Còn đâu giá trị văn hóa lễ hội?

Việt Hà, phóng viên RFA

Những điều xấu xa đang trở thành quen mắt ở bất cứ đâu mà ta gặp cứ việc đổ cho “kinh tế thị trường”. Cũng như từ trước 1975 việc đập phá di tích văn hóa cứ việc đổ cho hậu quả chiến tranh, còn mọi tệ nạn xã hội sau 1975 cứ việc đổ cho “tàn dư của chế độ cũ”.
Không chịu nhìn vào căn nguyên thực sự đó là sự thoái hóa trầm trọng của văn hóa xã hội bắt nguồn từ nạn tham nhũng tràn lan, làm dối, báo cáo chạy theo thành tích, cả trên và dưới cùng buông lỏng trong vòng tư lợi, khiến cho mặt bằng ý thức công dân sa sút, sự tự trọng trong ứng xử của từng con người trở thành điều xa xỉ.
Bauxite Việt Nam

Chùa Bái Đính. Photo courtesy of violet.vn
Những tháng đầu năm ngay sau Tết là mùa của lễ hội khắp mọi miền ở Việt Nam. Tuy nhiên tham dự lễ hội đôi khi trở thành ác mộng vì những hành vi thiếu văn hóa và nạn mê tín dị đoan.

Mùa lễ hội

Vào những dịp này, người người, nhà nhà tấp nập đi lễ, hay đi dự hội hè đình đám, hay cả hai, như trường hợp đi Hội chùa Hương chẳng hạn. Đây không những là dịp vui xuân mà còn là dịp để người dân đi lễ cầu nguyện cho cả một năm an khang thịnh vượng. Với các địa phương, lễ hội là dịp thu hút khách du lịch, tăng thu ngân sách cho địa phương. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, lễ hội ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cho thấy cả những dấu hiệu tích cực lẫn tiêu cực. Tạp chí Câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được bàn về lễ hội ở Việt Nam thời mở cửa.

Tôi vừa đi chùa Bái Đính về, thùng rác trống không, không ai bỏ rác vào thùng hết, 4 hay 5 thùng, vứt đầy sân, văn hóa Việt Nam giờ là như vậy. Nhà giáo Hà Văn Thịnh
Tháng Giêng là tháng ăn chơi, câu nói đó đã trở thành quen thuộc đối với rất nhiều người dân Việt Nam. Vâng, những tháng đầu năm ngay sau Tết chính là dịp của những lễ hội khắp nơi để mọi người đi trẩy hội, nào lễ hội nổi tiếng Chùa Hương ở Hà Tây, hội Lim ở Bắc Ninh, hay lễ hội tịch điền vừa đựơc phục hồi vài năm trở lại đây ở Đọi Sơn, tỉnh Hà Nam. Đối với người Việt Nam, lễ đầu năm đặc biệt quan trọng. PGS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch giải thích:


Đại lễ Phật Đản ở Chùa Bái Đính. Photo courtesy of ashui
Lê Hồng Lý: Đối với người Việt, đầu năm mọi sự khởi đầu nan nên họ rất quan tâm đến chuyện đi lễ đầu năm, bởi vì mọi sự hanh thông từ đầu năm thì mọi sự suôn sẻ cả năm, nên người ta tập trung vào đi lễ đầu năm là như vậy.
Theo thống kê gần đây của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, mỗi năm, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong số này lễ hội dân gian truyền thống chiếm 80%, lễ hội tôn giáo gần 16% và trên 4% là lễ hội lịch sử cách mạng. Tính trung bình, mỗi ngày Việt Nam đón chào hơn 20 lễ hội. Có những lễ hội tổ kéo dài vài ngày thậm chí cả tháng như lễ hội chùa Hương, thu hút hàng vạn người.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, lễ hội được mở ra ngày một nhiều ở khắp nơi, ngày càng có nhiều người dân có điều kiện đi lễ đầu năm. Lễ hội ở Việt Nam giờ đã khác trước kia rất nhiều, PGS Lê Hồng Lý cho biết:
Lê Hồng Lý: Ngày xưa hội chỉ trong làng hoặc cùng lắm thì người ta đi xa một vài nơi, mà muốn đi xa thì người ta phải chuẩn bị cơm nắm, tiền nong, nhưng giao thông khó khăn, ví dụ muốn đi chùa Hương từ Hà Nội hoặc từ Vĩnh Phúc thì có khi phải đi 2 ba ngày, bây giờ có điều kiện nên nó dễ dàng, chỉ sớm đi chiều về cho nên trước thì số người ít thôi, giờ quá đông. Chính cái đông đó nó dẫn đến nhiều khó khăn về tổ chức và các thứ khác.
Ông Lý cho biết những khó khăn về tổ chức và các thứ khác chính là điều mà báo chí trong nước đề cập rất nhiều hiện nay. Đó chính là tình trạng trộm cắp, móc túi, chặt chém tiền gửi xe của khách, cờ bạc trá hình.
Chính quyền các tỉnh có lễ hội cũng cố gắng sắp xếp để việc buôn bán, dịch vụ gửi xe có trật tự hơn, hay tăng cường an ninh để hạn chế nạn trộm cắp móc túi. Tuy nhiên, tình trạng mất trật tự, vệ sinh ở các lễ hội không mấy thay đổi.

Hành xử thiếu văn hóa

Dư luận gần đây nói nhiều đến việc người ta đút lót thần linh, đem chợ búa vào cửa chùa, mặc cả thần linh, tôi thấy đây là điều rất là đáng báo động. TS Nguyễn Xuân Diện
Bởi vì theo các nhà nghiên cứu văn hóa, để cải thiện được tình trạng trên cần phải thay đổi được ý thức của người đi dự lễ hội. TS Nguyễn Xuân Diện, thuộc Viện Hán Nôm cho rằng các cơ quan quản lý và tổ chức lễ hội mới chỉ nghĩ cách quản lý hàng quán, cắt cử người trông xe, thu các loại tiền… mà không có sự tuyên truyền đầy đủ về sự tích thần linh của lễ hội, ý nghĩa của lễ hội và những lời khuyên dành cho khách thập phương về dự lễ.
Một tình trạng đáng buồn là người đi lễ thường vứt rác bừa bãi nơi cửa chùa, mặc dù ban tổ chức đã để thùng rác khắp nơi. Nhà giáo dạy sử Hà Văn Thịnh thuộc Đại học Khoa học Huế nói đó là thể hiện văn hóa của người Việt hiện nay, khi họ không còn biết tôn trọng cửa chùa, cửa Phật:


Người dân xả rác bừa bãi trong lúc tham dự lễ hội Chùa Hương. Photo courtesy of tin247.
Hà Văn Thịnh: Tôi vừa đi chùa Bái Đính về, thùng rác trống không, không ai bỏ rác vào thùng hết, 4 hay 5 thùng, vứt đầy sân, văn hóa Việt Nam giờ là như vậy. Mà đấy là cửa chùa, cửa Phật nhé, tôi chụp ảnh mà tôi đau xót. Mà hàng vạn người như vậy, không phải một người. Tôi đếm gần một ngàn xe ô tô.
Nhưng có lẽ điều khiến các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam hiện nay lo lắng nhất là hiện tượng mà TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán Nôm gọi là “mặc cả thần linh” của người đi lễ. Hiện tượng này thể hiện qua việc họ khấn vái rất to khi lễ bái, việc họ rải tiền khắp nơi trên tay, trên người các tượng phật, tượng thần linh, mặc dù đã có hòm công đức để bỏ tiền vào.
Nguyễn Xuân Diện: Báo chí và dư luận gần đây nói nhiều đến việc người ta đút lót thần linh, đem chợ búa vào cửa chùa, mặc cả thần linh, tôi thấy đây là điều rất đáng báo động, bởi vì rằng đi lễ chùa đầu năm hoặc đi lễ hội là một phong tục rất đẹp và cổ xưa của người Việt, người ta đến đình chùa với tấm lòng thành kính với thánh thần, với Phật, đem theo lời cầu mong, ước vọng âm thầm trong lòng họ là được ban sức khỏe và may mắn.
Nhưng đến bây giờ, người ta đi lễ Phật, lễ chùa, lễ hội, người ta không còn sự chính tâm đó nữa, mà người ta đi như vậy là có mục đích rõ ràng, là cầu mong thần phật phù hộ, lời cầu nguyện thực dụng, quyết liệt, nào là thăng quan tiến chức, học hành đỗ đạt, làm ăn phát đạt, thậm chí những lời cầu nguyện khác nữa. Nhưng nếu chỉ vậy thì không có gì đáng trách, cái đáng trách là họ khấn rất to rất rõ lời cầu nguyện, lễ vật thì rất là phàm tục, và họ đã làm những hành xử ngoài đời trong cả năm bất chấp đạo lý.
Theo PGS Lê Hồng Lý thì nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường. Ông nói:
Lê Hồng Lý: Nó cũng có một phần như vậy vì khi mà kinh tế thị trường vào thì ví dụ ngày xưa tôi đi lễ hội, tiền không có tôi chỉ đi bằng cái tâm là chính hoặc có gì đó tôi đem đi, như hoa quả hoặc những gì nhỏ. Nhưng giờ  người ta nghĩ là cứ mang càng nhiều cho thần thánh thì xin được nhiều, thì nó cũng có chuyện như vậy, xã hội nào cũng vậy , thời gian nào cũng thế thôi. Có điều là những nhu cầu vật chất, họ muốn làm ăn phát đạt hơn nên họ cứ nghĩ là đem như thế thì sẽ được nhiều hơn.

Nguyên nhân

Những nhà khoa học luôn phát biểu nhưng chúng tôi cảm thấy không có ai nghe hết. Nói phải cũng không ai nghe. TS Nguyễn Xuân Diện
Thế nhưng theo TS Nguyễn Xuân Diện thì kinh tế thị trường không hẳn là yếu tố khiến văn hóa đi lễ của người Việt bị ảnh hưởng đến vậy. Theo ông, đó là do sự thiếu hiểu biết của người dân về ý nghĩa của lễ hội, của Phật giáo. Các nước khác như Thái Lan hay Lào  cũng có kinh tế thị trường, thậm chí Thái Lan còn phát triển kinh tế thị trường trước Việt Nam nhưng họ không gặp phải vấn đề mất tôn trọng thần thánh, đền chùa như ở Việt Nam.
Hoạt động lễ hội gắn liền với hoạt động du lịch và là nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương. Vì thế nhiều tỉnh đã mở rộng các lễ hội vốn trước kia chỉ dành cho làng xã. Thậm chí có nơi cố tìm ra những lý do mở lễ hội mà theo các nhà nghiên cứu văn hóa hoàn toàn không hợp lý, mà chỉ vì mục đích làm tiền của người dân. Trong khi đó, cơ quan chức năng thì lại không có biện pháp quản lý hữu hiệu. TS Nguyễn Xuân Diện cho biết:
Nguyễn Xuân Diện: Một số tỉnh, trong đó có tỉnh trọng tâm như Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định chẳng hạn. Có những lễ hội chỉ là lễ hội làng, lễ hội vùng, quy mô của nó rất nhỏ. Ví dụ đền Trần Thương chẳng hạn, trước đây không có, nay những người làm lãnh đạo ở các địa phương đó muốn phát triển kinh tế địa phương thông qua các hoạt động du lịch, mà có du lịch về văn hóa, tâm linh, thì họ muốn phải khơi lại những di tích đó, hoạt động lễ hội ở đó, mở ra những quy mô hoành tráng cho những lễ hội đó. Họ phải dựa vào các viện như Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, và ở đó những nhà gọi là nhà khoa học ở Viện Văn hóa Nghệ thuật đến tư vấn cho các địa phương đó.
Từ cái chuyện đền Trần Thương không có chuyện phát túi lương, thì bây giờ bắt đầu năm Canh Dần khởi động chuyện phát túi lương, làm một vạn rưỡi túi lương, trong mỗi túi có đựng ngũ cốc phát cho khách. Rồi ấn đền Trần ở Nam Định, rồi lễ hội tịch điền thì trong khi những người làm công tác khoa học chưa có hồ sơ học thuật đầy đủ của các lễ hội mà họ đang làm, thì họ đã làm một cách vội vàng, từ việc làm vội vàng đó thì có ảnh hưởng đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có ảnh hưởng đến các quan chức, nó tạo nên sự lệch lạc trong việc tổ chức lễ hội mà nổi bật nhất là những lễ hội lớn do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có tham gia.

Người dân xả rác xuống đường khi đi Chùa Bái Đính. Photo courtesy of giacngo.
Đã có nhiều nhà khoa học, những người tâm huyết với văn hóa cổ truyền Việt Nam đưa ra các nhận xét cũng như đóng góp đối với việc tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, cho đến giờ, tình trạng vẫn chưa có gì cải thiện. Theo PGS Lê Hồng Lý thì rất khó để quản lý vì không thể hạn chế bà con đi lễ, mà cũng không cấm được địa phương mở lễ hội, vì đó là tự do tín ngưỡng, và vì thế cho đến giờ ông vẫn chưa thấy một giải pháp nào được đưa ra là khả quan.
Lê Hồng Lý: Hiện nay thì rất nhiều cuộc họp, bài viết, hội thảo nhưng chưa có đề xuất nào khả dĩ bởi vì càng ngày việc mở hội càng mạnh quá nên tôi có cảm giác chưa có đề xuất nào hợp lý cả. Nói chung bây giờ tự do tín ngưỡng nên không có chuyện ngăn cấm, thành ra chính cái chuyện đó nó tạo ra việc các nơi mở [lễ hội] quá rộng rãi và quá nhiều.
Nhưng cũng có ý kiến thì cho rằng vấn đề không phải là tự do tín ngưỡng mà không hạn chế được các địa phương tổ chức lễ hội bừa bãi vì mục đích kiếm tiền. Vấn đề là ở chỗ chính quyền trung ương, Bộ Văn hóa, cơ quan chủ quản tổ chức lễ hội có lắng nghe hay không. TS Nguyễn Xuân Diện nhận xét:
Nguyễn Xuân Diện: Những nhà khoa học luôn phát biểu nhưng chúng tôi cảm thấy không có ai nghe hết. Nói phải cũng không ai nghe. Thế thì tôi không biết phải nói thế nào về chuyện này. Các hội thảo về lễ hội có mở ra mà chỉ thấy những nhà khoa học họp với nhau thôi, còn những người cần phải đến để nghe thì chả đến để nghe. Thế thì nó lại là cuộc họp của riêng các nhà khoa học, chẳng để làm gì cả.
Mặc dù vậy, TS Nguyên Xuân Diện cho biết ông vẫn không mất hy vọng một mai, hoạt động lễ hội, văn hóa đi lễ hội của người Việt sẽ được chấn chỉnh. Bởi văn hóa lễ hội một phần chính là văn hóa và đạo đức của toàn xã hội, thể hiện niềm tôn kính đối với anh hùng dân tộc, với Phật, với thánh thần. Hơn nữa lễ hội cũng chính là nơi hội tụ sức sống của dân tộc, sức sống của văn hóa Việt từ nghìn đời truyền lại.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/OneStoryaWeek/Festival-culture-is-degrading-VHa-03302010222805.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn