Lời của Bộ trưởng và Nhà nước pháp quyền

NAT

image Vụ Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải thời gian qua đã gây xôn xao trong dư luận. Lẽ dĩ nhiên dư luận đứng về phía những người nông dân thấp cổ bé họng, mong muốn những thiệt thòi của họ sẽ được bù đắp xứng đáng.

Trong bối cảnh như vậy, lời của Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên: “Chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan, chỉ sợ không sử dụng hết, vì thế, ra tòa là chắc thắng"(1)  đã làm nức lòng dư luận, gây xúc động cho nhiều người quan tâm như cách nói của cây bút Trực Ngôn trong PN&HĐ cuối tuần.

Nhưng hãy thật cẩn thận mà suy xét. Ông bộ trưởng dùng từ “chúng ta”, có nghĩa là ông và Bộ của ông đã đứng về phía nông dân – tức là đứng về một bên trong một tranh chấp dân sự (ở đây là với Vedan). Nếu phát ngôn trên là của một vị Luật sư đại diện cho lợi ích người nông dân thì chẳng có gì đáng nói. Đằng này, ông Phạm Khôi Nguyên lại là người đứng đầu của một bộ trong Chính phủ. Có nguyên tắc nào của Nhà nước pháp quyền cho phép cơ quan hành pháp đứng về một bên trong một tranh chấp dân sự của hai chủ thể trong xã hội, với những lời tuyên bố vừa như một vị Luật sư (“chúng ta có thừa chứng cứ để vạch tội Vedan”) vừa như phán quyết (“ra tòa là chắc thắng”).

Chính phủ - cơ quan hành pháp cao nhất, không phải là một Luật sư đoàn, càng không phải là một cơ quan xét xử. Chính phủ là cơ quan chấp hành pháp luật. Đáng lẽ ra, ông Phạm Khôi Nguyên với vai trò Bộ trưởng TN-MT trong Chính phủ, sau khi xem xét những vi phạm của Vedan, đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành, sẽ đưa ra các quyết định xử phạt hành chính. Hoặc giả như xét thấy có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì ông có thể ra quyết định chuyển hồ sơ hoặc phối hợp với cơ quan điều tra xác minh làm rõ. Đó là những việc Bộ trưởng phải làm với chức trách của ông, không vì tình nghĩa mà làm nhanh hơn hay chậm hơn. Còn trong tranh chấp dân sự giữa đôi bên nông dân và Vedan, ông không có chức trách đứng trên tư cách Bộ trưởng đưa ra những dự đoán về phán quyết của tòa như vậy. Phát ngôn của ông mà cũng có thể coi là phát ngôn và thái độ của Chính phủ có thể tác động đến quá trình xét xử của tòa án, đặc biệt là trong môi trường chính trị nhiều đan xen, nhiều ảnh hưởng mà ít độc lập của ba ngành lập pháp – hành pháp – tư pháp ở Việt Nam.

Và đâu chỉ có Bộ TN-MT, cả Bộ Công an, Bộ Tư pháp cũng hứa sẽ hỗ trợ nông dân trong vụ kiện Vedan. Cơ quan hành pháp của chúng ta dường như muốn giành những công việc không phải của họ. Các hội, đoàn thể sẽ làm việc đó.

Cũng sẽ rất băn khoăn khi Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói rằng  “... nếu Vedan tiếp tục ngoan cố, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ cùng Bộ Công an làm tiếp một số vấn đề khác của Vedan, kể cả chuyện đất đai của Vedan hiện nay"(2). Logic đó cho ta cách hiểu, nếu Vedan không ngoan cố, biết nghe lời trong chuyện này thì bộ TN-MT sẽ không xử lý những chuyện sai phạm khác như là về đất đai. Sao lại có cách làm việc tùy hứng đến như vậy của cơ quan hành pháp, xử lý sai phạm của doanh nghiệp dựa trên thái độ của doanh nghiệp đó với một sai phạm khác không liên quan.

Ông Phạm Khôi Nguyên với những phát ngôn như vậy, có lẽ chỉ muốn thể hiện sự ủng hộ người nông dân trong vụ kiện này, cũng như bao người Việt Nam khác luôn có cảm tình với người nông dân. Nhưng khi là một Bộ trưởng, phát ngôn của ông không chỉ là của riêng cá nhân ông mà còn là của một Bộ,và phần nào đó còn là của Chính phủ. Nó có thể gây tổn hại đến cả nền pháp quyền còn non trẻ của chúng ta.

(1),(2) tuanvietnam.net/2010-07-30-pn-and-hd-chuyen-mot-ong-bo-truong-va-thu-ngo-cua-ong-to

NAT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn