Giấc mơ Việt Nam – không có đường tắt để thành Rồng

Phạm Toàn

Tặng Hoàng Tụy, người đã dùng chữ “rẻ tiền” để đánh giá một ý tưởng nào đó – PT


Ba chữ này nằm trên bìa một cuốn sách: “Trung Quốc Mộng” – chữ “Mộng” nằm ở mé tận cùng bên phải. Viết theo lối hội ý, ở chữ “mộng” này, bên dưới cái “giường gỗ” còn có một con mắt vẫn thức khi ta ngủ.
Người Việt Nam đã mơ mộng lại đang thèm khát một cơn mơ cho bõ cơn mơ. Thế nên, chỉ sơ sơ nhắp chuột kiểm tra trên một trang Vietnamnet, đã có thể thấy những tít bài chạy liên tiếp, những bài viết nói về đủ loại giấc mơ và đủ cách thể hiện khát khao đó:
Từ giấc mơ Trung Quốc đến giấc mơ Việt NamBay lên, Việt Nam ơi!…  Việt Nam có trở thành quốc gia giàu có?Việt Nam: Điểm đến cho những giấc mơ làm chủ …  Việt Nam quê hương tôi – giấc mơ về một xứ sở thanh bình …  Phạm Quỳnh Anh – từ “Bonjour Việt Nam” đến “J’espère” …  Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thế giới và chiến tranh Việt Nam (cũng là nói về những giấc mơ đã được Philip Jones Griffiths thể hiện giúp – PT)  …   Phút lặng sau kỳ tích của bóng đá Việt Nam!Giấc mơ 10 năm đã… hoá Vàng (“VIỆT NAM VÔ ĐỊCH”, “VIỆT NAM CHIẾN THẮNG”) …   Về Việt Nam để sống vui hơn…  Tôi là người Việt Nam!Báo chí Việt Nam: xin hãy “hích” tôi!Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam …   Sức mạnh truyền thông và giấc mơ mang tên Việt Nam …  Một người Mỹ kể chuyện cổ tích Việt Nam…  Liên hoan phim Việt Nam 16: khi tấm màn nhung khép lại (khi mỗi “cánh diều” đều mang theo một giấc mơ – PT) …  Dựng chân dung Việt Nam mới bằng đức tin và hành động …   Nhạc cổ điển ở đâu trong nền âm nhạc Việt Nam? …  GS Tương Lai: Giáo dục Việt Nam, đã đến lúc rồi đó!…   Quảng bá Việt Nam không phải lãnh địa riêng của tùy viên văn hóa…  Việt Nam nên đóng vai nào trong thế giới mới?Những mẫu xe được tiêu thụ nhiều nhất tại Việt Nam …  Nói thẳng về nền kiến trúc Việt Nam…  Chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế Ngân hàng Việt Nam: những bài học đã quên …  Bay lên Việt Nam!

Còn rất nhiều nữa. Nhưng đến bài Bay lên Việt Nam! thì không muốn chọn thêm nữa. Vì đã chọn được hoa hậu rồi!
Thế nhưng, đọc lại những bài viết về các thứ giấc mơ, mới nhận ra một điều này: dường như các tác giả đều chỉ mới cùng nhau hiểu ngầm về “giấc mơ”.  Chưa tháy một ai xác lập chắc chắn khái niệm giấc mơ. Mà đó mới là điều kiện để hiểu giấc mơ và cũng để hiểu biết cả những cách biến giấc mơ thành hiện thực.
Bỗng chợt nhớ lời nhà văn Trung Hoa viết bằng tiếng Pháp, ông Đới Tư Kiệt trong cuốn Mặc cảm của quan tòa Đê (Le complexe de D.).  Đới đã dùng những suy tưởng của nhân vật chính tên là Mặc để viết như sau về chữ “Mộng”, cũng là một cách Đới định nghĩa khái niệm giấc mơ:
Lúc này đây Mặc nhớ lại những chiếc giường tầng và con chữ tượng hình thật to anh đã viết lên bức tường quét vôi trắng cạnh chỗ anh nằm […]. Anh không viết chữ đó dưới dạng “giản  tả” của tiếng Hoa thời nay, cũng không viết theo dạng chữ Hoa “phồn tả” phức tạp cổ điển, mà viết bằng lối chữ Hoa cổ đại ghi trên mai rùa đã ba nghìn sáu trăm năm tuổi, theo đó chữ “Mộng” gồm có hai phần: bên trái là chữ “sàng”, một cái giường ghi lại theo lối đồ hoạ, và ở phần bên phải là một nét vẽ giản lược hài hoà có thể sánh được với những bài thơ viết thành hình vẽ của Jean Cocteau, tượng trưng một con mắt đang ngủ vẽ bằng ba nét móc xuôi  – đó là những hàng lông mi – và bên dưới là một chữ thủ, một bàn tay người lấy ngón tay chỉ vào con mắt ấy, tựa hồ muốn nói: ngay cả khi đang ngủ thì con mắt vẫn tiếp tục nhìn, hãy cẩn thận đấy! (Sách đã dẫn, bản dịch của Châu Diên, Phụ nữ xuất bản, 2007)
Bất kể định nghĩa “Mộng” theo trường phái nào, giấc mơ luôn luôn bao hàm một khát khao, đến độ ngay cả khi ngủ thì giấc mơ vẫn thức. Thật vậy, điều kiện không thể thiếu của bất kỳ giấc mơ nào, ấy là một sự ám ảnh dai dẳng, kết quả của những hoạt động thực tiễn đã được gửi vào bên trong tâm lý con người.
Chắc chắn dẫn chứng sau đây là đủ cho một giấc mơ – ước mơ: “Một canh, hai canh lại ba canh / Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành / Canh bốn canh năm vừa chợp mắt / Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh.”
Nhưng ở đời, chẳng phải ai ai cũng có được kiểu giấc mơ khi “thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao” đó. Đồng nghĩa với giấc mơ chân chính còn có những cái na ná như là mơ, và bên cạnh những giấc mơ trong sáng còn có cả những “giấc mơ” với nhiều dư vị khó chia sẻ.
Từ điển Robert cho những từ đồng nghĩa này:
ambitionaspirationcauchemarchimèredésirfictionidéalidée, inventionrêvasserierêveriesongesouhaitutopievision.

Và từ điển đồng nghĩa Roget’s 21st Century Thesaurus thống kê giúp ta:
be delirious, be moonstruck, be up in clouds, brainstorm, build castles in air, conceive, concoct, cook up, cravecreatedaydream, deviseenvisagefancy, fantasize, formulate, hallucinate, hanker, hatch, have a flash, have a nightmare, have a notion, have a vision, hunger, idealize, imagineinventlonglustmake up, picturepine, search for pot of gold, sigh, stargaze, sublimate, think, think up, thirst, visualize.

Phải nói luôn rằng, trong cả đống từ đồng nghĩa với “mộng” đó, phần lớn điều nói tới “mộng” đều không thuộc dạng chân chính nhất mà ta mong đợi. Dịch sang tiếng Việt, có lúc đó là mơ mộng hão, nghĩ ngợi viển vông, lo nghĩ vớ vẩn, tham vọng, ảo tưởng, huyễn tưởng, giả tưởng, ước mong, hy vọng, lý tưởng, …
Vậy cái giấc mộng chân chính sẽ phải là gì? Hoặc hỏi cách khác, cái giấc mộng đích thực và hữu ích sẽ gồm có yếu tố bảo lãnh gì? Và nếu câu hỏi đặt ra là: có MỘT và chỉ MỘT yếu tố bảo lãnh cho cái giấc mơ nào đó trở thành niềm ước vọng chân chính, thì cái yếu tố DUY NHẤT đó sẽ là gì?
Với tất cả sự khiêm tốn của một người dè dặt, xin đưa ra một ý kiến, có phải cái yếu tố duy nhất đó là thế này chăng: một công việc làm đeo đuổi cả đời? Một ước mơ mà không gắn với một công việc thì chỉ là mơ mộng hão. Một công việc có thể có ý nghĩa nhiều hoặc ít, nhưng phải có một công việc gắn bó sống chết thì mới thành hình một ước mơ.
Một khi có cái ước mơ của một đời người, lòng kiên trì của ta sẽ được thử thách. Khác với những bồng bột nhất thời, một ước mơ chân chính đòi hỏi người có ước mơ có cách làm việc khác với sự nông nổi thường tình. Xin bạn dành thì giờ coi bộ phim Creation nói về Darwin, và bạn sẽ thấm thía sự kiên trì của một ước mơ tiến hành cả đời không xong. Darwin là tác giả của học thuyết tiến hóa của các loài thông qua năng lực thích nghi. Thế nhưng nỗi ám ảnh một đấng Tối Cao sáng tạo vẫn không ngừng day dứt ông, nhất là khi đứa con gái vô vàn yêu quý qua đời lúc còn rất nhỏ tuồi. Con sẽ đi về đâu? Nếu có, thì linh hồn bé nhỏ của con cũng sẽ trôi giạt đi đâu? Một đời day dứt khi cả một đời vẫn sống trong một niềm tin khoa học, còn thử thách vạc dầu nào lớn hơn?
Và cũng không nhất thiết có ước mơ là luôn luôn thắng lợi. Thời lai đồ điếu thành công dị, Đặng Dung đã từng nhắc ta như thế, “khi gặp vận, kẻ tầm thường nhất hạng cũng thành công dễ như chơi”. Nên chi, những gương mặt hớn hở phừng phừng nâng cốc mừng mấy thắng lợi nhỏ nhặt đâu có biểu tượng cho cái Ước Mơ viết hoa? Chưa kể là, cuộc đời thực chung cho mọi người thì miên man dài, so vào đó, thấy cuộc đời những cá nhân thường vô cùng ngắn: kẻ trí giả thực thụ thường không màng phú quý vinh hoa là vì vậy. Hiểu về “thành công” như thế, ta sẽ dễ thống nhất với nhau rằng Không có lối đi tắt tới sự vĩ đại! Không có lối đi tắt cho một cá nhân cũng như một dân tộc để hóa thành Rồng.
Hà Nội, 21 – 3 – 2010
Phạm Toàn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn