Trao đổi giữa GS Nguyễn Văn Tuấn với bạn đọc BVN trên vấn đề tiêu chuẩn phong chức danh GS, PGS ở Việt Nam

Ngày 14/3/2009 BVN đăng bài GS thật và giả của blogger Nguyễn Văn Tuấn. Tác giả bộc lộ sự ngạc nhiên khi biết có trang web "GS và PGS dỏm Việt Nam", nhân đó đã đề xuất các tiêu chuẩn cần quan tâm hơn nữa khi xét phong các chức danh GS, PGS ở VN. Nay nhận được thư của độc giả LM nhờ công bố bức thư của anh trao đổi với các tác giả trang web, BVN xin đăng nguyên văn bức thư, kèm theo là bài viết Bàn về tiêu chuẩn Giáo sư ở Việt Nam và vài đề nghị của blogger Nguyễn Văn Tuấn mới gửi cho chúng tôi. Các trao đổi tiếp theo, nếu có, xin quý độc giả chuyển thẳng đến địa chỉ cần trao đổi.

Bauxite Việt nam

Thư của độc giả

Tôi được đọc bài của anh Nguyễn Văn Tuấn, và vào thăm địa chỉ trang web về Giáo sư thật giả.

Tôi có viết trao đổi với các anh chị của trang web này.

Tôi xin được gửi đến BAUXITEVN, hy vọng đến được các bạn đọc khác, có thể xem là gì cần bàn cho đúng hướng hơn. Cám ơn BAUXITEVN.

Sau đây là nội dung tôi đã gửi.

Trước tiên xin phép được hỏi các anh, các chị là làm thế nào để có thể tra cứu thông tin ISI. Tôi đã thử theo một số chỉ dẫn nhưng không thành công. Xin cám ơn trước cho sự chỉ bảo cụ thể.

Sau đây, liên quan đến học hàm, học vị ở Việt nam, tôi xin có vài câu hỏi và một số ý trao đổi. Hy vọng là đến được với các anh chị và các độc giả quan tâm về vấn đề này.

Một vài câu hỏi:



- ISI liệu có bao quát được hết các lĩnh vực khoa học, công nghệ trên thế giới không, hay chỉ một số lĩnh vực và đó là những lĩnh vực nào?

- Liệu tất cả các tạp chí khoa học của các nước, ngoài tiếng Anh có được ISI chú ý không?

- Tiêu chí của ISI có được cả thế giới thừa nhận không, hay cũng chỉ là một số lĩnh vực? Và trong các công bố này ISI có khách quan không, hay họ cũng làm việc có lợi nhuận với các nhà xuất bản, các tạp chí của mình?

Một số trao đổi:



Theo tôi, mỗi quốc gia đều có những tiêu chí, tiêu chuẩn riêng, ngoài thông lệ quốc tế, trong việc phong học vị, học hàm của nước mình. Nước Việt nam chúng ta cũng đã xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cho riêng mình. Tôi không bàn về quy trình, hoặc có thể có tiêu cực trong xét duyệt. Cũng chính vì thế, những người được phong hay công nhận là Tiến sĩ, PGS hay GS đều phải đạt các tiêu chuẩn đó. Để đạt học vị Tiến sĩ, cần phải có thành tích nhất định trong nghiên cứu khoa học, ở đây tôi không trao đổi về những yêu cầu về các bài báo đăng quốc tế, mà tôi cho là không cần thiết, vì tôi cũng đã gặp nhiều GS nước ngoài không có ngoại ngữ, không hề đăng báo ở nước khác hay “quốc tế”. Danh GS hay PGS là dành cho những người làm giảng dạy hay phải đảm nhận giảng dạy, với nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tào, phát triển khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của họ và góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tôi thiết nghĩ, nhiều GS, PGS của chúng ta đã từng học tập ở nước ngoài, họ đã được các nước đó công nhận về học vị, họ đã qua quá trình xét duyệt ở Việt nam, nên họ rất xứng đáng, đặc biệt là có nhiều vị trong danh sách mà các anh, chị đã đề cập đến. Nhiều người trong họ vẫn có các bài báo, báo cáo khoa học ở nước ngoài, song có thể không nằm trong danh sách ISI. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý là cũng có thể có những trường hợp chưa thật khách quan.

Trong bối cảnh nước ta, việc dạy thế nào để có thể nâng cao chất lượng, để người học ra làm việc được tốt, phát huy các kiến thức đã là vấn đề không đơn giản, nghiên cứu phát triển khoa học lại càng khó. Không biết các anh các chị đã có dịp đến thăm quan các trường đại học chưa? Nhiều GS không có được phương tiện nghiên cứu khoa học, thậm chí cả một chỗ ngồi làm việc phù hợp với môi trường khoa học. Ngay ở Hà Nội mà có bộ môn còn không có phòng làm việc riêng. Vậy mà họ vẫn có công trình đăng ở nước ngoài đã là sự phấn đấu cao, mặc dù không trong danh mục ISI mà các anh, chị quan tâm.

Cũng có một số người “gặp may” xin được của Nhà nước, xin được viện trợ, nên có được các phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu khá hiện đại, mà nhiều khi các nhà khoa học nước ngoài đến thăm cũng còn phải “ganh tị”; một số khác có điều kiện làm việc ở nước ngoài nhiều năm, nên có các công trình đăng tải nhiều. Nhưng kinh nghiệm cho thấy phần lớn các công trình được đăng là khi các nhà khoa học của chúng ta đã, đang công tác ở nước ngoài. Sau khi về nước một thời gian “tốc độ” nghiên cứu đều suy giảm, ngoại trừ các anh chị làm “thuần túy” lý thuyết.

Tôi cũng chưa thấy ai đó, từng có rất nhiều công trình được đăng ở nước ngoài, tạo ra được một trường phái trong nước. Và cũng rất ít khi thấy các nhà khoa học đó của ta được cơ sở nước ngoài, nơi các anh chị đó từng đến làm việc, phong chức danh “danh dự” vì thành tích nghiên cứu của họ.

Tôi cũng thấy, phần lớn các công trình đã đăng ở nước ngoài là những công trình nghiên cứu mang tính nghiên cứu cơ bản, lý thuyết. Những kết quả đó đương nhiên sẽ góp phần cho “tòa nhà khoa học quốc tế” vĩ đại hơn lên, song hỏi rằng có góp gì thiết thực cho nước ta. Tôi nghĩ ở nước ta, nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, để thoát ra khỏi sự bảo thủ trong đào tạo, để người được đào tạo có thể làm việc được ngay, để đưa được tiến bộ khoa học của thế giới vào sản xuất mới là những điều quan trọng, thiết thực.

Nói vậy, không phải tôi phủ nhận nghiên cứu cơ bản. Ngược lại, tôi rất quý các công trình của các anh chị đó. Chúng ta vẫn phải nuôi dưỡng các nhân tài đó cho tương lai. Nhiều GS của chúng ta không phải không có khả năng nghiên cứu cơ bản, song khi họ vừa phải giảng dạy, vừa phải quản lý và giải quyết các vấn đề phát triển ngành chuyên môn trong bối cảnh hiện nay, thì đòi hỏi họ có ISI đâu phải là khách quan.

Tôi cũng có lần tiếp xúc với các nhà khoa học đầu ngành của các nước, khi thăm nước họ và khi họ đến nước ta. Lúc nghiêm túc, thoải mái họ tâm sự với tôi: Nước bạn nghèo quá, công, nông nghiệp lạc hậu quá, nên mặc dù dân tộc các bạn rất thông minh, nhiều người có kết quả cao khi thi olympic quốc tế, song họ cũng không thể trở thành nhà khoa học quốc tế… Nghiên cứu khoa học là phải để phát triển đất nước, ở nước tôi, các doanh nghiệp chỉ hỗ trợ khoa học, nếu họ thấy có lợi cho sự phát triển của mình. Nhiều doanh nghiệp thuê hẳn các nhà khoa học đến làm việc trong dự án phát triển của họ. Nhiều công trình các bạn đăng còn mang tính lấp chỗ trống trong khoa học, không có định hướng lâu dài.

Trong chúng ta có thể có nhiều quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau. Nhưng “đất có lề, quê có thói”, tôi rất muốn chúng ta đặt vấn đề theo hướng tiến bộ là: làm thế nào để chấn hưng được nền khoa học, đào tạo nước nhà; làm thế nào để trẻ em học và chơi tốt hơn, khỏe mạnh hơn; làm thế nào để chúng ta đỡ phải làm những việc ‘thừa”.

Hy vọng là chúng ta còn có thể trao đổi tiếp, thành tâm và khách quan hơn.

LM


Bàn về tiêu chuẩn Giáo sư ở Việt Nam và vài đề nghị

Nguyễn Văn Tuấn

Một bạn đọc viết email dài hỏi tôi về tiêu chuẩn giáo sư đại học ngoài này ra sao. Đây là vấn đề tôi từng có vài góp ý trước đây trên các diễn đàn như Tia Sáng, Tuổi TrẻTuanVietNam. Nay tôi gom góp lại thành một entry và gửi lên đây như là một giải đáp thắc mắc của bạn đọc. Còn những câu hỏi khác, xin hẹn lúc rảnh rỗi hơn.

NVT


Số giáo sư ở Việt Nam



Ngày 18/11/2009, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) của nước ta công bố danh sách các nhà khoa bảng Việt Nam được phong chức danh giáo sư (GS: 65 người) và phó giáo sư (PGS: 641 người). Đây là đợt xét phong cho cả 2 năm 2008 và 2009. Như vậy, tính đến nay, VN đã có hơn 8000 GS/PGS.

So sánh với kết quả của những năm trước được công bố qua báo chí và các phương tiện khác, tôi thấy có một vài xu hướng đáng chú ý.

Một là số lượng GS, PGS được phong tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua. Nhìn qua Bảng 1 dưới đây, chúng ta thấy so với năm 2005, số GS được xét phong tăng nhanh trong 2 năm 2007 (tăng 32%) và 2008-2009 (tăng 58%). Số PGS được xét phong vào năm 2008-2009 cũng tăng vọt và nhanh hơn tỉ lệ trong nhóm GS. Chẳng hạn như số người được phong chức danh PGS tăng hơn gấp đôi so với năm 2005.



Nguồn: 2005, 2006, 2007, 2008-9

Hai là số GS, PGS ngành y chiếm đa số.
Trong số 706 GS và PGS được phong năm 2008-2009, có đến 21% (n = 148) là những người làm việc ngành y sinh học. Cần ghi nhận thêm rằng trong tổng số ấn phẩm khoa học được công bố trên các tập san quốc tế, ngành y sinh học có số lượng cao nhất (chiếm gần 25% tổng số) so với các ngành khác như toán, vật lí, hóa học, hay nông nghiệp mỗi ngành chỉ chiếm khoảng 10-12%.

Những ngành khác có nhiều GS và PGS được xét phong là: kinh tế (n = 87 người; 12%), khoa học tự nhiên (n = 81; 11%), hóa học (n = 35; 5%), nông học (n = 27; 4%), vật lí (n = 24; 3,4%), thủy lợi (n = 21; 3%), triết học (n = 20; 2,8%), và chính trị học (n = 14; 2%).

Có lẽ điều hơi ngạc nhiên là ngành thủy lợi có khá nhiều GS. Trong số 21 người được phong GS và PGS ngành thủy lợi, có gần 1/3 là GS. Tỉ lệ GS trong ngành thủy lợi được ghi nhận là cao nhất trong các ngành. Đối với các ngành khác như y sinh học, toán, vật lí, kinh tế, v.v… tỉ lệ GS (trên tổng số GS và PGS) chỉ dao động trong khoảng 15-20%. Qua những tai tiếng về những đập thủy lợi “chết người” gần đây, điều này cũng làm tôi ngạc nhiên, nhưng không loại trừ khả năng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Ba là độ tuổi trung bình tương đối cao so với các nước khác. Tuổi trung bình của GS Việt Nam (trong đợt phong năm 2008-2009) là 57 (thấp nhất là 45 và cao nhất là 69). Các PGS có độ tuổi tương đối trẻ hơn: trung bình 50 (thấp nhất 32 và cao nhất 71). Ở Mĩ theo thống kê thì tuổi trung bình của GS (full professor) là 55; rất ít ai được đề bạt chức danh này trước độ tuổi 40. Một thống kê ở Australia cho thấy năm 1982, tuổi trung bình của GS là 52, PGS và “reader” (thấp hơn chức danh “associate professor” hay “phó giáo sư” một bậc) là 48, senior lecturer 43, và lecturer 37 [1]. Như vậy, so với các đồng nghiệp tại các nước tiên tiến, tuổi trung bình của GS và PGS Việt Nam tương đối cao hơn.

Bốn là chức danh GS/PGS ở Việt Nam vẫn là một loại phẩm hàm. Ở các nước trong vùng hay phương Tây, chức danh GS/PGS thường gắn liền với một trường đại học. Chẳng hạn như ở các viện nghiên cứu y khoa của Australia, có nhiều người với chức danh GS hay PGS nhưng đó là những chức danh do trường đại học cấp vì họ có đóng góp về nghiên cứu và giảng dạy cho trường. Thật ra, hầu hết những viện nghiên cứu y khoa lớn ở Australia đều có kết hợp đào tạo với một trường đại học.

Còn ở Việt Nam, có nhiều người mang chức danh GS/PGS, nhưng không có liên quan đến một trường nào, vì chức danh này là một phẩm hàm. Cũng như những năm trước đây, một số lớn những người được phong chức danh GS/PGS năm nay là những người làm việc trong các cơ quan hành chính, quản lí, không liên quan gì đến giảng dạy đại học hay làm nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như năm 2009, trong số 148 người được phong hàm GS, PGS thuộc ngành y sinh học, có ít nhất 3 người là cán bộ cao cấp của Bộ Y tế.

Vấn đề GS/PGS như là một phẩm hàm (thay vì là một chức danh / chức vụ gắn liền với một đại học) đã được đề cập đến nhiều lần trong quá khứ như là một điểm "không giống ai" nhằm cải cách hệ thống đề bạt chức danh GS, nhưng hình như cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Hệ quả là trong khi chúng ta có 376 trường đại học và cao đẳng (con số có thể vẫn còn tăng), nhưng chỉ có 330 GS và PGS (tức chỉ 4,7% tổng số GS/PGS trên cả nước) đang làm nhiệm vụ giảng dạy. Có trường thậm chí chẳng có một ai có chức danh GS/PGS! Đó là một điều bất bình thường!

Năm là cách tính điểm còn bất cập, chưa hợp lí. Một trong những tiêu chuẩn để được phong chức danh (hay hàm) GS/PGS là có thành tích trong nghiên cứu khoa học, thể hiện qua số lượng ấn phẩm khoa học đã được công bố trên các tạp chí khoa học. Nhưng vì có quá nhiều tạp chí và chất lượng các tạp chí rất khác nhau, nên Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) chỉ công nhận một số tạp chí cho từng ngành.

Điểm qua danh sách các tạp chí trong ngành y mà HĐCDGSNN công nhận và tính điểm tôi thấy tương đối bất hợp lí. Trong số 56 tạp chí y sinh học trong nước được tính điểm, HĐCDGSNN chia thành 3 nhóm: nhóm I gồm những tạp chí có điểm từ 0 đến 0,5; nhóm II có điểm từ 0 đến,75; và nhóm III từ 0 đến 1. Nói cách khác một bài báo trên các tạp chí này có thể có điểm từ 0 đến 1. Không rõ cách xác định điểm như thế nào mà lại dao động từ 0 (tức là có bài báo không có điểm gì cả)?

Điều bất cập lớn nhất là cách tính điểm các tạp chí khoa học nước ngoài. HĐCDGSNN chia các tạp chí khoa học nước ngoài (trong ngành y học) thành 2 nhóm: nhóm có hệ số ảnh hưởng 2 hay thấp hơn có điểm từ 0 đến 1; nhóm có hệ số ảnh hưởng (impact factor) trên 2 có điểm từ 0 đến 2.

Với cách tính điểm đó, một bài báo trên tập san như Science, Nature, New England Journal of Medicine, JAMA, hay Lancet (những tạp chí khoa học đứng vào hàng số 1 trên thế giới) chỉ cao hơn 1 điểm so với một bài báo trên Nghiên cứu Y học hay Y học TP. Hồ Chí Minh! Cần nói thêm rằng, các công trình trên các tạp chí như Science, Nature, Cell là những công trình đẳng cấp giải Nobel. Những tạp chí y sinh học trong nước như Nghiên cứu Y học hay Y học TP. Hồ Chí Minh không thể nào so sánh chất lượng với một tạp chí chuyên ngành của Mĩ hay Âu châu, chứ chưa nói so sánh với Science, Nature , New England Journal of Medicine, hay JAMA. Thật ra, không có một tạp chí khoa học nào của Việt Nam được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Do đó, tôi e rằng chẳng những cách tính điểm như thế thật là vô lí và không công bằng, mà còn làm nản lòng những ai phấn đấu công bố quốc tế.

Chúng ta đang ở đâu trên thế giới?

Với cách tính điểm như trên, nhiều người vẫn lo ngại về “chất lượng” của GS Việt Nam, bởi vì làm GS/PGS mà thiếu những công trình công bố quốc tế (hay có nhưng quá "mỏng") thì không mấy hợp lí. Tưởng cần nhắc lại rằng một thước đo mà các đại học trên thế giới thường sử dụng để đánh giá và xét đề bạt chức danh giáo sư là chỉ số H [2]. Thông thường một GS ở trường đại học có uy tín cao thường có chỉ số H khoảng 20, và PGS khoảng 10. Ở Việt Nam, rất hiếm có GS hay PGS nào có chỉ số H trên 12, vì công bố quốc tế chưa được khuyến khích tốt và chưa được xem là tiêu chuẩn quan trọng số 1 trong việc công nhận chức danh khoa bảng.

Theo thống kê, tính từ năm 1980 (lần đầu tiên phong hàm GS/PGS) đến nay, nước ta đã công nhận 1336 GS và 7062 PGS. Với tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS còn bất cập như trên, câu hỏi đặt ra là trong số này có bao nhiêu xứng đáng với chức danh đó. Cách đây không lâu, GS Hoàng Tụy có phát biểu rằng chỉ có 20% GS/PGS ở Việt Nam là xứng đáng với chức danh GS/PGS theo chuẩn mực quốc tế (http://www.vtc.vn/19-172017/xa-hoi/giao-duc/vn-co-bao-nhieu-gs-pgs-trinh-do-quoc-te.htm).

Cần cải cách!

Nói tóm lại, qui trình và tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS/PGS ở Việt Nam đã có cải tiến đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều chuẩn còn bất hợp lí và chưa theo kịp xu hướng phát triển khoa học trên thế giới.

Tôi nghĩ trong quá trình đưa giáo dục đại học nước ta hội nhập thế giới, chúng ta cần nên xem xét và tham khảo các chuẩn mực về chức danh GS/PGS trên thế giới để đi đến một hệ thống đề bạt hoàn chỉnh hơn. Cần phải đặt tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học qua công bố quốc tế (như chỉ số H) là tiêu chuẩn hàng đầu trong việc xét phong hay đề bạt chức danh khoa bảng. Ở nước ngoài, các hội đồng khoa bảng thường yêu cầu ứng viên chỉ ra cụ thể là họ tương đương với ai trên thế giới và người đó có chỉ số H bao nhiêu. Đó cũng là một hình thức khách quan để nâng cao tính quốc tế của các GS/PGS.

Có lẽ việc đầu tiên cần làm là nên xem chức danh GS/PGS là một chức vụ khoa bảng dành cho những người giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, và do đó, chức danh này phải gắn liền với một đại học. Cũng có thể tạo ra một chức danh mới, như giáo sư danh dự (honorary professor) chẳng hạn, dành cho các cán bộ và quan chức có nhiều đóng góp cho khoa học về mặt hành chính hay quản lí, hay một chức danh như “giáo sư kiêm nhiệm” (“conjoint professor”) cho các bác sĩ và nhà khoa học hội đủ điều kiện nhưng không trực tiếp giảng dạy đại học. Nhưng cần phải phân biệt rõ ràng những chức danh giáo sư thực thụ với giáo sư danh dự hay giáo sư kiêm nhiệm.

Xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh GS/PGS, bởi vì họ là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam. Người dân muốn thấy những người mang hàm GS/PGS phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế. Chúng ta có không ít những GS/PGS như thế, nhưng rất tiếc là cơ chế hiện nay chưa phát hiện họ. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần phải tạo ra một cơ chế khách quan hơn, bình đẳng hơn, và khoa học hơn để ghi nhận sự đóng góp của những nhà khoa học đang âm thầm làm rạng danh nước nhà.

Bất bình thường…

Cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiêu chuẩn và thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư. Trong quyết định này, có một số tiêu chuẩn cụ thể và một số không cụ thể. Những tiêu chuẩn cụ thể như một giáo sư phải có bằng tiến sĩ trên 3 năm, và đã hướng dẫn ít nhất 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Một trong những tiêu chuẩn thiếu tính cụ thể là “có đủ số công trình khoa học quy đổi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có ít nhất 50% số công trình khoa học quy đổi từ các bài báo khoa học và 25% số công trình khoa học quy đổi được thực hiện trong ba năm cuối tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ”. Thiếu tính cụ thể vì ở đây, Quyết định không đề cập đến “công trình khoa học” là gì và cách qui đổi điểm ra sao.

Trong một ý kiến trước đây, tôi có nhận xét rằng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước hình như chưa quan tâm đúng mức đến các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học (NCKH) khi xét phong hay đề bạt chức danh GS/PGS, và điều này là một điều bất bình thường. Bất bình thường vì hầu như khắp nơi trên thế giới, các đại học đều dựa vào thành tựu NCKH và thành tích giảng dạy làm 2 tiêu chuẩn chính để đề bạt chức danh khoa bảng. Thành tựu NCKH được phản ảnh qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học mà ứng viên đã công bố trên các tập san quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”).

Về công bố quốc tế, cần phải nhấn mạnh sự khác biệt giữa (a) các bài báo đăng trong các hội nghị (gọi là conference proceedings hay tương tự), và (b) những bài báo công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt nghiêm chỉnh (còn gọi là peer-reviewed journal). Khi nói đến “công bố quốc tế”, người ta chỉ nói đến những bài báo ở dạng (b). Cũng có ngành khoa học xem những bài báo ở dạng (a) là “công bố quốc tế” nhưng phải là các hội nghị lớn có uy tín, có bình duyệt hẳn hoi, và được cộng đồng của ngành đó công nhận. Trong ngành y, tất cả các bài báo trong các hội nghị – dù lớn hay nhỏ – đều không bao giờ được xem là “công bố quốc tế”.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy ở Việt Nam, có không ít trường hợp mà ứng viên được phong hàm GS/PGS chỉ có công bố ở dạng (a) và chưa bao giờ công bố một bài báo khoa học nào trên các tập san quốc tế. Theo tôi, chỉ dựa vào những bài báo trong các hội nghị, dù là hội nghị quốc tế mà không có bình duyệt, để làm cơ sở cho việc phong hàm khoa bảng là một điều bất bình thường.

Vậy câu hỏi đặt ra là ở các nước Âu Mĩ người ta làm như thế nào? Ở các nước như Mĩ hay Úc, muốn đề bạt vào các chức vụ khoa bảng như GS/PGS, ứng viên phải hội đủ một số điều kiện và tiêu chuẩn. Những điều kiện và tiêu chuẩn này thường không cố định hay cụ thể, mà còn tùy thuộc vào từng địa phương, đẳng cấp của trường đại học, và bộ môn khoa học. Chẳng hạn như mặc dù điều kiện đầu tiên là ứng viên phải có văn bằng tiến sĩ, nhưng trong các bộ môn như luật, kinh tế hay y khoa, có khi ứng viên chỉ có bằng thạc sĩ (thậm chí cử nhân) cũng có thể xin đề bạt vào các chức vụ GS/PGS.

Điều kiện thứ hai là thời gian. Thông thường, ứng viên thường phải trải qua ít nhất hai năm nghiên cứu sau khi xong học vị tiến sĩ để có thể xin đề bạt lên chức vụ giảng sư (hay “assistant professor”). Thời gian cần thiết để một assistant professor được đề bạt lên PGS thường là ít nhất 3 năm và cao nhất là 6 năm. Từ PGS lên GS, thời gian cần thiết ít nhất là 5 năm. Những con số trên đây chỉ là những qui định rất chung chung, bởi vì trong thực tế, nó còn tùy thuộc vào từng cá nhân ứng viên và nhu cầu của bộ môn khoa học. Trong các bộ môn như công nghệ thông tin, y học, kinh tế, v.v… thời gian tối thiểu có thể ngắn hơn những qui định chung trên đây.

...và bình thường

Chức danh giáo sư như đề cập trong phần trước dành cho những người làm công việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Do đó, các đại học có chính sách công nhận cống hiến của nhiều thành phần khác nhau, và họ đề ra 3 ngạch để đề bạt chức danh giáo sư: ngạch nghiên cứu (research track), ngạch giảng dạy (teaching track), và ngạch hỗn hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy. Việc phân ngạch quan trọng, vì có liên quan đến việc xác định tiêu chuẩn đề bạt. Chẳng hạn như những người xin đề bạt qua ngạch giảng dạy thì tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học sẽ khác (thấp hơn) với tiêu chuẩn dành cho những người chuyên làm nghiên cứu khoa học và ít giảng dạy.

Về tiêu chuẩn chung, để được đề bạt vào các chức vụ khoa bảng GS/PGS, ứng viên phải tự chứng minh và được đánh giá là những nhà khoa học hay nhà giáo xuất sắc:

• Để trở thành một assistant professor (hay lecturer bên Úc và Anh), ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong NCKH, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi trường đại học và quốc gia;

• Để được đề bạt vào chức associate professor (tức PGS), ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong NCKH, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi quốc gia và quốc tế, có đóng góp cho việc phát triển chuyên môn, có công trong việc đào tạo sinh viên cấp tiến sĩ;

• Để được đề bạt từ PGS lên GS (professor), ngoài thành tích xuất sắc trong NCKH được đồng nghiệp quốc tế công nhận, ứng viên còn phải chứng minh cho thấy mình có khả năng lãnh đạo chuyên ngành trên trường quốc tế.

Về tiêu chuẩn "cụ thể", đề bạt GS/PGS và giảng sư, các đại học thường dựa vào 4 tiêu chuẩn chính: Thành tích hoạt động khoa học, giảng dạy và quản lí bộ môn, khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động cộng đồng.

Thành tích hoạt động khoa học được đánh giá bằng các tiêu chí như số lượng và chất lượng bài báo khoa học đã công bố trên các tập san khoa học quốc tế, số lượng bằng phát minh (patents of invention), uy danh và sự công nhận của giới chuyên môn trong ngành.

Không có trường nào có qui định cụ thể ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được đề bạt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là assistant professor phải có từ 5 bài báo trở lên, PGS ít nhất là 20, và GS thì ít nhất là 50.

Chất lượng bài báo thường được đánh giá bằng hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san mà bài báo khoa học được công bố. Hệ số ảnh hưởng của tập san cũng tùy thuộc vào bộ môn khoa học (chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số ảnh hưởng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học). Cho nên một cách đánh giá chất lượng khác là tính số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo (citations). Số lần trích dẫn nhiều cũng có nghĩa là công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Nếu ứng viên công bố toàn những bài báo mà không ai trích dẫn thì giá trị của chúng cũng chẳng cao hơn con số 0 (vô dụng) bao nhiêu!

Trong bài trước, tôi đã nói qua chỉ số H (H index), vốn hiện được sử dụng để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học của một cá nhân. Chỉ số H còn được sử dụng rộng rãi trong việc xét đề bạt và cung cấp tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Theo các chuyên gia, một PGS phải có chỉ số H khoảng 12, và một GS nên có chỉ số H từ 18 trở lên.

Khả năng lãnh đạo ngành cũng quan trọng. Một giáo sư phải là một nhà lãnh đạo khoa học về một lĩnh vực hẹp nào đó được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Công nhận ở đây có nghĩa là được mời nói chuyện trong các hội nghị quốc tế mà do ban tổ chức chi trả, hay được mời làm chủ tọa trong các hội nghị quốc tế.

Tiêu chuẩn về giảng dạy thì khó đánh giá hơn, bởi vì người đánh giá chính là sinh viên, và rất ít khi các trường đại học tổ chức những cuộc bình bầu thầy cô qua hỏi ý kiến sinh viên một cách có hệ thống! Nhưng cũng có thể đánh giá qua việc ứng viên khuyến khích sinh viên đào sâu suy nghĩ, hay đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển khóa học trong phạm vi trường đại học hay quốc gia. Tôi đã thấy nhiều ứng viên đem cả các thước phim DVD mà họ giảng dạy để làm bằng chứng về khả năng giảng dạy cho hội đồng khoa bảng xét duyệt.

Tiêu chuẩn giảng dạy còn liên quan đến thành tựu đào tạo nghiên cứu sinh cấp thạc sĩ và tiến sĩ. Nhưng không chỉ đơn thuần là con số, mà cần phải trình bày dữ liệu về thành tựu của những nghiên cứu sinh này hiện giờ ở đâu, làm gì, thành đạt gì trong sự nghiệp. Ngoài ra, ứng viên còn phải trình bày số nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ (postdoc) đến “đầu quân” làm việc cho nhóm của mình, và sự nghiệp của các postdoc này hiện nay như thế nào.

Thu hút tài trợ cho nghiên cứu có liên quan mật thiết với thành tích hoạt động khoa học: Nhà khoa học có thành tích khoa học cao dễ xin tài trợ và có khả năng thu hút tài trợ nhiều hơn nhà khoa học mới ở bước đầu sự nghiệp. Thông thường một PGS thường chủ trì những công trình nghiên cứu lên đến hàng trăm ngàn đô-la, và một GS thường chủ trì những công trình hàng triệu đô-la. Tuy nhiên, số tiền thu hút được còn tùy thuộc vào ngành khoa học. Đối với những ngành khoa học lí thuyết thì số tiền tài trợ không thể “dồi dào” như các ngành khoa học thực nghiệm.

Giáo sư đại học không nên chỉ ngồi trong tháp ngà, mà còn phải đóng góp vào các hoạt động cộng đồng. "Cống hiến cộng đồng" ở đây có nghĩa là GS phải tích cực đóng góp vào những hoạt động nhằm phát triển mối liên hệ giữa đại học và cộng đồng, tham gia vào việc phát triển các hiệp hội chuyên ngành, và đóng góp vào những bàn luận về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị ở bình diện quốc gia và quốc tế. Cống hiến cho chuyên ngành cũng là một nhiệm vụ của giáo sư. Do đó, ứng viên GS/PGS cần phải trình bày bằng chứng về những đóng góp của mình cho chuyên ngành qua những việc làm như bình duyệt bài báo khoa học cho các tập san và phục vụ trong ban biên tập tập san.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tiêu chuẩn này tương đối chủ quan vì không thể cân đo đong đếm được; do đó, dù được xem là một tiêu chuẩn, trọng lượng của tiêu chuẩn này trong việc đề bạt chức vụ khoa bảng không mấy cao.

Nói tóm lại, trong 4 tiêu chuẩn này, thành tích hoạt động khoa học được xem là tiêu chuẩn số 1, còn các tiêu chuẩn khác cũng được xem xét nhưng trọng lượng không cao. Một số trường đòi hỏi ứng viên phải đạt được mức độ xuất sắc (excellence) ít nhất là hai tiêu chuẩn để được xét duyệt tiến phong chức danh GS. Ứng viên chỉ xuất sắc một tiêu chuẩn thì không được xét đơn đề bạt. Một số tiêu chuẩn cụ thể cho từng cấp bậc GS có thể tóm lược như sau:

– Để được đề bạt lên chức “assistant professor”, ứng viên phải có công bố ít nhất là 5 bài báo khoa học mà ứng viên là tác giả số một của bài báo. Tất nhiên, khi nói đến "bài báo khoa học" ở đây là đề cập đến những bài báo trên các tập san có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh (còn gọi là peer-review system), chứ không phải những bài báo trên các báo chí trong nước hay của trường, càng không phải là những tạp chí phổ thông dành cho công chúng. Ngoài ra, ứng viên còn phải chứng minh mình có khả năng giảng dạy, có khả năng phát triển môn học hay ngành học hữu hiệu cho khoa. Các tiêu chuẩn về thu hút tài trợ và hoạt động cộng đồng cũng được xem xét, nhưng không phải là tiêu chuẩn hàng đầu, bởi vì ứng viên còn trong giai đoạn "tập sự".

– Để được đề bạt lên chức danh PGS (associate professor), ứng viên cần phải có ít nhất 20 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (có bình duyệt), và ít nhất là 30% trong số này phải trên các tập san số một trong ngành. Về giảng dạy, ứng viên phải chứng tỏ mình có khả năng giảng dạy, và đã đào tạo thành công sinh viên thạc sĩ và ít nhất là đào tạo thành công một tiến sĩ. Ngoài các tiêu chuẩn về nghiên cứu và giảng dạy, ứng viên còn phải chứng minh mình có uy tín trong phạm vi quốc gia và quốc tế, tức là được mời giảng dạy tại các đại học hay viện nghiên cứu khác (ngoài trường đại học). Ứng viên cũng phải chứng minh mình đã có cống hiến góp phần nâng cao tri thức cho quần chúng qua các hoạt động cộng đồng hay ngoài đại học, như làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ, công ty kĩ nghệ, hay viết báo cho các báo phổ thông nhằm phổ biến kiến thức. Ứng viên còn phải chứng tỏ mình có cống hiến cho chuyên ngành như tham gia bình duyệt báo khoa học cho các tập san quốc tế, tham gia trong ban chấp hành các hiệp hội chuyên môn, và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội nghị, v.v…

– Từ PGS lên GS là một bước nhảy vọt tương đối lớn, cho nên tiêu chuẩn cũng càng cao. Tuổi đời trung bình của một GS là 55 ; rất ít ai được đề bạt chức danh GS trước độ tuổi 40. Về tiêu chuẩn nghiên cứu bất thành văn, thông thường các ứng viên phải có ít nhất là 50 bài báo khoa học, và trong số này ít nhất là 50% phải trên các tập san số một trong ngành. Chỉ số H trung bình của một GS các trường đại học lớn bên Mĩ thường là 20 trở lên. Số lượng bài báo phải đều hàng năm, chứ không phải bất thường (điều này chứng tỏ ứng viên có khả năng hoạt động khoa học về lâu về dài)!

Về đào tạo, ứng viên GS phải đào tạo thành công ít nhất là 3 tiến sĩ trong thời gian giữ chức PGS. Ứng viên phải chứng minh đã từng chủ trì các công trình nghiên cứu lớn. Ngoài các hoạt động cộng đồng và cố vấn cho chính phủ, quan trọng hơn hết ứng viên phải chứng minh mình có uy danh trên trường quốc tế. Nói cách khác, ứng viên phải từng được mời giảng dạy tại các đại học khác, được mời làm chủ tọa (chair) các hội nghị chuyên môn hay được mời làm phát biểu viên chính (keynote speaker) trong các hội nghị chuyên ngành, được bổ nhiệm vào ban biên tập của các tập san khoa học quốc tế, và được mời bình duyệt các dự án nghiên cứu khoa học.

Tiêu chuẩn GS ở VN: Có nhiều khác biệt

Đối chiếu các điều kiện và tiêu chuẩn trên đây với các tiêu chuẩn đề bạt GS ở nước ta, ai cũng thấy có nhiều khác biệt, nhất các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động NCKH. Chẳng hạn như trong một bài phỏng vấn đăng trên VietNamNet, GS Đỗ Trần Cát cho biết : “Mỗi ứng viên cho chức danh GS phải có 2 điểm – tương đương với hai công trình – đăng trong các tạp chí uy tín”, và mỗi ngành chỉ có hai “tạp chí uy tín” ở trong nước, hiểu theo nghĩa “nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do Hội đồng ngành đề xuất, Hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi”. Tôi nghĩ tiêu chuẩn này quá… thấp cho một GS. Ngay cả tiêu chuẩn "ít nhất 12 điểm công trình" cho một GS cũng còn quá thấp.

Đành rằng chúng ta không thể áp dụng các tiêu chuẩn của các trường đại học lớn ở các nước tiên tiến vào hệ thống bình duyệt chức danh khoa bảng ở Việt Nam, nhưng chúng ta cần phải có một hệ thống đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học và giảng dạy khách quan hơn và theo chuẩn mực quốc tế.

Qui trình đề bạt

Qui trình đề bạt chức danh GS/PGS ở nước ta còn nhiều điều cần bàn. Khởi đầu, ứng viên nộp hồ sơ phải qua Hội đồng cơ sở, nếu được Hội đồng cơ sở thông qua, mới được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước xét duyệt. Chẳng hạn như năm 2008–2009 có 164 hồ sơ xin xét phong chức danh GS và 1003 hồ sơ xin xét phong chức danh PGS. Đến các Hội đồng cơ sở, thì có 116 (hay 71%) hồ sơ GS và 762 (76%) hồ sơ PGS được tín nhiệm và thông qua. Khi ra HĐCDGSNN thì tỉ lệ thành công giảm xuống còn 40% (n = 65) đối với chức danh GS, và 64% (n = 641) đối với chức danh PGS.

Đây là một qui trình có thể chưa khách quan. Ở cấp cơ sở, rất khó mà có được một xét duyệt khách quan, bởi vì những người ngồi trong hội đồng xét duyệt chắc chắn, không ít thì nhiều, cũng có liên hệ với ứng viên. Cũng không loại trừ khả năng mâu thuẫn với ứng viên, mà người ta bỏ phiếu không công nhận. Trong thực tế, đã có một số ứng viên hội đủ các tiêu chuẩn khoa học nhưng chỉ vì có mâu thuẫn với Hội đồng cơ sở nên không được thông qua. Có người thậm chí không muốn tiếp tục nộp đơn xin xét duyệt!

Ở nước như Mĩ, Anh, Canada, và Úc, ứng viên chỉ phải qua một hội đồng của trường đại học. Bình duyệt đơn được thực hiện qua 2 phía: cá nhân và đại học. Về phía cá nhân, ứng viên có quyền chọn 4 người bình duyệt (referee) cho đơn mình, và trường đại học có trách nhiệm phải gửi hồ sơ đến 4 người bình duyệt này. Bốn người này có thể là đồng nghiệp của ứng viên, và cũng có thể là người nước ngoài hay ngoài trường đại học. Về phía đại học, ứng viên phải đề cử 4-6 người bình duyệt cho trường đại học chọn. Dựa vào danh sách này, hội đồng khoa bảng sẽ chọn 2 hoặc 3 người bình duyệt hồ sơ. Ứng viên không biết hội đồng sẽ chọn ai trong danh sách. Phần lớn trường hợp, hội đồng chỉ chọn các nhà khoa học nước ngoài, chứ ít khi nào chọn người trong nước.

Ở Úc và Mĩ, mỗi người bình duyệt sẽ viết một báo cáo đánh giá ứng viên dựa vào các tiêu chí (nghiên cứu khoa học, giảng dạy, lãnh đạo, phục vụ) và đánh giá thứ hạng (như trung bình, giỏi, xuất sắc, nổi trội) mà trường đại học đưa ra. Một trong những điểm mà trường yêu cầu người bình duyệt phải chỉ ra cho được là ứng viên tương đương với ai (cụ thể là những giáo sư nào, tên tuổi, ở đâu, địa chỉ) trong ngành trên thế giới. Đây cũng là cách trường muốn kiểm tra và so sánh thêm về thành tích khoa học của ứng viên. Đến phần cuối của báo cáo bình duyệt, hội đồng khoa bảng yêu cầu người bình duyệt phải xếp hạng ứng viên vào hạng mấy trên thế giới (chuyên ngành): top 1%, 5%, 10%, hay 20%.

Sau khi nhận được các báo cáo này, Hội đồng khoa bảng trường đại học sẽ tổ chức một buổi phỏng vấn ứng viên. Sau khi phỏng vấn, họ sẽ viết một đề nghị lên Hiệu trưởng trường đại học để chính thức công bố kết quả. Nếu thất bại (không được đề bạt), ứng viên có quyền khiếu nại và yêu cầu đánh giá lại. Trong trường hợp này (hiếm xảy ra), Hội đồng khoa bảng sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên đến một hội đồng khác mà trong thực tế là một hội đồng khoa bảng mới để xem xét hồ sơ.

Những kinh nghiệm

Qua qui trình xét duyệt chức danh GS/PGS mà tôi cho là gọn nhẹ trên, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm:

Một là không có những tiêu chuẩn cứng nhắc theo kiểu cân đo đong đếm. Trái với các tiêu chuẩn trong nước về đề bạt chức danh khoa bảng bằng cách tính điểm bài báo, ở nước ngoài người ta không có những điểm cụ thể, mà chỉ đánh giá mang tính nửa lượng nửa chất. Về lượng, họ xem xét đến hệ số ảnh hưởng của tập san, chỉ số trích dẫn của các bài báo khoa học đã công bố, và nhất là chỉ số H của ứng viên. Họ không đề ra những con số bài báo cụ thể phải là bao nhiêu để được đề bạt. Những chỉ số chỉ mang tính tham khảo, vì họ còn phải đánh giá số lượng bài báo được mời đóng góp hay những lần giảng tại hội nghị quốc tế được ban tổ chức mời và chi trả.

Hai là vận dụng tối đa hệ thống bình duyệt. Không như ở một số nước việc bình duyệt chức danh khoa bảng được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín, ở nhiều trường bên Mĩ, người ta sử dụng hệ thống bình duyệt do chính các đồng nghiệp của ứng viên làm. Triết lí đằng sau cách làm này là chỉ có đồng nghiệp cùng chuyên môn với ứng viên là những người đánh giá chính xác nhất về thành tựu và uy tín của ứng viên. Ngoài ra, để cho đồng nghiệp trong và ngoài đánh giá còn đảm bảo tính khách quan trong quá trình đề bạt.

Ba là tính minh bạch. Tất cả các chi tiết về thủ tục và tiêu chuẩn đề bạt cho từng chức vụ đều được phổ biến trên internet. Họ còn cho biết tiêu chí cho từng cấp bậc để ứng viên chuẩn bị. Ngoài ra, danh sách những người trong hội đồng phỏng vấn và lĩnh vực nghiên cứu của họ cũng được công bố cho ứng viên biết trước. Điều đáng nói là thành phần hội đồng phỏng vấn được tuyển chọn sao cho đảm bảo bình đẳng giới tính, khoa học và ngoài khoa học, trong và ngoài đại học, v.v… Tính minh bạch còn thể hiện qua qui định ứng viên có quyền được xem các báo cáo bình duyệt của đồng nghiệp. Nhưng trong thực tế, rất ít ứng viên muốn đọc những báo cáo này, bởi vì thường thường họ đều được đồng nghiệp cho biết trước!

Trên đây là những kinh nghiệm và bài học mà tôi đã rút ra được từ qui trình xin đề bạt các chức danh khoa bảng ở Úc. Ở trong nước, thời gian gần đây, có nhiều phàn nàn về thủ tục tiến phong các chức danh GS/PGS. Người ta cho rằng thủ tục quá rườm rà mà lại thiếu minh bạch. Lại có người cho rằng tiêu chuẩn tiến phong không hợp lí (như tính số điểm bài báo nước ngoài bằng điểm bài báo trong nước), và do đó, vô hình chung làm cho chức danh giáo sư bị hạ thấp hay xem thường. GS Hoàng Tụy nói nếu làm đúng thì sẽ có rất nhiều giáo sư hay phó giáo sư bị bãi nhiệm.

Nhìn qua thủ tục đề bạt bên này và bên VN tôi thấy cũng có vài khác biệt đáng kể. Khác biệt thứ nhất là ở bên này ứng viên chỉ phải qua một hội đồng của trường đại học, trong khi ở Việt Nam ứng viên phải đăng kí tại cơ sở (tức trường) để được đề bạt, rồi từ đó mới được một hội đồng quốc gia xét. Ở ngoài này không có bỏ phiếu kín, mà chủ yếu là qua bình duyệt của đồng nghiệp.

Còn về tiêu chuẩn cũng có khác nhau khá nhiều giữa Việt Nam và ngoài này. Chẳng hạn như ở VN người ta tính toán điểm chi li cho từng bài báo, còn ở ngoài này thì chỉ dựa vào các chỉ số như H hay chỉ số trích dẫn như là tham khảo chứ không phải để định đoạt được hay không được tấn phong.

Hi vọng rằng những kinh nghiệm trên đây cung cấp vài thông tin cần thiết cho các nhà quản lí giáo dục trong nước trong quá trình hoàn thiện qui trình tiến phong các chức danh khoa bảng và giúp nước ta từng bước hội nhập với quốc tế.

Chúng ta đang có ước vọng nâng cao một số đại học thành “đẳng cấp quốc tế”. Yếu tố chính để một đại học được công nhận “world class” (đẳng cấp quốc tế) là nghiên cứu khoa học phải có chất lượng tốt, và nhất là đội ngũ giáo sư phải có đẳng cấp quốc tế. Yếu tố để khẳng định đẳng cấp của một giáo sư chính là nghiên cứu khoa học qua công bố quốc tế. Đó cũng chính là lí do tại sao các đại học ở nước ngoài đặt nặng tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học khi tấn phong chức danh GS/PGS.

Ở nước ta, tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học chưa được xem xét là quan trọng khi xét phong GS/PGS. Hiện nay, chúng ta có hơn 8000 GS/PGS. Nếu theo tiêu chuẩn nước ngoài (mỗi GS/PGS phải công bố ít nhất 1 bài báo khoa học) thì chúng ta phải có hơn 8000 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nhưng trong thực tế, số ấn phẩm khoa học xuất phát từ Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế năm 2009 chỉ 1165 bài (năm 2008 có 1178 bài). Con số này chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/6 Singapore.

Dẫn chứng trên dẫn đến một đề nghị mà tôi muốn lặp lại ở đây: cần phải xem công bố quốc tế là tiêu chuẩn số 1 để đề bạt chức danh GS/PGS. Đành rằng cũng cần phải xem xét đến các điều kiện mang tính địa phương trong khi đề bạt, nhưng các hoạt động khoa học lại mang tính quốc tế, và không có lí do gì các thước đo khách quan mà đa số nước trên thế giới đang sử dụng không áp dụng cho nước ta.

Tham khảo:

[1] Over R. Career prospects for academics in Australian universities. Higher Education 1985;14: 497-512.

[2] Chỉ số H được định nghĩa như sau: Chỉ số H của một nhà khoa học là H công trình trong số N công trình của nhà khoa học đó được trích dẫn ít nhất là H lần, và (N – H) được trích dẫn dưới H lần. Ví dụ, nếu một nhà khoa học có chỉ số H = 20 có nghĩa là nhà khoa học này có 20 công trình nghiên cứu với mỗi công trình được trích dẫn ít nhất là 20 lần. Được trích dẫn nhiều cũng có thể có nghĩa là công trình đó có giá trị. Tuy chỉ số này chưa hoàn hảo, nhưng nó là thước đo tốt nhất mà các đại học trên thế giới sử dụng để đề bạt các chức danh khoa bảng và cung cấp tài trợ cho nghiên cứu.

NVT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn