Thư giãn Chủ nhật: Kadhafi, nhà độc tài hết thời sau hơn 40 năm cai trị sắt máu

Tú Anh

clip_image001  

Một người đàn ông với khẩu súng lục trên chiếc xe tăng quân đội để lại tại thành phố Shahat.

REUTERS/Goran Tomasevic

 

Chế độ Jamahiriya, có nghĩa là "nhà nước quần chúng", là một chế độ do Trung úy Kadhafi, tự phong Đại tá, sáng chế ra sau cuộc đảo chính năm 1969. Chế độ này, thực chất là chế độ phong kiến dựa trên mô hình «minh chủ - chư hầu» , tồn tại được là dựa trên lòng trung thành của các bộ tộc. Nhưng chất keo này đã tan rã khi chính quyền trung ương sử dụng lính đánh thuê đàn áp trong biển máu phong trào phản kháng, mà nòng cốt là giới trẻ, theo gương Tunisia và Ai Cập, muốn lật qua trang sử độc tài, tham ô và bất công xã hội. Thái độ chống trả bằng mọi giá của Kadhafi có nguy cơ đưa đất nước giàu dầu khí này vào nội chiến và chia cắt lãnh thổ làm đôi.

Từ khi cách mạng Hoa lài bùng dậy tại Tunisia và lan rộng khắp Bắc Phi và Trung Đông, các nhà độc tài trong khu vực đã có những phản ứng khác nhau. Ben Ali của Tunisia đã bỏ chạy thật sớm, còn Tổng thống Ai Cập Mubarak chỉ ra đi sau khi một loạt biện pháp ứng phó để kéo dài thời gian nhằm tìm kiếm các biện pháp cứu vãn tình thế không có kết quả. Cả hai nhà độc tài này này thất thế, vì bị quân đội bỏ rơi vào lúc phong trào phản kháng dâng lên cao nhất.

Có lẽ rút tỉa từ hai bài học này, Đại tá Kadhafi của Libya đã chọn thái độ quyết liệt nhất. Trước các cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng, lãnh đạo Libya sử dụng máy bay oanh tạc và lính đánh thuê đàn áp.

Hôm qua, lần đầu tiên chính quyền công bố con số nạn nhân sau hơn một tuần nổi dậy: 300 người chết trong đó có 58 quân nhân.

Trên thực địa, phong trào đối lập liên tục thắng thế. Những thành phố lớn ở miền Đông từ Benghazi đến Al- Baida và Tobrouk lần lược được «giải phóng».

Theo các hãng thông tấn và truyền hình nước ngoài, các «ủy ban nhân dân», cột trụ của chính quyền trung ương tại địa phương, đã bỏ trốn. Nhiều sĩ quan, binh sĩ đào ngũ mang súng đi theo phong trào biểu tình và cung cấp vũ khí cho dân chúng.

Trên thượng tầng lãnh đạo, hai Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ từ chức. Ở nước ngoài, Đại sứ Libya đào nhiệm hàng loạt như hiệu ứng domino.

«Guồng máy cầm quyền tan rã»

Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 1969, Trung úy Kadhafi tự xưng Đại tá và ước mơ làm chúa tể châu Phi. Tham vọng bất thành vì không một nước nào trong vùng chấp nhận.

Tại Libya, chế độ gọi là «cộng hòa nhân dân tập thể» Jamahiriya do Kadhafi sáng chế ra theo nguyên tắc: người dân trực tiếp điều hành việc nước thông qua các "ủy ban nhân dân" địa phương và trên thượng tầng là "Đại hội nhân dân toàn quốc".

Trong mô hình này, Kahdafi chỉ đóng vai trò một «cố vấn chỉ đạo». Từ 40 năm qua, để ru ngủ người dân, thường xuyên ông tung ra những lời hứa hẹn nào là sắp «dẹp bỏ thành phần công chức, hủy bỏ các bộ, rồi sẽ trực tiếp phân phối lợi nhuận xuất khẩu dầu hỏa đến từng người dân». Những lời hứa này, ngày nay dân chúng đều biết là dối trá. Phần lớn tài sản của quốc gia xuất khẩu dầu hỏa đứng hàng thứ tư tại châu Phi đều nằm trong tay gia đình của lãnh đạo tối cao.

Bộ máy chính quyền tại Libya dựa trên ba định chế: thứ nhất là Đại hội nhân dân toàn quốc, thứ hai là các «ủy ban nhân dân» địa phương, và thứ ba là quân đội và «hội đồng cách mạng».

Nhưng, trên thực tế, các ủy ban nhân dân không có thực quyền, tuy mang tiếng là chính quyền địa phương. Kahdafi cũng không tin vào bất cứ một định chế nào kể cả quân đội mà chỉ dựa vào các «hội đồng cách mạng», lực lượng lính đánh thuê, vệ binh và công an chính trị, bao gồm khoảng 70 ngàn người nằm dưới sự chỉ huy của một số người con trai.

«Hội đồng cách mạng» là một tổ chức dân quân theo kiểu Liên Xô cũ, kiểm soát các «ủy ban nhân dân». Nhưng «hội đồng cách mạng» cũng không có thực quyền, do chính sách «chia để trị» của «lãnh đạo tối cao».

Rất khó mà hiểu được chế độ Kahdafi. Theo hai chuyên gia Pháp François Burgat và André Laronde, Kadhafi là một kẻ đa nghi. Xuất kỳ bất ý, ông ta sẵn sàng thay đổi rất nhanh, khi thì dựa trên một định chế này, khi thì dựa vào một định chế khác, để khống chế hai định chế còn lại, trong ba định chế chính thức của chính quyền Libya kể trên.

Ngoài ra, Kadhafi còn sử dụng lá bài bộ tộc, mua chuộc bằng tiền bạc, chức tước để củng cố chế độ gia đình trị. Ngược lại, các bộ tộc cũng xâm nhập sâu vào các định chế. Tại Libya, thế lực của các bộ tộc càng to lớn hơn và thành viên chỉ tuân lệnh tộc trưởng, chứ không nghe theo lệnh nhà nước, vì… bản thân nhà nước, theo quan điểm của nhà độc tài Kadhafi, "không có quyền hiện hữu".

Từ khi phong trào phản kháng lây lan, các bộ tộc quay lưng lại với «cố vấn chỉ đạo» Kadhafi, cùng lúc với hàng loạt Bộ trưởng, sĩ quan và đại diện ngoại giao từ nhiệm.

Giáo sĩ có uy tín hàng đầu tại Libya, Yussef Al Qardaoui kêu gọi quân đội bất tuân lệnh «giết dân» của Kadhafi. Vị Giáo sĩ này đã ban thánh lệnh và kêu gọi quân đội «hạ sát» nhà lãnh đạo bất xứng này.

Cùng lúc đó, tộc trưởng bộ tộc hùng mạnh Al-Warfalla tuyên bố «không xem Kadhafi là anh em» nữa, rút lời cam kết bảo vệ nhà độc tài và kêu gọi ông ta hãy «ra đi».

Chính bộ tộc này đã từng bị Kadhafi trừng phạt, thủ tiêu hàng trăm thành viên sau cuộc đảo chính hụt năm 1993. Theo giới phân tích, phong trào phản kháng của dân chúng theo gương Cách mạng Hoa lài tạo thời cơ cho các kẻ thù tiềm tàng của Kadhafi phục hận. Cuộc nổi dậy đầu tiên tại Baida ở miền Đông Libya làm người ta nhớ lại: nơi đây là thành trì của đế chế Senoussi, mà vị vua cuối cùng bị Trung úy Kadhafi lật đổ vào năm 1969, lúc ông ta đi trị bệnh tại Thổ Nhĩ Kỳ.

«Bỏ chạy hay chia đôi đất nước»

Theo giới phân tích quốc tế như Dana Moss của Washington Institut và Louis Martinez, thuộc Trung tâm chính trị quốc tế Pháp CIRI, thì số phận của chế độ độc tài trá hình, dưới tên gọi «nhà nước nhân dân» đã lung lay tận gốc.

Phong trào nổi dậy ở phía Đông đòi ly khai trong bối cảnh Kadhafi, do bản năng sinh tồn sẽ bỏ khu dầu khí phía Đông để tập trung sức lực tạo một vòng đai an toàn chung quanh Tripoli và Syrte, bảo vệ vùng dầu khí phía Tây. Như vậy, cả hai bên đều kiểm soát được một vùng dầu khí, trừ phi những người thân cận nhất của Kadhafi thẩm định thấy tình thế không thể đảo ngược, và ép ông ta phải ra đi như Ben Ali và Mubarak.

TA

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn