GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Ngưng điện hạt nhân, còn gì hạnh phúc bằng

Gia Minh, RFA

Cũng có thể Chính phủ lo sợ về vấn đề tài chính: Tìm đâu ra hàng chục rồi hàng trăm tỷ đô la để xử lý chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy, chưa kể kinh phí khổng lồ cần thiết khi có tai biến?” – Nguyễn Khắc Nhẫn.

Chúng tôi sống ở trong chăn, chúng tôi đoán biết nguyên nhân mà GS nêu trên đây là nguyên nhân “đầu tiên”, thưa GS Nguyễn Khắc Nhẫn. Phải nói thẳng, Nhà nước này đã không còn kiếm đâu ra tiền. Mà không phải kiếm ra tiền để “xử lý chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy” khi gặp sự cố đâu. Nghĩ theo hướng nhân đạo thế này thì GS nhầm mất rồi. Thực tế là họ không vay nổi tiền để xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, vì tính lại nợ đã ngập tới cổ, vay nữa thì không ai cho vay với lãi suất có thể còn có “đồng ra đồng vào”. Chúng tôi thừa hiểu, phải bỏ đi một mối lợi cho đám con ông cháu cha sân sau của các thành viên CP có tiền xây lâu đài hoặc mang ra nước ngoài mua nhà định cư là người ta tiếc đứt ruột ra đấy. Chứ với DÂN thì có thể nói, từ lẩu lâu thể chế này đã đặt DÂN lên bàn thờ mà khấn vái, nghĩa là trọng thì có trọng, rất trọng nữa là khác, nhưng chuyện sống chết của dân thì người ta đã chọn một mục tiêu rất “thiết thực”: nhiều lắm cũng chỉ một nắm tiền đô-la giả và mấy thẻ hương là xong thôi. GS cứ xem, bọn tội phạm Formosa thải chất độc xuống biển miền Trung và lén lút mang đi chôn ở khắp nơi trên đất nước, đầu độc cuộc sống dân tộc ở cái nơi “chó ăn đá gà ăn muối” này và đầu độc không chỉ thế hệ hôm nay mà còn biết bao nhiêu thế hệ tới, ai mà không đau đớn, phẫn uất. Vậy mà từ ông Tổng bí thư đến các thành viên cao cấp trong CP đối xử với tên tội phạm ấy thế nào kể từ tháng Tư cho đến tận hôm nay? Tìm đủ mọi cách che chắn cho nó cũng như diễn nhiều trò trí trá để lừa dân, đặc biệt là hoàn toàn ngoảnh mặt làm lơ trong việc xử lý môi trường biển trên suốt một dọc dài hơn 400 km... Một sự thờ ơ vô trách nhiệm đến thế thì chắc GS cũng có thể luận ra được quan điểm cơ bản của họ đối với dân là như thế nào rồi. Vậy mà nào đã xong đâu. Họ còn chính thức đưa dự án xây nhà máy thép Cà Ná vào kế hoạch nữa chứ, và đưa ra ngay sau lúc phát hiện sự cố tày trời của Formosa. Có phải là trong mắt họ, chỉ có tiền đô thứ thiệt mới là mục tiêu hay không, còn thứ tiền đô giả đặt trên bàn thờ thì họ sẵn sàng dâng cho dân hưởng. Chúng tôi nói Nhà nước này trọng dân-vì dân là như vậy. Nói như ông Tổng Trọng: “Trọng, trọng, trọng đến thế là cùng”!

Bauxite Việt Nam

clip_image001

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận / Courtesy dienhatnhan.com.vn

Quốc hội Việt Nam khóa 14 tại kỳ họp thứ 2 vừa qua quyết định ngưng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.

Quyết định này được nhiều người hoan nghênh, trong đó có những chuyên gia lâu năm trong ngành điện như Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh).

Ông cũng là Cố vấn Kinh tế, Dự báo, Chiến lược EDF Paris, Giáo sư Viện Kinh tế Chính sách Năng lượng Grenoble, Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Grenoble.

Nhân dịp này Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn dành cho biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn chung quanh vấn đề này.

Nỗi mừng vô biên

Gia Minh: Kính chào GS Nguyễn Khắc Nhẫn. Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu chấp thuận việc dừng xây cất nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận. Xin Giáo sư cho biết những lý do chính?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Xin thân chào quý vị thính giả. Xin chào anh. Trước khi trả lời các câu hỏi của anh, cho phép tôi chia sẻ với các bạn nỗi vui mừng vô biên.

Quê hương còn hàng triệu đồng bào đau khổ vì hậu quả chiến tranh, vì chất độc dioxine, vì ô nhiễm môi trường.

Từ nay, đồng bào hết lo sợ phóng xạ hạt nhân, vô cùng độc hại, bao trùm non sông, có gì hạnh phúc bằng?

Tôi luôn hy vọng và trông chờ quyết định rút lui điện hạt nhân có trật tự của Chính phủ từ 13 năm nay.

Bài đầu tiên chống điện hạt nhân của tôi được báo chí đăng từ năm 2003. Hiện nay trên blog: nguyenkhacnhan.blogspot.fr, có cả thảy 60 bài về điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Xin mời quý bạn tham khảo và cho tôi ý kiến.

Chính phủ đã công bố nguyên nhân dừng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận và báo chí trong nước đã đăng tin lành này. Ngày 22-11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với 92% phiếu thuận.

Sau đây là những lý do được Chính phủ đưa ra :

- Không phải vì công nghệ an toàn của Nga và Nhật (mỗi nhà máy có 2 lò, mỗi lò  khoảng 1000  MW)

- Điều kiện kinh tế: điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác như trước.

- Nhu cầu điện lực đã giảm nhiều.

- Dồn lực cho các chương trình trọng điểm và các dự án ưu tiên.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng.

- Giải quyết các vấn đề thay đổi khí hậu.

Nhiều người đặt câu hỏi vì cớ gì quyết định có vẻ đột ngột như thế? Có vấn đề chính trị, quốc phòng hay áp lực nào chăng? (1 lò 1000MW mỗi năm có thể cho 200kg tương đương plutonium).

Lẽ cố nhiên tai họa cá chết hàng chục tấn vì Formosa có ảnh hưởng lớn.

Các nhà máy điện hạt nhân mà Trung Quốc vừa cho vận hành ở gần biên giới nước ta làm tăng xác suất nguy cơ cũng có thể  là một lý do.

Cũng có thể Chính phủ lo sợ về vấn đề tài chính: Tìm đâu ra hàng chục rồi hàng trăm tỷ đô la để xử lý chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy, chưa kể kinh phí khổng lồ cần thiết khi có tai biến?

Từ lâu, tôi đã nói rằng dự án điện hạt nhân của ta không có tính khả thi được. Xây dựng 1 lò hạt nhân là kẹt ít nhất 1 thế kỷ (50 năm vận hành và 50 năm để tháo gỡ, đó là chưa kể ngàn đời chất thải phóng xạ vẫn còn nguy hiểm).

Chiến lược năng lượng Việt Nam?

Gia Minh: Hội nghị COP21 ở Pháp và COP22 ở Maroc về thay đổi khí hậu có ảnh hưởng gì đến việc dừng dự án điện hạt nhân ở Việt Nam không?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Lẽ cố nhiên, Hội nghị thay đổi khí hậu COP 21 ở Paris và COP 22 ở Marrakech có ảnh hưởng, không nhiều thì ít, đến chiến lược năng lượng Việt Nam.

COP21 thành công vì đã làm cho hầu hết các nước trên thế giới nhìn thấy tầm quan trọng  của một nền kinh tế ít carbon.

Một ngày trước buổi khai mạc COP 21, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một quyết định về chiến lược khuếch trương năng lượng tái tạo đến 2030, với tầm nhìn chân trời 2050. Tuy nhiên theo tôi, những mục tiêu đưa ra còn quá thấp so với nhiều nước khác trên thế giới.

Xin các bạn đừng quên rằng mặc dù năng lượng tái tạo phát triển hết sức mạnh, nhưng hiện nay 82% năng lượng thế giới vẫn còn tùy thuộc năng lượng hóa thạch: 31% dầu, 29% than và 22% khí.

Nếu lấy số tiền 500 - 600 tỷ đô mỗi năm trợ cấp cho năng lượng tái tạo thay vì hóa thạch thì tỷ lệ năng lượng tái tạo cao hơn nhiều.

Maroc được nhiều phái đoàn khen phục về những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (mặt trời và gió). Nhà máy mặt trời nhiệt động học tập trung (centrale solaire thermodynamique à concentration) tên Nour, với 500000 tấm gương (160 MW giai đoạn 1 và 580 MW với 3 giai đoạn kế tiếp) là một hãnh diện của nước này.

Trước những biến chuyển vô cùng nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam không lẽ nào cứ tiếp tục thờ ơ đi ngược dòng sông với điện hạt nhân đã lỗi thời từ lâu?

Gia Minh: Theo GS như vậy Việt Nam cần phải thay đổi chiến lược năng lượng như thế nào để tránh nạn thiếu điện?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Để tránh nạn thiếu điện, ta cần phải thay đổi gấp chiến lược năng lượng.

Việt Nam phải hòa nhịp với cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Ngày xưa lúc đi học, các giáo sư so sánh trình độ văn minh của các nước với số kWh tiêu thụ của mỗi người dân. Ngày nay dân nước nào biết tiết kiệm và tiêu thụ thấp nhất được khen thưởng.

Tôi đã từng nhắc đi nhắc lại trong các bài tham luận là có 3 lĩnh vực chính mà tất cả các nước trên thế giới cần khai thác cấp tốc: đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, triệt để tiết kiệm năng lượng và tăng gia gấp hiệu suất năng lượng.

Đại học Stanford ở Mỹ vừa công bố một nghiên cứu hết sức quan trọng: 193 nước trên thế giới có thể, nếu muốn, sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. Có nghĩa là nhân loại, trong tương lai, sẽ không cần các nguồn năng lượng hóa thạch cổ điển và năng lượng hạt nhân.

Tiềm năng năng lượng mặt trời mênh mông: trên 20 lần nhu cầu điện lực toàn cầu.

Một công ty Mỹ vừa sáng chế một loại ngói nhà có thể thu giữ năng lượng ánh sáng như các pin mặt trời.

Thời kỳ tập trung đồ sộ đã qua. Ngày nay mô hình năng lượng là phân cấp quản lý, thu hẹp từng vùng, từng làng xã. Trách nhiệm không phải ở nhà nước mà thôi. Phải có sự hợp tác, đóng góp của mọi tầng lớp: địa phương, thành phố, xí nghiệp, nhà kinh doanh và dân chúng.

Người dân không phải chỉ biết tiêu thụ mà được khuyến khích trở thành nhà sản xuất điên lực.

Một nghiên cứu của CE Delft ở Hòa Lan cho biết đến 2050, 50% dân chúng Âu châu có thể sản xuất một phần điện tái tạo và như thế sẽ thỏa mãn gần 50% nhu cầu điện lực Âu Châu. Người ta có vẻ lạc quan, nhưng đó là hướng đi tốt nhất của thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo, để đối phó với hiện tượng thay đổi khí hậu và tăng gia công ăn việc làm cho dân chúng.

Muốn theo kịp nền kinh tế số (économie numérique) và kinh tế xanh (économie verte) để phát triển bền vững, Việt Nam không có con đường đi nào khác cả.

Ta cũng nên thận trọng vì kinh tế số đã xâm nhập nhiều lĩnh vực kể cả năng lượng.  GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) đã nhanh chóng làm chủ các lĩnh vực then chốt như công nghệ micro-nano, trí tuệ nhân tạo. Đừng để BigData công nghiệp hóa cuộc sống của chúng ta!

Ngày nay có phong trào cái gì cũng thông minh: smartphone, smartgrid, smartcity...

Dân ta rất thông minh. Nếu muốn tăng gia số người này thì nên có gấp một cuộc cách mạng giáo dục toàn diện.

Hãy vì các thế hệ tương lai

Gia Minh: Kinh nghiệm và bài học của sự kiện ngưng dự án điện hạt nhân của Việt Nam vừa qua là gì thưa GS?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Lẽ cố nhiên các cơ quan có trách nhiệm đã đầu tư rất nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc cho chương trình điện hạt nhân từ trên 12 năm nay.

Phải nhìn nhận là có lãng phí lớn: chuẩn bị bao việc, tổ chức hội thảo, đón đưa chuyên gia ngoại quốc, thông tin và tuyên truyền, giải phóng mặt bằng, gửi 445 sinh viên và kĩ sư tu nghiệp ở Nga, Nhật Bản và Pháp. v.v…

Bài học rất sâu sắc. Ta phải rút kinh nghiệm.

Trong mọi lĩnh vực cần phải có chiến lược ngắn và dài hạn. Ta nên nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ các khía cạnh kỹ thuật, kinh tế, môi trường, xã hội, y tế và đề nghị nhiều kịch bản.

Cần nhìn xa và ngó rộng. Không nên để các lobby nước ngoài ru ngủ. May mà ta rút lui kịp thời dự án tàu cao tốc TGV. Pháp cũng nhìn nhận TGV rất khó kinh tế. Không phải cái gì các cường quốc có là ta phải có! Ngày xưa người ta đi xe hơi mình đi xe đạp, ngày nay người ta trở lại xe đạp, mình đi xe hơi.

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh quyết định rất sáng suốt từ bỏ điện hạt nhân của Chính phủ.

Gia Minh: Thưa GS, ngành điện hạt nhân không còn triển vọng như xưa phải không và hiện nay có gì mới lạ không?

GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Năm nay 2016, tưởng niệm 5 năm tai biến Fukushima và 30 năm thảm họa Tchernobyl (tương đương với 350 bom Hiroshima).

Theo nhà văn gốc Ukraina Katja Petrowskaja (16 tuổi lúc xảy ra thảm họa Tchernobyl): “Ngày tưởng niệm này thật ra là vô lý bởi thảm họa không có quá khứ. Nó kéo dài trong tương lai. Chu kì bán rã của một số nguyên tố phóng xạ còn lớn hơn lịch sử nhân loại. Nó vượt qua cảm nhận của chúng ta về thời gian và con số, và tiếp tục phát triển dưới những dạng không hề được biết, ngay cả với khoa học”.

Để hình dung mức độ đau khổ khủng khiếp của những nạn nhân vô tội từ những thảm họa không thể tưởng tượng nổi này (5 triệu người vẫn còn sống trong các vùng bị ô nhiễm), tôi xin mời quý vị tìm xem phim “La Supplication” dựa theo cuốn sách của nhà báo người Belarus, Svetlana Aleksievitch, Nobel văn chương năm 2015.

Từ đó, quý vị càng đánh giá cao hơn nữa quyết định rất đúng đắn của Chính phủ Việt Nam khi từ bỏ chương trình điện hạt nhân.

Lĩnh vực điện hạt nhân hiện nay có gì đáng lưu ý?

- Tại Tchernobyl, ngày mai sẽ có buổi lễ khánh thành nhà bảo vệ (sarcophage) khổng lồ thứ hai để che nhốt lò bị nổ trong thời gian 100 năm. Đó là một công trình đồ sộ chưa từng thấy: 25000 tấn sắt bêton (36000 tấn trang bị), cao 108 m, dài 162 m, rộng 257 m.

Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu và Liên minh châu Âu tài trợ 2 tỷ euros.

- Năm 2014, Hoa Kỳ là nước sản xuất nhiều điện hạt nhân nhất, với 798 TWh, chiếm 33% sản lượng điện hạt nhân của thế giới. Pháp đứng thứ hai với 418 TWh (17%), và Nga thứ ba với 169 TWh (7%).

Nhưng trong thời gian ngắn sắp đến, Trung Quốc sẽ vào trong top 3 này.

Thực tế, hiện nay Trung Quốc đang xây 22 lò phản ứng trên tổng số 59 lò đang xây trên toàn cầu. Diện tích rộng, cũng như phần đất trống còn lớn, nên Trung Quốc có thể cho di tản hàng triệu dân trong trường hợp có tai nạn lớn xảy ra.

Tiếp đó là Nga với 7 lò và Ấn Độ với 5 lò đang xây. Như Trung Quốc, hai nước này cũng là hai quốc gia lục địa  (etat-continent).

- Điện hạt nhân đã gây hoang mang tại Trung Quốc. Gần đây, tại thành phố Lianyungang, tỉnh Jiangsu, phía đông bắc Thượng Hải, đã xảy ra những cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối dự án của AREVA xây dựng nhà máy xử lý chất thải phóng xạ với công suất 800 tấn. Những người biểu tình giương những tấm bảng “Bảo vệ các thế hệ tương lai”.

Vì giàu tiền, Trung Quốc ở lĩnh vực nào cũng đầu tư mạnh nhất nhì trên thế giới: điện hạt nhân, điện mặt trời, điện gió, điện than (họ sắp đầu tư 460 tỉ euros vào nhiều nhà máy than mà thời gian vận hành không quá 50%!). Với tổng số công suất khổng lồ của những nhà máy điện than, lên đến 895 GW, ta hiểu tại sao Trung Quốc cũng đứng nhất về ô nhiễm môi trường với CO2.

- Tại Nhật, có 3 trên tổng số 42 lò là đang hoạt động. Trong số này, có 13 lò gây nhiều lo ngại, liên quan đến những bất thường trong cấu trúc thép tại vài chỗ của nắp đậy cũng như đáy lò, giống như trường hợp của EPR Flamanville ở Pháp.

Chính phủ Nhật sẽ chi hơn 170 tỉ euros cho các hoạt động liên quan đến thảm họa Fukushima (đặc biệt là bồi thường nạn nhân, tháo gỡ nhà máy). Chi phí này càng ngày càng tăng.

- Tại Đức, việc từ bỏ hạt nhân vào năm 2022 và chuyển dần sang năng lượng tái tạo sẽ tiêu tốn khoảng 1000 tỉ euros từ nay cho đến 2030.

- Tại Phần Lan, việc xây dựng nhà máy EPR Olkiluoto vẫn chưa hoàn thành, phá vỡ kỉ lục về trễ hạn (9 năm) và chi phí (hơn 9 tỉ thay vì 3 tỉ như dự kiến ban đầu).

- Vừa rồi Anh đã đồng ý cho thực hiện dự án của EDF tại Hinkley Point. EDF sẽ xây dựng hai lò EPR dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2025, với chi phí đầu tư là 22 tỉ euros (EDF chịu 16 tỉ). Dự án này gây ra rất nhiều tranh cãi tại Pháp do EDF đã chọn rủi ro rất cao.

- Ở Thụy sĩ, dân chúng đã đi bỏ phiếu hôm qua (27-11-2016) để xúc tiến việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. 54,2% dân chúng không ủng hộ sáng kiến này của đảng xanh vì hiện nay điện hạt nhân chiếm 40% sản lượng điện. Tuy nhiên, Thụy sĩ sẽ dần dần đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.

Chiến lược 2050 của nước này là năng lượng tái tạo và hiệu suất năng lượng.

- Ở Pháp, tôi xin phép trình bày với quý vị sự xuống dốc của ngành điện hạt nhân.

Thực tế, AREVA và EDF gặp những khó khăn khổng lồ: khủng hoảng tài chính, khả năng công nghiệp giảm, bất ổn thương mại…

AREVA đối mặt với một loạt thách thức. AREVA đã bị thu hẹp và lo sợ bị phá sản. Họ đã thông báo cắt giảm hàng ngàn việc làm.

Tình hình tài chính của EDF, với số nợ là 37,4 tỉ euros, cũng đáng lo ngại, một phần là do giá điện giảm trên thị trường bán sỉ châu Âu.

Theo Chủ tịch cơ quan an toàn hạt nhân: không loại trừ một tai nạn hạt nhân lớn tại Pháp hay châu Âu. Cứ hai trong số ba người Pháp cho rằng một thảm họa tương tự như Tchernobyl hay Fukushima vẫn có thể xảy ra. Các cơ quan kiểm tra không còn đủ tài nguyên cần thiết để đảm bảo đầy đủ công việc của họ.

Viện Bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân ước tính chi phí 430 tỉ euros cho một thảm họa lớn đối với một lò phản ứng PWR 900 MW của EDF. Sau Fukushima, cơ quan an toàn hạt nhân đã yêu cầu EDF thực hiện các biện pháp tăng cường độ an toàn, cần một kinh phí tối thiểu 10 tỉ euros.

Kinh phí để kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng lên đến hơn 50 tỉ euros.

Mặt khác, điều lo ngại là EDF, vì những lý do kĩ thuật, phải đẩy lùi nhiều chục năm việc tháo gỡ các lò phản ứng thế hệ thứ nhất (dùng nước, than chì, khí). Việc tháo gỡ các lò này không thể hoàn thành trước thế kỉ 22.

Theo Stéphane Lhomme từ Tổ chức theo dõi hạt nhân, “thật là một sự hèn nhát của ngành công nghiệp hạt nhân khi họ không ngừng để lại cho các thế hệ sau này những bài toán không có cách giải quyết”. Không nên quên rằng càng lâu thì nguy cơ do quên lãng càng lớn.

Hiện nay, trong tổng số 58 lò phản ứng của EDF có 21 lò đang dừng hoạt động để bảo dưỡng, giám sát và kiểm tra kĩ thuật theo yêu cầu của cơ quan hạt nhân. Do đó, EDF có khả năng sẽ phải cắt điện và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, mới có thể đáp ứng nhu cầu của mùa đông này.

Gia Minh: Cám ơn Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn.

G.M. thực hiện

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-drops-nuclear-plants-ninhthuan-gm-11282016155356.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn