Đối sách nào cho bí kíp “giá rẻ” của Trung Quốc?

Phạm Huyền

(VNR500) - Xót xa thay, sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) cơ khí, xây lắp Việt Nam và việc bàn kế sách ứng phó với bí kíp giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc lại gặp khó ngay từ chính “ông thuế” và Luật Đấu thầu hiện hành.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì một cuộc họp với 50 đại diện doanh nghiệp, Bộ ngành để “bàn mưu, tính kế” làm sao cạnh tranh được với các nhà thầu Trung Quốc vốn nổi tiếng “chào giá quá rẻ”… trong chính các dự án công trình của mình.

Khi chính sách thuế "bỏ rơi" người nhà

Nói chuyện rẻ - đắt, ông Trần Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty thiết bị điện Đông Anh giãi bày: “Thời kỳ trước, máy biến áp 220 kV có giá trung bình trên thế giới là 2,7 triệu USD/máy, giá Trung Quốc là 2,4 triệu USD/máy và chúng tôi chỉ bỏ giá thầu có 1,9 triệu USD/máy. Sau này, chúng tôi giảm xuống 1,7 triệu USD/máy rồi 1,4 triệu USD và vẫn trúng thầu” .

“Nhưng nay, chúng tôi đã giảm xuống 1,3 triệu USD/máy rồi và vẫn không trúng thầu, bởi có ông Trung Quốc nhảy vào, còn bỏ giá thấp hơn nữa. 20 đơn vị sản xuất thiết bị điện đều như chúng tôi, căng ra để tìm việc, tìm đơn hàng”, ông Quang chia sẻ.

“Người ta hỏi tại sao mình không làm rẻ hơn Trung Quốc đi? Nhưng, làm sao mà rẻ cho được”, ông Quang thốt lên.

Liệt kê ra thì thấy: Với thiết bị điện, xuất khẩu của Trung Quốc được hỗ trợ hoàn thuế tới 13%, lãi vay ngân hàng chỉ 6% và cộng các ưu đãi khác, nhà thầu Trung Quốc được tới 27-28% hỗ trợ. Đó là chưa kể, Trung Quốc còn có chính sách thưởng cho từng nhà xuất khẩu khi có thành tích, cụ thể bằng căn hộ, xe hơi.

So sánh ra, ở ta, lãi vay ngân hàng tới 12-17%/năm. Vào WTO, thuế nhập khẩu thiết bị điện giảm xuống 5%. Với sự chênh lệch ưu đãi đó thì làm sao chúng tôi thắng nổi?” ông Quang phân tích.

Câu chuyện của ông Quang như “gãi đúng chỗ ngứa” của nhiều doanh nghiệp khác.

Bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng bức xúc khẳng định: “Riêng thuế là ta thua rồi”.

Bà kể: “Chúng tôi làm một giàn khoan dầu khí giá 200 triệu USD, nhưng đã mất 40 triệu USD là thuế nhập khẩu thiết bị, thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia nước ngoài. Trong khi đó, đơn vị con của PVN đi mua một giàn khoan ở Singapore về thì không mất xu thuế nào, và giá chỉ có 182 triệu USD! Tức là, tự mình làm mà còn đắt hơn cả đi nhập!

“Chính sách thuế như vậy thì DN Việt Nam cạnh tranh làm sao được!”, bà Hà nói.


Sớm lập ngay hàng rào kỹ thuật

Việt Nam vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Và với cơ chế đấu thầu theo giá hiện nay, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ thiết bị máy móc của Trung Quốc!

Nhưng, nỗi lo không dừng lại ở việc nhập siêu! Luật Đấu thầu hiện hành không yêu cầu về xuất xứ thiết bị. Chính chủ đầu tư Việt Nam cũng khó lòng kiểm soát nổi vấn đề chất lượng thiết bị của các nhà thầu "giá rẻ" này.

Bà Hà chia sẻ: "Chúng tôi rất ngại nhà thầu Trung Quốc. Đôi khi, nhà thầu Trung Quốc dùng thiết bị theo tiêu chuẩn của họ, mà mình không nắm được, tiêu chuẩn của họ liệu có ngang bằng quốc tế?".

Trong khi, nhìn cách họ mang theo cả thiết bị vệ sinh công nghiệp, cả lao công dọn dẹp sang ở dự án của chúng tôi ở Cà Mau là đủ thấy, doanh nghiệp được giá rẻ nhưng xã hội lại thiệt nhiều, bà Hà đúc kết.

Ông Trần Văn Quang nhẩm tính: Có tới 50-60% các dự án lưới điện trong tổng sơ đồ 6 đến nay đã “rơi” vào tay nhà thầu Trung Quốc. So với tổng nhu cầu vốn là 1,5 tỷ USD, chúng ta đã phải nhập siêu từ Trung Quốc tới 600-700 triệu USD.

"Tuy nhiên, đáng ngại hơn là nếu mai kia, những thiết bị máy biến áp của Trung Quốc hỏng, thì riêng việc mang về nước sửa chữa đã là rất tốn kém, lại dễ bị họ bắt bí và không biết chúng ta sẽ phải sửa lâu như thế nào?".

Cảnh báo của ông Quang cũng là bắt nguồn từ chính bài học về các sự cố điện mà EVN, TKV đều đã quá thấm thía, như việc hỏng máy biến áp 500 kV ở nhà máy Phú Mỹ, rồi các hỏng hóc ở nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh vừa qua. Không chỉ làm tăng thêm áp lực thiếu điện, chủ đầu tư Việt Nam đã phải tốn một khoản chi phí không nhỏ để trả cho các chuyên gia nước ngoài “kéo sang” đông đảo để sửa chữa.

Trong khi, nếu các máy biến áp đó nếu là của trong nước thì việc sửa chữa chỉ mất 75 ngày và giá thành sửa rẻ hơn 7 lần.

Ông Lê Văn Kết, Vụ phó Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ KHĐT cho biết: "Vừa rồi, chúng tôi có kiểm tra các nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc làm thì hầu hết, thiết bị chính không hỏng mà hỏng nhiều ở thiết bị phụ trợ như van, ống, đường ống, máy nghiền, thải xỉ. Và, chính những thiết bị này ở trong nước cũng đã sản xuất được”.

Để ngăn ngừa sản phẩm kém chất lượng thì việc xây dựng hàng rào kỹ thuật phải được gấp rút thực hiện. Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, chủ đầu tư cần yêu cầu nhà thầu Trung Quốc chứng minh năng lực duy tu, bảo dưỡng cho thiết bị chính, phải có cơ sở bảo dưỡng ở Việt Nam, hoặc liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không, hỏng thiết bị chính mà nhà thầu bảo một năm mới sửa xong là chủ đầu tư Việt Nam chịu chết.

"Làm vậy là để buộc họ phải có đầu tư FDI vào Việt Nam. Nếu chúng ta cứ làm như hiện nay, hàng rào kỹ thuật lỏng lẻo thì chính con cháu chúng ta sẽ khổ, chỉ đi lo sửa chữa thôi", ông Thụ nói.

Chủ đầu tư nên “phần cơm” cho người nhà

Đối phó với “bí kíp” giá rẻ của nhà thầu Trung Quốc, trong bối cảnh bị ràng buộc bởi các cam kết ASEAN + và Luật Đấu thầu hiện hành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, vai trò đi đầu trong câu chuyện này là thuộc về các chủ đầu tư, chính là các tổng công ty, tập đoàn nhà nước.

Bộ trưởng Hoàng gợi ý: Với các dự án đang làm, các Tập đoàn nên xem xét tách ra thành 3-4 gói thầu với chủ ý "dành phần" cho nhà sản xuất trong nước. Việc tách ra sẽ khiến chủ đầu tư vất vả hơn khi phải làm việc với 3-4 đầu mối nhưng cố gắng đó có thể giúp DN cơ khí có việc làm! Bên cạnh đó, Bộ sẽ tổ chức triển lãm để chủ đầu tư, nhà sản xuất có cơ hội "gặp và hiểu năng lực" của nhau.

Không chỉ là ứng xử "tình cảm", một chính sách "cứng rắn" khác được Bộ này dự kiến: Các chủ đầu tư cần sử dụng tăng cưởng tối đa máy móc vật tư trong nước theo danh mục các sản phẩm thay thế nhập khẩu mà Bộ vừa ban hành. Nếu không, chủ đầu tư cũng sẽ phải giải trình rõ vì sao không sử dụng hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng phải xem lại cơ chế thu hút FDI theo hướng, khuyến khích mời gọi các dự án sử dụng nhiều vật tư thiết bị trong nước trong cả quá trình đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, chắc chắn luật Đấu thầu sẽ phải sửa đổi! Ông Lê Văn Kết cho hay, Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu làm sao để loại bỏ "tiêu chí giá rẻ" trong đấu thầu và chắc chắn, việc này sẽ phải triển khai trong Chính phủ khóa tới.

PH

Nguồn: http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=949

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn