hộ Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận sát thương cho Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giải thích, 3 ông John Kerry, John McCain và Bob Kerrey đã cùng nhau giúp cho ông Obama yên tâm khỏi bị chỉ trích ở nhà vì quyết định dỡ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Bởi lẽ ở Mỹ vẫn có nhiều người chỉ trích quyết định này của Obama, giống như những tiếng nói ở Việt Nam đang chỉ trích Bob Kerrey hiện nay. 3 vị Thượng nghị sĩ và cựu Thượng nghị sĩ này đã đỡ cho Obama rất nhiều trong việc bỏ cấm vận mà không phải chịu những cái giá chính trị phải trả ở nhà.

clip_image003

Cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey, ảnh: Báo Sài Gòn Tiếp thị.

Cũng chính John Kerry và John McCain đóng vai trò chống lưng cho cựu Tổng thống Bill Clinton trong quyết định xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 2000. Trước khi bay sang Việt Nam, Bill Clinton đã yêu cầu 2 vị Thượng nghị sĩ phải cam kết hậu thuẫn cho mình thì ông ấy mới dám quyết việc bình thường hóa quan hệ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Từ những thông tin Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với truyền thông, người viết thiết nghĩ ba vị đương nhiệm và nguyên Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ này không chỉ có tiếng nói và ảnh hưởng rất lớn trong chính giới, đối với cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Đồng thời họ còn có một thiện cảm, mong muốn mãnh liệt và hành động kiên trì mạnh mẽ để thúc đẩy hai nước bình thường hóa quan hệ, hòa giải, hữu nghị và phát triển giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. Nói cách khác, vai trò của 3 cựu binh Hoa Kỳ từng một thời đứng bên kia chiến tuyến với dân tộc Việt Nam nay đang đóng vai trò sứ giả của hòa bình.

Theo những thông tin chia sẻ từ phía Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cá nhân người viết cho rằng rõ ràng nếu thiếu tiếng nói của ba ông, rất có thể công cuộc bình thường hóa giữa hai dân tộc sẽ còn kéo dài.

Thiếu sự ủng hộ của ba ông, chưa chắc Tổng thống Obama đã dám quyết, tự tin xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, một trong những kết quả được dư luận đánh giá cao nhất trong chuyến thăm.

Tuy nhiên trong số 3 cựu binh thì John Kerry trong vai trò Ngoại trưởng, John McCain trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện là những người nổi tiếng hơn do đang tham gia chính trường. Hơn nữa hai ông ở những vị trí rất cao, có thể tác động ảnh hưởng đến các quyết sách và nỗ lực của Mỹ, nhất là trong quan hệ với Việt Nam hay vấn đề Biển Đông hiện nay.

Còn lại Bob Kerrey đã hoạt động âm thầm và bền bỉ, chuyên tâm đóng góp cho quan hệ Mỹ - Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Người viết có cảm giác dường như Bob Kerrey đang "gánh đỡ" cả những áp lực này cho hai người đồng đội thân thiết, John McCain và John Kerry.

Có lẽ cũng chính Bob Kerrey đã trở thành người "đại diện" chuyên đứng mũi chịu sào cho những gì ông và các đồng đội đã gây ra trong quá khứ, đối diện với mọi áp lực và chỉ trích từ cả hai phía, Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.

Bản thân Bob Kerrey chấp nhận điều đó, dù không dễ dàng, và ông âm thầm bước tiếp. Nhưng dường như ai đó cứ tìm cách khới lại lý lịch của ông từng tham gia một cuộc thảm sát tại Thạnh Phong, Bến Tre tháng 2/1969 và xem đó là lý do phản đối, thậm chí còn yêu cầu ông Bob Kerrey phải chủ động xin rút lui khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, một vị trí người ta mời ông để lo xin tiền, gây quỹ nuôi cơ sở đào tạo biểu tượng này của hợp tác Việt - Mỹ.

Cá nhân người viết tin rằng, đã là người Việt Nam yêu đất nước mình, yêu Tổ quốc mình, yêu dân tộc mình thì không một ai quên lịch sử, đặc biệt là những trang sử đau thương nhưng oanh liệt trong các cuộc chiến chống ngoại xâm từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim.

Nhưng chỉ có gác lại quá khứ, hướng tới tương lai mới có thể giúp cho dân tộc này, đất nước này trường tồn và phát triển cường thịnh.

clip_image005

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, ảnh: BBC.

Do đó những phản ứng trái chiều về việc ông Bob Kerrey có nên được mời làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright hay không, theo cá nhân người viết nó có thể một lần nữa làm tổn thương những tấm lòng, thiện chí của 3 ông Thượng nghị sĩ / nguyên Thượng nghị sĩ trong việc làm vợi bớt nỗi đau chiến tranh, giúp cho dân tộc này phát triển và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nó cũng khiến người ta đặt đấu hỏi về thiện chí của Việt Nam trong quan hệ, hợp tác với Hoa Kỳ, bởi ngay trên đất Mỹ cũng không phải không còn định kiến và rào cản đối với Việt Nam.

Đặc biệt là những người có tiếng nói, có ảnh hưởng, có tâm huyết với quan hệ Việt - Mỹ như ba vị cựu binh này bị tổn thương vì những hành động khơi lại nỗi đau, dội nước lạnh lên tấm chân tình, nhiệt huyết hòa giải, hữu nghị và phát triển của họ thì thật đáng tiếc, nếu không muốn nói đó có thể là một rào cản cho tiền đồ quan hệ Việt - Mỹ, cũng như tiền đồ dân tộc.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức được báo Thanh niên ngày 3/6 dẫn lời nhận định, Việt Nam là một quốc gia có “dân tộc tính” rất cao, người dân sẽ phải suy nghĩ khi nghe đến thông tin một người từng tham gia chiến tranh Việt Nam giờ lại giữ chức vụ cao trong một trường đại học.

Dù vai trò của Chủ tịch Tín thác không trực tiếp liên quan đến hoạt động dạy học nhưng thông qua việc gây quỹ sẽ quyết định sự phát triển trường đại học. Do vậy, chỉ đơn giản ở góc độ người học, điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tâm lý khi lựa chọn vào học.

Cá nhân người viết tôn trọng ý kiến của Tiến sĩ Viên. Người viết chỉ có chút băn khoăn, suy nghĩ rằng, "dân tộc tính" rất cao mà Tiến sĩ nói đến có thể là lòng tự tôn dân tộc và lòng yêu nước, cũng có thể là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, bởi ranh giới giữa hai điều này rất mong manh.

Chỉ cần để cho cảm xúc làm chủ mà thiếu một cái nhìn toàn cảnh, đặt lợi ích quốc gia dân tộc, nhất là những lợi ích sống còn lên trên hết, chúng ta có thể phạm sai lầm.

Cách đây không lâu, cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 năm 2014 mà Trung Quốc đem hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến lòng yêu nước của một bộ phận người Việt Nam bị lợi dụng và hậu quả của nó to lớn như thế nào.

Trong khi ngoài Biển Đông vẫn chưa có một ngày sóng yên, biển lặng. Chỉ cần một ngư dân của Việt Nam bị đe dọa tính mạng, cướp đoạt tài sản cũng đã có thể khiến nhiều người trong chúng ta "sôi máu", huống hồ ai đó cứ nhắc mãi chuyện ông Bob Kerrey tham gia thảm sát ở Thạnh Phong với mô tả chi tiết thì không ít người mới nghe không khỏi rùng mình, tức giận.

Những câu chuyện đau lòng như thế trong chiến tranh còn nhiều lắm. Khới ra vết thương này thì những vết thương khác cũng sẽ rỉ máu. Chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, nhưng đừng để những ám ảnh đó cản bước tới tương lai.

Ông Bob Kerrey ngày nay đến Việt Nam không phải là một Đại úy lăm lăm súng ống, thì thiết nghĩ không nên nhìn ông ấy với tư cách một Đại úy hải quân Mỹ từng gây tội ác ở Thạnh Phong.

Người viết đồng tình và chia sẻ với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, rằng Bob Kerey đã rất thẳng thắn, trọng danh dự qua những phát biểu, mong muốn làm tốt cho Việt Nam để thể hiện sự ăn năn trong tâm hồn.

Về thực tiễn trách nhiệm của vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam là ngoại giao, xin tiền nên phải có khả năng và uy tín. Bob Kerry chứng tỏ đầy đủ 2 điều kiện này. Xét về tâm lý ông muốn có cơ hội để chuộc lỗi thì vị trí này là phù hợp nhất.

clip_image007

Lễ trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, ảnh: abcgroup.com.vn.

Tất nhiên nói về khả năng để gánh vác trọng trách Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright,  Mỹ cũng có những người đủ sức làm việc này và Bob Kerrey thừa nhận điều đó. Ông sẵn sàng rút lui nhường lại cho ai đủ khả năng và tâm huyết bước tiếp con đường ông và cộng sự đã đi để vun đắp cho quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ.

Nhưng vấn đề đặt ra là liệu có ai chấp nhận dấn thân, chấp nhận gánh vác trách nhiệm nặng nề là đi xin tiền, gây quỹ nuôi Đại học Fulbright Việt Nam với điều kiện lương bổng, đãi ngộ và chế độ làm việc hiện có hay không? Giáo sư Hùng cho biết, vị trí tương tự ở Hoa Kỳ có thu nhập rất cao, đặc biệt là các trường tư.

Huống hồ Fulbright Việt Nam là đại học phi lợi nhuận, thực hiện tôn chỉ cung cấp các sản phẩm giáo dục chất lượng cao, giá cả thấp và tự lo kinh phí. Có lẽ chỉ có những tâm hồn yêu Việt Nam như Bob Kerry mới có thể đảm đương nổi.

Còn đương nhiên trong xã hội mỗi người mỗi ý, cá nhân người viết cũng như Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cho rằng cần tôn trọng sự khác biệt.

Ý kiến cá nhân Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trong vụ việc này mà người viết cũng rất đồng tình và chia sẻ là, xét cả trên khía cạnh truyền thống dân tộc lẫn lợi ích quốc gia, Việt Nam nên giữ Bob Kerrey lại vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn trên báo Thanh niên hôm 3/6, không thể định lượng được các tác động theo chiều hướng không tốt nhưng chắc chắn sẽ tạo ra sự e ngại, hạn chế những đóng góp tài chính hay đơn giản trong thu hút cán bộ tham gia giảng dạy.

Nói ngược lại, nếu có một lãnh đạo đủ uy tín, Đại học Fulbright Việt Nam sẽ thu hút được sự đóng góp, hợp tác để phát triển nhiều hơn.

Tuy nhiên cá nhân người viết lại cho rằng, chính cách hành xử thẳng thắn, chân thành và dũng cảm của ngài Bob Kerrey cũng như những nỗ lực, tâm huyết của ông ấy cho quan hệ Việt - Mỹ sẽ góp phần tạo sức hút, làm nên thương hiệu cho trường, bởi đó là tiếng nói của hòa giải, hữu nghị và yêu thương.

Còn ai đó vẫn chưa sẵn sàng, chưa thể gác lại quá khứ mà chấp nhận bỏ qua cơ hội Đại học Fulbright mang tới chỉ vì ngài Chủ tịch Hội đồng Tín thác chuyên xin tiền, gây quỹ cho trường từng sát hại đồng bào mình, thì đó là quyết định của họ và cần được tôn trọng.

Người viết rất tâm đắc đánh giá của Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng trên BBC Tiếng Việt, rằng xưa nay chưa thấy ông chính trị gia cỡ lớn nào nói được lời xin lỗi thẳng thắn, chi tiết như Bob Kerrey.

H.T.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Bob-Kerrey-chong-lung-cho-Obama-do-cam-van-vu-khi-voi-Viet-Nam-post168449.gd

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn