Món quà ngày nói dối: Tản mạn rủ bạn đi coi phim Burma V.J.

Phạm Toàn

 Tập 1/9 – Bấm vào đây để xem tiếp các tập khác tại YouTube.

Về bộ phim



Một cảnh trong phim “Burma VJ”
“Burma VJ” (Burma Video Journalists) do những nhà báo vô danh liều mạng quay video cuộc nổi dậy của các nhà sư Miến Điện rồi dựng thành phim.
Bộ phim là một tác phẩm tập thể, với những đoạn quay riêng rẽ nối kết lại. Tất cả đều được quay lén lút. Bốn trong số những tác giả vô danh góp công thực hiện bộ phim hiện vẫn còn bị giam giữ.
Đầu mùa thu năm 2007 các nhà sư Miến Điện ào ạt xuống đường đấu tranh. Ngòi nổ là việc hồi giữa tháng 8-2007, tập đoàn quân phiệt đột ngột tăng giá hàng thiết yếu khiến đời sống người dân vốn đã khó khăn càng thêm chật vật. Nhân dân kêu ca nhưng không dám đấu tranh, các nhà sư tại thành phố Pakokku đã lên tiếng trước, và đã bị bọn côn đồ hành hung.

Sang tháng 9-2007, hàng chục ngàn nhà sư mặc áo cà sa màu vỏ dà đã xuống đường, kéo theo cuộc nổi dậy của dân chúng. Đây là cuộc nổi dậy hòa bình, nhưng nó bất chấp lệnh cấm biểu tình của Nhà nước, và đến cuối tháng 9, làn sóng phản đối đã bị đàn áp hết sức dã man. Con số người thiệt mạng và mất tích dưới một trăm, còn những nạn nhân bị đánh, bị bắt giam có thể lên đến hàng ngàn người. Cho đến nay, hình ảnh cuộc nổi dậy vẫn bị kiểm duyệt.
Nhưng một số tài liệu bằng video quay trộm đã được chuyển ra nước ngoài. Ngay từ đầu cuộn số 1, ta đã bắt gặp biểu tượng của cuộc đấu tranh hòa bình – một người dân trương lên tờ giấy ghi dân nguyện trước cánh cổng sắt dinh cơ người “đại diện nhân dân”. Và liền đó là cảnh nhóm mật vụ tới bắt người dân hiền hòa lên xe hơi, rồi tiếng nhà báo video vô danh tâm sự: ‘‘Cầm chiếc caméra, tay tôi run lên. Tim tôi đập mạnh. Nhưng sau vài phút, tôi đã trấn tĩnh, không nghĩ ngợi gì nữa ngoài việc chú ý quay. Đây là đất nước tôi. Đây là tình trạng đất nước tôi trong suốt bốn mươi năm vừa qua …’’
Vào quãng năm 1980 gì đó, một tài liệu tôi dịch thuê về Miến Điện đem đến cho tôi những hiểu biết vừa mang tính triết học cao lại vừa thơ mộng. Tại sao ta lại thắp hương khi cầu cúng? Tại sao lại gõ mõ khi tụng kinh? Tài liệu dịch cho tôi biết thăp hương là để gửi những lời cầu khấn theo những dải khói lãng đãng bay lên được với đấng Cao Xanh. Còn chuyện gõ mõ? Tự ban đầu, đó chỉ là công việc dùng búa gõ mạnh xuống đất để nhắc nhớ Đất những nguyện ước đang lẩm nhẩm theo lời khấn. Lâu dần, hương vẫn giữ nguyên, còn quả đất được thu nhỏ lại thành biểu tượng gửi trong cái mõ.
Mối thiện cảm với cái chất Miến Điện hiền hòa bí hiểm sớm bị những sóng gió khác chèn lấp mất. Miến Điện trở lại trong tâm trí tôi sơ sài như một bài học Địa lý thời tiểu học thuở lên mười. “Vòng quanh thế giới trong tám mươi ngày” của Jules Verne, mang lại một Miến Điện trong hình ảnh cô gái dân tộc thiểu số cổ rất dài chất đầy vòng bạc để giữ cho cái cổ được thẳng ngay. Cuốn tiểu thuyết Burmese Days của George Orwell đến với tôi chậm chân và nhạt, không sao sánh nổi với mấy cuốn khác cũng của một Orwell này, được anh em chuyền tay nhau đọc – Trại súc vật 1984 – sách quá hay nên cứ phải bí bí mật mật như tò mò đọc phải thư của bọn khủng bố!
Miến Điện đã bị tôi quên phắt, đơn giản vậy thôi.
Miến Điện trở nên hẻo lánh đến thế, hẻo lánh trên miền địa lý, hẻo lánh trong tâm trí tôi, và chắc là cũng hẻo lánh trong tâm trí nhiều người. Chẳng thế mà, vào năm 1988, giới quân phiệt cai trị đất nước này đã cho lính giết 3000 (ba nghìn) thanh niên chỉ trong một vụ biểu tình ở thành thị, có ai lên tiếng đâu? Mà nào có ai biết tin tức ấy để mà lên tiếng? Thậm chí có bao nhiêu người biết đến hoặc còn nhớ cái xứ sở hẻo lánh đến thế?
Ở Hà Nội, trong số những “người thạo tin” có nhóm anh em bè bạn mấy chục năm trời dịch thuê, viết thuê, và học cho riêng mình. Cái lũ thạo tin ấy sau này còn moi ra được nhiều điều về Miến Điện. Mọi nguồn thông tin đều từ những tờ báo được người ta thuê đọc trước và tóm tắt mỗi bài quan trọng thành một trăm tiếng đổi lấy năm hào nộp cho vợ nuôi cả nhà. Thế nhưng, ngoài việc được khoán gọn chọn “bài quan trọng” cho bên A, thì bên B cũng ghi lại được những bài quan trọng cho riêng mình. Lịch sử thông tin và bưng bít thông tin sau này rồi sẽ ghi lại những tình tiết như thế! Chỉ biết là, trong viễn cảnh ngắn trước mắt, nhãn quan chính trị của lũ ấy được mở rộng thêm: riêng tôi thì đã hiểu ai là kẻ nhòm ngó những mỏ dầu của Miến Điện, những mỏ đá quý của Miến Điện, và những cánh rừng bạt ngàn của Miến Điện kéo sát tới đường biên giới dài nhất nằm chung với cái nước lớn phía bắc.
Hóa ra … Hóa ra, ngay từ khi Hồng quân Trung Hoa cả biển người đi chân đất tràn xuống Hoa Nam, có những người đã tảng lờ không ra lệnh săn đuổi tiêu diệt bọn tàn quân đông hàng trăm nghìn tay súng tháo chạy qua Vân Nam rồi sang Miến Điện. Bọn tàn quân đó đã được đưa vào trong “quy hoạch” để rồi sẽ “cơ cấu” thành bọn trồng thuốc phiện, thành bọn phá rừng, sau đó thành bọn lao động trồng rừng trong khuôn khổ những hiệp nghị hợp tác hữu nghị song phương cụ thể hóa thành các đại đồn điền “góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái”.
Nhìn theo cách đó bỗng hiểu tại sao giới quân nhân lại đủ liều lĩnh hung hãn tàn sát chính đồng bào của họ. Hay là giữa họ với nhau quan hệ không phải là “đồng bào” của nhau? Cư xử với “đồng bào” mà sao họ tàn bạo như với kẻ khác máu tanh lòng vậy? Nhưng cuộc tàn sát ở Thiên An Môn chẳng là cuộc tàn sát đồng bào là gì? Hóa ra, ở đây, chỉ có thể giải thích bằng sự gắn bó cấu kết giữa những nhóm quyền lực mới chống lại chính đồng bào của họ. Không có cách lý giải nào khác!
Trong mọi sự đàn áp, thì những việc xảy ra ở Miến Điện là đáng thương hơn cả. Dân các xứ sở khác có cùng hoàn cảnh, họ khôn hơn dân Miến Điện, nên họ chỉ bị đàn áp cho chết dần chứ không chết ngay tức thời. Cả chục cả trăm cả ngàn người chết một lần thì khủng khiếp quá! Dân Miến Điện hiền lành quá, khờ khạo quá, lúc nổ bùng thì không biết cách tránh nơi tên bay đạn lạc, vẫn cứ kéo nhau đi cả dãy cả đàn, vẫn cứ phơi ra mà đón những đòn roi và đạn của bọn lính mang quân phục và không mang quân phục.
Hệt như bạn sẽ thấy trong 9 đoạn phim kèm theo đây gửi tặng bạn đúng ngày 1 tháng 4 – ngày Nói Dối trên Trái đất này của những người quá buồn nên tìm cách vui đùa. Cầu mong cho những chết chóc đớn đau trên phim chỉ là những chuyện không có thực. Cầu mong cho những cuộc gặp gỡ của bọn lòng lang dạ sói chỉ thoáng qua như những bộ mặt nhăn nhở cười của chúng – chỉ là vài câu đùa vô duyên ngày mồng 1 tháng 4 – vì ta biết rõ những nụ cười gian trá của chúng không sao cười vang xa cho nổi. Ngược lại, cũng cầu mong cho người Miến Điện quá đỗi hiền hòa – những nguwofi cả tin – hãy nhớ rằng trên đời này còn có sự nói dối – nói dối như một thể chế, nói dối như một bản chất tự nhiên.
Lời cuối cùng dặn bạn: coi xong bộ phim Burma VJ, có lẽ bạn nên coi lại bộ phim Thiên An Môn. Đến cuối phim, bạn cố nghe cho rõ tiếng nức nở của cô sinh viên nói tiếng Hoa có dịch sang tiếng Anh hầu bạn: “Thật không ngờ… chúng tôi hoàn toàn không ngờ… chúng tôi không nghĩ là họ bắn và cho xe tăng nghiền đồng bào như thế…” Đó là lời nói thật!
Người tốt bụng trong cuộc sống bao giờ cũng hay bị bất ngờ. Vì thế mà cần có một ngày nói dối để người tốt bụng học lấy cái thói quen cảnh giác. Julius Fusik đã chẳng di chúc đấy thôi: “Hỡi loài người, hãy cảnh giác”.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn