Tập đoàn Nhôm Hungary: Một doanh nghiệp thành công, cả xã hội trả giá

Hoàng Linh (từ Hungary)

HUNGARY-ENVIRONMENT-POLLUTION

 

Một người dân ngao ngán nhìn những tàn phá của bùn đỏ trước nhà mình ở ngôi làng Devecser - Ảnh: AFP

 

TT - Có lẽ không bao giờ giới lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.) lại hình dung nổi yếu tố khiến họ giờ đây có thể bị trắng tay không phải là cuộc khủng hoảng tài chính, cũng không phải là sự thất bát trong kinh doanh, mà là một thảm họa sinh thái được coi là “vô tiền khoáng hậu” tại Hungary và trên thế giới.

Có lẽ cần trở lại những thập niên “vàng son” của Hungary trong ngành công nghiệp nhôm.

Quá khứ huy hoàng

Đầu thế kỷ 20, vương quốc Hungary đã có những cơ sở khai thác bôxit và vào năm 1917, 150.000 tấn bôxit đã được chở sang Đức - cường quốc hàng đầu trong công nghệ nhôm ở châu Âu thời kỳ đó - để tiếp tục chế biến thành nhôm tinh chất.

Sau đó, nhận biết được trữ lượng bôxit đáng kể tại Hungary, nhiều nhà tư bản Đức đã đầu tư mở các nhà máy chế biến quặng nhôm và alumin ở nước này. Thế chiến thứ hai chấm dứt, Hiệp định Potsdam cho phép các doanh nghiệp có sở hữu của Đức được chuyển sang cho Liên Xô, và từ đó nền công nghiệp nhôm của Hungary cũng được coi là nguồn chính bồi thường chiến tranh cho Liên Xô.

 

Tính toán sơ bộ cho thấy công nghệ dung hòa chất kiềm trong bùn đỏ loãng tiêu tốn khoảng 100.000 forint (500 USD) cho 1 tấn bùn. Như vậy nếu muốn được an toàn ở mức tương đối, MAL Zrt. cần chi 3.000 tỉ forint cho 30 triệu tấn bùn đỏ trong mười bể chứa. Đây là khoản tiền khổng lồ mà tập đoàn này không bao giờ có khả năng kiếm được.

Trong nhiều thập niên, trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai nước, Hungary trở thành nhà cung cấp alumin cho Liên Xô với định mức hằng năm do Matxcơva ấn định. Ước tính, trong giai đoạn 1926-1995, Hungary đã cung cấp cho Liên Xô gần 88 triệu tấn bôxit, trong đó 70% được khai thác từ các mỏ ngầm dưới lòng đất. Sản lượng bôxit được khai thác nhiều nhất vào năm 1980 (gần 3 triệu tấn, đứng hàng thứ 7 trên thế giới).

Tuy sự hợp tác Hungary - Liên Xô được cho là có hiệu quả về mặt kinh tế quốc dân, nhưng hậu quả của sự phân công lao động thời đó là Hungary phải gánh chịu vài chục triệu mét khối bùn đỏ độc hại được dự trữ lại qua bao năm tháng mà nước này không có điều kiện xử lý nổi, và đó chính là “quả bom sinh thái” hẹn giờ luôn treo lửng lơ trên số phận đất nước này, mà cơn lũ bùn

đỏ vừa qua mới chỉ bộc lộ một phần nào đó.

Vươn lên từ hoang tàn

Đầu thập niên 1990, hiệp định hợp tác giữa Hungary và Liên Xô trong lĩnh vực chế biến bôxit và nhôm hết thời hiệu và không được gia hạn. Hungary cũng mất đi một đơn hàng lớn. Đồng thời giá năng lượng tăng đáng kể và giá nhôm giảm nhiều do trữ lượng bôxit lớn được phát hiện tại Nam Mỹ. Công nghiệp nhôm Hungary rơi vào thế ngắc ngoải.

Tuy nhiên, khác với những ngành công nghiệp khác, Tổng công ty Nhôm Hungary (MAT) - quy tụ tất cả các đơn vị sản xuất và chế biến bôxit, alumin và nhôm của Hungary - đã không bị tư hữu hóa ngay mà theo một quyết định chính trị của nội các Hungary thời kỳ 1990-1995, nó đã được “ổn định hóa bằng những phương tiện ít tốn kém cho ngân sách quốc gia”. Dù vậy, cho đến năm 1993, với sự hà hơi tiếp sức của mọi nguồn hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp nhà nước này vẫn nợ chồng chất với khoản nợ khổng lồ 10 tỉ forint.

Trong thực tế, với thời gian, MAT đã được xé nhỏ thành nhiều mảnh để tự chòi đạp qua ngày. Năm 1995, một phần đáng kể của MAT rơi vào tay MAL Zrt. do một nhóm ba doanh nhân lập ra.

Đến nay, bộ “tam mã” này vẫn giữ vai trò chi phối và sở hữu chính trong MAL Zrt.. Họ trở thành các doanh nhân có tài sản lớn trong bảng xếp hạng năm nay của tờ Nhật Báo Kinh Tế.

Tiếp nhận một di sản bên bờ sụp đổ của nền công nghiệp nhôm Hungary, khéo léo tận dụng những cơ hội và cả những kẽ hở trong tư hữu hóa, 15 năm qua các lãnh đạo chủ chốt của MAL Zrt. đã biến tập đoàn này trở thành doanh nghiệp chiếm 12% thị phần châu Âu và 4% thị phần thế giới về công nghiệp chế biến bôxit và nhôm.

MAL Zrt. trở thành m ột doanh nghiệp có doanh thu lớn, đóng nhiều thuế cho nhà nước, hàng chục ngàn công nhân có công ăn việc làm và trong những năm qua đã cứu nền công nghiệp nhôm Hungary từ đống hoang tàn.

Hiểm họa môi trường

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra: trong khi nguồn bôxit tại Hungary đã gần như cạn kiệt, giá năng lượng tăng vọt thì khả năng cạnh tranh của MAL Zrt. trong công nghiệp nhôm thế giới từ đâu mà có? Câu trả lời, như phân tích của một số chuyên gia, là ở chỗ Hungary chưa có những quy định và chế tài chặt chẽ về xử lý chất thải công nghiệp.

MAL Zrt. đã được nhà nước Hungary tạo mọi điều kiện thuận lợi như được mua điện với giá rẻ, được ưu đãi trong hoạt động, đổi lại tập đoàn này chỉ phải cam kết sẽ tuân thủ những bổn phận về môi trường.

Thế nhưng, như sự cố tràn bùn đỏ vừa qua cho thấy với sự tồn tại của hệ thống bể chứa như hiện nay, những hiểm họa vẫn tiếp tục tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

H. L.

Nguồn: tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn