Để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật nhân quyền của Hoa Kỳ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

clip_image002

Chính quyền cưỡng chế, đập nát nhà thờ Giáo xứ Đông Yên, Kỳ Anh, Hà Tĩnh - YouTube

Hôm nay là ngày trọn vẹn đầu tiên mà đất nước Hoa Kỳ được điều hành bởi Hành pháp mới. Trong những ngày tháng tới đây, Hành pháp này sẽ phải triển khai và thực thi hai đạo luật nhân quyền được Quốc hội thông qua và Tổng thống Obama ban hành cuối năm ngoái: Luật tăng cường bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế và Luật trừng phạt thủ phạm đàn áp nhân quyền.

Sau niềm phấn khởi lúc ban đầu, câu hỏi lớn được đặt ra cho các người quan tâm đến nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam là: Làm sao để khai dụng các biện pháp trừng phạt trong các luật mới này đối với Việt Nam?

Trong mấy tuần qua, có người ở trong và ngoài Việt Nam phổ biến tên tuổi của một số lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, đã mãn nhiệm hay còn đương nhiệm, với gợi ý rằng họ phải là đối tượng của các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ. Thực tế không đơn giản như vậy. Luật Hoa Kỳ rất chặt chẽ và đặt nặng nguyên tắc “vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội”, và nguyên tắc “nói có sách, mách có chứng”. Chúng ta không thể nêu tên khơi khơi mà hy vọng là sẽ có kết quả.

Giai đoạn triển khai luật

Tuy các luật mới này đã được ban hành, nhưng chúng chưa thực sự hiệu lực vì các cơ quan hữu trách còn phải triển khai các quy định, điều lệ, tiêu chuẩn và thủ tục thích ứng. Tiến trình này sẽ phải mất từ 3 đến 6 tháng và đòi hỏi sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với nhiều cơ quan chính quyền thuộc Bộ Nội an, Bộ Ngân khố, v.v. Họ sẽ phải quy định rõ ràng về định nghĩa thế nào là vi phạm nghiêm trọng; những tiêu chuẩn để chứng minh sự liên can của giới chức chính quyền với hành vi đàn áp nhân quyền; những thể thức nhận diện thủ phạm để các toà lãnh sự Hoa Kỳ ngăn chặn nhập cảnh và, quan trọng không kém, để tránh chế tài lầm người; thủ tục trục xuất các thủ phạm hay thân nhân của họ nếu đã có mặt ở Hoa Kỳ, v.v.

Đốc thúc tiến độ triển khai luật

Chiến thuật của chúng tôi (BPSOS) là nộp sớm cho Bộ Ngoại giao các thông tin hữu ích cho việc triển khai luật và đồng thời vận động Quốc hội đôn đốc để việc triển khai được tiến hành nhanh chóng.

Cuối tháng 12 năm ngoái, chúng tôi bắt đầu trao đổi với một số giới chức Bộ Ngoại giao và nhân viên Quốc hội về việc thực thi 2 đạo luật mới kể trên.

Đầu tháng 1 chúng tôi nộp danh sách 75 tù nhân tôn giáo và yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa vào bản phúc trình cho năm 2016, theo đòi hỏi của luật tăng cường tự do tôn giáo quốc tế mới được ban hành.

Ngày 1 tháng 2, BPSOS sẽ triệu tập buổi hội thảo tại Quốc hội để trình bày một số hồ sơ điển hình.

Đầu tháng 2, chúng tôi sẽ gởi cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khoảng 20 hồ sơ đàn áp tôn giáo và các nhân quyền khác, kèm với danh tính thủ phạm. Mục đích của chúng tôi là đưa Việt Nam vào danh sách các “quốc gia phải theo dõi đặc biệt” vì vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng vận động Quốc hội năm nay, chúng tôi sẽ chọn khoảng 5 hồ sơ điển hình. Chúng tôi sẽ tuần tự đưa các hồ sơ này cho Quốc hội để chuyển cho Bộ Ngoại giao. Hồ sơ đầu tiên được chọn là vụ đàn áp tôn giáo ở Giáo xứ Đông Yên đã được chuyển cho Bộ Ngoại giao.

Tuy Hành pháp chưa ban hành các quy định về xác định thủ phạm, chúng tôi có thể đoán trước dựa vào kinh nghiệm với những điều luật tương tự đã có. Chẳng hạn, BPSOS đã có nhiều kinh nghiệm với điều khoản trục xuất các thủ phạm vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Trường hợp Ông Bùi Đình Thi là hồ sơ nhiều người biết đến nhưng không phải là hồ sơ duy nhất mà chúng tôi đưa ra luật pháp Hoa Kỳ.

BPSOS cũng có kinh nghiệm với điều khoản cấm nhập cảnh theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế ban hành năm 1998; năm 2007 chúng tôi đã đề nghị 5 giới chức Việt Nam để bị chế tài theo luật này nhưng Bộ Ngoại giao không hưởng ứng. Lúc ấy chúng tôi không làm được gì thêm vì luật hãy còn lỏng lẻo. Luật tăng cường bảo vệ tự do tôn giáo quốc tế mới được thông qua đã thắt lại sự lỏng lẻo này.

Dựa vào những kinh nghiệm này, chúng tôi đã bắt đầu lập danh sách thủ phạm dù chưa có quy định về thực thi 2 luật mới.

Cách xác định thủ phạm

Có 3 cách để xác định thủ phạm:

(1) Nhân chứng (có thể là nạn nhân) xác nhận,

(2) Văn bản xác nhận, hoặc

(3) Quy chiếu tam giác.

Hai cách đầu thường chỉ xác định được những thủ phạm trực tiếp, nghĩa là những viên chức ký văn bản bắt giam, công an viên tra tấn ép cung… Phần lớn họ chỉ là những người thừa hành và chẳng bao giờ có cơ hội công du Hoa Kỳ, gửi vợ chồng hay con cái đến Hoa Kỳ hay chuyển tài sản sang Hoa Kỳ. Do đó, biện pháp trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng chứ không có tác dụng thiết thực đối với thành phần này.

Muốn truy ra thủ phạm “có tóc” thì phải dùng phép quy chiếu tam giác (triangulation). Đó là quy chiếu từ 2 hướng độc lập. Chẳng hạn, Bà Trần Thị Hồng bị tra tấn hồi tháng 5, 2016 bởi những công an viên cấp thấp. Muốn truy tìm thủ phạm “có tóc”, nghĩa là những người có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt, thì phải xuất phát từ 2 hướng: dưới lên và trên xuống.

Từ dưới lên nghĩa là phải leo thang dần lên đến cấp hữu trách cao hơn, như gởi đơn tố cáo lên Giám đốc Sở Công an thành Phố Pleiku; nếu nơi này không điều tra và xử lý trong thời gian luật định thì có thể kết luận rằng cấp này chí ít đã dung dưỡng và bao che cho cấp dưới. Kế đến là leo thang lên Giám đốc Sở Công an tỉnh Gia Lai, và rồi đến Bộ trưởng Công an, rồi đến Thủ tướng và Chủ tịch nước.

Từ trên xuống nghĩa là vận động Liên Hiệp Quốc và chính phủ của một số quốc gia như Hoa Kỳ tống đạt văn thư đến Thủ tướng và Chủ tịch nước để yêu cầu điều tra. Nếu họ không làm gì thì xem như chính họ đang dung túng hay bao che. Nếu như họ chuyển hồ sơ xuống cho Giám đốc Sở Công an Tỉnh và nó bị khựng tại đó thì có thể kết luận là cấp này đang dung túng hay bao che.

Cứ thế, từ 2 hướng chúng ta có thể quy chiếu được “cấp có tóc” mà là manh mối của hành vi đàn áp nhân quyền.

Không chỉ vậy. Chúng tôi còn hướng quy chiếu thứ 3: bề rộng. Nếu trong năm 2016 có hàng loạt các vụ đàn áp, bạo lực, tra tấn xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai thì điều này giúp khẳng định thêm rằng manh mối là Sở Công an cấp tỉnh. Cũng vậy, nếu có nhiều vụ đàn áp xảy ra cùng lúc và có phối hợp ở nhiều tỉnh Tây Nguyên thì chính sách phải xuất phát từ cấp trung ương.

Những việc phải làm của người Việt ở trong nước

Để khai dụng luật chế tài của Hoa Kỳ, một bản báo cáo vi phạm phải hội đủ hai yếu tố: (1) xác minh lĩnh vực nhân quyền bị vi phạm và tính nghiêm trọng của sự vi phạm; (2) xác định sự liên can của thủ phạm trực tiếp và các cấp cao hơn. Đây là những công việc khá phức hợp, đòi hỏi sự hoạt động mang tính tổ chức và kiến thức chuyên sâu trong từng lĩnh vực nhân quyền đặc thù.

Cho đến nay, các người đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước có khuynh hướng hoạt động riêng lẻ. Một ngộ nhận rất phổ quát là, hễ nhiều người tụ lại thì đó là tổ chức. Không phải vậy. Những viên gạch được xếp ngay hàng thẳng lối vẫn là rời rạc; một tổ chức tương tự như một công trình kiến trúc, nơi mà mỗi viên gạch đều được cài đặt trong mối tương quan nhất định với những viên gạch khác.

Khuynh hướng thứ hai của những người hoạt động ở trong nước là dàn trải -- lĩnh vực nào cũng can dự vào, việc gì cũng có thể cho ý kiến -- nhưng thiếu sự nghiên cứu, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên sâu. Trong khi ấy, mỗi lĩnh vực nhân quyền đều là một rừng học mênh mông với nhiều ngõ ngách phức tạp.

Một bản báo cáo hời hợt, qua loa thường không có giá trị thuyết phục.

Những việc phải làm của người Việt ở Hoa Kỳ

Một bản báo cáo phù hợp tiêu chuẩn là yếu tố tuyệt đối cần, nhưng chưa đủ. Phải có người cầm lấy nó để đi vận động chính quyền Hoa Kỳ thực thi biện pháp chế tài đối với các thủ phạm. Đây là vai trò và trách nhiệm của những người Việt ở Hoa Kỳ. Họ phải vận dụng tư cách công dân Hoa Kỳ để đòi hỏi và theo dõi việc chính quyền thực thi đúng đắn luật Hoa Kỳ.

Có 2 cách để đòi hỏi và theo dõi: (1) đặt vấn đề trực tiếp với các cơ quan Hành pháp hữu trách; (2) yêu cầu các vị dân cử liên bang đại diện mình lên tiếng với Hành pháp. Muốn tăng triển vọng thành công, chúng ta phải dùng cả 2 cách cùng lúc.

Nghĩa là chúng ta cần thêm nhiều người Việt ở Hoa Kỳ dấn sâu vào con đường vận động Hành pháp và vận động lập pháp. Đây là 2 lĩnh vực mà hãy còn rất ít người Việt ở Hoa Kỳ quan tâm.

Trước lạ sau quen

Nói tóm lại, muốn khai dụng các biện pháp trừng phạt trong luật Hoa Kỳ, cả người Việt ở trong và ngoài nước phải thay đổi hẳn cách làm so với trước đây. Sự thay đổi ấy có thể không dễ, nhưng việc gì làm nhiều lần rồi cũng trở thành quen thuộc.

Để khuyến khích và hỗ trợ cho sự chuyển cách làm này, từ nhiều năm qua BPSOS đã tổ chức:

- Các khoá đào tạo dài hạn về hình thành, điều hành và phát triển tổ chức xã hội dân sự;

- Các khoá huấn luyện về báo cáo vi phạm trong một số lĩnh vực nhân quyền đặc thù;

- Các cuộc tổng vận động Quốc hội Hoa Kỳ;

- Các phái đoàn vận động Hành pháp Hoa Kỳ.

Chúng tôi sẽ nới rộng những công tác này trong năm 2017. Chúng tôi cũng sẽ có những bài viết hướng dẫn chi tiết về các công tác này dành cho những ai quan tâm.

Nguồn: http://machsongmedia.com/vietnam/nhanquyen/1182-2017-01-22-03-36-58.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn