Chùm bài về phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long

image Quy đến cùng, tội này vẫn là ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính, mà trong đó Hội Khoa học Lịch sử cũng không phải là vô can.

Đã có ý kiến nhận xét từ lâu rồi, rằng: CHỖ YẾU KÉM NHẤT CỦA NGÀNH VĂN HÓA LÀ TRÌNH ĐỘ VĂN HÓA. Bộ phim này đã phản ánh gần hết cái yếu kém đó. Thật lạ! Những người có trách nhiệm trong chính quyền, đặc biệt là những người phụ trách ngành văn hóa sao không thấy bị sỉ nhục nhỉ? Từ cách đây trên 10 năm, khi người ta dựng tượng Lý Thái Tổ ở vườn hoa Chí Linh thì dư luận đã bất bình rồi. Dạo đó báo chí đã phản ứng liên tục, đến bọn trẻ con chơi bi chơi đáo ở quanh đó vừa thoạt nhìn thấy chiếc mũ bình thiên đã gọi ngay đó là Tần Thủy Hoàng rồi, cần chi lời bình luận của người lớn. Vậy mà các quan phụ mẫu của người lớn vẫn không mảy may rung động. Sau đó ít lâu, người ta còn định xây Đền thờ Lý Thái Tổ ở ngay sau lưng bức tượng cho thành một quần thể kiến trúc cổ!!! Thật hãi hùng.

Còn nói về cụm từ "Giao lưu văn hóa" hay "Học tập kinh nghiệm nước ngoài" thì các vị quan chức này đã khiến chúng ta thất vọng. Thất vọng thực sự. Thời kỳ còn là sinh viên Kiến trúc ở Thượng Hải, trong chương trình học thiết kế trường quay phim, nhà hát, chúng tôi đã từng đến các trường quay để xem người ta dùng một không gian nhỏ, để bố cục một cảnh quay lớn, ví dụ làm cách nào để các cô tiên có thể lả lướt đi trên mây? Hay làm cách nào để có một chiến hạm có thể cưỡi sóng giữa biển khơi? Đó là những kỹ xảo mà nền điện ảnh đã có trên 50 năm tuổi của chúng ta đáng lẽ ra phải học được từ lâu rồi. Còn cái trò áo mũ cân đai, phông màn, dáng dấp, cử chỉ... sao chép "y chang Trung Hoa" như cái bộ phim này thì thật hết chỗ nói. Ông Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Phạm Quang Long đâu rồi nhỉ? Hai năm trước ông Long từ chối không ký hợp đồng làm bộ phim này với những câu phát biểu rất chí lý và chúng tôi đã rất hoan nghênh ông. Vậy hôm nay ông Long hay ông nào đã chịu thua áp lực của sức mạnh Trung Hoa "NHANH NHIỀU TỐT RẺ" vậy? Trên ông Long còn có bà Hằng Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Còn ông Bộ trưởng Bộ VHTTDLTT và ông nào nữa, các ông bà đã "vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" rồi đó. Di hại của việc này không chỉ là con số 100, 200 hoặc 300 tỷ đồng, mà là quốc thể, truyền thống dân tộc... và còn nhiều thứ nữa.

Tôi nhận xét tội của ngành giáo dục và Hội Khoa học Lịch sử chính ở chỗ những con người tôi vừa nói tới ở trên kém quá, chưa được giáo dục tử tế và chẳng hiểu gì về Lịch sử dân tộc hết.

KTS Trần Thanh Vân

BVN xin nói thêm: Đây không phải là bộ phim dựa trên kịch bản đầu tiên – một kịch bản nói chung là nghiêm túc tuy có những mặt cần được bổ sung chỉnh sửa – có đưa các chuyên gia góp ý kỹ lưỡng, và về sau đã dừng lại, không tiếp tục đưa vào sản xuất. Còn đây là một kịch bản phim viết vội, một loại "võ hiệp kỳ tình" không nhân danh Nhà nước mà nhân danh cá nhân đầu tư, trong đó, theo nhiều thông tin, Trung Quốc có tài trợ 50 tỷ. Chưa nói về chuyện vì sao TQ lại hào phóng tài trợ cho bộ phim một khoản lớn như thế, nó đóng vai trò "bẻ ghi" khiến cho một bộ phim nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long đã bắt buộc phải chuyển đổi thành một thứ phim cổ trang Trung Quốc.

Ngay lúc mới xong kịch bản, là một trong những người được mời đọc góp ý, GS Nguyễn Huệ Chi đã viết 8 trang phê phán những ý tưởng làm hỏng cốt cách của một Lý Công Uẩn trong phim so với một Lý Công Uẩn với vai trò lịch sử có thật ngoài đời. Lý Công Uẩn xuất hiện trong trong phim Lý Công Uẩn – Đường đến Thăng Long chỉ là một nhân vật bị động đối phó với các bộ tộc thiểu số đến tận Hoa Lư để ám hại mình theo lời xúi giục của đám quần thần nhà Tiền Lê lúc bấy giờ, trong khi đó Lý Công Uẩn của lịch sử là một tầm vóc lớn, người đem tư tưởng khoan hòa bao dung gắn kết cả dân tộc lại nhằm xây dựng một quốc gia lâu dài theo hướng mở chứ không đóng, mà hành vi mở đầu cụ thể của sự nghiệp to lớn đó chính là việc ông chọn định đô tại Thăng Long.

Theo Nguyễn Huệ Chi, chỉ nhìn từ kịch bản không thôi, bộ phim đã không đứng được. Những ý kiến này ông đã từng có dịp trình bày ở Hội đồng Lý luận Trung ương trong một lần Hội đồng ấy về làm việc với Viện Văn học. Nghe ông Phùng Hữu Phú nói những lời rất thành tâm, những tưởng ông ta sẽ lắng nghe tiếng nói của lẽ phải, nào có ngờ đâu đến cơ sự hôm nay.

Nếu bộ phim vẫn được sửa lại phần trang phục để trình chiếu, độc giả sẽ có cơ hội được thấy một Lý Công Uẩn như một gã hiệp khách si tình thời thượng, đưa ra mọi quyết sách đều tùy hứng chứ không phải xuất phát từ chỗ đứng của một vị vua đang xây dựng cơ nghiệp đế vương. Và cũng vì tùy hứng, ông ta đã mất cảnh giác đến nỗi ba lần suýt bị hãm hại: một lần trong chuyến vi hành ra Đại La, vì cứu một cô gái bất ngờ làm cho mình "rung cảm", Lý đã rơi vào tấm lưới của viên Tổng trấn Đại La phục sẵn, đành nằm co quắp trong lưới để kẻ địch đưa ra pháp trường, phải nhờ Đào Cam Mộc và Vạn Hạnh đem quân đến cứu mới thoát, và hai lần ngay nơi cung cấm của mình, Lý uống phải nước pha độc dược của đám triều thần nhà Lê cũ, may được "người mình cảm" dùng thuốc giải độc cứu nguy, nhưng liền sau đó lại suýt trúng mũi tên độc của viên tù trưởng đem quân đến vây hãm cung đình nếu không có "người mình cảm" đem thân ra hứng lấy để chết thay cho mình (điều kỳ lạ là giữa tình thế nước sôi lửa bỏng khiến trung thần ai cũng lo lắng thót tim, Lý lại chủ quan điều hai vị tướng giỏi nhất từ Hoa Lư vào Nghệ An mà không rõ lý do vì sao lại điều binh khiển tướng kỳ cục vậy).

Trong trường hợp kịch bản vẫn giữ nguyên như khi nó được đưa cho một số người góp ý, người xem phim chắc chắn sẽ nêu câu hỏi: có phải tác giả bộ phim định giễu cợt lịch sử dân tộc, làm trò cho ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thêm mùi mẫn hay không?

Bauxite Việt Nam

Lý Công Uẩn – Đường tới thành Khai Phong (!?)

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế

Đọc, xem rồi “nghe” phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long mà rầu thúi cả ruột (muốn biết một cách chính thống thì xem Vietnamnet, 13.9.2010). Chao ôi là cuộc đời khi ta làm phim để kỷ niệm 1.000 năm thủ đô của ta mà lại nhờ người, giống như người, học theo người tệ hại đến như thế! Nếu chiếu bộ phim này, ắt phải đổi tên như tiêu đề bài viết bởi nó chẳng khác gì bối cảnh, trang phục, đạo cụ, nhân vật và tính cách của một bộ phim làm về thời... Bắc Tống!

Cách đây mấy tháng, tôi có viết một bài nhan đề: “Cái thiếu nhất của lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội chính là... văn hóa”. Bây giờ nghĩ lại, giật mình và phải nói thẳng ra rằng cái thiếu nhất của lãnh đạo ngành văn hóa – cụ thể là Bộ VH – TT - DL là tư duy chính trị, cảm nhận thẩm mỹ, hiểu biết và cả lòng yêu nước!

Tại sao dư luận đã cảnh báo từ rất lâu rồi mà vẫn cứ cắm đầu cắm cổ làm phim Tàu để diễn cảnh ta? Tại sao một bộ phim được “sinh ra” trong thời khắc trọng đại như thế, phục vụ một mục tiêu chính trị - văn hóa lớn như thế mà những người có trách nhiệm lại chỉ coi nó có ý nghĩa ngang với việc kiếm tiền để nhét đầy túi tham bất kể vận mạng dân tộc, lịch sử, giống nòi? Đến bây giờ mới bàn chuyện cắt bớt, hoặc sửa, hoặc quay lại toàn bộ thì đã quá trễ. Cái cơ bản bây giờ là phải mổ xẻ, phanh phui cho rốt ráo những câu hỏi tại sao.

Tại sao và do ai mà phim Lý Công Uẩn phải mượn (thuê) toàn bộ cảnh trí của người? Chẳng lẽ đất nước Việt Nam “xanh muôn ngàn cây lá khác nhau” (Thép Mới) đã trở nên xấu xí, tệ hại đến mức không còn cái cảnh nào cho ra hồn để làm nền cho phim? Chẳng lẽ đạo diễn và những người làm phim không biết rằng mục tiêu tối thượng, muôn đời của người ta là tìm mọi cách để chứng minh văn hoá Việt, dân tộc Việt là một phần không thể tách rời của văn minh phương Bắc? Chẳng lẽ trang phục, người ngựa thời Lý Công Uẩn sang trọng và màu mè như thế lại có thể phản ánh chân xác tính chất, đặc điểm của xã hội nước ta thời gian khó khốn cùng?...

Rất, rất nhiều câu hỏi đặt ra nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao lại thế? Đến nước này mà ông Bộ trưởng phụ trách ngành văn hóa không từ chức thì tôi xin gửi thư đến Guinness đề nghị trao cho ông bằng chứng nhận người có da mặt dày nhất thế giới!

Phim Lý Công Uẩn... dứt khoát là bộ phim đã thóa mạ, sỉ nhục dân tộc nặng nề. Hơn thế nữa, nó đã bộc lộ mưu toan (của “các thế lực thù địch”?) muốn hòa tan văn hoá Việt, hồn Việt trong cái mớ đen ngòm của chủ nghĩa bành trướng thối tha. Tại sao các đồng chí an ninh văn hóa không vào cuộc để trả lời cho 88 triệu người dân biết kẻ nào, do ai, từ đâu đã chà đạp lên cả đất nước, cội nguồn như thế? Nói thật nếu lâu nay tôi có bị một số “cán bộ” cho là “phản động” vì nói và viết toàn sự thật thì so với những người chịu trách nhiệm về bộ phim này thì tôi còn cách mạng gấp cả vạn lần. Đó là chưa nói chuyện hàng trăm tỷ đồng tiền dân, của nước tới đây ai sẽ phải bồi thường? Chẳng lẽ sự ngu xuẩn, dốt nát cứ muôn đời được rút kinh nghiệm tưng bừng và được vỗ vai hứa hẹn chờ cất nhắc thêm nữa sao?

Giết một người chỉ mới cướp đi một cuộc đời. Nhưng tàn sát cả danh dự của cả giống nỏi thì đã phạm tội hủy hoại niềm tin, trái tim và trí tuệ của hàng triệu con người. Đây nhất thiết phải được coi là tội ác. Và, một khi nó đã là tội ác thì không thể không bị trừng phạt một cách cụ thể, rõ ràng!

Huế, 14.9.2010.

H. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long:
"Phim Trung nói tiếng Việt"!

Nhà thơ Đỗ Trung Quân có nhận xét vừa dí dỏm vừa cay đắng như vậy...

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã có bài viết đề cập đến việc hoãn phát sóng phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long do 19 tập của bộ phim này mang đầy yếu tố Trung Hoa. Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã yêu cầu đoàn làm phim phải lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa này và chỉ được phát sóng sau khi đã sửa chữa xong theo yêu cầu.

Sau khi báo đăng, Pháp Luật TP.HCM nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc cũng như ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu. Chúng tôi xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc.

TS NGUYỄN NHÃ:

Nhận thức của nhà làm phim quá kém!

Nhận thức và ý thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam của những nhà làm phim quá kém. Trong thời điểm khi quan hệ biển Đông và các vấn đề ngoại giao Việt-Trung đang còn nhiều thách thức mà lại dựng phim về lịch sử Việt Nam với bối cảnh, nhân vật, phục trang giống phim Trung Quốc thì nguy cơ mất gốc văn hóa và mất nước khi nào không hay.

Nhận thức của người làm phim đi ngược lại lịch sử của ông cha. Trong thời điểm hiện nay, mỗi người đều phải kiên quyết không chấp nhận cho một bộ phim như vậy được công chiếu.

clip_image001

Trên tay áo vua Lý Huệ Tông, các khúc uốn duệch doạc theo hình chữ U. Ảnh: NHK

Nhà thơ ĐỖ TRUNG QUÂN:

Không thể xúc phạm tiền nhân

Tôi không phải là người cực đoan để phủ nhận toàn bộ nền điện ảnh Trung Quốc. Tôi từng giới thiệu đến bạn bè những bộ phim hay của Trung Quốc như Aftershock (Dư chấn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương… Nhưng tôi không ngại gay gắt phê phán việc dựng một bộ phim lịch sử Việt Nam mà lại nhuốm màu sắc Trung Hoa. Trung Hoa từ đạo diễn, diễn viên, bối cảnh… Nên chăng chúng ta hỏi nhà sản xuất sao lại yêu Trung Hoa đến thế?

Tôi nói rằng Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” hoặc “phim Trung Quốc không cần phụ đề”. Dù là phim tư nhân bỏ tiền đầu tư vẫn không thể cho phép xúc phạm tiền nhân như vậy!

TS NGUYỄN HỒNG KIÊN:

Không thể làm phim lịch sử bằng bối cảnh nước khác

Tôi cực kỳ lo lắng về bản sắc dân tộc của các phim chào mừng 1.000 năm Thăng Long đã và sẽ quay ở Trung Quốc. Hoặc sẽ chẳng khác gì các phim chưởng rẻ tiền. Hoặc sẽ chẳng thể ra chất Việt.

clip_image002

Rồng thời Lý có các khúc uốn “thắt túi” như các chữ C nối tiếp nhau, vuốt nhỏ dần về đuôi.

Điện ảnh Việt Nam, những người quản lý ngành văn hóa Việt Nam đã và đang làm một việc “vô tiền khoáng hậu”: Làm phim về lịch sử dân tộc mình bằng những bối cảnh của đất nước khác. Mà quốc gia ấy, trong thời ấy và ngay cả bây giờ không bao giờ muốn chúng ta bảo tồn được bản sắc của mình.

Nguy hiểm nhất là những sự bịa đặt, vay mượn trang phục và kiến trúc Tàu này sẽ được các thế hệ sau coi là bản sắc dân tộc Việt.

Đau đớn là việc “tự chuyển hóa” này đang được thực hiện một cách chủ động.
Tôi muốn hỏi những người đã tham gia làm và muốn công chiếu bộ phim này: Các vị có bao giờ vào hùa với anh bạn hàng xóm chửi ông bà mình? Tôi chắc chắn người Trung Quốc hám tiền nhất cũng không làm điều đó.
Vậy nên đừng nói về bản sắc Việt ở bộ phim Tàu này (- trích từ blog Gốc Sậy).

QUỲNH TRANG ghi

Nguồn: PhapluatTP

Phim "Lý Công Uẩn" và bài học 100 tỷ đồng

(Dân Việt) - Bài học 100 tỷ đồng cho bộ phim “mang yếu tố Trung Hoa” là quá đắt! Chắc chắn rồi sẽ có cuộc giải phẫu xem ai là người chịu trách nhiệm về cuộc thua thiệt cả thể xác lẫn linh hồn này.

clip_image004

Mấy ngày nay dư luận báo viết, báo mạng và blog đều loan tin Hội đồng duyệt phim quốc gia sau khi xem 19 tập phim “Lý Công Uẩn – Đường tới Thăng Long” cho rằng “bộ phim mang đầy yếu tố Trung Hoa và yêu cầu đoàn làm phim phải lược bỏ bớt những bối cảnh đậm chất Trung Hoa trong phim. Bộ phim chỉ được phát sóng sau khi đã sửa chữa xong theo yêu cầu của Hội đồng”.

Sửa một bộ phim 19 tập “mang yếu tố Trung Hoa” thành “mang bản sắc văn hóa Việt Nam” có thể nói là chuyện hầu như không thể. Cũng như chuyện có thể sửa mũi, nâng ngực ai đó nhưng không thể thay linh hồn của một con người.

Đây là kết cục tất yếu của một lối suy nghĩ, một lối làm ăn coi trọng kinh doanh, tiền bạc… trừ văn hóa! Vì suy nghĩ như thế mà khi đầu tư vào phim để dâng lên ban thờ cha ông ngày Đại lễ ngàn năm, người ta đã không ngần ngại chấp nhận yếu tố “Trung Quốc” từ kịch bản, diễn viên đến trường quay!.

Có báo cho biết: “Đơn vị sản xuất đã rất chú trọng đến điểm đặc biệt của phim là thuê êkíp Trung Quốc sản xuất, từ đạo diễn, hóa trang, phục trang đến trường quay. Như đạo diễn Cận Đức Mậu (đạo diễn của phim truyền hình "Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên"); kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Trường Thành chấp bút và được nhà biên kịch của Trung Quốc là Kha Chung Hòa đảm trách. Gần 700 bộ trang phục cổ cũng được may từ Trung Quốc, thuê cả trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng cũng Trung Quốc”.

Đại lễ một nghìn năm là thiêng liêng, là quan trọng, là cơ hội hiếm hoi để toàn dân tộc Đại Việt – Việt Nam ngẩng cao đầu tự hào về truyến thống dựng nước và giữ nước. Nhìn lại quá khứ là để thấy rõ hơn tương lai. Ngày kỷ niệm của quốc gia hay đơn giản chỉ là ngày giỗ ông bà, con cái có gì “biện” nấy, không phải cỗ cao ba lớp mới là hiếu tử. Đó là truyền thống văn hóa dân tộc. Cha ông một thương hai khó từng dặn dò con nhà nghèo chúng ta là hãy “liệu cơm gắp mắm” đó sao?

Bài học 100 tỷ đồng cho bộ phim “mang yếu tố Trung Hoa” là quá đắt! Chắc chắn rồi sẽ có cuộc giải phẫu xem ai là người chịu trách nhiệm về cuộc thua thiệt cả thể xác lẫn linh hồn này. Nhưng điều quan trọng là những người có trách nhiệm hãy lắng nghe nhân dân. Đó là, chẳng thà không có phim kỷ niệm để xem còn hơn là chiếu một bộ phim như thế lên màn ảnh.

Sông Thao

Nguồn: Danviet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn