Nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đức: "Chúng tôi đã quá chậm"

Đoan Trang

Egon Krenz và cuốn hồi ký Mùa thu Đức 1989 vừa được phát hành ở Việt Nam.

Nhà báo Đoan Trang đúng là có cái Tâm, đi săn và phỏng vấn bằng được ông cựu lãnh tụ của một Đảng mang mơ ước cuối cùng (bị thất thoát) của Karl Marx ngay trên quê hương Cụ.

Nhưng ít nhất có một bạn đọc còn chưa phục tài nhà báo nữ này, vẫn còn thắc mắc như sau:

Một là: Cô chưa làm cách gì để ông cựu lãnh tụ nói ra cách thức làm sao để đất nước ông cứ 50 người dân thì có một nhân viên Stasi (An ninh mật vụ), và tỷ lệ cao chừng ấy cũng vẫn chưa đủ khi xảy đến cái giờ phút Lịch sử mà ai cũng biết.

Hai là: Cô chưa giúp ông bộc lộ được cung cách học tập chăm chỉ và thông mình ra sao mà toàn thể cán bộ trong Chính phủ của ông đều là Giáo sư - Tiến sĩ, một tỷ lệ cao nhất châu Âu và cao nhất loài người (Mỹ cũng thua).

Ba là: sao ông lại chọn thời điểm này mà tới thăm Việt Nam nhỉ? Và đến đây vào lúc này, ông đã nói thật hết lòng mình chưa và có đủ năng  lực để biết hết sự thực chưa nhỉ?

P.T.  

Egon Krenz, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản ở CHDC Đức trước ngày thống nhất, đã nhìn nhận như vậy khi nói về nguyên nhân sụp đổ của CHDC Đức năm 1989.

Năm 1989, trong biến động chung của khối XHCN ở Đông Âu, CHDC Đức sa vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Egon Krenz lên thay thế Eric Honecker làm tổng bí thư, chủ tịch Hội đồng Nhà nước vào ngày 18-10-1989. Ông  hy vọng tiến hành một cuộc đổi mới đảng, cải cách toàn diện đất nước nhưng đã quá muộn. Ngày 6-12-1989, ông buộc phải từ chức.

Nước Đức thống nhất, năm 1999, vị “tổng bí thư 50 ngày” bị kết án tù 6,5 năm, thực tế ở trong trại tù bốn năm. Tòa án cũng nêu rõ rằng nhờ ông mà mùa thu 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu.

Egon Krenz từng nhiều lần sang thăm Việt Nam. Năm nay, ông tới Hà Nội  và đã có cuộc gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết - người bạn mà ông quen từ lần đầu sang Việt Nam, năm 1980. Ông cũng đã dành cho báo chí một cuộc trao đổi về thời khắc lịch sử của nước Đức năm 1989. Dưới đây là các câu hỏi, đáp giữa phóng viên Pháp Luật TP.HCM và ông Egon Krenz. (Trong bài có một câu hỏi của phóng viên Thanh Niên)

. Trong hồi ký, ông viết: “Trong đời tôi không bao giờ phản bội quan điểm XHCN của mình”. Theo ông, trong 40 năm tồn tại, nhà nước CHDC Đức đã làm được những gì cho người dân Đức?

+ Trước thời điểm ra đời của CHDC, ở Đức diễn ra rất nhiều cuộc chiến tranh. 40 năm tồn tại đó là thời kỳ hòa bình của dân tộc Đức, chứng minh một thực tế là trên mảnh đất Đức có thể tồn tại một chế độ khác không phải CNTB. Chế độ ấy hướng đến việc xóa bỏ tình trạng người bóc lột người. Mọi người dân đều được học hành, từ tiểu học tới đại học, tất cả đều miễn phí.

. Ông có thể giải thích ngắn gọn nguyên nhân sụp đổ của CHDC Đức?

+ Có rất nhiều nguyên nhân. Suốt 40 năm, thế giới không có chiến tranh nóng nhưng lại có chiến tranh lạnh. Cá nhân tôi đánh giá nó giống như một đại chiến thế giới lần thứ ba. Lúc nào cũng mấp mé bờ vực xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử. Vào thời điểm đó, ông Gorbachev đã đưa ra chủ trương cải tổ, đó là một ý tưởng tốt. Nhưng các chính trị gia của Mỹ cũng như CHLB Đức thì không hề có ý định từ bỏ chiến tranh lạnh, họ tạo ra những hậu quả rất tiêu cực về kinh tế đối với các nước XHCN ở châu Âu.

Trong khi đó, vai trò lãnh đạo của Liên bang Xô Viết ngày càng yếu dần và sụp đổ không phải vì những cuộc cách mạng mà là sụp đổ từ bên trên. Do nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô mà CHDC Đức sụp đổ, vì nói thẳng ra, CHDC Đức là đứa con của Liên bang Xô Viết. Không có Liên Xô thì CHDC Đức đã không ra đời.

. Ông nghĩ có những điều gì mà ông muốn CHDC Đức năm 1989 làm khác đi?

+ Tôi nghĩ nếu có thể quay lại thời đó thì các chiến lược, sách lược của chúng tôi cần thay đổi để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào hoạt động chính trị. Lẽ ra khi xây dựng nền kinh tế kế hoạch, chúng tôi cũng cần đưa vào đó những yếu tố của kinh tế thị trường, ngay từ thập niên 1960. Lẽ ra chúng tôi tìm những biện pháp mạnh mẽ hơn để tạo cơ hội cho người dân hai bên được tự do đi lại hơn.

. Giả sử đảng cầm quyền ở CHDC Đức ngày ấy tiến hành cải cách đất nước thành công, như ông viết trong hồi ký là “minh bạch, công khai”, “mở rộng dân chủ”, ông có nghĩ tận cùng của sự cải cách ấy sẽ là một nước CHLB Đức thứ hai, theo đường lối TBCN, kinh tế thị trường tự do?

+ Tôi nghĩ rằng không. Cũng giống như hiện nay Việt Nam đang tiến hành cải cách, tôi không nghĩ vì cuộc cải cách ấy mà Việt Nam lại trở thành nước tư bản. Và tôi nghĩ định hướng XHCN, phong cách sống XHCN vẫn là yếu tố quyết định, dù chúng ta đã hội nhập, du nhập vào nhiều yếu tố của kinh tế thị trường.

Khi tiến hành cải cách, không phải chúng tôi xóa bỏ kinh tế kế hoạch mà chúng tôi muốn cải tiến nó, đưa vào các yếu tố thị trường để nền kinh tế kế hoạch đó được thực hiện tốt hơn. Đồng thời, cải cách về chính trị sao cho tinh thần dân chủ trở nên sống động hơn, khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào chính trị.

. Câu hỏi của báo Thanh Niên: Việt Nam cũng từng bị chia cắt và đã thống nhất, trong đó những người cộng sản là bên chiến thắng. Nhưng ở Đức thì khác. Ông có thể chia sẻ tâm thế của một người cộng sản thua cuộc?

+ Đúng là chúng tôi đã thua một cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và trong tương lai, có thể thế hệ trẻ sẽ tiếp tục chiến đấu. Cá nhân tôi cảm thấy rất đau lòng. Những người cộng sản cũ, những người hoàn toàn tin vào lý tưởng XHCN, cho tới giờ phút này, đến cuối cuộc đời mình đã phải thừa nhận họ không thể hiện thực hóa được lý tưởng đó. Việc khiến tôi đau lòng hơn là chính quyền Đức hiện nay luôn thể hiện trước công chúng rằng tất cả những điều Tây Đức mang lại là điều tốt đẹp, những điều Đông Đức mang lại là tội ác và nợ nần.

+ Ông cho rằng Eric Honecker đã không đánh giá đúng tình hình, chậm tiến hành cải cách, nên bị sức ép phải mất chức. Khi lên thay, ông hy vọng tiến hành đổi mới nhưng cũng không kịp. Ông có nghĩ đổi mới cũng phải gắn với tốc độ?

+ Tôi nghĩ đúng như vậy. Khi chúng ta chủ động đối đầu với khó khăn thì sẽ tốt hơn là khi chúng ta chạy đuổi theo tình hình. Sự chuyển giao quyền lực từ Eric Honecker cho tôi đã đến quá chậm. Trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập CHDC Đức, Gorbachev đã nói một câu: “Ai chậm chân sẽ bị cuộc đời trừng phạt”. Sau này ông ấy có giải thích với tôi rằng khi nói câu ấy, không phải ông nhằm ám chỉ CHDC Đức, mà gần như là tự nói với chính mình. Tôi tin là ông ấy nói thật.

Egon Krenz sinh năm 1937, từng là bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Tự do Đức. Từ 1983, là bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), tức đảng cộng sản. Là tổng bí thư Đảng, chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng CHDC Đức từ 18-10 đến 6-12-1989. Bị tù từ 1999 tới 2003. Hiện sống tại thị trấn Dier Hagen thuộc miền đông nước Đức.

Đ. T.

Nguồn: PhapluatTP

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn