Xây đập Xayabury trên dòng Mekong: “Án tử” cho đồng bằng sông Cửu Long?

Hương Giang

clip_image001

 

Hiện mặn đã xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long, nếu xây đập Xayabury mặn càng xâm nhập sâu hơn. Trong ảnh: kiểm tra độ mặn tại cống Vàm Rồng (xã Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tiền Giang) - Ảnh: M.Thuận

 

TT - “Nói đến vấn đề đáng lo lắng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long là thiếu nước chứ không phải lũ lụt hay ô nhiễm” - Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Thái Lai nói như vậy trong cuộc họp tham vấn quốc gia tại Hạ Long ngày 22-2 về dự án công trình thủy điện Xayabury của Lào.

Các chuyên gia có mặt đều lo ngại cho sự sống còn của vựa lúa lớn nhất Việt Nam nếu đập Xayabury và các con đập khác được xây dựng trên dòng chính sông Mekong. Cuối buổi họp, các ý kiến đều nhất trí đề xuất Lào nên kéo dài thời gian tham vấn và cần trì hoãn việc xây dựng con đập này.

Việt Nam lợi ít thiệt nhiều

Ông Trương Hồng Tiến, chuyên viên văn phòng thường trực của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho biết: theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, nếu toàn bộ 12 dự án thủy điện trên dòng chính Mekong thành hiện thực sẽ chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu điện của các nước trong khu vực và 5% tổng sản lượng điện cho Việt Nam (khi mua lại), đồng thời 50% lượng phù sa sẽ bị giữ lại bởi các hồ thủy điện của Trung Quốc, 25% bị giữ lại bởi các con đập hạ lưu sông Mekong. Việt Nam và Campuchia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về mức độ giảm độ dinh dưỡng đất, riêng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm từ khoảng 26 triệu tấn/năm còn 7 triệu tấn/năm. “Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam” - ông Tiến nói.

 

Thông tin về đập Xayabury

Con đập này khi được xây dựng sẽ có chiều dài 820m, cao 32,6m, diện tích ngập 49km2 và khả năng xả lũ thiết kế là 47.500m3/giây. Chủ đầu tư là Công ty TNHH SEAN & Ch. Karnchang Public của Thái Lan, bên mua điện chủ yếu là Thái Lan (90% sản lượng) và một phần cung cấp nhu cầu điện của Lào. Nếu được khởi công theo đúng kế hoạch vào tháng 4 năm nay, đập Xayabury sẽ được vận hành từ năm 2019.

Theo báo cáo đánh giá chiến lược môi trường do các chuyên gia quốc tế độc lập thực hiện, Lào sẽ là quốc gia có lợi nhất khi các công trình này được xây dựng. Dự kiến mỗi năm các công trình thủy điện sẽ mang lại 3-4 tỉ USD/năm, trong đó 70% cho Lào, Campuchia và Thái Lan chiếm khoảng 11%, Việt Nam chỉ thu được 5% lợi nhuận nếu tham gia đầu tư.

Chủ trì cuộc họp tham vấn tại Hạ Long, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định việc khai thác tài nguyên nước có tác động đến toàn bộ cộng đồng sinh sống ven dòng sông. “Các nhà đầu tư nói đập thủy điện chỉ sử dụng nước và sau đó là trả lại nước cho dòng sông nên không có tác hại, nhưng trên thực tế điều đó làm thay đổi chế độ dòng chảy sâu sắc” - ông Lai nói.

Ông Trần Văn Tuấn, cán bộ Ban thư ký Ủy hội sông Mekong tại văn phòng Phnom Penh (Campuchia), cũng nhận định: “Nếu xây các con đập trên dòng chính sẽ làm giảm năng lực tích nước của hồ chứa, giảm lượng phù sa, thay đổi phức tạp các vùng có phù sa, đất bồi và gây thoái hóa vùng nước, chắc chắn sản lượng cá sông Mekong sẽ bị ảnh hưởng”.

Nên trì hoãn việc xây đập Xayabury

Ông Nguyễn Thái Lai và nhiều chuyên gia tại cuộc họp đều nhất trí việc đánh giá tác động từ đập Xayabury phải được đặt vào bối cảnh chung của toàn bộ 12 công trình. “Tác động lũy tích rất quan trọng. Tác động về thiếu nước và bồi đắp phù sa cho đồng bằng sông Cửu Long là trầm trọng. Thử tưởng tượng đồng bằng sông Cửu Long không được bù đắp phù sa, không có lũ thì sẽ thế nào? Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề ở tầm nhìn 100-200 năm. Cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học nhìn chung đều cho rằng không nên xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính” - ông Lai nói.

Cũng lo ngại về đập Xayabury, bà Ngụy Thị Khanh - điều phối viên Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng con đập sẽ gây ra những mất mát to lớn không thể phục hồi hay bù đắp được với đồng bằng sông Cửu Long. Bà Khanh khẳng định các nghiên cứu quốc tế đều chỉ ra các loài cá di cư nước ngọt không thể vượt bậc thang cao 32m như của đập Xayabury.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch - điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nêu vấn đề cần trì hoãn việc xây đập để các nước liên quan thảo luận cơ chế chia sẻ lợi ích cụ thể. “Có thể đề nghị Việt Nam tham gia quá trình vận hành đập Xayabury” - ông Công nói. Ông Nguyễn Đức Tú, phụ trách chương trình nước và đất ngập nước của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam, cho rằng quá trình tham vấn cần diễn ra chậm hơn để các bên có đủ thông tin đưa ra quan điểm cuối cùng.

Ông Huỳnh Tiến Dũng, đại diện Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam, đặt vấn đề việc phát triển các đập thủy điện như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, sinh kế của người dân Việt Nam nói riêng. Do đó cần phải có đánh giá cụ thể về nguồn lợi mà Lào thu được từ việc xây đập có bù đắp được các mất mát gây ra không.

H. G.

Khai thác cạn kiệt sông Mekong

Hội nghị hôm nay thảo luận về đập Xayabury, có điểm khó khăn là chúng ta đứng trước thế bị động. Đến nay, các đập ở thượng nguồn sông Mekong ở phía Trung Quốc đã xây xong, ở sông nhánh của Thái Lan đã xong, ở sông nhánh Việt Nam và Lào cũng gần xong. Điều đặt ra cho khu vực trung lưu và hạ lưu của dòng chính là sự đã rồi. Đến bây giờ, theo báo cáo của Ủy hội sông Mekong, dòng chính thượng nguồn cộng với các sông nhánh là nơi điều tiết dòng chảy, với dung tích 40-50 tỉ m3, còn lũy tích của mọi dung tích có ích của trung lưu và hạ lưu là 5 tỉ m3 nước, tức là tác động điều tiết dòng chảy đã xảy ra rồi. Bây giờ chúng ta ở thế là thảo luận về cái gọi là “giọt nước tràn ly” - hành động khai thác cùng kiệt Mekong.

Bà Đỗ Hồng Phấn (Chủ tịch Hội đồng quản lý tài nguyên nước,
Trung tâm Hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước)

Gây nhiều tác hại

Xayabury là con đập dâng đầu tiên trong số 12 con đập dự kiến hình thành trên dòng chính thuộc đoạn trung lưu sông Mekong. Sự kiện này đang gây chú ý trong dư luận, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức xã hội và cộng đồng cư dân sống dọc hạ lưu dòng chảy. Bên cạnh lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư Thái Lan và Lào từ nguồn bán điện, sự vận hành con đập sẽ tạo các tác động tiêu cực làm thay đổi tính chất dòng chảy trên sông, ảnh hưởng đến sự di cư và tồn tại nhiều loài cá nước ngọt sông Mekong. Nhiều cư dân lân cận đập nước sẽ bị mất đất và phải di dời, các hệ canh tác và hệ sinh thái đất ngập nước - cả vùng nước ngọt và vùng nước mặn. Đập nước sẽ làm giảm nguồn phù sa quý giá cho các cánh đồng, quá trình xói mòn hai bên bờ sông phía dưới sẽ gia tăng, đồng thời với việc xâm nhập mặn sâu hơn ở vùng ven biển. Nhiều cánh rừng ngập nước theo mùa và vùng rừng sát ngập mặn ven biển bị thu hẹp. Hệ lụy này có thể liên quan đến hơn 40 triệu người dân, đặc biệt là ở hạ lưu vùng đồng bằng Campuchia và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

TS Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ)
D.T.H. ghi

Nguồn: Tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn