Có phải là một tín hiệu vui hay không: Đại sứ Việt Nam nói về di sản cuộc chiến

http://vietnameseutah.org/uploads/News/pic/small_1249718797.nv.jpgHà Mi thực hiện

Hồi cuối tháng Tư 2010, trong cuộc phỏng vấn tại Washington với Hà Mi, phóng viên BBC Việt Ngữ, ông Lê Công Phụng, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, nói tới những nỗ lực mới của Việt Nam trong việc giúp tìm kiếm người Mỹ mất tích.

Ông tỏ ý ủng hộ việc kết hợp với Hoa Kỳ tìm kiếm người Việt mất tích không chỉ thuộc quân đội miền Bắc mà cả miền Nam.

Đại sứ Lê Công Phụng: Chúng tôi đang cố gắng về chuyện này. Đang cho tìm kiếm cả trên biển, tìm kiếm cả những khu vực khác. Nhưng vừa rồi, bộ Quốc Phòng đã quyết định giành ra 3 khu vực mới, trong khu vực an ninh để cho người Mỹ cùng với người Việt Nam rà tìm. Như tôi đã nói, trách nhiệm lương tâm người Việt Nam đối với nhân đạo. Hiện nay, bắt đầu từ năm ngoái, chúng tôi đã cho tàu Mỹ tìm kiếm trên vùng biển của Việt Nam.

Nếu đứng về an ninh, đây là vấn đề rất hệ trọng. Nhưng chúng tôi cho rằng, đã đến lúc Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích ở đây mà không lo ngại rằng Mỹ tìm cách điều tra thăm dò để gây phức tạp cho an ninh Việt Nam.

BBC: Rất nhiều thân nhân của những người Việt đã từng chiến đấu hay làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa hiện nay vẫn đang tìm thân nhân hay là tìm thi hài thân nhân, cả những người có thể bị mất trong quá trình bị tù cải tạo. Chính phủ Việt Nam đã có những trợ giúp gì đối với cả việc tìm kiếm những người này chưa ạ, thưa ông?

Trong việc tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh, Chính phủ Việt Nam có chủ trương chính sách rất xuyên suốt là tìm đồng đội mất tích nhưng nếu tìm được thi hài của những người Việt khác thì chúng tôi vẫn sẵn sàng công bố, tạo điều kiện để cho các gia đình thân nhân quy tụ lại.

Còn đối với mộ những người trong trại cải tạo, thật ra đấy là thất lạc chứ không phải mất tích. Chết thì có chôn nhưng bây giờ tìm không ra mộ. Chứ đấy không phải là 'missing in action' nữa. [Vấn đề này] lại là cái cơ chế khác, và các chính quyền địa phương phải lo những chuyện đó.

Chúng tôi nghĩ đến một ý kiến đáng tham khảo là Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam nên ngồi lại, xem xét lại quá trình tìm kiếm POW/MIA, với các bước tiếp theo tìm kiếm những người còn lại, rồi hỗ trợ những người đã tham gia chế độ cũ mà vẫn mất tích ở Việt Nam

Đại sứ Lê Công Phụng

Nhưng mà chúng tôi nghĩ đến một ý kiến đáng tham khảo là Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam nên ngồi lại, xem xét lại quá trình tìm kiếm POW/MIA, với các bước tiếp theo tìm kiếm những người còn lại, rồi hỗ trợ những người đã tham gia chế độ cũ mà vẫn mất tích ở Việt Nam.

BBC: Hiện nay có hàng triệu người Việt sống ở hải ngoại và tâm trạng chung của người ta đôi khi vẫn cảm thấy chưa có lòng tin đối với ở trong nước. Họ ra đi với những cay đắng, hận thù thì liệu có cách gì để thuyết phục, để làm thay đổi suy nghĩ đó của họ, giảm bớt đi những nỗi đau, cũng như hận thù mà họ vẫn mang theo?

Có một số người khi ra đi thì họ có lòng hận thù. Mà hận thù đấy hiểu được, với lẽ là trước đây thì họ có tiền tài, có đủ thứ trên đời. Họ chạy thì họ mất hết. Mà cũng không hiểu là họ thù đến mức nào thì tôi không rõ lắm. Nhưng đồng bào trong nước hiểu được tâm sự đó. Chúng tôi muốn kéo họ về.

Tôi cũng đã có đề nghị gặp một số vị, ví dụ như Phó Đô đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, ông Bùi Diễm, một số ông tướng tá ngày xưa. Tôi muốn gặp nói chuyện nhưng rồi họ cũng đang cố gắng tránh.

Còn ở đây chúng tôi giúp cái gì thì phải nói bây giờ bất kỳ HO, hay là cái gì, nếu chứng minh được, nếu là người Việt Nam, Sứ quán chúng tôi sẵn sàng cấp hộ chiếu Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng miễn visa cho về Việt Nam như là chính sách trong nước. Và về Việt Nam thì họ có thể mở các công ty làm ăn, mỗi điều là đừng phá rối, đừng phạm pháp. Chứ chúng tôi không xem những người HO là những quan chức cũ, là những người phía bên kia nữa, mà là người Việt Nam.

BBC: Một số ý kiến trong cộng đồng người Việt sống tại Hoa Kỳ hoặc là tại hải ngoại thì nói rằng là giao lưu văn hóa hiện nay chỉ có một chiều từ phía Việt Nam ra phía bên ngoài, nhưng còn chiều ngược lại thì vẫn còn bị ngăn cấm. Ví dụ như vấn đề chặn internet, vậy thì ông có thể trả lời sao về ý kiến này?

Chính phủ mở rộng tuyên truyền văn hóa ra nước ngoài nhằm phục vụ bà con là chính, để cho bà con hiểu tình hình đất nước. Nếu bà con ở hải ngoại có những gì có thể giao lưu với trong nước chúng tôi rất hoan nghênh. Nhiều ca sĩ hải ngoại đã về Việt Nam biểu diễn. Đấy là sự giao lưu giữa hai bên.

Nhưng cũng mong rằng là bà con cố gắng đừng đưa những văn hóa phá hoại thuần phong mỹ tục, tính nhân văn của con người Việt Nam ở trong nước. Như vậy thì Chính phủ cũng không hài lòng mà đồng bào trong nước cũng không hài lòng.

Còn chuyện internet cũng đang rất nhiều ý kiến. Facebook, rồi ngăn cấm tường lửa, thì ở đây chúng tôi cũng không muốn trao đổi nhiều. Nhưng điều chúng tôi muốn nhắc lại là khoa học công nghệ phát triển để phục vụ cho phát triển kinh tế, phục vụ cho phát triển xã hội. Mà muốn phát triển kinh tế, phát triển xã hội thì phải giữ được ổn định chính trị nội bộ.

HM

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/04/100429_lecongphung_video.shtml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn