Vinashin cũ và mới: Trách nhiệm và minh bạch hoá

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Đại biểu QH khóa IX, X, XI

clip_image001

 

Cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 8 về Vinashin (ảnh báo Công thương)

 

(VEF) - Qua sự cố Vinashin, người dân nhìn chung chưa yên tâm với hoạt động hiện nay của rất nhiều DNNN, và yêu cầu cần có một sự quản lý công khai, minh bạch các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước xem là chủ đạo, những "anh cả đỏ" của nền kinh tế.

I.

Như vậy là trong những ngày đầu tháng 11/2010 này, sẽ có một Vinashin mới theo thông báo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ông cho biết, quá trình cơ cấu lại Vinashin gặp khó khăn do tính mất cân đối nghiêm trọng của tập đoàn kinh tế nhà nước này. Có lẽ vì vậy, lần này ông không đưa ra một mốc thời gian nào.

Tuy nhiên, Vinashin mới, theo ông, "sẽ đóng vai trò chủ lực, đóng và sửa chữa những con tàu lớn" bởi mục tiêu lâu dài không thể bỏ trống công nghiệp đóng tàu được.

Ông phân tích: "Việt Nam có thế mạnh về biển, mà biển đi đầu là hàng hải chứ không phải là khai thác dầu khí. Khai thác tài nguyên rồi thì cũng hết!"(1).

Ôn chuyện cũ để suy ngẫm về cái mới. Xin nhắc lại một số quyết định và tuyên bố của Bộ Tài chính (khi ông còn là Bộ trưởng) và của ông gần đây về Vinashin.

+ Ngày 4/11/2005, Thứ trưởng Tài chính Lê Thị Băng Tâm cho biết 750 triệu USD sẽ được chuyển về Việt Nam, Bộ Tài chính ngay sau đó sẽ ký hợp đồng uỷ thác toàn bộ cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (Vinashin) và giám sát chặt chẽ tiến trình sử dụng vốn.

Bà còn cho biết, Tổng công ty Điện lực EVN cũng xin sử dụng một phần trong khoản vay 750 triệu USD, song do doanh nghiệp này chưa có công ty tài chính, vốn rót về không được quay vòng ngay nên Bộ Tài chính quyết định uỷ thác toàn bộ cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ.

Cơ sở để Chính phủ đi vay nợ và trao cho Vinashin là Tổng công ty này đã có được hợp đồng đóng tàu đến hết năm 2012. "Phát hành trái phiếu để sử dụng và có phương án trả nợ rõ ràng thì không sao, vay để cấp cho ngân sách thì các nhà đầu tư mới lo ngại", bà nói.

+ Có lẽ nhờ có sự "giám sát chặt chẽ tiến trình sử dụng vốn" trong các năm qua nên ngày 08/06/2010, trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, trước những ý kiến lo ngại về hiệu quả kinh doanh tại Tập đoàn Vinashin, trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Thủ tướng cười: "Tôi thì vẫn chưa lo".

+ Trong cuộc họp báo ngày 04/08/2010, Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết rất rành rọt "Tính toán đến 2012 có thể hết lỗ, năm 2013-2014 sẽ bắt đầu có lãi và năm 2015 sẽ ổn định một Vinashin mới. Chỉ làm đóng tàu, phụ trợ và đào tạo thiết kế".

Cử tri xin chúc Ban chỉ đạo thành công trong việc tái cơ cấu Vinashin và xin nhắc rằng, một trong những yêu tố để thành công là không được chủ quan duy ý chí, khẳng định một việc gì thì phải có căn cứ và cơ sở khoa học.

II.

Trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng đã nhận trách nhiệm của Chính phủ trong việc để tập đoàn Vinashin lâm vào tình trạng hiện nay. Nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chưa đủ và cần chỉ ra các địa chỉ trách nhiệm cụ thể hơn. Điều này là cần thiết cho tương lai.

Những sự việc và tuyên bố được nhắc lại trên đây cho thấy trách nhiệm của Bộ Tài chính như là cơ quan quản lý nhà nước về ngân sách và tài sản nhà nước, cơ quan phát hành trái phiếu Chính phủ, đồng thời là cơ quan cấp trên của Ủy ban Chứng khoán nhà nước.(2)

Để cho Vinashin tự tung tự tác với trái phiếu Chính phủ vay từ bên ngoài, trách nhiệm của Bộ Tài chính là không thể lẩn tránh.

clip_image002

Một con tàu Vinashin nhìn hoen gỉ và xuống cấp (ảnh marinetraffic)

Nhắc lại những câu chuyện cũ còn cho thấy sự quản lý nhà nước chủ quan và lỏng lẻo đến khó hiểu đối với một khoản tiền khổng lồ được ủy thác một cách dễ dàng cho một tập đoàn mà bây giờ mới thấy là từ mục tiêu, chiến lược, quy hoạch phát triển đến điều lệ, cơ cấu tổ chức chỉ là trên giấy hoặc đầy lỗ hổng.

Và điều đáng lo ngại hơn là có gì bảo đảm rằng, cách quản lý này đang không vận hành đối với những tập đoàn và tổng công ty nhà nước khác.

Người dân, những người đóng thuế cho ngân sách nhà nước, những người sẽ phải trả những khoản nợ mà Chính phủ bảo lãnh do các tập đoàn như Vinashin gây ra, nhìn chung chưa yên tâm với hoạt động hiện nay của rất nhiều doanh nghiệp nhà nước, và yêu cầu cần có một sự quản lý công khai, minh bạch các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước xem là chủ đạo, những "anh cả đỏ" của nền kinh tế.

Các đại biểu Quốc hội hoàn toàn có lý khi đặt câu hỏi là ngoài lãnh đạo Vinashin ra còn có những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của tập đoàn này, và mặt khác yêu cầu Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời để giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước nhằm ngăn ngừa, thậm chí phát hiện trước khi muộn hơn, những "Vinashin khác".

Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri đều nhận thức được sự cần thiết phải có các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhưng phải là những tập đoàn trong sạch, vững mạnh làm ăn có hiệu quả trên cùng một mặt bằng pháp lý với các doanh nghiệp khác.

Nếu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không tự đứng vững được, đi đến phá sản, hoặc đi vào suy thoái, biến chất, trách nhiệm trước tiên thuộc về các tổ chức này.

Nhưng trách nhiệm trên hết thuộc về những thiết chế đã khai sinh ra các tập đoàn, đã chậm quy định một khung khổ hoạt động rõ ràng và minh bạch đã được tổng kết, và đã bổ nhiệm những cán bộ chủ chốt thoái hóa.

Nói đến cơ chế, chính sách là nói đến trách nhiệm của lập pháp. Cử tri mong rằng Quốc hội, sẽ góp phần tích cực nhất (1) vào việc minh bạch hóa quy định giữa nhiệm vụ chính trị xã hội và nhiệm vụ kinh doanh, thông qua các văn bản pháp quy cần sớm được xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung; (2) vào việc giám sát một cách chặt chẽ nhằm thúc đẩy công khai hóa, minh bạch hóa lĩnh vực kinh tế Nhà nước.

N. N. T.
________________________

Chú giải của tác giả:

[1] Lý lẽ này vô cùng chính xác và sâu sắc. Giá mà ông cũng nhớ cho là các tài nguyên khác như than đá, bô-xít... cũng thế thì hạnh phúc cho đất nước biết mấy!
[2] Việc quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính đã được nhiều đại biểu Quốc hội khóa XI cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của cách điều hành này. Tiếc thay, Quốc hội vẫn chấp nhận sự kiêm nhiệm chức năng bằng cách thông qua Luật Chứng khoán 2006.

Nguồn: Vnr500

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn