Trung Quốc xây đập ‘chặn’ con sông cao nhất thế giới

Kỳ Thư

Bất kỳ mối quan hệ nào của Trung Quốc với các nước láng giềng ở vùng biên giới phía nào cũng đều gây lo lắng không yên cho nhân dân các nước phía đó. Một nước Trung Quốc với đường lối “phát triển hài hòa” sao mà kỳ cục như vậy? Ấy là hiện nay Trung Quốc chỉ mới là một nước đang ngấp nghé vị trí siêu cường thôi đấy. Không biết đến bao giờ thì “cái họa nước Tàu” (bắt chước cách nói “cái họa phát xít” thời trước 1945) mới thành hiện thực?  Chỉ tủi cho một số đàn em cứ phải vừa tung hô để ông anh khỏi mếch lòng, vừa phải cố ra vẻ cưỡng chống để khỏi mất mặt với dân tình trong nước. Đó là hậu quả của một cách đánh giá sai lầm về chiến lược: dù có cúi đầu xuống thì cũng chẳng xin được lòng thương hại của ông anh “hảo hảo” mà thực chất là “bất hảo” kia tí gì đâu, thôi thì cứ chọn con đường thẳng lưng có phải thế giới sẽ tôn trọng hơn không?
Bauxite Việt Nam
Bắc Kinh đã thừa nhận với New Delhi rằng, họ đang xây dựng một con đập trên sông Yarlung Zangbo gần khu vực biên giới giáp Ấn Độ.

Hẻm núi sông Yarlung Zangbo chảy qua (Ảnh chinaculture)
Con sông này bắt nguồn từ Tây Tạng, dài 2.906km, với đoạn chảy qua Trung Quốc dài 1.625km, đoạn chảy qua Ấn Độ dài 918km và Bangladesh là 363km.
Brahmaputra – tên gọi sông Yarlung Zangbo tại Ấn Độ – là nguồn nước nuôi dưỡng hàng triệu người dân. Theo Thời báo Ấn Độ, quan chức Trung Quốc đã có cuộc gặp kín với Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna trong tháng này và đề cập tới một dự án thủy điện đang được xây dựng ở Zangmu thuộc Shannan, khu tự trị Tây Tạng.

Các chuyên gia Trung Quốc liên quan tới dự án, đã xác nhận rằng về kế hoạch thủy điện trên sông, đồng thời nhấn mạnh, bốn dự án khác với những đập tương tự, sẽ được xây dựng ở một thung lũng sâu giữa huyện Sangri và Jiacha. Tổng công suất phát điện của các đập này khi hoàn thành, sẽ lớn “hơn nhiều lần” so với đập Tam Hiệp.
Điện sản xuất từ nhà máy thủy điện ở Zangmu sẽ đươc bán cho các quốc gia Nam và Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan, Bangladesh, Lào và Campuchia. Theo báo cáo sơ bộ của các chuyên gia Trung Quốc, số tiền thu được từ bán điện sẽ được dùng cho quỹ xây dựng các con đập khác.
Cuối cùng thì, các đập thủy điện sẽ sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng tại Quảng Đông và Hong Kong. Nguồn điện Quảng Đông – cơ sở sản xuất chủ yếu của Trung Quốc, giờ đây đang phụ thuộc chặt vào Vân Nam và Quảng Tây. Tuy nhiên, hai tỉnh này cũng đang trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, nhu cầu dùng điện nội tỉnh cũng gia tăng, và Trung Quốc cần có kế hoạchh xa hơn, lớn hơn trong sản xuất điện.
“Mục tiêu cơ bản với dự án Yarlung Zangbo là cung cấp điện cho Quảng Đông và Hong Kong. Mùa cao điểm sử dụng điện trong khu vực này chính xác rơi vào mùa lụt ở Yarlung Zangbo. Và đây là sự trùng hợp lý tưởng”, báo cáo của chuyên gia Trung Quốc cho biết.
Trong khi các báo cáo về kế hoạch xây đập thủy điện của Bắc Kinh trên sông Yarlung Zangbo đã được cân nhắc nhiều năm, thì cuộc gặp diễn ra trong tháng này là lần đầu Tiên Trung Quốc thừa nhận kế hoạch với phía Ấn Độ.
New Delhi lo lắng rằng, các đập của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung cấp nước của Ấn Độ và phá hủy cân bằng sinh thái trong khu vực Himalaya. Các bang phía Đông Bắc Ấn Độ – nơi nông nghiệp và công nghiệp phụ thuộc vào Brahmaputra, đặc biệt trong tình trạng báo động.
Xây đập trên Yarlung Zangbo, con sông cao nhất thế giới cũng đem lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát nguồn nước cung cấp với hơn 90.000 km vuông đất mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền nhưng hiện đang dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ.
Quan chức Trung Quốc nói với Ấn Độ rằng, nước này không có bổn phận thông báo kế hoạch của họ với New Delhi nhưng họ vẫn làm vậy để xây dựng lòng tin và tháo gỡ căng thẳng. Bắc Kinh khẳng định, các nhà máy thủy điện sẽ không ảnh hưởng tới dòng chảy của sông vào Ấn Độ.
Nhà máy thủy điện Zangmu được thiết kế với công suất 500 megawatt, theo tài liệu xuất bản trên Báo Năng lượng thủy điện Tứ Xuyên hồi tháng 2. Bài này của Viên Quốc Đông, Kỹ sư đội 11 thuộc trung đoàn xây dựng thủy điện của Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc.
Theo tài liệu trên, con đập nằm ở phía Đông Nam Lhasa ở độ cao 3.260 mét so với mặt biển, tại một khu vực thường xuyên xảy ra các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Các vật liệu xây dựng thông thường có thể không đảm bảo được tính ổn định của đập, và công nghệ đặc biệt do chương trình công nghệ không gian Trung Quốc phát triển có thể được tận dụng. Ví dụ như xi măng, được phát triển bởi các phòng thí nghiệm tại Trung tâm phóng vệ tinh Xichang…
Việc xây đập trên Yarlung Zangbo lần đầu tiên được đề cập vào những năm 1960 nhưng ý tưởng này chưa từng được coi trọng cho tới thời điểm gần đây vì những thách thức kỹ thuật. Thiếu hệ thống đường sá, thiết bị cung cấp oxy, lao động, máy móc và công nghệ đã hạn chế việc xây dựng các trạm thủy điện ở Tây Tạng, thậm chí cả ngay trong lúc Trung Quốc lao vào làn sóng dựng đập thủy điện trong thập niên qua.
Hơn 99% tiềm năng thủy điện của Tây Tạng chưa được khai thác.
Yan Zhiyong , Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Thiết kế xây dựng Thủy điện Trung Quốc nói, giờ đây, hầu như những trở ngại chính của việc xây đập trên Yarlung Zangbo đã qua. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc đang chịu áp lực to lớn để thực hiện một nền kinh tế thải ít carbon, nên việc xây dựng các nhà máy thủy điện là điều rất cần thiết.
“Tây Tạng có nguồn dự trữ thủy điện lớn nhất trong tất cả các tỉnh”, Yan khẳng định. “Đưa điện Tây Tạng tới các tỉnh phía Đông sẽ làm giảm đáng kể tình trạng thiếu năng lượng của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Trương Quý Hồng, nghiên cứu quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cảnh báo rằng, dự án có thể là điểm gây mâu thuẫn mới trong quan hệ hai nước. Ông khẳng định, Trung Quốc có quyền xây đập thủy điện trên lãnh thổ của mình, “nhưng nếu dự án có ảnh hưởng tới các quốc gia vùng hạ nguồn, Trung Quốc cần thông tin cho các chính phủ liên quan để họ có thể chuẩn bị tốt hơn”.
Theo Anant Krishnan, chuyên gia đối ngoại tại Ấn Độ, luật pháp quốc tế cho phép Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện khi các dự án này không làm thay đổi dòng chảy của sông. Ông cũng khuyến cáo, việc Trung Quốc đẩy mạnh tiến trình xây đập trên lãnh thổ của mình sẽ ảnh hưởng tới quan hệ giữa nước này với các quốc gia vùng hạ nguồn. “Không chỉ có Ấn Độ quan ngại về các đập trên sông Yarlung Zangbo mà Thái Lan, Lào, Campuchia cũng lo lắng về điều đó”.
(Theo South China Morning Post)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/thegioi/201004/Trung-Quoc-xay-dap-chan-con-song-cao-nhat-the-gioi-906432/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn