"Dự án bauxite chưa tính đến nứt đất, lũ bùn đá"

clip_image003

 

"Dự án bauxite Tây Nguyên tôi nghĩ, rủi ro là rất lớn"

 

"Chúng ta có khoảng 6 tỷ  tấn bauxite. Chúng ta cần phải trở thành cường quốc sản xuất alumin và nhôm. Vì thế, triển khai dự  án thử nghiệm là điều cần làm. Nhưng đừng làm theo kiểu đào đất kiếm tiền...", PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam chia sẻ với KH&ĐS.

Chưa tính đến nứt đất và hậu phun trào núi lửa

Một lần nữa bauxite Tây Nguyên lại trở thành chủ đề "nóng". Cũng một lần nữa, Tập đoàn Than - Khoáng sản (TKV), chủ đầu tư tái khẳng định, công nghệ hoàn hảo và rủi ro về bùn đỏ là cực thấp, với cá nhân ông, ông nghĩ gì về rủi ro của dự án này?

Doanh nghiệp bao giờ cũng nói tốt về họ. Họ luôn nói mọi thứ là  hoàn hảo. Hunggari là một trường hợp điển hình cho cái gọi là "hoàn hảo". Đối với dự án bauxite Tây Nguyên tôi nghĩ, rủi ro là rất lớn.

Thứ nhất là về  địa động lực của Tây Nguyên. Hoạt động nâng trồi kéo theo hoạt động đứt gãy mà chủ yếu là đứt gãy thuận (tách mở) đã khiến cho vùng đất này không bình yên như người ta vẫn tưởng. Ở vùng này, có những biến động như nước sủi lên, đất sụt xuống, khói phì lên từ lòng đất. Thứ hai, Tây Nguyên có đặc điểm là mưa xối xả trong thời gian ngắn. Thứ ba, hồ bùn đỏ chôn lâu dài. Người ta cam đoan sẽ vận hành đúng, kiểm tra thường xuyên, đấy là bây giờ. Nhưng liệu 10 - 20 năm nữa, con cháu chúng ta có "trông coi" những hồ bùn đỏ đấy không. Mà bùn đỏ có đặc điểm là mịn, khó lắng. Cứ thử tưởng tượng một thứ khó lắng, chôn lâu ở một vùng đất đang "cựa quậy", độ cao lớn lại hay có mưa lớn thì sẽ thế nào.

Đại diện của chủ đầu tư có nói rằng không nên lo lắng, bởi hồ bùn đỏ có khả năng chịu được động đất cấp 6 - 7?

Đúng. Tây Nguyên là vùng đang nâng trồi,  tất nhiên ít có khả năng xảy ra động đất mạnh trên 6 độ richter. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, động đất ở Tây Nguyên không mạnh nhưng nứt đất ngầm do các khối đá trượt êm không động đất tạo ra rất dữ dội. Đó là vùng đang nâng trồi rất nhanh, hoạt động đứt gãy, nứt đất ngầm và hậu phun trào núi lửa khá rõ rệt. Cần nghiên cứu kỹ hơn và tính toán đặc điểm này nếu muốn xây các hồ bùn đỏ khổng lồ trên Tây Nguyên.

Nhưng đại diện của TKV cũng nói rằng, ngay cả trường hợp xấu nhất là vỡ, thì hồ chứa đã được xây dựng theo kiểu nhiều ngăn. Vì thế khó mà thoát ra ngoài được?

Họ không nghĩ rằng, khi một ngăn đã vỡ thì rất có thể sẽ kéo theo những ngăn khác cũng vỡ theo sao. Nếu các ngăn ở phía trên vỡ bùn đỏ sẽ ồ ạt chảy xuống và phá vỡ các ngăn ở phía dưới.

Vậy cách tốt nhất là phải làm gì với các hồ bùn đỏ?

Với Việt Nam, cách khôn ngoan nhất là chuyển quặng bauxite được khai thác và làm giàu từ Tây Nguyên xuống ven biển Bình Thuận để chế tác alumin đồng thời chôn bùn đỏ ở gần biển. Nếu có rủi ro không mong đợi với các hồ chôn bùn đỏ ở đây, lượng nước biển khổng lồ có khả năng trung hòa, làm giảm tính độc hại của bùn đỏ. Người ta cho rằng, làm đường ống tốn kém. Nhưng thực tế làm ống không tốn kém bằng việc làm đường, nhất là đường sắt. Bauxite được khai thác ở Tây Nguyên, tuyển rửa, rồi được đưa  theo đường ống xuống Bình Thuận. Cách này vừa rẻ, vừa hợp lý, vừa an toàn. Nếu làm cách này, tôi nghĩ giới khoa học đã không phản ứng gay gắt như thế.

Nguy cơ lũ bùn đá cũng chưa được "ngó" tới

Ngoài vấn đề bùn đỏ, ông thấy có còn gì đáng lo ngại nữa không?

Có. Đấy là nguy cơ  đất đá mềm bở do khai thác bauxite và bùn đuôi quặng thải ra sau khi tuyển lấy bauxite sẽ bị xói mòn rửa trôi, có thể sẽ nhanh chóng bồi nông lòng hồ các thủy điện và có thể giết chết sớm các nhà máy thủy điện. Bauxite Tây Nguyên là phần tàn dư của vỏ phong hóa laterit trên đá basalt được hình thành từ nhiều triệu năm, khác hẳn loại bauxite tái trầm tích nằm xen trong các tầng đá vôi ở Hà Giang, Lạng Sơn và Nam Trung Quốc.

Khi khai thác bauxite, chúng ta sẽ bóc mất lớp xương cứng đi, địa hình trở lên nham nhở với lớp đất đá mềm bở và bùn thải (lớp đất - đá - bùn thải tương đương hoặc gấp đôi khối lượng bauxite được khai thác). Mưa xuống, sẽ cuốn trôi lớp đất - đá - bùn mềm bở. Sức tàn phá của nó có thể giống như những trận lũ quét, lấp đầy các hồ thủy điện trong hệ thống sông Đồng Nai và Srepok, làm ngắn cuộc đời trước hết là của các hồ thủy điện.

clip_image004

"Quy mô 600.000 tấn alumin/năm/dự án như bây giờ thì không thể coi là dự án thử nghiệm"

Liệu chúng ta có thể  hoàn thổ, trồng cây trên các vùng đất ấy, cây sẽ  giúp cản trở việc trượt lở đất?

Hoàn thổ chỉ là mỹ từ của doanh nghiệp đưa ra. Thực tế, rất khó và rất tốn kém để hoàn thổ. Tôi đã từng đến khu khai thác bauxite ở Bảo Lộc rộng 36ha, nhưng chỉ hoàn thổ được 2h. Chỗ đất bị bỏ lại sau khai thác, giàu Al và Fe nên rất khó hoặc thậm chí chẳng thể trồng bất cứ cây gì, trừ cây trinh nữ đầm lầy (còn gọi là cây mai dương), vốn là cây ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam. Chúng ta phải nhớ rằng, ở Tây Nguyên chúng ta khai thác theo chiều rộng, kiểu tằm ăn lá dâu, làm xong chỗ này thì sẽ làm tiếp chỗ khác. Kiểu này, chẳng mấy chốc Tây Nguyên sẽ trở thành một hoang mạc.

Phải thành "học viện bauxite-alumin-nhôm"

Nói như thế, những luận cứ khoa học mà TKV đưa ra dường như chưa  đủ thuyết phục?
Đúng. Không thuyết phục từ hiệu quả kinh tế đến môi trường.

Nhiều nhà khoa học đang kiến nghị dừng dự án bauxite, cá nhân  ông nghĩ sao về vấn đề này?
Việt Nam có khoảng 6 tỷ tấn bauxite. Tôi cho rằng, trong tương lai Việt Nam cần phải trở thành cường quốc về bauxite-alumin-nhôm. Nếu làm được điều đó chúng ta phải sớm có  những thử nghiệm. TKV nói là dự án thử  nghiệm, nhưng tất cả những cái gì đang thể hiện cho thấy, đấy là một dự án khai thác trước hết cho mục tiêu kinh tế. Làm cách đấy còn lâu mới thành cường quốc được.

Theo ông phải làm gì?

Phải tuân thủ các nguyên tắc khoa học của dự án thử nghiệm theo đúng nghĩa. Hãy biến nó thành "học viện" bauxite- alumin-nhôm" để vừa làm vừa đào tạo nguồn nhân lực, vừa làm chủ công nghệ và quản lý, vừa học và tìm ra các cách ứng phó rủi ro mà bây giờ chưa thể xác định rõ. Quy mô 300.000 tấn alumin/năm/1 dự án là phù hợp với thử nghiệm. Quy mô 600.000 tấn alumin/năm/dự án như bây giờ thì không thể coi là dự án thử nghiệm, đấy là khai thác mất rồi!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Khu vực Tây Nguyên tiền sử  đã từng có núi lửa hoạt động (năm 1923 vẫn còn hoạt động ở ngoài khơi Bình Thuận). Trong hàng nghìn năm nữa, ở đây, bất kể lúc nào, lòng đất cũng có thể nứt toác, phun khói trào nước. Năm 1998, vùng gần núi lửa Chư H’drung (còn gọi là núi Hàm Rồng gần TP Pleiku) bỗng nhiên xuất hiện những vết nứt dài, khói bụi phun lên, còn đất sụt xuống đến vài mét.

Khoảng năm 1999, xã Eapô, huyện Cưjut, Đăk Lăk đang yên lành bỗng nước ngầm trào lên dữ dội, làm ngập úng một diện tích gần 200ha trong thời gian gần nửa năm. Những biểu hiện địa động lực trên cho thấy vùng đất Tây Nguyên vẫn đang cựa quậy.


Hoa An

(thực hiện)

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn