Xuất khẩu gạo: Đổi ngôi nhóm lợi ích?

Nam Nguyên, phóng viên RFA

“Nói chung từ trước đến nay Việt Nam trong quá trình cải cách, đổi mới thì tôi thấy nói rất là hay, nói rất là đúng với quy hoạch, tuân thủ theo cơ chế thị trường. Nhưng khi thực thi, hoặc có những văn bản dưới đó thì cuối cùng lại vẫn chưa thông thoáng như đã nói. Hiện nay rất nhiều rào cản người ta đã thấy nhưng người ta không bỏ và có những cái đã bỏ rồi nhưng cuối cùng vì lợi ích nhóm ở trong đó nên cuối cùng trong quá trình thực thi lại gài và đẻ ra những qui chế văn bản mới, thì chắc chắn chẳng có tác dụng. Theo tôi, cái này lại đẻ ra cái khác mà là vì lợi ích nhóm, vì tư tưởng bảo thủ vì động cơ cá nhân, hiện tượng vụ lợi, lợi ích nhóm nào đó. Cho nên khó hiện thực việc xóa bỏ rào cản để cho doanh nghiệp hoạt động một cách thoải mái có hiệu quả”.

PGS Ngô Trí Long

clip_image002

Nông dân thu hoạch gạo ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 09 tháng 6 năm 2016. AFP photo

Bộ Công thương Việt Nam, một Bộ chịu nhiều tai tiếng nhất về sự khuynh loát của các nhóm lợi ích, vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương về cải cách hành chính, cụ thể là bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo.

Thủ tục thông nhưng chưa thoáng

Tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ Công thương tổ chức sáng 6/1/2017 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hết lời biểu dương về điều gọi là, Bộ làm tốt nhất trong guồng máy về việc cải cách thủ tục hành chính, dỡ bỏ rào cản kinh doanh và cơ cấu lại bộ máy nhân sự.

Thủ tướng đặc biệt nhắc tới sự kiện ngày 4/1/2017, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quyết định 6139 của Bộ về Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo. Thông tin này được báo chí nhà nước ca ngợi, coi như hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo đã được thông thoáng.

Trả lời phỏng vấn nhanh của Nam Nguyên vào tối 6/1/2017, ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang nhận định:

“Việc bãi bỏ là đúng vì nó gây cản trở cho xuất khẩu, sửa như thế là đúng nhưng mà hơi trễ. Tình hình xuất khẩu gạo hiện nay gặp khó khăn, thì đây cũng là một cách khắc phục và sửa sai. Chưa biết sắp tới như thế nào nhưng hoan nghinh về mặt pháp lý đã gỡ bỏ về mặt văn bản, nhưng cụ thể về mặt tổ chức thì chắc còn phải tiếp tục nữa”.

Trên thực tế, Quyết định 6139 của Bộ Công thương là nhằm hướng dẫn triển khai văn kiện gốc là Nghị định 109 do Chính phủ ban hành năm 2010. Nghị định này qui định giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo rất khó khăn, nhằm khống chế số doanh nghiệp được xuất khẩu gạo, cũng như các điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu phải có kho bãi, máy xay xát lúa, đầu tư vùng nguyên liệu và một số điều kiện khác.

Trong thời Quyết định 109 ban hành, thường là phải có kho bãi, có ‘chân’ lượng lúa gạo ở kho theo quy định, thì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới xuất khẩu được.

- Ông Dương Nghĩa Quốc

Về nguyên tắc Bộ Công thương không có thẩm quyền bãi bỏ Nghị định 109 của Chính phủ và cũng chưa có thông tin về đề xuất liên quan. Được biết lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn nằm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2016.

Ông Dương Nghĩa Quốc, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhận xét về những qui định liên quan đến xuất khẩu gạo trong thời gian ông còn tại chức.

“Trong thời Quyết định 109 ban hành, thường là phải có kho bãi, có ‘chân’ lượng lúa gạo ở kho theo quy định, thì chỉ có những doanh nghiệp lớn mới xuất khẩu được. Do đó đã hạn chế được các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà làm công tác xuất khẩu. Lúc đó phải nói là cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị xin xem xét lại chứ nếu như vậy thì môi trường xuất khẩu không công bằng”.

VFA vừa đá bóng vừa thổi còi

clip_image004

Gạo Việt Nam xuất khẩu qua Philippines năm 2007. AFP photo

Xuất khẩu gạo trong thập niên vừa qua được mô tả là nằm trong tay những nhóm lợi ích có liên quan tới các giới chức cao cấp nhất của chính phủ. Vào thời kỳ những năm 2010 tới 2015 tuy kim ngạch xuất khẩu gạo luôn từ 6 tới 7 triệu tấn, nhưng riêng hai Tổng Công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1 là doanh nghiệp nhà nước đã chiếm lĩnh khoảng 60% thị phần. Trong thời gian hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng giám đốc Vinafood 2 lúc đó là ông Trương Thanh Phong luôn kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Hiện nay Tổng Giám đốc Vinafood 2 là ông Huỳnh Thế Năng cũng kiêm chức chủ tịch VFA. Điều đáng chú ý là mặc dù trong cơ chế có Tổ công tác điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, nhưng thực chất VFA có khá nhiều quyền chi phối hoạt động xuất khẩu gạo.

Chuyện lợi ích nhóm có lâu rồi, chính phủ cũng phát hiện cũng đấu tranh ngăn ngừa với nó. Nhưng mà kỳ này có những bước đi cụ thể về mặt pháp lý về mặt văn bản, bước tiếp theo là hành động và tổ chức.

- Ông Nguyễn Minh Nhị

Đối với các hợp đồng thương mại, mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu đã có giấy phép đủ điều kiện, nhưng hợp đồng vẫn phải được VFA chấp thuận và đóng dấu giáp lai như một hình thức giấy phép con. Riêng các hợp đồng xuất khẩu gạo cấp chính phủ với khối lượng lớn, thì VFA là người chủ trì phân chia quota cho các nhà xuất khẩu mà họ chọn lưa. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nghiêm khắc phê phán hiện tượng gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Việc Bộ Công thương bãi bỏ Quyết định 6139 quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, trong khi hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Nghị định 109 của Chính phủ vẫn tồn tại, làm cho giới phản biện đặt dấu hỏi về điều gọi là, sự thay thế của các nhóm lợi ích mới trong lĩnh vực lúa gạo.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang nhận định:

“Chuyện lợi ích nhóm có lâu rồi, chính phủ cũng phát hiện cũng đấu tranh ngăn ngừa với nó. Nhưng mà kỳ này có những bước đi cụ thể về mặt pháp lý về mặt văn bản, bước tiếp theo là hành động và tổ chức. Công việc này sẽ dài và phức tạp vì nó đã lâu rồi. Điều trước hết chúng ta thấy là chính phủ này tiếp nối chính phủ trước thì đã biết những khuyết điểm của bộ máy trước đây. Bây giờ khi chính phủ này bắt tay vào công việc của nhiệm kỳ mới, thì đã có những cải tiến sửa đổi như chúng ta thấy. Nhưng cũng phải có thời gian chờ xem kết quả nó đến đâu”.

Bỏ cái này đẻ cái khác?

clip_image006

Nông dân với lúa chín vàng mới thu hoạch trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 09 tháng 6 năm 2016. AFP photo

Cải cách thể chế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem như nhiệm vụ hàng đầu để thể hiện điều gọi là chính phủ liêm chính kiến tạo. Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội nhận định về yếu tố cải cách thủ tục hành chính qua việc Bộ Công thương bãi bỏ quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Ông nói:

“Nói chung từ trước đến nay Việt Nam trong quá trình cải cách, đổi mới thì tôi thấy nói rất là hay, nói rất là đúng với quy hoạch, tuân thủ theo cơ chế thị trường. Nhưng khi thực thi, hoặc có những văn bản dưới đó thì cuối cùng lại vẫn chưa thông thoáng như đã nói. Hiện nay rất nhiều rào cản người ta đã thấy nhưng người ta không bỏ và có những cái đã bỏ rồi nhưng cuối cùng vì lợi ích nhóm ở trong đó nên cuối cùng trong quá trình thực thi lại gài và đẻ ra những qui chế văn bản mới, thì chắc chắn chẳng có tác dụng. Theo tôi, cái này lại đẻ ra cái khác mà là vì lợi ích nhóm, vì tư tưởng bảo thủ vì động cơ cá nhân, hiện tượng vụ lợi, lợi ích nhóm nào đó. Cho nên khó hiện thực việc xóa bỏ rào cản để cho doanh nghiệp hoạt động một cách thoải mái có hiệu quả”.

Theo tôi, cái này lại đẻ ra cái khác mà là vì lợi ích nhóm, vì tư tưởng bảo thủ vì động cơ cá nhân, hiện tượng vụ lợi, lợi ích nhóm nào đó.

- Phó Giáo sư Ngô Trí Long

Ghi nhận trên báo chí, sau những tai tiếng về quyền lợi nhóm, việc bổ nhiệm nhân sự đầy tai tiếng của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, cũng như 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, hoặc đắp chiếu mà Chính phủ đang phải giải quyết. Hiện nay, Bộ Công thương đang đứng đầu danh sách các Bộ trong cuộc chạy đua cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Bộ Công thương đề xuất bãi bỏ 15 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong số 443 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ.

Giới phản biện độc lập cho rằng cần có thời gian để đánh giá những hoạt động cải cách thể chế, thủ tục hành chính ở Bộ Công thương cũng như của toàn bộ Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Video “Xa vời nền nông nghiệp công nghệ cao”: https://youtu.be/6tC9gOav7kg

N.N.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rice-export-regula-reform-some-question-maintain-nn-01092017081956.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn