Don (Trump) với Vlad (Putin): Mối tình nguy hiểm

Thụy My

clip_image002

“Don” và “Vlad”, mối tình lửa rơm đầy nguy hiểm. Petras Malukas / AFP

Mối nguy từ cặp Putin-Trump là sự thiếu logic và thiếu vắng chiến lược đường dài của tân tổng thống Mỹ. Chính quyền Trump bơi loạn xạ trong chính sách đối ngoại vô nguyên tắc, với sự chỉ đạo ngẫu hứng, “cận thị một cách nguy hiểm và nguy cơ thất bại đặc biệt cao”. Nhưng “Trước sau gì, Trump cũng sẽ bất hòa với Putin”. Và thật ra, Nga chỉ là nhân tố hạng hai. Hoa Kỳ tốt nhất nên tập trung kiềm chế Trung Quốc, duy trì sự hiện diện quân sự quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân dịp ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ, các báo ra tuần này tập trung nói về nhân vật đã làm tốn nhiều giấy mực ngay cả trước khi nhậm chức.

Tuần san L’Obs đăng ảnh hai tổng thống Mỹ và Nga với tựa đề “Trump và Putin, các bí mật của một cặp bài trùng đáng sợ” Le Courrier International chạy tựa đỏ trên nền đen “Trump từ A đến Z”. Cũng trên nền đen, tuần báo The Economist đăng ảnh ông Trump với nụ cười quen thuộc, nhưng trong bộ trang phục vua chúa châu Âu thế kỷ trước.

Về tình hình nước Pháp, L’Express dành hồ sơ 20 trang cho tương lai phe tả Pháp với tựa đề nhại theo một mẩu rao vặt “Trước khi phá sản, cánh tả tìm người tiếp nhận và tìm kiếm giá trị”. Le Point quan tâm đến cựu bộ trưởng Kinh tế Pháp, ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron với câu hỏi “Những gì ông Macron có trong đầu”.

Mối liên hệ nguy hiểm giữa Donald và Vladimir

Trong bài viết mang tựa đề “Các liên hệ rất nguy hiểm giữa ‘Don’ và ‘Vlad’”, tên gọi thân mật của hai vị tổng thống, tuần báo L’Obs đặt câu hỏi, mối quan hệ phức tạp thậm chí độc địa giữa ông Trump và Putin liệu sẽ quyết định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ? Sau vụ công bố báo cáo gây sốc của một cựu điệp viên Anh, tổng thống Nga liệu có gây áp lực được lên tân tổng thống Mỹ? Và nếu hai cường quốc này liên minh với nhau, sẽ gây ra những hậu quả nào đối với châu Âu?

Bài viết bắt đầu bằng cái tựa nảy lửa của một tác giả bảo thủ trên một tờ báo rất uy tín của Mỹ, tờ New York Times: “Donald Trump, một Manchurian Candidate hiện đại?”. Tít này khiến người ta phải dụi mắt đọc lại lần nữa: Manchurian Candidate là tựa một cuốn sách nổi tiếng thời chiến tranh lạnh, ám chỉ ông chủ Nhà Trắng là một điệp viên Nga.

Gián điệp? Con tin? Con rối? Riêng việc đặt ra câu hỏi loại này cũng đủ thấy rằng nước Mỹ và thế giới đang trong một thời điểm kỳ lạ chưa từng thấy. Tất cả những hành động quá đáng của Donald Trump, từ việc sử dụng liên tục Twitter, từ chối nhượng lại việc kinh doanh để tránh xung đột lợi ích cho đến chọn lựa các cộng sự, khó tin nhất là những bước nhảy tango với Vladimir Putin. Và báo cáo điều tra của thám tử tư Anh có nói đến nghi vấn năm 2013 ông Trump vui thú với các cô gái mại dâm Nga trong một khách sạn sang trọng ở Matxcơva, bị tình báo Nga ghi hình, chỉ là một điểm nhấn. Khả tín hay chỉ là sáng tác? Tạp chí Penthouse hứa thưởng một triệu đô la cho ai cung cấp cuộn băng sex này.

Bỏ qua một bên câu chuyện gián điệp khó phối kiểm trên, Washington Post cho rằng “chỉ riêng việc ông Trump có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với một nhà độc tài nước ngoài tham nhũng và bạo lực là đã đủ”. Theo giáo sư Ruth Ben-Ghiat của New York University chuyên nghiên cứu về phát-xít Ý, thì cảm tình của ông Trump đối với ông Putin không có gì đáng ngạc nhiên, vì những người độc đoán thường hợp với nhau.

Mối liên hệ này càng được củng cố bởi những cộng sự của ông cũng gắn bó với Nga. Paul Manafort, chiến lược gia trong vận động tranh cử, đã từng làm việc cho cựu tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Ianoukovitch. Cố vấn an ninh Michael Flynn từng ăn tối với Putin trong bữa tiệc vinh danh kênh tuyên truyền RT của Nga. Ngoại trưởng được đề cử Rex Tillerson từng được Nga tặng huân chương hữu nghị, và phản đối trừng phạt Matxcơva. Còn cố vấn chiến lược Steve Bannon thì không giấu diếm sự ngưỡng mộ đối với ông Putin “rất, rất, rất thông minh”.

Ông Trump và cộng sự đều chủ trương một tính toán chiến thuật kiểu “tôi để Crimée cho anh, nhưng anh không động đến các nước vùng Baltic và chúng ta cùng nhau giải quyết vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo”. Tân tổng thống tạm thời duy trì trừng phạt Nga, nhưng sẵn sàng dỡ bỏ nếu Nga chứng tỏ thiện chí.

clip_image004

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận tại Biển Đông, tháng 12/2016. REUTERS/Stringer

Nga không quan trọng bằng Trung Quốc

Theo L’Obs, trên thực tế quan điểm của Donald Trump thiếu logic và không thể đứng vững. Lại bỏ qua một bên việc tân tổng thống làm ngơ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, dù ở Thượng viện cả hai phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều nhất trí phải điều tra. Vấn đề ở đây thuộc về chiều sâu.

Trước hết, nước Nga của Putin đối với Hoa Kỳ chỉ là một nhân tố hạng hai so với tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc. Trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, Nga nay chỉ là cái bóng mờ của người khổng lồ Liên Xô cũ. Tiếp đến, các lợi ích của Nga khác với Mỹ. Theo chuyên gia William Burns, “Putin tin rằng để tái lập sức mạnh Nga, là phải phá hoại trật tự do Mỹ lãnh đạo, đặc biệt tại châu Âu và cũng ở Trung Đông”. Cuối cùng, quan điểm đặt nhân quyền sau lợi ích cũng gây tranh cãi.

Tất cả những nghịch lý này đã lộ rõ vào tuần trước, khi các nhân vật được Donald Trump bổ nhiệm ra điều trần trước Thượng viện. Như trong một vũ điệu siêu thực, họ phát biểu hoàn toàn trái với ông Trump. Tướng James Mattis (Quốc phòng) cho rằng Putin muốn phá vỡ NATO, còn về hiệp định với Iran dù không hoàn hảo cũng nên giữ lời hứa. Mike Pompeo (CIA) nói Nga chẳng làm gì để giúp tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, lại còn muốn tác động vào nền Dân chủ Mỹ. Rex Tillerson (Ngoại giao) nhận định Nga là mối nguy hiểm. Theo Washington Post, thế nên Matxcơva bỗng nguội đi nhiệt tình với ông Trump.

Trump và Putin sẽ “anh đường anh, tôi đường tôi”?

L’Obs cho rằng mối nguy từ cặp Putin-Trump là sự thiếu logic và thiếu vắng chiến lược đường dài của tân tổng thống Mỹ. Tờ báo dẫn nhận xét của tờ Foreign Policy: chính quyền Trump bơi loạn xạ trong chính sách đối ngoại vô nguyên tắc, với sự chỉ đạo ngẫu hứng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hiện đại, “cận thị một cách nguy hiểm và nguy cơ thất bại đặc biệt cao”. Đối với một bộ phận người Mỹ, chuyện tình Trump-Putin có thể trấn an họ với một thế giới đơn giản, nhị phân, chống lại toàn cầu hóa. Nhưng trong chính trị, sự giản đơn hóa là chiếc lá nho hoàn hảo che đậy cho hư không.

Tờ báo không quên nhắc lại “80 năm các trò bẩn”: những vụ án gián điệp nổi tiếng giữa Nga và Mỹ từ trước chiến tranh lạnh đến nay. Từ vụ tình báo Nga tìm cách chiêu dụ phu nhân tổng thống Franklin Roosevelt năm 1935, KGB tung tin vịt phá hoại uy tín mục sư Martin Luther King năm 1971, hay nữ điệp viên Anna Kouchtchenko (Anna Chapman) bị bắt năm 2010… và ngược lại, CIA cũng từng giúp đỡ các nhà văn Nga Andrei Sakharov và Alexandre Soljenitsyne.

“Trước sau gì, Trump cũng sẽ bất hòa với Putin”, đó là nhận định của chuyên gia phe bảo thủ Eliot A.Cohen, cựu cố vấn của bà Condoleezza Rice. Ông cho biết cả phía Cộng hòa lẫn Dân chủ, không có mấy người thân Nga. Cũng như thượng nghị sĩ John McCain, đại đa số các dân biểu đều cho rằng cần duy trì các liên minh quân sự, nhất là NATO, trong khi Trump liên tục có những phát biểu gây lo ngại cho châu Âu. Nhưng đến một ngày nào đó, Putin sẽ qua mặt Trump, và rồi Trump sẽ tuyên bố ông chủ điện Kremlin là một “bad guy”.

Tất cả yếu tố cho thảm họa đã hội đủ nơi Trump

“Tất cả các nhân tố cho một thảm họa đều đã hội đủ”, đó là nhận xét của giáo sư Stephen Martin Walt ở Kennedy School of Government, Havard, trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo L’Obs. Tuy cũng cùng quan điểm “America first”, nhưng ông cho rằng Donald Trump đã đi quá xa.

Đồng ý rằng châu Âu cần gánh thêm trọng trách an ninh, nhưng phải là một quá trình tuần tự, từ năm đến mười năm. Đe dọa các đồng minh, trừng phạt họ hay xé bỏ hiệp ước NATO không phải là cách làm đúng đắn, vì Hoa Kỳ chỉ có lợi với một châu Âu vững chải, hòa bình và thịnh vượng.

Theo giáo sư Walt, chính sách đối ngoại của Donald Trump thực chất chỉ là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ích kỷ và thiển cận. Trump không suy tính dài hơi cho một năm, năm năm hay mười năm, chỉ tự đặt câu hỏi kiểu: “Hoa Kỳ hay cá nhân mình có lợi ngay được những gì trong tình thế đó?”. Hơn nữa, dường như ông Trump không hiểu được ngoài sự chọn lựa của bản thân ông, còn có những tương tác với các nước khác.

Chẳng hạn Trump quyết định chấm dứt hiệp định TPP mà chính quyền Obama dày công tạo dựng để tăng cường sức mạnh cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang lo sợ trước bành trướng Trung Quốc. Việc từ bỏ TPP sẽ đẩy một số nước vào vòng tay của Bắc Kinh, làm yếu đi sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á.

Chuyên gia này cho rằng cần kiềm chế Trung Quốc, và châu Á-Thái Bình Dương là nơi duy nhất mà Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện quân sự quan trọng. Muốn vậy cần phải hợp tác với nhiều nước: Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Indonesia, Philippines… Đó là một liên minh rất khó quản lý, đòi hỏi một chiến lược ngoại giao hết sức tế nhị. Thế nhưng với một tổng thống làm ngoại giao bằng Twitter, thì ông không thể nào lạc quan nổi.

clip_image006

Tướng James Mattis (trái) và Michael Flynn tại Washington, 13/01/2017. REUTERS/Jonathan Ernst

Trump: Thời của các tướng lãnh

L’Express quan tâm đến khía cạnh “Trump: Các vị tướng nắm quyền”. Bị mê hoặc bởi những con người hành động, Donald Trump bổ nhiệm ba vị tướng cao cấp vốn quen thuộc với chiến trường hơn là những vấn đề tế nhị của chính trị. Theo tờ báo, đây là một sự trộn lẫn kỳ lạ, có thể tạo ra những ngạc nhiên.

Một tổng thống đả kích cơ quan tình báo của chính nước mình, đã là điều chưa từng thấy. Thành phần chính phủ cũng không kém phần kỳ lạ: rất nhiều tỉ phú, rất ít phụ nữ, và nhất là số lượng kỷ lục các tướng lãnh. Từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc đến nay, chưa bao giờ nội các Mỹ lại có nhiều quân nhân giữ những chức vụ cao như thế. Trump bổ nhiệm ba khuôn mặt cứng rắn trên chiến trường, từng tham gia cuộc chiến Grenada - một đảo quốc ở Caribê (1983), Afghanistan (2001-2014), hai cuộc chiến tranh Irak (1991 và 2003).

Trong số đó, tướng thủy quân lục chiến huyền thoại James Mattis vượt lên hẳn về uy tín. Tuy mang biệt danh “Chó Điên” nhưng ông lại là một vị tướng ôn hòa, trí thức. Mattis là nhà chiến lược có trình độ không kém một viện sĩ hàn lâm - tủ sách riêng của ông có trên 6.000 cuốn. Ông không bao giờ quên viếng thăm gia đình của các quân nhân đã ngã xuống trên chiến trường.

Trước James Mattis, chỉ duy nhất tướng George Marshall từng được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng. Thượng viện đặc cách cho ông giữ chức vụ này một phần cũng để “điều chỉnh” bớt Donald Trump. Với ngân sách quốc phòng gần 600 tỉ đô la, và một quyền lực đáng kể khác: nếu lãnh đạo Lầu Năm Góc không bật đèn xanh, tổng thống không thể nhấn nút nguyên tử (phó tổng thống không có quyền này), có thể coi tướng James Mattis là nhân vật số hai trong chính quyền.

Ngược lại, trường hợp tướng Michael T.Flynn gây nhiều tranh cãi. Cay cú trước việc bị ông Obama cách chức lãnh đạo tình báo quân đội vì bốc đồng và thiếu khách quan, ông Flynn đã quay sang ủng hộ Donald Trump. Ông là người duy nhất trong ba vị tướng trên từng hăng hái tham gia chiến dịch tranh cử của Donald Trump, hô hào “Lock her up!” (đòi bỏ tù bà Hillary Clinton), thân Nga ra mặt. Ông Flynn còn giúp lan truyền tin vịt cho rằng một tiệm pizza ở Washington ẩn giấu mạng lưới ấu dâm có liên hệ với phe Clinton!

Một cựu sĩ quan CIA cho biết: “Trong số các nội dung trống rỗng mà Donald Trump đăng trên Twitter, có nhiều thông tin là do nhân vật bất tài này gà cho”. Thượng viện Mỹ hiện vẫn chưa chịu bổ nhiệm tướng Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia. Chức vụ này có lợi thế là gần gũi: gặp trực tiếp tổng thống mỗi ngày hai lần, tập hợp, lọc lại tin tức và tóm tắt cho nguyên thủ.

Một nhà ngoại giao châu Âu tại Washington nhận định: “Donald Trump có tính cách của một mafia ở New Jersey (tiểu bang cạnh New York nổi tiếng về tham nhũng). Để quyết định, ông ta họp gia đình lại, nghe ý kiến của cô con gái Ivanka và con rể Jared Kushner. Cuối cùng Trump quyết định một mình, theo bản năng… ”. L’Obs kết luận, và khi nhân vật này đã bước vào Nhà Trắng, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ đều phải nín thở quan sát, và cả thế giới cũng thế.

Trump Organization: Nổi tiếng thế giới, nhưng hoạt động kiểu gia đình

Về vấn đề lẫn lộn công tư, Le Courrier International trích dịch The New York Times nhấn mạnh “Trump Organization, một tổ chức kinh doanh mang tính gia đình”. Trong doanh nghiệp hoạt động theo kiểu cũ này, không niêm yết trên sàn chứng khoán, tất cả đều xoay quanh ông chủ. Thế nên một khi Donald Trump an vị ở tòa Bạch Ốc, nguy cơ xung đột lợi ích là rất lớn.

Tờ báo kể lại sự ngạc nhiên của Tiah Joo Kim, một nhà kinh doanh địa ốc Malaysia trẻ, khi đến trụ sở Trump Organization ở Manhattan để bán một dự án khách sạn tại Vancouver. Thay vì một đại công ty như tưởng tượng, doanh nghiệp nổi tiếng này chỉ được quản lý bởi vài chục người, làm việc tại hai tầng lầu. Sau khi thuyết phục được ba người con ông Trump, anh gặp nhà tỉ phú, được duyệt dự án, sau đó cả một đạo quân luật sư và cán bộ thương lượng ráo riết, không nhân nhượng cho việc mang thương hiệu Trump.

Qua hệ thống phức tạp các hợp đồng nhượng quyền và công ty trách nhiệm hữu hạn, Trump Organization tạo ra vô số xung đột lợi ích tiềm năng. Donald Trump khó thể rút lui hẳn khỏi công ty gia đình này, và dù ông để cho ê-kíp của mình đứng ra thương lượng đi nữa, tên tuổi và ảnh hưởng của Trump cũng bao trùm lên các hợp đồng.

clip_image008

Các con, dâu và rể của Donald Trump trong lễ nhậm chức (từ trái sang): Tiffany, Donald Jr, Ivanka, Vanessa, Jared Kushner. REUTERS/Kevin Lamarque

Ranh giới hầu như không hiện hữu giữa công việc phải làm cho công ty và cho gia đình Trump. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cũng thế, và sau chiến thắng ngày 8/11, lại càng nhập nhằng hơn khi tổng thống tương lai cùng với các con gặp gỡ các doanh nhân nước ngoài có liên quan đến việc làm ăn, đại diện các chính phủ ngoại quốc có ảnh hưởng đến các dự án của Trump Organization.

Tính chất gia đình còn ở chỗ không có cơ cấu tổ chức rõ ràng, mà theo Donald Jr. Thì “hoạt động như một nhà buôn nhỏ”. Các vị trí lãnh đạo phân bổ không dựa trên tài năng, mà ở lòng trung thành với ông chủ. Chẳng hạn Allen Weisselberg, giám đốc tài chính ban đầu là kế toán cho người cha của Donald Trump. Brian Baudreau, tổng giám đốc khách sạn Trump International ở Las Vegas trước đây là tài xế của gia đình.

Ứng viên nổi loạn, tổng thống của sự hỗn loạn

Le Point mô tả “70 ngày tại Trump Tower”, khi Donald Trump chuẩn bị cho chức vụ mới. Tòa nhà chọc trời ở Manhattan, được mệnh danh là “Nhà Trắng phía bắc”, từ tháng 11/2016 trở thành trung tâm quyền lực.

Mỗi ngày, đám đông hiếu kỳ và những người ủng hộ vượt qua hàng rào an ninh để chiêm ngưỡng lãnh địa của nhà tỉ phú. Cửa các thang máy được mạ vàng, tòa nhà sử dụng 2.500 tấn cẩm thạch hồng nhập từ Ý. Tất nhiên không ai có thể quan sát căn hộ penthouse sang trọng rộng đến 3.000 mét vuông nơi Donald Trump sống với vợ, bà Melania và con trai Barron 10 tuổi, thì vàng son càng lộng lẫy hơn với những hàng cột, phù điêu, chạm khắc cầu kỳ, mà theo người viết tiểu sử của ông thì công phu hơn cả việc xây tòa tháp. Ông ta cố tình quên vụ 200 công nhân Ba Lan không giấy tờ đang kiện nhà tỉ phú đòi hàng triệu đô la lương còn thiếu.

Từ khi thắng cử, Donald Trump hầu như không mấy khi rời khỏi văn phòng ở tầng 26, nơi ông liên tục tiếp đủ loại người - các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực, những người mong mỏi một chức vụ. Trump tham khảo ý kiến nhiều người, từ Henry Kissinger, Al Gore, cựu đối thủ Mitt Romney… nhưng chẳng nghe ai cả.

Trái với thông lệ các tổng thống tân cử thường tránh đưa ra ý kiến trước khi chính thức nhậm chức, Trump tiếp thủ tướng Nhật, điện đàm với tổng thống Đài Loan, đả kích ông Obama về vấn đề Israel… Một điều chắc chắn là chiến thắng không làm Trump thay đổi một ly nào. Jeb Bush nhận xét: “Ông ta là ứng cử viên của sự hỗn loạn, và sẽ là một tổng thống của hỗn loạn”. Đặc biệt cuộc họp báo đầu tiên của Donald Trump dữ dội chưa từng thấy: trong 58 phút, ông tuôn ra những tràng khải hoàn ca, khiêu khích và thóa mạ các nhà báo cũng như CIA.

Donald Trump: Mao Trạch Đông mới

Độc đáo hơn, tác giả Kerry Brown trên The Diplomat cho rằng “Trump thực sự là Mao Trạch Đông mới”: người thừa kế của Mao không phải là Tập Cận Bình mà là Donald Trump.

Hãy tưởng tượng một nhà lãnh đạo đảng chính trị nghi ngờ hết thảy mọi người, và bị các nhân vật cao cấp trong đảng nghi kỵ. Ông ta có những tuyên bố trái ngược, thay đổi quan điểm xoành xoạch; có nhiều đời vợ và cuộc sống riêng tư phức tạp. Một con người gây sợ hãi, thường xuyên khuấy động tạo bất ổn.

Trên đây là mô tả về Mao Trạch Đông, nhưng cũng đúng với tân tống thống Mỹ Donald Trump!

Nếu Trump trực tiếp với công chúng qua Twitter, thì Mao cũng tuyên truyền rầm rộ cho bản thân. Đối với cả Trump lẫn Mao, sự thật là có thể thương lượng. Mao căm ghét trí thức, tàn bạo với những ai phản đối mình, cũng giống như Trump trút giận dữ lên giới tinh hoa mà ông ta cho rằng đang sống trong tháp ngà.

Tấn công thô bạo vào báo chí, thường xuyên kêu gọi quần chúng ủng hộ mình… Theo tác giả, nhân dân Trung Quốc đã có quá nhiều kinh nghiệm với dạng làm chính trị này trong quá khứ, có thể nhìn sang đất Mỹ xa xôi ngàn dặm với lòng thương hại. Họ biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Còn người Mỹ thì đang bắt đầu khám phá.

T.M.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20170121-trump-putin-moi-tinh-lua-rom-nguy-hiem

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn