Trả nợ cho Vinashin từ nguồn trái phiếu quốc tế

Thanh Trúc, phóng viên RFA

FRANCE-BANK-ECONOMY-LOGO-NATIXIS  

Logo của ngân hàng Natixis, một công ty đầu tư và dịch vụ tài chính tại Paris hôm 24/3/2010. AFP PHOTO

 

Chính phủ Việt Nam đang xét việc trích ba trăm triệu đô la từ nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 để thanh toán khoản nợ mà Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đến lúc phải trả cho ngân hàng Natixis của Pháp.

Trái phiếu quốc tế của Việt Nam

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Đào tạo, Giáo dục và Tư vấn Stella Management ở thành phố Hồ Chí Minh, từng nhiều lần góp ý về  nguyên nhân thất bại của Vinashin, kỳ này phân tích những điều hơn thiệt, lợi hại trong việc gánh trách nhiệm thanh toán nợ nần thay cho một tập đoàn công nghiệp mà chính phủ  muốn tái cấu trúc.

GS Hà Tôn Vinh: Ở Việt Nam thì trái phiếu quốc tế được phát hành năm đầu tiên là 2005, sau đó 2007 và bây giờ là 2010.

Trái phiếu chính phủ là công cụ Việt Nam dùng để vay nợ, dùng để kêu gọi vốn, huy động vốn. Trái phiếu đi theo một lãi suất cao thì cái tính hấp dẫn của nó càng cao. Một vài nước thì có lãi suất trái phiếu thấp hơn như là khoảng 5% hay 6%, Việt Nam thì trung bình khoảng 7%.

Sau khi bán thành công trái phiếu năm 2010 thì Việt Nam dùng tiền đó cho dự án ở Dung Quất, nhưng Dung Quất không thể nào dùng hết số tiền một tỷ đô, nên chính phủ dự kiến dùng số tiền còn lại để trả nợ cho ngân hàng Natixis của Pháp.

GS. Hà Tôn Vinh

Trong đợt bán đầu tiên tại New York, vì lãi suất Việt Nam cao nên rất nhiều nhà đầu tư đăng ký mua. Mặc dù chỉ bán khoảng 750 triệu đô tiền trái phiếu thôi nhưng mà những người đăng ký mua lên gấp năm gấp sáu.

Đầu 2010 thì chính phủ Việt Nam lại đưa ra một đợt trái phiếu quốc tế nữa vào khoảng một tỷ thì bán hết ngay tại những thị trường quốc tế, nhất là ở New York. Sau khi bán thành công trái phiếu năm 2010 thì Việt Nam dùng tiền đó cho dự án ở Dung Quất, nhưng Dung Quất không thể nào dùng hết số tiền một tỷ đô, nên chính phủ cũng như Vinashin dự kiến dùng số tiền còn lại để trả nợ cho các tập đoàn ngân hàng đã cho Vinashin vay trong thời gian qua, đặc biệt là ngân hàng Natixis của Pháp. Cái khoản vay đó là ba trăm triệu đô la đã đến ngày phải trả.

Giữ uy tín quốc gia

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, việc Vinashin đề nghị xin khoản trái phiếu quốc tế đó, để trả nợ khoản vay tại ngân hàng Natixis, là một tính toán có lợi, một tính toán mạo hiểm rủi ro hay một tính toán mà lợi bất cập hại?

GS Hà Tôn Vinh: Thứ nhất, việc chính phủ bảo lãnh cho Vinashin hay một số các tập đoàn khác vay tiền các tổ chức tín dụng, các tập đoàn ngân hàng hay là các quĩ, thì khi vay là phải trả. Nếu có sự bảo lãnh của chính phủ thì chính phủ phải trả vì đó là uy tín của chính phủ và uy tín của hệ thống tài chính Việt Nam.

Thứ hai, Vinashin là một tập đoàn nhà nước, mặc dù có thể không có sự bảo lãnh của chính phủ thì Vinashin cũng phải trả hay chính phủ cũng phải trả. Nếu số nợ một  tập đoàn vay mà không trả thì sẽ ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế, làm giảm cái gọi là mức độ tin tưởng vào thị trường và chính phủ. Cho nên trả không phải là vấn đề nữa mà đó là một nhiệm vụ, một nghĩa vụ, một là của chính phủ, hai là của tập đoàn vay nợ là Vinashin.

Nếu có sự bảo lãnh của chính phủ thì chính phủ phải trả vì đó là uy tín của chính phủ và uy tín của hệ thống tài chính Việt Nam.

GS. Hà Tôn Vinh

Điều thứ ba là nợ đó không phải là nợ lớn theo cái nghĩa là so sánh với toàn nền kinh tế. Cái nợ của Natixis khoảng ba trăm triệu thì nó nằm trong khả năng trả được của chính phủ. Hiện thời chính phủ đã bán được khoảng một tỷ đô la tiền trái  phiếu trên thị trường quốc tế vào đầu 2010, và như tôi vừa nói, vì dự án Dung Quất không dùng hết số tiền một tỷ, thì chính phủ dự kiến sẽ dùng số tiền còn lại đó để trả nợ cho Vinashin.

Trả như vậy có ích lợi gì cho Vinashin không? Trả nợ cho ngân hàng là trách nhiệm là nghĩa vụ của chính phủ và của Vinashin. Còn chuyện Vinashin có được dùng số tiền đó không thì tôi không nghĩ số ba trăm triệu đô mà chính phủ định dùng là chi vào cho Vinashin để tái cơ cấu. Cái đó là để trả cho một tập đoàn ngân hàng nước ngoài.

VIETNAM-TRANSPORT-SHIPPING-COMPANY-VINASHIN

Trụ sở Vinashin tại Hà Nội hôm 19/7/2010. AFP photo

Theo tôi biết là chính phủ đã cam kết hay có quyết tâm duy trì và tái cấu trúc hoạt động của Vinashin. Chuyện đó có thành công, có đạt được ý muốn của chính phủ hay không thì còn phải chờ. Đó cũng là một rủi ro cho chính phủ cũng như cho nền kinh tế. Khi một nền kinh tế mà có một số những công ty hay tập đoàn hàng đầu bị khủng hoảng tài chính hay trên bờ phá sản thì vực tập đoàn đó dậy là cả một cam kết rất lớn về chính trị và kinh tế. Việc chính phủ quyết định dùng trái phiếu quốc tế để trả một phần nợ là một quyết tâm để cải tổ Vinashin.

Chính phủ đã chuyển giao rất nhiều hoạt động của Vinashin sang Tập đoàn Dầu khí và Tổng công ty Hàng hải, thì cũng phải chờ xem vấn đề đó có thành công hay không.

Cái rủi ro, theo ý tôi, khi dùng tiền đó để trả nợ thay cho Vinashin, có nghĩa những khoản nợ đó sẽ không được dùng vào những vấn đề phát triển kinh tế khác của xã hội hay của đất nước. Thực tế đó là sự thiệt hại. Vực một tập đoàn như Vinashin trở lại thì tôi không biết cái nhìn của các tổ chức quốc tế về Vinashin sẽ còn như xưa? Việc Vinashin sau này có đi ra vay vốn để hoạt động tôi không chắc đã thành công, chưa chắc các nhà đầu tư còn tin tưởng vào Vinashin. Cũng đã có một số đề nghị là nên cho Vinashin đóng cửa hay thay đổi tên.

Điểm yếu của Vinashin

Thanh Trúc: Tái cấu trúc Vinashin để cho nó hoạt động hữu hiệu thay vì để nó trở thành một gánh nặng, ngoài vấn đề tài chính ra thì phải chăng nhân lực và khả năng điều hành phải là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu thưa ông?

GS Hà Tôn Vinh: Chính phủ đã tìm ra nguyên nhân sự thất bại của Vinashin. Một trong những lý do hàng đầu mà chính phủ nói rất nhiều là sự yếu kém của lãnh đạo Vinashin trong vấn đề quản lý, nhất là quản lý tài chính. Những công cụ để bảo vệ cho Vinashin đã không chặt chẽ. Lấy thí dụ những năm vừa qua chính phủ đã nhiều lần thanh tra Vinashin. Trong mười lần thanh tra thì đều một cách nào đó là không tìm ra, không xác định được căn bệnh của Vinashin.

Chỉ đến khi gần đây thôi, căn bệnh của Vinashin chính nó bùng phát, thì chúng ta mới biết không những là cái yếu kém của Vinashin mà ngay cả cái yếu kém của những cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước.

Đây là sự yếu kém của tất cả những tổ chức trong việc bảo đảm Vinashin hoạt động minh bạch trong tài chính và đúng theo qui định của chính phủ hay đúng theo cái tạm gọi là cơ chế thị trường.

Trong nền kinh tế thị trường thì chúng ta chưa đủ người đủ lực để quản lý những tập đoàn lớn. Nên chuyện Vinashin gặp thất bại hay gặp khó khăn vừa qua là điều đương nhiên và dễ hiểu.

GS. Hà Tôn Vinh

Trở lại một trong những yếu kém là vấn đề đào tạo. Đào tạo không phải một sớm một chiều, không thể nào tự nhiên mà đào tạo một vài con người mà đi vào Vinashin để có thể tái cấu trúc được. Nên tôi nghi ngờ và không mấy tin tưởng rằng việc tái cấu trúc trong thời gian ngắn sẽ thành công.

Tái cấu trúc Vinashin thì vấn đề đào tạo nhân lực tôi nghĩ còn rất là lâu dài. Chính vì thế, đẩy các họat động của các tập đoàn như Vinashin cho phát triển mạnh không có nghĩa là họ sẽ mạnh và sẽ phát triển theo ý của chính phủ. Nó vẫn phải dựa vào thứ nhất là yếu tố con người và nhất là đào tạo vấn đề quản lý tập đoàn. Trong nền kinh tế thị trường thì chúng ta chưa đủ người đủ lực để quản lý những tập đoàn lớn. Nên chuyện Vinashin gặp thất bại hay gặp khó khăn vừa qua là điều đương nhiên và dễ hiểu.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn giáo sư Hà Tôn Vinh.

T. T.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn