Lan man chuyện cấm xe máy xăng

Nguyễn Thiện Nam

Mấy hôm nay trên báo chí cũng như trên mạng xã hội, khắp nơi đều bàn tán về việc Thủ tướng chỉ thị cho Hà Nội 1/7/2026 phải cấm xe máy chạy xăng tại các khu vực bên trong đường vành đai 1.

Với tư cách là một người chỉ sử dụng xe đạp để di chuyển ở Hà Nội trong 15 năm qua (có cả 2 năm ở Seoul Hàn Quốc 2020 và 2023), tôi thấy rằng quy định này không gây phiền phức gì đến bản thân cá nhân tôi vì tôi không đi cái gì ngoài xe đạp khi đi lại ở Hà Nội này. Tuy nhiên, xét rộng ra, trước hết là về việc Hà Nội đang là thành phố ô nhiễm nhất nhì thế giới và về tắc đường thì cũng trong nhóm 30 thành phố tắc đường nhất thế giới nên tôi hoàn toàn đồng ý với quyết định đó nếu như việc “cấm” này là có lộ trình và được chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, đường, vỉa hè, trạm sạc pin xe điện, giao thông công cộng đủ phục vụ nhu cầu của người dân với chất lượng tốt, đẩy nhanh được việc làm các đường tàu điện cùng với chính sách hỗ trợ bỏ xe máy xăng (số tiền được nhận khi nộp xe máy ???). Đồng thời câu hỏi của tôi là tại sao chỉ cấm xe máy chạy xăng mà không cấm ô tô chạy xăng? Vì ai cũng biết: xe nào chiếm dụng mặt đường nhiều hơn, xe nào tiêu tốn xăng hơn, xả thải nhiều hơn).

Ở Trung Quốc, việc cấm xe máy được tiến hành chặt chẽ, có lộ trình rõ ràng, ví dụ Quảng Châu là báo trước trong khoảng 9 năm. Tất nhiên ở Việt Nam có thể rút ngắn hơn, nhưng không thể không có chuẩn bị chu đáo, không thể không có một lộ trình từng bước, ví dụ như trước hết cấm những xe máy, ô tô quá cũ, và kết hợp các giải pháp khác...

Dưới đây là một vài điều tôi muốn nói cụ thể hơn.

1. ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN XE BUÝT ĐIỆN

Việc đầu tiên là phải ưu tiên phát triển xe buýt điện công cộng. Phải làm thật tốt việc này. Tôi nghĩ việc này Hà Nội nên giao cho Vinbus phủ kín Hà Nội. Bỏ hoàn toàn xe buýt xăng. Đây là việc phải làm đầu tiên, ngay và luôn! Người dân đi xe buýt cần có sự phục vụ tốt. Hiện nay Tổng Công ty xe buýt Hà Nội đã thay xe buýt xăng bằng xe buýt điện ở một số tuyến ví dụ như tuyến 34 nhưng vẫn không thay đổi phong cách phục vụ. Mỗi xe buýt nhà nước vẫn có 2 “ông trời con” chứ không phải là hai con người phục vụ có thái độ lịch sự như công ty buýt điện Vinbus. Các công ty tư nhân khác đều có thể đấu thầu dịch vụ xe buýt điện nhưng phải đảm bảo các tiêu chí phục vụ được như xe điện Vinbus hiện nay. Về xe buýt điện, cũng cần nghiên cứu loại xe buýt bán vé tự động để tiết kiệm nhân lực như ở Nhật Bản và Hàn Quốc…, đã làm hàng chục năm trước. Và cũng cần nghiên cứu việc làm thế nào để người dân xếp hàng lên xe buýt chứ như hiện nay, buýt xăng buýt điện gì đều cứ xe đến là túm tụm chen lên, mấy người thì không sao nhưng mươi người là giống như kiểu chim chóc gà vịt lao vào ăn thóc. Tôi nhớ hồi ông Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng Bộ giao thông, tôi có viết một thư ngỏ gửi ông và báo Vietnamnet đã đổi thành cái tựa đề rất hay là “Bức thư mách nước cho Bộ trưởng…” ( Link bài này ở đây: https://vietnamnet.vn/buc-thu-mach-nuoc-cho-bo-truong... )

2. VỀ VIỆC THAY XE MÁY XĂNG BẰNG GÌ? PHẢI CHĂNG LÀ XE MÁY ĐIỆN?

Hiện nay mỗi nhà đều có 2-3-4… xe máy, và đó là sinh kế của mấy triệu người thu nhập thấp và người không giàu ở Hà Nội. Vì vậy Hà Nội và tpHCM cần có gói hỗ trợ người nộp xe máy xăng. Tốt nhất là tiền đủ để người dân chuyển đổi sang phương tiện không chạy xăng. Cũng có thể là trực tiếp đổi xe máy xăng bằng xe máy điện nhưng người dân không phải bỏ tiền hoặc nhiều tiền.

Kinh nghiệm bên Trung quốc, họ hỗ trợ thủ tục đơn giản và rẻ với xe máy điện và rất đắt với xe máy xăng, ví dụ ở Thượng Hải để đăng kí biển số một xe máy xăng thì mất 40.000-50.000 USD, gấp 3 lần một chiếc ô tô nhỏ. Như vậy thực chất là Thượng Hải cấm xe máy mà không cần dùng từ “cấm”

SỰ BẤT CẬP CỦA XE MÁY ĐIỆN

Việc sử dụng xe máy điện có tác dụng cải thiện môi trường ở Hà Nội nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và thiếu điện do sạc pin xe điện. Hiện Hà Nội có khoảng 9 triệu xe máy xăng. Hãy hình dung nếu chỉ thay 1 triệu xe máy xăng bằng 1 triệu xe máy điện thì 1 triệu xe máy điện này cùng sạc pin trong đêm ở khu vành đai 1 của Hà Nội thì liệu có đủ điện không? Có sập nguồn không? Và có nguy cơ cháy nổ không? ☹ Ắc quy xe máy điện đã cháy thì không có bình cứu hỏa nào dập được trừ cát ướt trùm lên (như một chương trình của VTV đã phát để hướng dẫn dập lửa khi xe máy điện cháy nổ). Vì vậy nếu có hàng triệu xe máy điện ở Hà Nội cùng sạc pin thì nguy cơ cháy nổ là hiện hữu và nếu không thận trọng về chuyện này thì có thể câu hát của Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trong tráng ca Người Hà Nội lại vang lên nhưng với âm sắc bi thảm: “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.”

Ngoài ra, nguy cơ tai nạn giao thông do xe máy điện cao hơn xe máy xăng vì xe máy điện không có tiếng ồn nên người phía trước không nhận biết được. Ở Trung Quốc hiện nay nhiều thành phố, ví dụ Bắc Kinh (từ 2016) đã cấm xe máy điện do nguyên nhân gây tai nạn quá nhiều. Việc xử lý rác thải pin cũng là vấn đề ảnh hưởng môi trường sau này. Cho nên trước mắt việc thay xe máy xăng bằng xe máy điện có thể giảm ô nhiễm trực tiếp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hiện hữu khác mà thành phố rất cần phải cân nhắc.

3. XE ĐẠP, PHẢI CHĂNG CHỈ LÀ GIẤC MƠ?

Ngày xưa, Hà Nội từng là thành phố của xe đạp khi chưa có xe máy và không có ô tô cá nhân. Nhưng dần dần, xe máy tăng lên rồi ô tô choán hết đường nữa, xe đạp giảm hẳn rồi không được để ý nữa. Làn đường dành cho xe thô sơ một thời có tồn tại, sau cũng biến mất. Số người đi xe đạp xuất hiện nhiều ở Hồ Tây hiện nay hầu hết không phải là đạp xe đi làm mà chỉ là đi thể dục. Chỉ còn chừng non một nghìn cô đồng nát là vẫn lặng lẽ chung thủy với những chiếc xe đạp cà tàng.

Một thành phố vì hòa bình, một thành phố văn minh phải là một thành phố có giao thông xanh và phải có làn đường giành cho xe đạp. Rất tiếc là trong quy hoạch giao thông Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 không hề có bóng dáng xe đạp. Đây là điều mà các vị lãnh đạo Hà Nội cần phải thay đổi ngay. Xin lấy một ví dụ cụ thể về chuyện này: hiện trong tất cả các cây cầu qua sông Hồng ở Hà Nội chỉ có cầu Long Biên là xe đạp được phép qua lại. Ví dụ tôi đang ở vùng bến xe Nước Ngầm gần cầu Thanh Trì, muốn đi xe đạp sang Ecopark, về luật thì phải đạp lên Trần Nhật Duật để qua cầu Long Biên rồi đạp vòng về Ecopark, rất là vô lý.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ

Hiện nay các nước ở châu Âu như Pháp, Anh, Hà Lan… đều có chính sách khuyến khích xe đạp. Số km các làn đường dành cho xe đạp đang tăng lên nhanh chóng. Người đi xe đạp còn được trợ cấp tiền bằng nhiều hình thức, ví dụ miễn giảm thuế… Ở Hàn Quốc cũng có nhiều làn đường dành cho xe đạp, thậm chí có cả làn đường cho xe đạp từ Seoul đến Pusan. Thông thường ở Hàn Quốc, những phố hẹp thì người đi xe đạp đi lẫn với người đi bộ trên vỉa hè. Những con phố rộng thì người ta để chừng 1,2 m để làm đường cho xe đạp mỗi bên. Những chỗ vỉa hè rộng thì người ta dành 1,2 m cho xe đạp và sơn màu đỏ hoặc màu xanh.

Ở Nhật Bản thì đại bộ phận người đi xe đạp đi trên vỉa hè cùng với người đi bộ vì làn đường dành riêng cho xe đạp ờ Nhật còn rất hạn chế. Người Nhật dùng xe đạp chủ yếu để đi đến nhà ga hoặc di chuyển trong phạm vi gần, nhất là các bà nội trợ. Mặc dù tỉ lệ người đi bộ trong các thành phố lớn ở các nước phát triển phải nhiều gấp hàng chục lần ở Việt Nam nhưng người Nhật vẫn đi xe đạp trên vỉa hè cùng người đi bộ mà không có vấn đề về tai nạn, có lẽ vì xe đạp đi tốc độ chậm và có chuông để người đi bộ tránh khi xe đạp ngang qua.

Ở Singapore người đi xe đạp được đi trên vỉa hè cùng người đi bộ và cả dười lòng đường và nhưng đại bộ phận đi trên vỉa hè. Những chỗ có đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ thì cũng được dử dụng nhiều.

HÀ NỘI THÌ NÊN THẾ NÀO?

Tôi nghĩ rằng, nếu muốn tăng người đi xe đạp ở Hà Nội thì Hà Nội cần có chính sách ưu tiên người đi xe đạp (ví dụ miễn/ giảm thuế cho người đi xe đạp chẳng hạn), không thu phí gửi xe đạp và có đường dành riêng cho xe đạp... Thật ra, đi xe đạp là lựa chọn tốt nhất với những người có đủ sức khỏe để đi xe đạp. Nó có lợi về: giao thông, môi trường, kinh tế và sức khỏe. Điều này không phải bàn cãi. Tôi lấy ví dụ nếu có vài triệu người Hà Nội di chuyển bằng xe đạp thì sau một năm, ngoài những chuyện môi trường, giao thông ra, bệnh viện sẽ giảm tải là một điều chắc chắn. Bản thân tôi đã lâu lắm không phải dắt xe máy vào mua xăng và không có cảm giác tay bẩn và hôi xăng vì phải vặn mở nắp xăng Tất nhiên người đi xe đạp cũng cần có những kiến thức cơ bản về việc đạp xe đi làm, ví dụ nên đi bằng loại xe touring, có chắn bùn, phải có cái đèo hàng, có túi sau để mang theo quần áo mưa, khăn, một vài cái áo lót, áo sơ mi… để khi đến nơi làm việc thì thay. Thời Hà Nội còn là thành phố xe đạp thì không có điều kiện để chuẩn bị như thế này nhưng thời nay thì rất dễ.

HÀ NỘI CÓ THỂ CÓ ĐƯỜNG DÀNH CHO XE ĐẠP ĐƯỢC KHÔNG?

Gần đây Hà Nội cũng thí điểm mở làn đường dành cho xe đạp ở bên bờ sông Tô Lịch dọc đường Láng quãng từ cầu Yên Hòa đến cầu Cống Mọc (khoảng 2,5 km). Dĩ nhiên đường dành cho xe đạp thì quá tốt cho người đi xe đạp, tuy nhiên với chỉ 2,5 km lại bên bờ sông ô nhiễm nên rất ít người sử dụng. Và nếu gọi là thí điểm thì coi như thất bại. Tôi đã quan sát, Hà Nội hoàn toàn có thể tạo được nhiều làn đường dành cho xe đạp. Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc mở đường cho xe đạp và học tập kinh nghiệm châu Âu trong việc khuyến khích người dân sử dụng xe đạp bằng các hỗ trợ kinh tế. Đối với Hà Nội hiện nay, tất cả các vỉa hè cần chỉnh sửa lại cho bằng phẳng, đồng thời mềm hóa chỗ lên xuống để người đi xe đạp có thể đạp từ mặt đường lên ở những chỗ tiếp xúc lên xuống. Những vỉa hè rộng từ 3 m trở lên đều có thể dành ra 1,2 m để làm đường dành cho xe đạp bằng các chất liệu chuyên dụng. Những phố lớn có giải phân cách cứng như Xã Đàn, Nguyễn Trãi, Văn Cao, Liễu Giai, Trần Duy Hưng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Trần Nhật Duật… đều có thể dành ra 1m một bên để làm đường dành cho xe đạp, tuy nhiên đường giành cho xe đạp cần được làm sát giải phân cách cứng thì mới phù hợp và không thể mở sát vỉa hè vì xe buýt vào ra liên tục ở các bến sẽ rất nguy hiểm. Thực ra chỉ cần khoảng 60 phân vì đã có sẵn 50 phân từ bờ đường đến hết vạch sơn trắng.

Trước đây Bộ Công an có một thời gian cho công an khu vực đi lại bằng xe đạp, nhưng thật tiếc sau đó đã bỏ. Ở nhiều nước, cảnh sát khu vực vẫn di chuyển bằng xe đạp. Trước mắt tôi nghĩ lãnh đạo Hà Nội nên chú ý phát triển phương tiện giao thông xe đạp. Tạo một mạng lưới đường, vỉa hè dành cho xe đạp xong thì phát động phong trào đi xe đạp bằng các giải pháp sau: Cấm trẻ em cấp hai cấp 3 đi học bằng xe điện/xe máy xăng. Yêu cầu thanh niên thủ đô di chuyển bằng xe đạp /xe buýt/tàu điện/ Yêu cầu các đảng viên ở độ tuổi làm việc đi làm việc bằng phương tiện công cộng hoặc xe đạp. Hà Nội thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt cho người di chuyển bằng xe đạp, ví dụ hỗ trợ mua xe đạp, miễn thuế cho người đi xe đạp. Miễn phí gửi xe đạp…

4. VÀI Ý NGHĨ KHÁC

- Tôi nghĩ rằng trước mắt Hà Nội nên thí điểm vận động mỗi tháng có một Chủ nhật người Hà Nội không di chuyển bằng xe máy xăng, ô tô xăng cá nhân. Nghĩa là mọi người cố gắng di chuyển bằng xe buýt, tắc xi và xe đạp.

- Tôi cũng nghĩ thêm rằng: Chính quyền Hà Nội có thể góp phần giảm tải giao thông cũng như ô nhiễm bằng cách dùng xe 16 chỗ và xe khách tốt chở cán bộ nhân viên đi làm. Hiện nay các tỉnh mới sáp nhập đang làm như thế này và họ phải dậy từ 4 giờ sáng để lên xe ( cán bộ nhân viên ở Gia Lai chẳng hạn) và họ gọi đó là sự cống hiến

- Điều này thì có thể hơi lãng mạn nhưng mà tôi hay nghĩ đến và tôi muốn nhắc lại: Kêu gọi/bắt buộc các đảng viên (trong độ tuổi đi làm) và đoàn viên thanh niên phải sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe không động cơ. (Thực ra chỉ cần thực hiện điều này thôi thì việc ô nhiễm/tắc đường ở Hà Nội có thể giải quyết trong 1 ngày). Đây là lúc các đ/c Đảng viên phải thực hiện lời thề khi giơ tay kết nạp Đảng.

- Một chuyện nữa là việc đào đường để sửa cống ngầm, dây cáp ngầm diễn rất nhiều nơi nhưng khi trả lại mặt bằng thì không bằng phẳng, hoặc là lồi lên, hoặc là lõm xuống, nhiều chỗ rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Lại còn những nắp hố ga cao hơn hoặc thấp hơn mặt đường nữa. Quá nguy hiểm. Tôi thấy ở Nhật Bản, Hàn Quốc, người ta cũng nhiều khi phải đào đường lên để xử lý công trình ngầm, tuy nhiên khi trả lại mặt bằng, họ đổ lại nhựa bằng phẳng giữa mặt đường cũ và mới. Thậm chí tôi đã nhiều lần đưa chân di qua di lại giữa hai phần đường cũ và mới, không phát hiện ra được chút cảm giác gồ ghề nào. Và họ cũng làm thủ công cùng với máy nhỏ.

THAY LỜI KẾT

Tôi nhớ lại vào khoảng năm 1996-1997, thấy Hà Nội bắt đầu nở rộ việc mua và sử dụng xe máy. Một ông Giám đốc / Phó Giám đốc Sở giao thông Hà Nội hồi đó còn tự hào với truyền thông, với tốc độ này, 2-3 năm nữa HN sẽ đạt mấy trăm nghìn xe máy…, như là một chỉ dấu để tự hào về sự phát triển kinh tế, về việc số lượng xe máy của Hà Nội được tăng lên nhanh chóng. Bản thân tôi lúc đó rất lo lắng trong lòng là sao một Lãnh đạo cấp Sở mà lại có tầm nhìn thô sơ như thế và nếu với tốc độ này thì HN sẽ không có đường mà đi vì xe máy tăng nhanh quá, nhiều quá. Sao HN không tập trung phát triển ô tô buýt và phải nghĩ đến tàu điện. Tôi đem nỗi lo lắng này tâm sự với một ông bạn của tôi là anh Đ. H. Câu trả lời “vỗ mặt” tôi lúc đó là: Tao không ngờ tao lại có một thằng bạn hâm tỷ độ như vậy. Việc của mày với tao là đi dạy tiếng Việt. Người ta có cả một Nhà nước, Chính phủ, một hệ thống những người có chuyên môn chuyên lo việc này nên không khiến mày phải lo. Tôi chưng hửng, nhưng vẫn mang nỗi lo ấy, ấm ức ấy kéo dài và quyết tự mình sẽ không gây ô nhiễm, không gây tắc đường bằng cách đi xe buýt mấy năm rồi vì không chịu nổi thái độ của lái phụ xe mà từ bỏ xe buýt, bất đắc dĩ trở về với xe máy, nhưng rồi từ 2009, tôi bỗng thử đi xen kẽ xe đạp và dần dần thấy xe đạp là lựa chọn sáng suốt nhất của tôi vì vậy hôm nay nhân chuyện tháng này năm sau Hà Nội cấm xe máy xăng mà tôi viết một tút dài như thế này. Xin đa tạ những người đủ kiên nhẫn đọc những dòng lan man này.

Hy vọng với những giải pháp quyết liệt nhưng tỉnh táo và đúng đắn, Hà Nội sẽ mau chóng trở lại là “Hà Nội đẹp sao”, “Hà Nội vui sao”, “ Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu”… và nỗi niềm trong những câu lục bát tôi cảm khái vào một sớm mai đạp xe đi làm cách đây năm bảy năm, sẽ không cần “thôi đành chờ đến kiếp sau” nữa:

Ra đường chỉ một mình ta

Đi làm xe đạp như là …dở hơi

Trước sau toàn thấy bóng người

Ô tô, xe máy rối bời ngổn ngang

Nào đâu phố cũ dịu dàng

Hà Thành xe đạp nhịp nhàng bên nhau

Thôi đành chờ đến kiếp sau

Áo dài em đạp muôn màu thướt tha

Anh mà Thủ tướng em à

Đi làm xe đạp như là Hà Lan.

Kkk

Hà Nội 16/7/2025

Nguồn: FB Nguyễn Thiện Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn