Đã đến lúc cùng hợp tác chống Trung Quốc

Huy Dương (Dương Danh Huy)

Rất vui khi có một người Việt chúng ta có bài viết trên trang báo uy tín về vấn đề hệ trọng của đất nước. Mong có nhiều bà con mình, nhất là ở bên ngoài, đóng góp cho đất nước bằng cách này, để thiên hạ hiểu và có thêm tiếng nói bênh vực kẻ yếu (hèn) nhiều hơn.

Anh Ba Sàm

Philippines đã phải ngừng công việc nghiên cứu ở khu vực bãi Cỏ Rong ngoài khơi đảo Palawan của họ sau khi một tàu khảo sát địa chấn Philippines bị hai tàu tuần tra Trung Quốc đe dọa. Tháng này, những tin tức về việc ấy càng làm nổi bật thêm nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.

clip_image001

Trung Quốc ngày càng quyết liệt theo đuổi yêu sách đòi chủ quyền đối với một phần lớn Biển Đông. Trong khi thái độ quyết liệt đó của họ là điều hoàn toàn đã được dự báo, thì việc những nước nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp (Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam) – vừa không có tiếng nói chung, vừa không có được sức mạnh tập thể – lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề phải tìm cho ra một giải pháp.

Nhất là khi Philippines đã phạm một số sai lầm chiến lược mà tất cả những nước có liên quan đều có thể rút kinh nghiệm từ đó.

Sai lầm thứ nhất diễn ra năm 2004, khi Philippines rời bỏ hàng ngũ với các nước có liên quan khác, và trở thành quốc gia đầu tiên ký một thỏa thuận với Trung Quốc về khảo sát địa chấn chung ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Thỏa thuận này đẩy Việt Nam vào thế không còn lựa chọn nào khác ngoài miễn cưỡng tham gia, đưa đến hậu quả là thỏa thuận ba bên JMSU (Joint Marine Seismie Undertaking, ký kết giữa ba tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, Philippines và Việt Nam nhằm thăm dò tiềm năng dầu khí dưới đáy Biển Đông và một phần quần đảo Trường Sa – ND) vào năm 2005.

JMSU bị phê phán rộng rãi ở Philippines và tới năm 2008 – trong hoàn cảnh tranh cãi nội bộ dâng lên gay gắt – Philippines trở thành nước đầu tiên tuyên bố không gia hạn JMSU. Tuy vậy, bằng việc rời bỏ hàng ngũ vào năm 2004, Philippines đã phá vỡ lập trường thống nhất của khối các nước nhỏ.

Sai lầm thứ hai là vào năm 2009, khi Philippines không nộp hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (United Nations’ Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS), về vấn đề thềm lục địa trên Biển Đông. Việt Nam đã nộp báo cáo riêng về khu vực Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, và báo cáo chung với Malaysia về khu vực Tây Nam quần đảo Trường Sa. Việt Nam và Malaysia đã mời Philippines tham gia nộp báo cáo chung, nhưng Philippines từ chối.

Với việc Trung Quốc đưa ra những yêu sách quá rộng về chủ quyền trên Biển Đông thông qua đường chữ U của họ, và quyền lực cứng cũng như mềm của Trung Quốc ngày càng tăng, các nước nhỏ hơn trong cuộc tranh chấp cần biết sử dụng luật pháp quốc tế một cách phù hợp.

Về các tranh chấp trên biển, có hai bộ luật đặc biệt quan trọng đối với những quốc gia có yêu sách.

Đầu tiên là Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS), theo đó, các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa chỉ có thể xuất phát từ những đặc điểm của đất liền (nghĩa là không phải từ những lập luận kiểu như “có chủ quyền lịch sử”). Là một thành viên tham gia ký UNCLOS, Trung Quốc buộc phải tôn trọng nguyên tắc này.

Điều thứ hai phải xem xét là tập hợp các quy định trong quá khứ của Tòa án Công lý Quốc tế. Các quy định này luôn luôn dành cho những đảo (island) nhỏ như Hoàng Sa và Trường Sa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không đáng kể nếu so với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dành cho những vùng đất có bờ biển dài hơn. Chắc chắn là sẽ không tòa án quốc tế nào cho Hoàng Sa và Trường Sa khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vượt ra ngoài đường trung tuyến giữa những đảo này và các bờ biển quanh đó trên Biển Đông.

Hai bộ luật quốc tế nói trên cho thấy, các nước có yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa phải giới hạn yêu sách chủ quyền trên biển liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, ở vùng biển không vượt quá đường trung tuyến giữa những đảo này và các bờ biển quanh đó trên Biển Đông, và chắc chắn là không vượt quá 12 hải lý kể từ đảo. Bản thân điều này đã có thể được hiểu là đường chín đoạn của Trung Quốc – một yêu sách chủ quyền vươn ra ngoài đường trung tuyến – là bất hợp lý. Thêm vào đó, thực tế là Hoàng Sa và Trường Sa là những vùng lãnh thổ còn đang tranh chấp và do đó, dù thế nào đi nữa, cũng không nhất thiết thuộc về Trung Quốc. Như vậy sẽ có lợi không chỉ cho các nước trong tranh chấp, mà còn cho các bên thứ ba có quyền lợi ở Biển Đông, vì đường chín đoạn của Trung Quốc sẽ bị bác bỏ.

Giá như Philippines tham gia nộp báo cáo chung với Việt Nam và Malaysia, hoặc xúc tiến bộ hồ sơ riêng của họ liên quan đến Biển Đông, thì họ đã góp phần khẳng định việc sử dụng quy chế UNCLOS cho khu vực biển này. Điều đó, đến lượt nó, sẽ góp phần làm nổi bật tính bất hợp lý của đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra, và sẽ củng cố quyền của Philippines ở khu vực bãi Cỏ Rong chẳng hạn. Tiếc thay, Philippines không làm cả hai việc.

Sai lầm thứ ba là quyết định của Philippines phản đối cả hồ sơ của Việt Nam lẫn hồ sơ chung Việt Nam – Malaysia lên CLCS. Trong văn bản phản đối, Philippines nhắc đến việc tranh chấp chủ quyền các vùng đảo, đá…, nhưng bỏ qua một thực tế là hải phận do Trường Sa tạo ra, cấu thành nên vùng biển đang tranh chấp, là không đáng kể.

Hành động của Philippines có lợi cho Trung Quốc theo hai cách.

Thứ nhất, Trung Quốc không còn là nước duy nhất phản đối báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia – lẽ ra Trung Quốc đã có thể bị cô lập khi họ phản đối một báo cáo chung của Việt Nam, Malaysia và Philippines. Thay vì thế, Trung Quốc và Philippines lại là hai nước phản đối Việt Nam và Malaysia.

Thứ hai, hành động của Philippines có nghĩa là Trung Quốc cũng không còn là nước duy nhất bỏ qua thực tế rằng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa do Trường Sa tạo ra không cho phép bất kỳ quốc gia nào đưa ra những yêu sách về chủ quyền trên biển với những ranh giới tùy tiện.

Điều thú vị là, sau đó Indonesia đã đệ trình lên CLCS một giác thư (note verbale) chỉ trích phản đối của Trung Quốc. Giác thư này tuyên bố rằng “những thực thể rất xa hoặc rất nhỏ bé trên Biển Đông không tạo thành vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng”, và do đó, đường chín đoạn của Trung Quốc “rõ ràng thiếu cơ sở pháp lý và tương đương với việc vi phạm hoàn toàn UNCLOS 1982”.

Một việc còn thú vị hơn thế là nếu Trường Sa không có EEZ và thềm lục địa riêng, hay cùng lắm chỉ có rất ít, Philippines sẽ là nước hưởng lợi nhất so với các nước khác, do vùng chồng lấn giữa hải phận do Trường Sa tạo ra và hải phận do đường cơ sở của Philippines tạo ra sẽ được thu hẹp đáng kể nhất. Cũng sẽ không có cơ sở pháp lý để bất kỳ quốc gia nào có yêu sách đối với Trường Sa có thể tranh giành các quyền của Philippines ở khu vực bãi Cỏ Rong.

Vậy cách tốt nhất các nước nhỏ nên làm là gì? Trước hết, Philippines nên tham gia cùng Việt Nam, Malaysia và Indonesia trong việc khẳng định rằng Trường Sa không có EEZ hay thềm lục địa riêng, hoặc cùng lắm chỉ có rất ít. Mặc dù quan điểm đó không làm dịu được tranh chấp Trường Sa, nhưng nó có nghĩa là phần lớn không gian biển ở Biển Đông sẽ không thuộc vào vùng bị tranh chấp, và do đó sẽ thuộc về các nước nhỏ này với tư cách là EEZ và thềm lục địa do các bờ biển và đường cơ sở quần đảo trên Biển Đông tạo ra.

Thứ hai, các nước nhỏ trong tranh chấp nên bắt đầu khai thác lợi thế số đông của họ. Cụ thể, tất cả đều nên ủng hộ quyền của mỗi nước có EEZ và thềm lục địa 200 hải lý do đường bờ biển và đường cơ sở quần đảo trên Biển Đông tạo thành.

Một bước cụ thể họ nên tiến hành là lên tiếng ủng hộ quyền của Philippines ở bãi Cỏ Rong, của Malaysia ở bãi James Shoal, của Indonesia ở Natuna Sea, và của Việt Nam ở bãi Tư Chính (Vanguard Bank) và Nam Côn Sơn. Trong mỗi trường hợp này, tiếng nói của cả năm nước chống lại yêu sách đơn độc của Trung Quốc sẽ khiến họ dễ dàng thuyết phục công luận quốc tế về lợi ích của mình, và góp phần ngăn chặn sự lấn át của Trung Quốc.

Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam không bao giờ được quên rằng đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.

Huy Dương (tức Dương Danh Huy) viết bài về Biển Đông cho một số cơ quan báo chí như BBC và báo điện tử VietNamNet của Việt Nam.

Người dịch: Đan Thanh

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn