Tù mù chuyện trả nợ thay cho Vinashin

Phạm Huyền

clip_image001

 

Rút 300 triệu USD từ trái phiếu quốc tế để trả thay cho Vinashin

 
(VNR500) - Tảng băng ngầm trong những món nợ “tư” đã bắt đầu “nổi” lên và có ít nhất 300 triệu USD nợ của riêng Vinashin đã biến thành “nợ công” của quốc gia.

Bức tranh nợ mù mịt

Việc Chính phủ phải trả nợ thay cho Vinashin đối với cả những khoản vay nằm ngoài bảo lãnh, có lẽ đó là bài học xương máu nhất cho câu chuyện kiểm soát “nợ ngầm”.

Ngày 15/9, Văn phòng Chính phủ ký công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng quyết định cho Vinashin khoản tiền 300 triệu USD để trả nợ. Thật tình cờ, đó cũng là hôm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội “mổ xẻ” về thực trạng nợ công của Việt Nam với các chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, của Ngân hàng Thế giới WB…

Chia sẻ với PV. Diễn đàn VNR500, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh băn khoăn: “Trong “bản khai” trước đây về tình hình vay mượn của Vinashin, chỉ thấy có nói 750 triệu USD vay từ trái phiếu Chính phủ, 600 triệu USD vay thương mại của ngân hàng Thuỵ Sĩ. Bây giờ, lại thấy thêm 300 triệu USD nữa cho Vinashin! Liệu, đó sẽ là khoản “nợ” cuối cùng, hay lâu lâu, lại xuất hiện thêm một khoản nữa? Vinashin chỉ là một trường hợp, còn các trường hợp khác thì sao?”

Bức tranh nợ của Vinashin đến nay xem ra vẫn mù mịt. Cũng phải nói thêm rằng, hai khoản nợ trên của Vinashin đến năm 2015-2016 mới đến thời kỳ đáo hạn. Trong khi, khoản 300 triệu USD này được Chính phủ bảo lãnh cho Vinashin là do áp lực đã đến kỳ phải trả!

Hồi tháng 2/2010, khi công bố kế hoạch sử dụng 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính hoàn toàn không nhắc tới Vinashin. Khi đó, ông Hà khẳng định, nguồn vốn này sẽ dành cho dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một số dự án trọng điểm khác của Tổng công ty lắp máy Lilama, Tổng công ty Sông Đà…

Giờ đây, với quyết định trên của Chính phủ, Vinashin đã ăn “lẹm” vào “miếng bánh” vốn đầu tư của Tập đoàn khác. Và như tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói, “xét cho cùng, Chính phủ giao Bộ Tài chính đi lo trả nợ thì tiền chi trả cho Vinashin cũng là của người dân mà thôi.”

“Phải liệt kê mọi khoản nợ mà Chính phủ định trả thay ra!”, ông Doanh nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm trên, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói: “Rõ ràng, chỉ đạo này chỉ là một trong những việc xử lý tái cơ cấu nợ cho Vinashin. Chỉ có điều, quá trình tái cơ cấu nợ đó phải làm sao cho minh bạch, là một chiến lược công khai, hiệu quả.”

“Chiến lược ấy phải để cho người dân cảm nhận được, vì sao Chính phủ phải trả nợ thay, trả bao nhiêu, trả như thế nào, và việc tái cơ cấu theo cách đó sẽ đảm bảo trong tương lai, Vinashin là một công ty làm ăn được!”, ông Thành nói.

Nợ tư hay “tảng băng chìm”

Từ năm 2005- 2010, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tăng qua các năm. Bình quân 5 năm qua tăng khoảng 40%/năm. Trong đó, nợ trong nước tăng khoảng 42%/năm, nợ nước ngoài tăng khoảng 38%/năm.

Tỷ lệ dư nợ được Chính phủ bảo lãnh so với GDP cũng tăng qua các năm, bình quân ở mức 7% GDP/năm, trong đó, bảo lãnh vay nợ trong nước ở mức 5% GDP/năm và bảo lãnh vay nợ nước ngòai ở mức 2% GDP/năm.

Khối lượng vay vốn nước ngoài được chính phủ bảo lãnh năm 2009 đã ở mức gần 4 tỷ USD, tăng gấp 4 lần mức 0,91 tỷ USD trong năm 2005. Tỷ trọng nợ nước ngoài trong tổng dư nợ của Chính phủ cũng tăng lên mức 14,27% năm 2009, gấp 2 lần mức 6,4% năm 2005.

Có mặt tại cuộc mổ xẻ nợ công của Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội hôm 15/9, không phải ngẫu nhiên mà chính TS. Võ Trí Thành đã “hàm ý” với các chuyên gia nước ngoài: “Nếu xảy ra khủng hoảng do nợ công rồi thì xử lý khủng hoảng thế nào với chi phí thấp nhất? Vì để giải quyết khủng hoảng, sẽ lại là câu chuyện liên quan đến chi tiêu của Nhà nước”.

Ông Thành dẫn chứng: “Năm 1997, nợ công của Việt Nam là tương đối an toàn, không rủi ro như bây giờ. Thế nhưng, vì vay nợ của tư nhân, khủng hoảng L/C trả chậm, cuối cùng Nhà nước đã phải đứng ra, trả tất cả các khoản ấy.

Thời kỳ đó, một loạt ngân hàng phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đặc biệt, Nhà nước đã phải chi hàng trăm triệu USD để cứu Vietcombank. Đó là câu chuyện nợ tư và cuối cùng Chính phủ cũng chết dở vì phải lãnh thay hậu quả”.

Từ đầu năm đến nay, một loạt các Tập đoàn lớn của Việt Nam như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng “đua nhau” lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế lên tới hàng tỷ USD. Tất nhiên, các kế hoạch này đều có mục đích rõ ràng là đầu tư cho dự án trong điểm của ngành năng lượng.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như Chính phủ không nắm được những khoản vay khổng lồ của các “con cưng” ấy? Như các chuyên gia quốc tế nói, dù cho Chính phủ không bảo lãnh nhưng khi các DN lớn gặp khó khăn, Chính phủ sẽ không thể bỏ lơ đi được.

Áp mức trần cho nợ có bảo lãnh của Chính phủ

Nhìn từ câu chuyện nợ nần của Vinashin, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ: “Nếu giờ  không có một thống kê đầy đủ nào về các khoản vay của các doanh nghiệp nhà nước, không biết có bao nhiêu khoản đến kỳ đáo hạn, thì rồi, gánh nợ công của Nhà nước sẽ tăng lên.”

Ông nhấn mạnh: “Chắc chắn, nếu thống kê đầy đủ, con số nợ công sẽ không phải là con số mà Bộ Tài chính đã báo cáo. Cho nên, cần có một quy chế nghiêm ngặt để doanh nghiệp nhà nước đi vay tiền nước ngoài.”

“Một gia đình mà con cái đi vay mượn lung tung cả, rồi cháu chắt cũng vay, vậy thì, ông bà, bố mẹ, trả thay mãi làm sao được”, tiến sĩ Doanh thẳng thắn.

Lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình với việc phải rà soát ngay, đánh giá lại thực trạng các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nuớc, đặc biệt là khoản vay nước ngoài.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, đề xuất: “Tiến tới, sẽ phải siết chặt các điều kiện bảo lãnh nợ của Chính phủ và có thể, phải nghiên cứu để đưa ra mức trần cụ thể cho việc này.”

“Ngoài ra, trong thu chi của Ngân sách Nhà nước, cũng cần nghiên cứu một tỷ lệ rủi ro nhất định liên quan khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh, cơ cấu vào Quĩ  tích luỹ trả nợ hàng năm. Việc này nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng trả nợ trong trường hợp Chính phủ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho doanh nghiệp”, ông nói thêm.

Quốc hội cần kiểm soát những khoản nợ lớn do Chính phủ bảo lãnh

“Vụ Tập đoàn Vinashin là một trong những bài học rất lớn cho việc bảo  lãnh nợ của Chính phủ.

Trước đây, Quốc hội Việt Nam chưa quan tâm lắm đối với đến vấn đề quản lý nợ công. Khi thông qua các kế hoạch ngân sách hàng năm, dự toán và chi tiêu, cũng chỉ chú ý vấn đề vay nợ của Chính phủ liên quan cân đối ngân sách, các vay nợ khác của Chính phủ thì chưa quan tâm.

Gần đây, đối với phát hành Trái phiếu của Chính phủ, Chính phủ mới có báo cáo và thông qua đối với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, chứ không thông qua Quốc hội. Đặc biệt, đối với bảo lãnh của Chính phủ, gần như, Chính phủ tự quyết, tự làm, tự thực hiện chứ không thông qua Quốc hội cũng như không thông qua Thường vụ Quốc hội.

Vì thế, Quốc hội cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn vấn đề nợ công. Đặc biệt là bảo lãnh của Chính phủ, kể cả phát hành trái phiếu kể cả  trái phiếu trong nước, nước ngoài.

Việc Chính phủ bảo lãnh cho ai, như thế nào thì cần có một quy trình phải thông qua Quốc hội, chứ không để tình trạng này, Chính phủ cứ tự tung, tự tác được”.

(Ông Hoàng Thanh Phú, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - ngân sách của QH).

P. H.

Nguồn: VNR500

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn