Quyền lực tập đoàn kinh tế

Tư Giang

clip_image002

Tập đoàn kinh tế phải chịu sự giám sát của các đại biểu quốc hội đại diện cho quyền lợi và mối quan tâm của người dân là một nghĩa vụ và trách nhiệm đã được thể chế hoá. Ảnh minh hoạ. Ảnh: TL SGTT

 

SGTT.VN - Một ngày trước khi khai mạc kỳ họp quốc hội diễn ra, các vị đại biểu được dẫn đầu bởi phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã tổ chức một buổi gặp với một số thành viên chính phủ để xem lại báo cáo nghiệm thu dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đã có không ít ý kiến, cả khen và chê, từ các đại biểu quốc hội lẫn đại diện của các cơ quan chính phủ về dự án trọng điểm quốc gia kéo dài tới 13 năm này. Đó là điều bình thường trong chức năng giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, chủ tịch tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ông Đinh La Thăng lại phản ứng ra mặt. Theo tường thuật của báo điện tử VnExpress tham dự phiên thảo luận này, ông Thăng cho rằng các đại biểu đến để nghe báo cáo chứ không phải đến để phản đối bản báo cáo này vì nó đã được Thủ tướng duyệt. Ông cảnh báo: “Các bộ ngành đã đồng ý giờ đến đây để phản biện là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần có ý kiến nhắc nhở các đơn vị có ý kiến phản đối trong cuộc họp này”. Vẫn theo tường trình của báo chí, ông Thăng nói: “Quả thật, một bản báo cáo không thể thoả mãn mấy trăm đại biểu được”.

Phát biểu của ông chủ tịch, quả thật là rất bất ngờ. Ông đang quản lý một tập đoàn nhà nước thuộc sở hữu toàn dân, theo quy định của Hiến pháp, chứ không phải một doanh nghiệp bằng tiền túi. Vì lẽ đó, chịu sự giám sát của các vị đại biểu quốc hội đại diện cho quyền lợi và mối quan tâm của người dân là một nghĩa vụ và trách nhiệm đã được thể chế hoá. Khi “mắng” các vị đại biểu là “không thể chấp nhận được”, chắc chắn ông chủ tịch tập đoàn không quên một việc: ông đang là một uỷ viên trung ương đương nhiệm. Chí ít, chẳng có ai ngoài bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là có vị trí như ông trong cuộc họp. Vì lẽ đó, câu chuyện PVN đang cần ý kiến của Quốc hội trong kỳ họp này để có thể giữ lại 3.500 tỉ đồng, thay vì nộp ngân sách nhà nước trong năm tài khoá 2011 sẽ không còn mấy quan trọng? Lý do là kế hoạch đó chắc sẽ được thông qua.

Câu chuyện trên, dù nó liên quan đến các vị đại biểu quốc hội, và cả bộ trưởng phụ trách ngành, dẫu sao cũng chỉ là lời nói. Không ít lãnh đạo các tập đoàn đã thể hiện quyền lực của mình bằng hành động với ngay cả bộ máy nhà nước và các thành viên của Chính phủ. Câu chuyện mà bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc kể trước Quốc hội cho thấy điều đó. Vào hạ tuần tháng 7.2008, bộ này thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra giám sát việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình không cần thiết tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Đó là hành động kiên quyết của Chính phủ để chống lại lạm phát đang gia tăng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn dân. Tuy nhiên, vẫn theo lời bộ trưởng, sáu đoàn đến địa phương hoạt động rất tốt, còn đoàn làm việc với tập đoàn doanh nghiệp nhà nước thì khác. Ông Phúc kể lại: “Nhiệm vụ thực hiện rất khó khăn, thậm chí có tập đoàn không tiếp đoàn kiểm tra của bộ. Chúng tôi nói đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thế là các vị đưa luật ra”.

Thực ra, đó mới chỉ là phần nổi của câu chuyện. Kết thúc cuộc giám sát chưa từng có đó, các tập đoàn tổng công ty nhà nước đã cam kết hoãn, giảm, cắt bớt gần 30.000 tỉ đồng đầu tư. Tuy nhiên, cam kết đó chỉ là trên giấy: các báo cáo về tài chính của Chính phủ trước Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2008 cho thấy thực tế đó. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được xác định là “đầu tàu” đã không thực hiện nhiệm vụ “dẫn dắt” nền kinh tế: khi người dân, các doanh nghiệp khác, và thậm chí là cả Nhà nước phải thắt lưng buộc bụng để kiềm chế lạm phát, thì họ vẫn không thôi tung tiền đầu tư.

 

Tại sao không ban hành cơ chế điều hành chung để các tập đoàn kinh tế họ hoạt động theo pháp luật?” Trả lời những câu hỏi đó là trách nhiệm không phải của riêng chính phủ, mà cả Quốc hội.

Theo lời của bộ trưởng Phúc, chủ tịch hội đồng quản trị hoặc hội đồng quản trị uỷ quyền cho tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án không quá 50% vốn trên sổ sách của tập đoàn, tổng công ty. Tập đoàn Vinashin hiện nay vốn có đến 113.000 tỉ đồng theo sổ sách thì họ có thể quyết định đầu tư đến một nửa số tiền đó, tức là quy mô lớn hơn cả các dự án đặc biệt quan trọng phải trình Quốc hội. Giải thích của bộ trưởng Phúc, dù chưa chắc đã hoàn toàn chính xác, cho thấy một sự thật: quyền lực của chủ tịch tập đoàn đã vượt ra ngoài thẩm quyền của chính Quốc hội.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng than thở về vụ Vinashin sau khi đã phá sản với số tiền ước tính 100.000 tỉ đồng: “Chúng tôi không có đầy đủ thông tin,… dẫn đến bộ máy hành chính của bộ không biết đi kiểm tra cái gì để phát hiện kịp thời. Bộ gặp khó khăn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước”. Ông lý giải việc này với Quốc hội: “Thủ tướng và Chính phủ thực hiện quyền tập trung quản lý Nhà nước và tập trung quyền chủ sở hữu của Nhà nước đối với tập đoàn”. Đó là một lời giải thích ngắn gọn và xác đáng nhất về quyền lực của các tập đoàn kinh tế.

Đến nay, 12 trên tổng số 19 tổng công ty 91 đã được nâng cấp thành tập đoàn kinh tế, cho dù Nhà nước vẫn cho rằng đang trong quá trình thí điểm. Cuối năm 2009, Quốc hội ra nghị quyết số 42 yêu cầu Chính phủ tổng kết việc thí điểm này, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa có báo cáo. Đại biểu Lê Thị Nga tổng kết: “Tập đoàn kinh tế nhà nước không có tư cách pháp nhân, nhưng trên thực tế đã trở thành siêu pháp nhân. Nhiều tập đoàn kinh tế đã biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp”. Đại biểu Phạm Thị Loan thẳng thắn hơn: “Thủ tướng đang trực tiếp quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vậy. Tại sao Thủ tướng vẫn trăm công nghìn việc điều hành chung đất nước mà lại còn trực tiếp quản lý, điều hành các tập đoàn, tổng công ty này? Tại sao không ban hành cơ chế điều hành chung để họ hoạt động theo pháp luật?”. Trả lời những câu hỏi đó là trách nhiệm không phải của riêng Chính phủ, mà cả Quốc hội.

T. G.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn