Yêu sách mập mờ của Trung Quốc làm vấn đề Biển Đông khó giải quyết

Trọng Nghĩa

clip_image001

Trên một hòn đảo tại khu vực Trường Sa. REUTERS/Stringer

Đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc thể hiện trên tấm bản đồ hình chữ U đã bị nhiều người coi là vô lý, thế nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục phô trương. Cộng thêm với tính chất mơ hồ, các yêu sách này càng làm cho vấn đề Biển Đông khó giải quyết.

Trong thời gian gần đây, hồ sơ Biển Đông lại nổi cộm trở lại trong quan hệ Việt Trung. Ngày 26/01/2011, Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc cung cấp cho quốc tế tấm bản đồ bị gọi nôm na là «đường lưỡi bò», vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Hà Nội đã có phản ứng như trên sau khi Cục Đo đạc Bản đồ Quốc gia Trung Quốc, ngày 18/01, đã khai trương dịch vụ bản đồ trực tuyến «Map World», trong đó có việc cung cấp bản đồ thể hiện đường yêu sách 9 đoạn, gộp toàn bộ vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào chủ quyền của Trung Quốc.

Như thông lệ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, đã lên tiếng tố cáo hành động của Trung Quốc là đã «vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và của các nước ven Biển Đông». Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc là phải xóa bỏ ngay lập tức những điều được Việt Nam coi là «những nội dung sai trái» trong bản đồ.

Điều đáng ghi nhận là Bắc Kinh đã khai trương dịch vụ trực tuyến Map World đó chỉ vài ngày trước lúc các Ngoại trưởng của Trung Quốc và ASEAN gặp nhau ngày 25/01 tại Côn Minh (Trung Quốc), và trong bối cảnh hai bên đang tìm cách thúc đẩy việc thực thi bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, ký kết năm 2002, nhưng vẫn không được thực hiện.

Hành động của Trung Quốc quảng bá trên thế giới yêu sách chủ quyền đơn phương của họ tại khu vực Biển Đông như dự báo trước thất bại của các cuộc thương thảo. Theo các nguồn tin báo chí sau đó, thì các cuộc tiếp xúc đó vẫn không mang lại kết quả gì cụ thể trong mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng bản DOC. Một nhà ngoại giao ASEAN còn phát biểu bi quan rằng: «Thương thuyết về bản hướng dẫn thực hiện DOC sẽ bị bế tắc trong nhiều năm nữa».

Phải nói rằng từ ngày Trung Quốc chính thức công khai hóa tấm bản đồ hình chữ U bằng cách gởi tài liệu này đến Liên Hiệp Quốc, tự nhận chủ quyền trên khoảng 80% diện tích của Biển Đông, sự kiện này đã làm dấy lên những lời chỉ trích, không chỉ từ phía các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippines… có tranh chấp với Trung Quốc tại vùng biển này, mà cả từ phía những quốc gia ngoại cuộc hay từ giới nghiên cứu, học giả khắp nơi.

Đòi hỏi chủ quyền rộng khắp đó đã bị rất nhiều người, nhiều nước coi là vô lý, không một chút cơ sở pháp lý nào, thế nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục phô trương, như muốn đặt cả thế giới vào một tình trạng đã rồi. Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng không ngần ngại dùng sức mạnh để ép buộc các nước khác tôn trọng yêu sách đơn phương của họ. Nạn nhân bị Trung Quốc thúc ép nhiều nhất chính là Việt Nam, nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên cả hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Yêu sách của Trung Quốc rất mập mờ, gây khó khăn cho những ai muốn đàm phán

Đối với giới nghiên cứu về Biển Đông, do các đòi hỏi chủ quyền đối nghịch nhau trong khu vực, việc giải quyết vấn đề này có thể xem là một điều bất khả, không chỉ vì Trung Quốc là nước hùng mạnh nhất trong vùng, không che giấu tham vọng thâu tóm toàn bộ khu vực, mà còn do việc các yêu sách của Trung Quốc rất mập mờ, gây khó khăn cho những ai có thực tâm muốn đàm phán.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tấm bản đồ 9 đường gián đoạn, giáo sư Ramses Amer thuộc trường Đại học Stockholm (Thụy Điển), đã ghi nhận tính chất mập mờ trong các yêu sách của Bắc Kinh, thể hiện trong tấm bản đồ mà họ đã chính thức hóa lần đầu tiên trong công hàm gởi Ủy ban Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng ngày 07/05/2009, nhằm phản bác các đề nghị của Việt Nam và Malaysia.

Tấm bản đồ này đã có từ lâu, do Quốc dân Đảng Trung Quốc làm ra từ năm 1947. Nhưng do việc Trung Quốc đã gởi tấm bản đồ này đến Liên Hiệp Quốc vào tháng 5 năm 2009 (để bác bỏ những đề nghị của Việt Nam và Malaysia) cho nên tấm bản đồ đã được một số người coi là bản đồ «chính thức».

Hệ quả mà Trung Quốc hoàn toàn không hề muốn là do hành động của chính họ, hồ sơ Biển Đông đã được quốc tế hóa. Trước đó, bản thân tấm bản đồ đã tồn tại, nhưng nó không gắn với bất kỳ một văn kiện chính thức nào mà Bắc Kinh đã công bố trong hai thập niên 1990 và 2000.

Bản đồ này làm dấy lên một số vấn đề. Ai cũng biết là Bắc Kinh đòi chủ quyền trên các hòn đảo trong khu vực, tức là trên các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo nhỏ khác… Điều không rõ ràng là không ai biết được Trung Quốc đòi hỏi gì thêm.

Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã lao vào xem xét tính chất pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, không phải là chủ quyền trên các đảo mà ai cũng rõ, mà là chủ quyền rộng khắp nêu lên trong tấm bản đồ với các đường gián đoạn đó.

Và như vậy trong tất cả các cuộc hội thảo, hễ thấy một nhà nghiên cứu Trung Quốc nào là người ta liền hỏi ngay là nội dung các đòi hỏi của Bắc Kinh là gì. Và các học giả Trung Quốc đã lâm vào tình trạng là không thể nào làm sáng tỏ được các đòi hỏi chủ quyền chứa đựng trong tấm bản đồ đó.

Bởi vì chính Nhà nước Trung Quốc cũng đã không làm rõ vấn đề, họ không nói rõ trong bản thông tri họ gởi đến Liên Hiệp Quốc là họ muốn cụ thể những gì ngoài các hòn đảo. Tôi nhắc lại là ngay cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng không thể giải thích rõ ràng các đòi hỏi của nước họ là gì. Phải chăng đó là thềm lục địa, khu đặc quyền kinh tế, nói chung ý nghĩa chính xác của chín đường gián đoạn đó là gì, chẳng ai biết rõ.

Chỉ có Trung Quốc là còn thiếu minh bạch về yêu sách

Đối với giáo sư Amer, chỉ có Trung Quốc là còn thiếu minh bạch về các yêu sách của họ, trong lúc các nước khác có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều đã ít nhiều cho biết rõ là mình muốn gì.

Sự mập mờ không rõ ràng đó đã trở thành một vấn đề đối với Trung Quốc vì các nước khác có liên can đến Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines, đều ít nhiều làm rõ những đòi hỏi của mình…

Việt Nam hay Malaysia, trong đề xuất về thềm lục địa mở rộng của mình gởi đến Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, đã nói rõ ràng là đề nghị đó không đụng chạm đến các tranh chấp chủ quyền đang tồn tại, có nghĩa là trong trường hợp của Malaysia và Việt Nam, đó là vùng quần đảo Trường Sa.

Theo tôi hiểu thì Malaysia và Việt Nam đã đồng ý áp dụng quy chế hải đảo cho vùng Trường Sa, trong khi mà Trung Quốc vẫn mập mờ trong yêu sách của họ.

Có thể nói là năm 2009 là năm không mấy tốt đẹp cho Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Trong khi các nước khác có tranh chấp trong vùng Trường Sa đã ít nhiều làm rõ các đòi hỏi của họ, điều đó có nghĩa là họ sẵn sàng đàm phán để giải quyết vấn đề, để tìm ra một thỏa hiệp nào đó, ngược lại thì Trung Quốc vẫn không rõ ràng, minh bạch.

Riêng đối với Việt Nam, căn cứ vào các yêu sách mà các đường ranh giữa vùng Trường Sa và bờ biển Việt Nam trên tấm bản đồ của Trung Quốc cho thấy, thì dường như Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền trên cả thềm lục địa lẫn khu vực đặc quyền kinh tế của quần đảo mà họ cho là của họ. Một ví dụ về thái độ này là việc Trung Quốc đã ký những thỏa thuận cho phép khai thác dầu khí trong các khu vực đó, đồng thời lên tiếng phản đối Việt Nam mỗi khi nước này cho khai thác tại các vùng này.

Việt Nam đương nhiên đã xem các đòi hỏi của Trung Quốc là không có cơ sở và từ chối thương thuyết, bởi vì đàm phán có nghĩa là công nhận tính chính đáng của các đòi hỏi từ phía Bắc Kinh.

Hiện trạng vào lúc này là Trung Quốc càng lúc càng bị nhiều áp lực, yêu cầu họ làm rõ các đòi hỏi tại vùng Biển Đông. Theo ý tôi, phía Trung Quốc cũng biết rõ là họ cần phải làm sáng tỏ các đòi hỏi chủ quyền, nhưng vấn đề đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh là làm sao giải thích được điều đó cho dân chúng của họ.

Nhưng dẫu sao thì trong vấn đề các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc là nước ít sẵn sàng nhất trong việc làm rõ các yêu sách của mình.

Theo giáo sư Amer, từ ngày đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ hình chữ U, Trung Quốc đã bớt đưa ra những lập luận lịch sử để bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của họ. Ông ghi nhận.

Lẽ dĩ nhiên là các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đều viện dẫn tài liệu lịch sử. Nhưng dạo sau này, tôi có cảm giác là họ ngày càng ít có tuyên bố dựa trên vấn đề lịch sử. Đúng là họ từng tự nhận là người đầu tiên khám phá ra các hòn đảo đó, nhưng từ khi ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển vào năm 1996, họ có dấu hiệu tránh dùng các lập luận dựa trên lịch sử mà chủ trương dùng các lý lẽ pháp lý nhiều hơn.

Có thể tóm lược quan điểm của Trung Quốc như sau: các khu vực đang tranh chấp là của chúng tôi, vì chúng tôi là người đầu tiên đặt chân đến đó vân vân và vân vân. Nhưng để lý giải các đòi hỏi chủ quyền của họ bên trong các đường cong gián đoạn đó thì họ đã đưa ra, hay nói đúng hơn là tìm cách đưa ra các lập luận pháp lý.

Một trong những thí dụ là trong văn kiện gởi đến Liên Hiệp Quốc vào tháng 5 năm 2009, họ không hề dùng đến các lập luận lịch sử để chứng tỏ chủ quyền của mình.

Vấn đề Biển Đông: Quản lý thì được giải quyết thì không

Sau cùng, giáo sư Amer có nhận định tương đối bi quan về khả năng giải quyết tốt đẹp các tranh chấp ở Biển Đông. Đối với ông, điều tốt nhất mà các bên có thể làm được là sao ngăn không cho xung đột võ trang nổ ra.

Đương nhiên đó là những gì đang diễn ra tại vùng Biển Đông vì tại đấy việc giải quyết tranh chấp không có nhiều tiến bộ. Hiện nay, tại đấy, vấn đề đặt ra chỉ là làm sao tránh không cho xung đột bùng nổ chứ hoàn toàn không phải là giải quyết tranh chấp.

Bởi vì bất đồng giữa các nước có tranh chấp nghiêm trọng đến mức không thể nào mở ra thương thảo về vấn đề phân định ranh giới hay vấn đề chủ quyền, trên cả hai vùng Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Hơn nữa, để có thể đàm phán, thì các nước liên can phải có các yêu sách rõ ràng, phải có chung những nguyên tắc căn bản dựa theo đó mà thương thuyết. Vào lúc này đối với các nước Đông Nam Á, có thể nói là trong một chừng mực nào đó, họ đã đồng ý là có thể thương thuyết trên cơ sở các vùng tranh chấp có quy chế hải đảo.

Ngược lại thì Trung Quốc không rõ ràng gì cả, không ai biết quan điểm của họ ra sao. Ngay từ năm 1996, họ đã vạch ra những đường cơ sở base line chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Điều đó cho thấy là họ sẽ tìm cách đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển chung quanh toàn bộ quần đảo, chứ không chỉ là chung quanh các hòn đảo riêng lẻ, hay những gì mà họ cho là hải đảo.

Tóm lại, để có thể mở ra đàm phán, quan điểm của mỗi bên phải rõ ràng. Đương nhiên các nước có thể nói chuyện với nhau để tránh không cho xung đột bùng lên công khai, điều này có thể làm được, nhưng giải quyết vấn đề chủ quyền vào lúc này thì không. Tôi cho là khả năng đó không thực tế.

Đối với tôi, tình hình hiện nay chỉ cho php ta quản lý chứ không phải là giải quyết. Quản lý trở thành rất quan trọng vì cần phải tránh những hành động như những gì đang xảy ra vào lúc này. Đặc biệt là giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần phải có nhiều cuộc thảo luận hơn để tránh các vụ khủng hoảng.

Phân tích của giáo sư Ramses Amer đã từng được ông trình bày trong cuộc Hội Thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ hai, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2010.

T.N

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn