Thư giãn Chủ nhật: Hai bài viết về cùng một biểu hiện “Đồng khí tương cầu”

1. Bắc Kinh e ngại dân chúng tập hợp vào ngày Chủ nhật

Tú Anh

clip_image001

Công an tăng cường tuần hành tại Bắc Kinh ngày 26/2/2011 (AFP)

Hôm nay 26/02/2011, công an Trung Quốc gởi giấy mời hoặc gọi điện thoại yêu cầu giới phóng viên nước ngoài "tuân thủ luật lệ". Trong bối cảnh người dân Trung Quốc được thông điệp trên mạng Internet kêu gọi tập họp vào ngày 27/2, chính quyền Bắc Kinh lo ngại trước ảnh hưởng của cách mạng Hoa lài.

Theo hãng tin AFP, cũng như nhiều đồng nghiệp khác tại Bắc Kinh, hãng thông tấn Pháp đã nhận được điện thoại của Sở Công an thủ đô. An ninh Trung Quốc nhắc lại yêu cầu mỗi lần phỏng vấn ai, phóng viên nước ngoài phải xin phép người được phỏng vấn và phải mang thẻ nhà báo.

Báo chí nhà nước cũng công bố trong bản tin hôm qua nhắc lại quy luật này của bộ Công an: «nhà báo phải nộp đơn xin phép trước khi thực hiện phỏng vấn» nhưng bản tin không nói là phải nộp đơn xin phép ai? Chính quyền Trung Quốc tỏ ra rất căng thẳng trước viễn ảnh dân chúng sẽ tập trung biểu tình tại các điểm hẹn đặc biệt là ở 13 thành phố lớn vào Chủ nhật (ngày 27/2/2011) theo lời kêu gọi trên mạng.

Tại Bắc Kinh, một trong 13 thành phố có liên quan, mạng boxun.com kêu gọi tập họp trước quán ăn Mỹ Mc Donald. Hôm nay trước cửa địa điểm này xuất hiện một hàng cây cọ và hàng rào công trường chặn lối vào. Trên các mạng xã hội, lời kêu gọi tập họp nhấn mạnh đến tinh thần cách mạng Hoa lài lật đổ chế độ Ben Ali.

Thông điệp mời gọi người dân Trung Quốc «từng cá nhân tham gia đi dạo, quan sát và làm ra vẻ mình là khách bộ hành. Chỉ cần đi tới điểm hẹn thôi là đủ làm chính quyền run sợ». Hiện chưa rõ nguồn gốc của các nhóm chủ xướng nhưng theo lời kêu gọi trên mạng thì mục tiêu của chiến dịch Hoa lài này là thúc giục chính quyền Trung Quốc minh bạch trong cách điều hành và tôn trọng tự do ngôn luận.

Theo Trung tâm Thông tin và Nhân quyền đặt tại Hồng Kông, cuộc tập họp hôm Chủ nhật tuần trước (20/2/2011) đã bị lực lượng công an đông đảo ngăn chặn và sau đó nhiều nhà tranh đấu đã bị cảnh sát truy nã vì đã loan tải lời kêu gọi.

TA

Nguồn: Viet.rfi.fr

2. Trung Quốc không ngờ bị vạ lây do Libya đầy bất trắc

Trọng Thành / Tú Anh

clip_image002

Nhóm người lao động Trung Quốc đầu tiên hồi hương từ Libya (AFP)

Trung Quốc là một trong những nước bị vạ lây trong cuộc cách mạng tại Libya. Vào lúc ngành an ninh đề phòng ảnh hưởng "cách mạng Hoa lài" lan sang lãnh thổ Trung Quốc, thì đài truyền hình Nhà nước tường thuật rộng rãi với phỏng vấn và hình ảnh của hàng ngàn lao động xuất khẩu từ Libya khẩn cấp hồi hương.

Tập đoàn dầu khí Nhà nước Trung Quốc CNPC cho biết nhiều cơ sở của họ tại Libya bị tấn công. Ban Giám đốc không cho biết chi tiết và thiệt hại nhưng đây là lần đầu tiên các tập đoàn Trung Quốc đầu tư tại Châu Phi nếm mùi "rủi ro chính trị", bỏ của chạy lấy mình. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde phân tích :

"Trung Quốc đầu tư, Trung Quốc trợ giúp cho phát triển, nhưng Bắc Kinh không dính dáng đến chính trị của các nước sở tại. Cho đến trước cuộc khủng hoảng Libya hiện nay, đây là nguyên tắc được các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc tuyên bố mỗi khi họ công du châu Phi.

Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Giới doanh nghiệp sẽ phải có những phản ứng mạnh. Theo một chuyên gia kinh tế Trung Quốc, thuộc Đại học Bắc Kinh, từ trước đến giờ các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ quan tâm đến những bất trắc về mặt thương mại, như khả năng trả nợ của các đối tác, mà không chú ý đến các bất trắc về chính trị.

Các công trường bị đánh cắp, xe cộ bị đốt cháy, những địa điểm khai thác dầu bị tấn công … Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, khoảng 30 địa điểm và doanh nghiệp của Trung Quốc tại Libya đã bị cướp phá. Theo kênh truyền hình chính thức của Trung Quốc CCTV, có ít nhất 30.000 kiều dân Trung Quốc làm việc tại Libya. Phần lớn người Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực dầu mỏ, thông tin, đường sắt, nhất là trên tuyến đường Bắc-Nam nối liền Địa Trung Hải với vùng sa mạc của nước này.

Cũng theo giảng viên kinh tế Trung Quốc kể trên, Châu Phi có một lịch sử lâu đời và sẽ tiếp tục là một thị trường đầy hứa hẹn. Điều đó cũng có nghĩa là, các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào đó, đồng thời phải xem xét đầy đủ các mối rủi ro bất trắc trên mọi phương diện.

Năm 2009, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Châu Phi. Trao đổi thương mại giữa hai chính quyền Tripoli và Bắc Kinh đã đạt đến 4,8 tỷ euro vào năm ngoái, và lượng dầu mỏ nhập từ Libya chiếm 3% dầu nhập khẩu của Trung Quốc".

TT – TA

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn